Con người
hay Robot? – Lm Giuse Tạ
Duy Tuyền
Trong bài luận
văn về bệnh vô cảm của em Phan Hoàng Yến,
học sinh lớp 9A2 trường trung học Chu Văn An,
Hà Nội, đã gây ấn tượng mạnh trong xã
hội hôm nay. Bài văn được cô giáo cho 9,5 điểm với nhận xét: "Em có
những phát hiện và suy nghĩ sâu sắc về hiện
tượng đáng buồn này. Một người có trái tim nhân hậu, đa cảm và tư duy
sắc sảo như em thật đáng quý."
Bài văn
được viết như sau: “Có được
một xã hội văn minh, hiện đại ngày nay
một phần lớn cũng là do những phát minh vĩ
đại của con người. Một trong số đó
chính là sự sáng chế ra rô-bốt, và càng ngày, rô-bốt càng
được cải tiến cao hơn, tỉ mỉ
hơn làm sao cho thật giống con người để
giúp con người được nhiều hơn trong các
công việc khó nhọc, bộn bề của cuộc
sống.Chỉ lạ một điều: Đó là trong khi
các nhà khoa học đang "vò đầu bứt tóc"
không biết làm sao có thể tạo ra một con chip
"tình cảm" để khiến "những cỗ
máy vô tình" biết yêu, biết ghét, biết thương,
biết giận thì dường như con người
lại đi ngược lại, càng ngày càng vô tình, thờ
ơ với mọi sự xung quanh. Đó chính là căn
bệnh nan y đang hoành hành rộng lớn không những
chỉ dừng lại ở một cá nhân mà đang len
lỏi vào mọi tầng lớp xã hội - bệnh vô
cảm.Nhìn thấy cái xấu, cái ác mà không thấy bất
bình, không căm tức, không phẫn nộ. Nhìn thấy cái
đẹp mà không ngưỡng mộ, không say mê, không thích
thú. Thấy cảnh tượng bi thương lại
thờ ơ, không động lòng chua xót, không rung
động tâm can. Vậy đó còn là con người không
hay chỉ là cái xác khô của một cỗ máy?
Một tháng
trước, tôi đọc được một bài báo
trên mạng có đưa tin về vụ một đứa
bé Trung Quốc hai tuổi bị xe
tải cán.
Thương xót,
đau lòng làm sao khi nhìn cô bé đau đớn nằm trên
vũng máu mà không một người nào qua đường
để ý, cuống cuồng gọi cấp cứu.
Họ nhìn thấy rồi đấy nhưng họ lại
cố tình như không thấy, đi vòng qua cô bé để
tiếp tục con đường nhạt thếch, sáo mòn
của mình. Càng chua xót, đau lòng, phẫn nộ hơn khi
chiếc xe tải tiếp theo nhìn thấy cô bé nằm
đó, vẫn thoi thóp thở, bám víu lấy cuộc
đời lại vô tình chẹt cả bốn bánh xe
nặng trịch đi qua người cô bé, thản nhiên
đi tiếp. Người qua đường vẫn
thế, vẫn bình thản như không có chuyện gì
xảy ra.
Cô bé xấu số chỉ được
cấp cứu khi một người phụ nữ
nhặt rác đi qua, thấy cảm thông, đau lòng nên
đã bế cô đi bệnh viện. Có những con
người ích kỷ, vô tâm, tàn nhẫn như vậy
đấy! Không những thế, bây giờ ra
đường gặp người bị cướp,
bị trấn lột, bị đuổi chém nhưng
lại không thấy anh hùng nào ra can ngăn, cứu giúp hay
chỉ một việc nhỏ nhoi thôi là báo công an. Đó là
những con người "không dại gì" và cũng
chính "nhờ" những người "không dại
gì" đó mà xã hội ngày càng ác độc, hỗn
loạn. Chính lẽ đó mà căn bệnh vô cảm càng
được thể truyền nhiễm,
lây lan.
Quả thực, nếu con
người sống không có tình yêu thì cũng chỉ là
một Robot cô độc lạnh lùng mà thôi. Nhân
loại ngày nay có thể sáng chế ra Robot để làm thay
con người nhưng đáng tiếc Robot thì không có tình
yêu, vì nó chỉ là cái máy không hồn. Phải chăng nó
cũng là phản ảnh lối sống vô cảm không
hồn của con người thời đại hôm nay? Có mọi sự nhưng thiếu tình yêu.
Robot ngày nay có thể đọc
kinh, hát thánh ca nhưng không có tình yêu trong hành động
của mình.
Robot ngày nay có thể đi chợ, quét nhà, ru em nhưng vô cảm với công việc
của mình.
Nói đúng hơn, Robot có thể
nói, có thể làm nhưng vô hồn, vô cảm, lạnh lùng vì
thiếu tình yêu.
Đạo Công Giáo đặt
nền tảng trên tình yêu. Yêu Chúa, yêu người. Yêu
Chúa không dừng lại ở việc máy móc đi lễ hay
đọc kinh nhàn chán mà phải đặt tình yêu của
mình vào hành vi thờ phượng Chúa
hết lòng. Yêu người không dừng
lại ở đầu môi chóp lưỡi mà phải
biết chạnh lòng xót thương trước những
đau thương mà anh chị em mình đang trải qua.
Như thế tình yêu là lẽ sống, là
vẻ đẹp của đời ky-tô
hữu. Không có tình yêu thì mọi hành vi
thờ phượng của người tín hữu chỉ
là Robot. Không có tình yêu thì người ky-tô
không thể sống chứng nhân cho tình yêu của Chúa
giữa dòng đời. Cuộc đời cần
tình yêu như trái đất cần mặt trời
để tạo nên vẻ đẹp của vạn
vật muôn màu. Cuộc đời
thiếu tình yêu như đêm tối lạnh lùng cô liêu.
Cách đây mấy hôm tôi đi thăm một
trại tâm thần. Tôi nghe thấy
họ đang đọc kinh. Họ hát.
Họ đứng yên lặng cả gần
200 con người mặc dù họ bị bệnh tâm
thần. Tôi ngạc nhiên sao họ lại thuộc kinh
đến thế! Nhưng nhìn kỹ tôi
thấy họ vô hồn. Họ đứng đó môi
mấp máy chỉ ú ớ theo lời kinh
của máy ghi âm phát ra mà thôi!
Lời Chúa hôm nay nhấn
mạnh với chúng ta phải mến Chúa trên hết
mọi sự và yêu tha nhân như chính mình. Mến Chúa trên hết mọi sự là đặt
việc thờ phượng Chúa và thi hành ý Chúa trên mọi
giá trị của cuộc sống. Yêu tha
nhân như chính mình là “nếu mình muốn người khác
làm cho mình điều gì thì hãy làm cho họ như vậy”.
Đây là hai mệnh đề trong một giới răn
yêu thương mà Chúa đòi buộc chúng ta phải thi hành.
Vì khi tạo dựng Chúa đã không tạo dựng chúng ta
thành những Robot mà tạo dựng chúng ta có trái tim, có tự do để thăng tiến
về hành vi yêu thương.
Xin
cho chúng ta biết thăng tiến bản thân khi biết
nồng vào những công việc của mình bằng tình yêu
nồng nàn. Một tình yêu với Chúa nồng nàn để có
thể kính mến Chúa trên hết mọi sự.
Một tình yêu với tha nhân thẳm sâu để có thể
chia sẻ, cảm thông với nhau trong mọi vui buồn.
Amen.
|