Khôn hay dại
(Suy
niệm của Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng, OP)
Chúng
ta đang sống vào những tuần cuối cùng của
năm phụng vụ, vì thế các bài Tin Mừng của
những Chúa Nhật cuối năm, cụ thể như
bài Tin Mừng hôm nay, đều hướng chúng ta về
thời gian tận cùng, về cái chết. Khi nào, lúc nào
sự kiện đó xảy đến? Không ai biết
trước, cho nên, phải khôn ngoan tính toán, để luôn
luôn sẵn sàng. Đó là điều Chúa Giêsu dạy chúng ta
qua dụ ngôn mười cô trinh nữ phù dâu cầm đèn
đi đón chàng rể.
Trước
hết, chúng ta nên biết qua tục lệ của
người Do Thái về vấn đề rước dâu.
Tục lệ Do Thái thường rước dâu về ban
đêm, trước khi rước dâu, hai họ đôi bên
đã có những bữa tiệc linh đình khoản đãi
bà con họ hàng. Rồi một ngày nào đó, đàng trai
chọn một giờ tốt nhất từ sau khi hoàng hôn
xuống, để đến rước cô dâu về. Khi
đi rước, họ thường chọn con
đường xa nhất để đi cho người
ta biết mặt cô dâu, chú rể, và người ta có
thể chúc mừng đôi tân hôn ngay trên đường đi.
Nhóm phù rể mang đuốc soi đường, nhóm phù dâu
cầm đèn soi mặt đôi tân hôn cho thêm lộng
lẫy. Có khi có ban nhạc đi theo giúp vui ca hát lôi kéo
sự chú ý của nhiều người. Tới nhà trai,
mọi người vào dự tiệc cưới.
Trong
dụ ngôn hôm nay, đặc biệt nhấn mạnh
đến những cô phù dâu, đó là mười cô trinh
nữ, đang cùng với cô dâu chờ nhà trai đến
rước dâu về. Có năm cô khôn và năm cô dại.
Chúng ta nên nhớ, đây chỉ là một dụ ngôn mà thôi,
chứ làm gì lại có những cô phù dâu khờ dại
đến thế: quần áo chỉnh tề và trang sức
lộng lẫy, mà lại quên đổ dầu vào đèn,
nhất là đang lúc vui vẻ như vậy mà lại
ngủ mệt làm sao được? và giả như không
có dầu thì đi chung dưới ánh sáng của những
cô bạn khác, chứ ai lại khờ đến nỗi
lúc đó còn đi mua dầu?
Cũng
thế, làm gì có chuyện nhà trai chậm trễ đến
nỗi mãi nửa đêm mới tới? Và khi tới
chẳng lẽ không có tiếng kèn, tiếng hát, tiếng nói
chuyện để làm cho nhà gái biết đã đến
hay sao mà lại phải có tiếng kêu: “Kìa chàng rể
đến, hãy ra đón”, rồi khi đã vào phòng tiệc,
cần gì phải đóng cửa, và chú rể tỏ ra quá
khắc nghiệt đối với các cô phù dâu đi mua
dầu đến trễ? Xin nhớ, đây chỉ là
một dụ ngôn, chứ không có đám cưới nào hay
đám rước dâu nào như thế. Dụ ngôn dựa
vào tục lệ cưới xin để diễn tả
một chân lý hay để dạy một điều gì
đó.
Thực
vậy, ở đây Chúa Giêsu đã dùng một hình ảnh
quen thụôc về cưới xin của quê hương
Ngài để dạy một bài học là phải luôn
sẵn sàng chờ đợi ngày Chúa đến. Trong
một đám cưới, nhân vật chính là cô dâu và chú
rể, nhưng trong dụ ngôn này, Chúa Giêsu lại
đặt trọng tâm về phía các cô phù dâu, bởi vì chàng
rể ở đây là Chúa Giêsu, mười trinh nữ phù dâu
là toàn thể nhân loại.
Dụ
ngôn này trước hết nói đến tất cả
mọi người phải sẵn sàng chờ đón ngày
chung cục của thế giới, ngày cánh chung, ngày tận
thế, ngày Chúa tái giáng để phán xét toàn thể nhân
loại. Ngày nào Chúa trở lại thì không ai biết
được, chỉ cần biết rằng ngày đó
rất bất ngờ. Đàng khác, dụ ngôn này cũng muốn
nhắc tới ngày tận số, ngày chết của
mỗi người, ngày ấy cũng rất bất
ngờ, không ai biết trước được.
