Cốt lõi của Lề Luật
(Suy niệm của Lm Giuse Nguyễn Hữu
An)
Nhóm Pharisiêu liên minh với nhóm Hêrôđê gài
bẫy Chúa Giêsu về vấn đề nộp thuế cho
Cêsarê. Họ đã thất bại.
Nhóm Pharisiêu lại tiếp tục liên kết
với nhóm Xađốc gài bẫy lần nữa: Có bảy
anh em trai cùng lấy một người vợ, ngày tận
thế khi sống lại, người đàn bà đó là
vợ của ai trong bảy anh em?. Họ cũng thất
bại.
Chưa chịu thua. Lần này, như bài Phúc
Âm hôm nay thuật lại, họ chọn ra một
người thông luật để tranh luận với Chúa
Giêsu: Thưa Thầy, trong lề luật giới răn nào
trọng nhất?. Đây là một câu hỏi hóc búa, bởi
vì đạo Do thái có rất nhiều khoản luật mà
luật nào cũng đều quan trọng cả. Luật
Do thái có tất cả 613 điều luật khác nhau, trong
đó có 365 điều luật cấm và 248 luật
phải giữ. Điều răn nào quan trọng nhất?
Sở dĩ họ đặt câu hỏi này với Chúa Giêsu
là vì một phần vì họ không nhất trí
đựơc với nhau, phần vì muốn thử Chúa
Giêsu để mong đặt Người vào thế bí không
thể giải quyết được.
Chúa Giêsu đã trả lời thật
tuyệt vời: Ngươi phải yêu mến Đức
Chúa, Thiên Chúa ngươi hết lòng hết linh hồn
hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn
lớn nhất và là điều răn đứng
đầu. Còn điều răn thứ hai cũng
giống điều răn này là ngươi phải yêu
người thân cận như chính mình.
Như thế trong 613 điều luật,
Chúa Giêsu đã chọn lọc ra hai điều luật quan
trọng nhất là mến Chúa và yêu người từ sách
Đệ Nhị Luật (Đnl 6,5) và sách Lêvi (Lv 19,18).
Người liên kết hai điều đó lại:
mến Chúa thì phải yêu người, yêu người thì
phải mến Chúa. Cả hai điều ấy có thể
tóm lại thành một điều duy nhất là yêu thương.
Yêu thương là cốt lõi của tất cả mọi
khoản luật khác.
Suốt cuộc đời, Chúa Giêsu đã làm
chứng về sự quan trọng của hai luật
đó. Người không chỉ làm chứng bằng lời
giảng dạy mà còn bằng chính cuộc sống và cái
chết của mình.
Yêu Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết
linh hồn. Lòng mến Chúa phải toàn diện, liên quan
đến trái tim, linh hồn và cả khối óc của con
người.Tình yêu ấy phải là động lực thúc
đẩy tất cả mọi hoạt động tinh
thần cũng như thể xác. Chúa Giêsu đã yêu mến
Chúa Cha, luôn sống đẹp lòng Cha, luôn dành thời
giờ cầu nguyện tâm sự với Cha. Chấp
nhận cuộc khổ nạn và cái chết thập giá
bởi lòng yêu mến Cha và yêu thương nhân loại.
Yêu người thân cận như chính mình.
Điều răn này cũng quan trọng ngang với
điều răn thứ nhất về lòng mến Chúa, vì
lòng yêu người phát xuất từ lòng mến Chúa và
cũng cần thiết như lòng mến Chúa vậy.
Đọc Phúc âm, chúng ta thấy Chúa Giêsu thể hiện
lòng yêu mến đối với hết mọi
người.
- Với người ngoại giáo Samaria,
trước đây người Do thái xa lánh khinh khi, nay Chúa
gần gũi trân trọng.
- Với người tội lỗi,
trước đây người Do thái kết án loại
trừ, nay Chúa liên kết tìm về.
- Với người thù địch, trước
đây người Do thái báo oán tiêu diệt, nay Chúa cầu
nguyện làm ơn.
- Với người nghèo, trước
đây người Do thái dửng dưng coi thường,
nay Chúa chăm sóc tôn trọng.
- Với người anh em, trước
đây người Do thái vị kỷ nhỏ nhen, nay Chúa
vị tha quảng đại.
Chúa Giêsu đã sống tình yêu Thiên Chúa và tình
yêu con người thật tuyệt hảo. Người còn
ban thêm điều răn mới: Thầy ban cho anh em
một điều răn mới là anh em hãy yêu thương
nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Yêu
thương nhau như Thầy đã yêu. Yêu Chúa và yêu
người có một động từ chung là yêu.
Đối tượng của động từ yêu này có
vẻ khác biệt nhưng lại không phân biệt. Hai
điều răn ấy tuy hai mà một, giống như
hai trang của cùng một tờ giấy, tuy hai mặt khác
nhau nhưng cũng chỉ là một tờ giấy duy
nhất. Yêu người là yêu Chúa và yêu Chúa là yêu
người. Người Kitô hữu có đức tin
sẽ nhìn thấy Thiên Chúa nơi anh chị em mà mình gặp
gỡ hàng ngày, yêu Chúa nơi họ.
Hai điều răn mến Chúa, yêu
người không thể tách rời nhau.Yêu Thiên Chúa chắc
chắn dẫn đến yêu tha nhân.Tình yêu tha nhân cần
đặt nền trên lòng yêu mến Thiên Chúa. Người
Kitô hữu đi từ nhà thờ ra nơi cuộc sống
rồi từ cuộc sống đi vào nhà thờ. Ngoài
cuộc đời, họ gặp Chúa nơi anh em.Trong nhà
thờ, họ gặp anh em nơi Chúa. Thánh Gioan đã nói:
Nếu ai nói: "Tôi yêu mến Thiên Chúa" mà lại ghét
anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không
yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì
không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy
(1Ga 4,20). Do đó, “Ai yêu mến Thiên Chúa thì cũng phải
yêu thương anh em mình” (Ga 4,21).
Chủ đề Sứ điệp
Truyền Giáo năm 2011 của Đức Thánh Cha Biển
Đức XVI là: “Hãy yêu người lân cận như chính
mình” (Mt 23,39). Khi yêu thương người lân cận là
chúng ta yêu thương Chúa. Yêu thương người lân
cận là thước đo tình yêu của người tín
hữu đối với Chúa. Sứ điệp viết:
“Một trong các mục tiêu của Ngày Thế Giới
Truyền Giáo là … giúp cải thiện cuộc sống cho
những người đang sống trong các quốc gia
nghèo khổ, đói kém, nhất là các trẻ em suy dinh
dưỡng, bệnh tật, thiếu chăm sóc y tế và
giáo dục là những công tác quan trọng nhất. Tất
cả các công việc này đều đi kèm với sứ
vụ truyền giáo của Giáo Hội. Khi loan báo Tin
Mừng, Giáo Hội sống gắn bó với cuộc
sống con người theo nghĩa rộng nhất”.
Sứ điệp Truyền Giáo năm 2014,
Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi: “Niềm vui
của Tin Mừng phát sinh từ việc gặp gỡ
Đức Kitô và việc chia sẻ với người
nghèo. Vì lý do này, tôi khuyến khích các cộng đoàn giáo
xứ, các hội đoàn và các nhóm hãy sống một
đời sống huynh đệ đậm đà,
đặt nền trên tình yêu đối với Đức
Kitô và quan tâm tới các nhu cầu của những
người yếu thế nhất. Ở đâu có niềm
vui, sự phấn khởi và ước muốn đem
Đức Kitô đến với người khác, ở
đấy sẽ phát sinh nhiều ơn gọi đích
thực… loan báo Tin Mừng cho nhân loại cần dựa
trên tình thương.” (Số 4 và 5).
Mẹ Têrêxa Calcutta đã sống lời Chúa
Giêsu dạy: “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu
thương các con” (Ga 15,34). Mẹ Têrêxa đã thực thi
lời Thánh Phaolô: ”Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài
món nợ tương thân tương ái, vì ai yêu
người thì đã chu toàn lề luật. Đã yêu
thương thì không làm hại người đồng
loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy”(Rm
13,8-10).
Mẹ Têrêxa đã sống điều răn
yêu thương cách trọn vẹn. Mẹ nhìn thấy Chúa
trong những người phong cùi. Mẹ gặp Chúa nơi
những người bần cùng khốn khổ. Mẹ yêu
Chúa trong những con người bất hạnh. Mẹ
tận tình chăm sóc họ. Mẹ dạy các nữ tu:
"Con thấy linh mục nâng niu trân trọng Mình Thánh Chúa
trong thánh lễ ra sao thì con hãy làm như thế đối
với người cùng khổ."
Mẹ Têrêxa yêu mến Chúa hịện
diện trong những người nghèo khổ. Mẹ đã
yêu Thiên Chúa trong con người. Tông huấn Giáo hội
tại Á châu dạy: “ Việc công bình, bác ái và thương
xót phải gắn bó mật thiết với đời
sống cầu nguyện và chiêm niệm đích thực, và
thật vậy, chính cũng một tu đức này là
nguồn suối của mọi công trình rao giảng Tin
mừng của chúng ta”. Mẹ Têrêxa là nhà truyền giáo “chiêm
niệm trong hành động”.
Linh đạo truyền giáo của Mẹ
Têrêxa chính là cầu nguyện và yêu thương. Nét
đặc sắc của cuộc đời truyền giáo
Mẹ Têrêxa là niềm vui nội tâm phát xuất từ
đức tin thể hiện qua đời sống yêu thương
phục vụ. Mẹ được Giáo hội phong Chân
Phước. Mẹ là một vị thánh của thời
đại. Mẹ được người đời
xem là vĩ nhân. Mẹ được mọi người
trên thế giới này yêu mến, cả những
người Hồi giáo, Ấn giáo, Cộng sản…
Truyền giáo là nói về Chúa Giêsu cho
người khác nghe; sống như Chúa Giêsu cho người
khác thấy. Truyền giáo là giới thiệu Chúa Giêsu Kitô
cho mọi người bằng chính cuộc sống
phục vụ và yêu thương của chúng ta.
Truyền giáo là nói về Chúa Giêsu cho mọi
người biết bằng chính cuộc sống yêu
thương của mình. Truyền giáo khởi sự
bằng cuộc sống và con tim. Cuộc sống và con tim
đòi hỏi các môn đệ Chúa Kitô sống có tấm lòng
“yêu người lân cận như chính mình”.
Sống linh đạo truyền giáo của
Mẹ Têrêxa là yêu mến Thiên Chúa trong con người, chúng
ta sẽ giới thiệu cho tha nhân Đạo Chúa là
“Đạo những người yêu nhau”, một
Đạo rất đẹp, rất bác ái.
Lạy Chúa Giêsu,
chúng con tạ ơn Chúa đã ban cho nhân loại hai giới
răn quan trọng nhất là yêu Chúa và yêu người.
Xin dạy chúng
con biết sống tâm tình biết ơn về những
hồng ân Chúa ban, xin cho chúng con biết yêu mến và
phụng sự Chúa trong mọi người. Xin dạy chúng
con nhận ra hình ảnh Chúa nơi anh em để chúng con
yêu Chúa và yêu người với tâm hồn bác ái rộng
mở. Amen.
|