Đời con người đã ngắn ngủi, lại có
thể chết bất cứ lúc nào, cho nên, đòi hỏi
mỗi người phải cẩn thận và sẵn sàng.
Nói
rõ hơn, Kinh Thánh và giáo lý dạy cho chúng ta biết: mỗi
người đều có hai kiếp phải sống và
được sống: một đời sống tạm
bợ và một đời sống vĩnh cửu, một
đời sống hiện tại và một đời
sống tương lai, một đời sống hành
hương và một đời sống quê thật,
một đời sống trần gian và một đời
sống thiên đàng hay hỏa ngục. Từ kiếp
sống này qua kiếp sống kia, mỗi người
phải qua sự chết một lần, đó là
điều tất nhiên, vì kiếp sống tạm bợ
ở trần gian chỉ diễn ra một lần. Sự
chết đến với mỗi người
được Kinh Thánh gọi là Chúa đến, và việc
Chúa đến này xảy ra bất ngờ, bí mật,
trừ một vài trường hợp họa hiếm
được Chúa cho biết trước ngày giờ
chết, còn hầu hết đều không hay biết gì
cả. Thiên Chúa muốn giữ bí mật như vậy
để chúng ta luôn sẵn sàng, và do đó cố gắng
sống tốt lành, thánh thiện.
Dụ
ngôn cho chúng ta thấy trong mười cô phù dâu, có năm cô
khôn và năm cô dại. Đó là hình ảnh tượng
trưng cho hai nhóm tín hữu khác nhau: một nhóm những
người khôn ngoan và một nhóm những người
dại. Khôn hay dại là căn cứ vào cách sống
của họ có biết sẵn sàng hay không? có sự nghiệp
đức tin và công phúc hay không? năm cô phù dâu bị
gọi là dại, vì đã không chuẩn bị đủ
dầu, đến giờ chót đi vay mượn và
bị từ chối, nghĩa là ơn cứu độ
của mỗi người là tự mình sắm sửa
lấy cho mình. Mỗi người phải có sự
nghiệp đức tin riêng, sự cứu rỗi là
của riêng mỗi người, không vay mượn
được. Chúng ta không thể nhường lại cho
ai khác và cũng không ai nhường lại cho chúng ta
được. Đàng khác, chúng ta cũng đừng cho
rằng: chỉ cần sắm sửa một ít dầu vào
phút chót là được. Trái lại, phải sắm
sửa cả đời và suốt đời, sự
nghiệp đức tin phải sắm sửa hằng ngày
cho đến chết, vì không ai biết mình chết khi nào.
Chúng
ta đừng bao giờ nghĩ mình còn lâu mới chết:
mình còn trẻ, mình khỏe mạnh, còn lâu mới chết,
vì không thiếu gì trường hợp “lá vàng còn ở trên
cây, lá xanh rụng xuống trời ơi hỡi trời ”,
chẳng hạn trong vụ hỏa hoạn thảm khốc
tại trung tâm thương mại quốc tế tại thành
phố Hồ Chí Minh ngày 29 tháng mười, hơn 50
người đã thiệt mạng, những người
ấy có biết hôm ấy là ngày cuối cùng của mình
không? Quả thực, không ai biết trước về ngày
giờ chết của mình, không ai phỏng định
được tuổi nao mình sẽ từ biệt cõi
đời, đó là quyền phép trong tay Chúa. Vì thế, Chúa
bảo chúng ta phải tỉnh thức và sẵn sàng. Chúng ta
hãy nhớ: đời sống hiện nay, tuy là tạm
bợ, nhưng sẽ quyết định đời
sống mai sau của chúng ta. Chúng ta phải sống thế
nào để đem lại cho mình hạnh phúc ở
đời này và cả hạnh phúc đời sau. “Thiên
đàng hỏa ngục hai quê. Ai khôn thì về ai dại thì
xa”. Được bao nhiêu người khôn biết tìm
về quê thật để hưởng hạnh phúc
vĩnh cửu? Đồng thời cũng biết bao
người dại đến nỗi phải sa hỏa
ngục trầm luân muôn đời? Khôn hay dại là tùy mỗi
người chúng ta.
|