Cái Đạo
ấy hay thật!!!
(PM. Cao Huy Hoàng – Suy tư nhân ngày Khánh Nhật
Truyền Giáo 2014)
Đêm qua, 16-10,
tôi nhận một email chuyển tiếp, nội dung
được chép lại từ một trang facebook với
tựa đề “Cái Đạo Ấy Hay Thật”. Nội
dung như sau:
“Xin
cầu cho linh hồn Maria mới qua đời. Maria Nguyễn Thị Liên. Sinh năm 1982. Thôn Tân Mỹ, Xã Nghĩa An, Huyện Tư Nghĩa, Tỉnh Quảng
Ngãi. Chiều nay đúng 17h15 ngày 16-10-2014 em đã trút hơi thở
cuối cùng về với Chúa sau hai năm dài đằng
đẳng sống chung với bệnh
tật. Xin mọi người hãy hiệp ý
cầu nguyện cho em.
CÁI ĐẠO ẤY HAY THẬT!!!
“Cái đạo
ấy hay thật!”. Đó là câu nói
của Dì em Liên, bởi gia đình em không có đạo. Liên
sinh ra, được lớn lên trên miền biển
đầy gió, nắng và cát. Gia đình khó khăn, em là con
gái lớn, nên phải xa quê vào thành phố kiếm tiền
phụ bố mẹ lo cho đàn em bốn đứa ở
quê nhà. Em may mắn xin được một chân làm công nhân
trong một xí nghiệp may giầy da xuất khẩu ở
Bình Dương. Tiền lương cũng tạm ổn
đủ lo cho bản thân còn dư chút ít gởi về cho
mẹ. Em chăm chỉ làm việc lại
ngoan hiền nên không mấy lâu đã có người
để ý và rồi hai người ấy đã yêu nhau,
chàng thanh niên có đạo chính dân sài thành lại không chê cô
gái quê đen đúa. Họ yêu nhau đến 7 năm
mới tính đến chuyện kết hôn, vì em ấy
phải đợi các em mình khôn lớn mới dám nghĩ
đến hạnh phúc của mình. Nào ngờ, vừa
học xong giáo lý, chịu phép rửa tội để
chuẩn bị làm lễ đính hôn thì em ấy phát hiện
mình bị bệnh nan y: phải cắt bỏ toàn bộ
tử cung, không thể sinh con được, nhưng chàng
thanh niên ấy và gia đình anh vẫn không thay đổi
việc cưới hỏi…Nhưng rồi, bệnh em
vẫn không qua khỏi. Hai năm điều trị, gia
đình em khó khăn nên em phải phụ thuộc hoàn toàn
vào bạn trai. Mẹ và bà ngoại của người yêu
vẫn luôn đồng hành ủng hộ hai đứa
mặc dù biết em bệnh tật, có chữa khỏi
cũng không thể sinh con…Nhưng mọi cố gắng đều
vô nghĩa, con vi rút đã phá hủy toàn bộ trong cơ
thể em. Em quằn quại đau đớn và trút hơi
thở cuối trên tay người yêu.
Cha chánh xứ Giuse Trương Đình Hiền biết
được, nên cho người đến lo toàn bộ
đám tang cho em, từ cái ly nhang, bàn thờ, đèn cho
đến hòm, đồ tang, liệm…v..v…Mấy
đêm liền trước ngày em mất, giáo xứ lại
đến đọc kinh, mặc dù nhà em ấy cách nhà
thờ cả mười cây số. Thế
nên Dì em ấy và gia đình em ấy mới nói “cái
đạo ấy hay thật”.
Lạy Chúa, xin
thương xót linh hồn Maria mới qua đời, xin
dẫn đưa em về nước trời vĩnh
cửu, nơi chỉ có tiếng cười và niềm
hạnh phúc… và cũng xin cho chúng con luôn ý thức thực
tại trần gian là cõi vô thường để chúng con
học theo gương Chúa sống khiêm nhường, yêu
thương, bác ái như chính gia đình của
người bạn trai em ấy để cho mọi
người xung quanh đều thốt lên rằng: CÁI
ĐẠO ẤY HAY THẬT. Amen.”
Tôi bỗng
nhớ một câu chuyện khác ở Xuân Lộc. Cũng hai
người yêu nhau, chàng là quí tử của một gia
đình hôn nhân dị giáo. Bố chàng là một cán bộ. Mẹ chàng là một Ki-tô hữu đạo dòng,
sốt sắng. Nàng là một
lương dân. Hai người yêu nhau
đã ba năm trời. Và khi họ định
kết hôn với nhau thì chuyện không vui xảy
đến: nàng có dấu hiệu ung thư… Buồn vời
vợi. Mẹ chàng nói với con trai yêu quí: “Đây
chính là lúc mà con phải yêu em nhiều nhất, để
chứng tỏ mình là người có đạo”. Thế là chàng đã lên kế hoạch dắt nhau
khấn xin Mẹ Tapao hằng tháng. Suốt ba năm
viếng Mẹ Tapao, cùng với ba năm chạy thầy
chạy thuốc cho người yêu… cô nàng không còn dấu
hiệu bịnh ung thư nữa vào
lần khám cuối cùng tháng 7 năm 2013. Và
họ đã nên vợ thành chồng trước mặt Chúa
và Giáo Hội vào tháng Mân Côi 2013. Phép lạ của
niềm tin, của tình yêu khởi đầu từ
việc anh dũng làm chứng cho Tình Yêu Thiên Chúa, để
một cán bộ trong nhà mình, một đại gia đình
lương dân nhận ra rằng: “Cái đạo ấy hay
thật”.
Tôi muốn hiểu từ “hay” trong câu nói
của Dì em Liên, và của dân gian, mang nghĩa “tốt”,
“lạ lùng”, “khác thường”. Và câu
chuyện “Cái Đạo Ấy Hay Thật” đến
với tôi trong những ngày chuẩn bị cho ngày “Khánh
Nhật Truyền Giáo” gợi lên cho tôi nhiều niềm vui
nhưng cũng nhiều thao thức.
- Vui, vì vẫn đang có rất nhiều anh
chị em Giáo Dân sống giữa đời thường
đang anh dũng làm chứng về Thiên Chúa bằng
một tình yêu thương “lạ lùng”, “khác thường”,
đến nỗi có thể có một vài lời ra tiếng
vào cho là ngu dại! Thiết nghĩ, Thiên Chúa luôn ủng
hộ cho những ai yêu ngu dại theo
kiểu ấy. Và những ai ủng hộ cho một tình
yêu hết lòng, hết sức, hết mình vì hạnh phúc
của người mình yêu, ấy là những người
đang sống đẹp lòng Thiên Chúa và làm chứng cho
Thiên Chúa trước mắt người đời.
Vui, vì không thiếu những tình cảnh oái
ăm trở nên thách đố nặng nề lớn lao cho người giáo dân trong thời
đại gian dối này, nhưng các tín hữu Chúa vẫn
tin tưởng và vượt qua. Có một
chị ở đâu mới đến đây hơn năm
nay. Chị nghèo khổ, nuôi ba đứa
con dại. Ai thấy cũng
thương. Kẻ ít, người
nhiều giúp vốn cho chị để chị bán bánh xèo
qua ngày. Quán bánh xèo của chị mỗi
ngày mỗi đông khách. Khoảng 3 tháng
trở lại đây, chị có chơi hụi và vay
mượn của nhiều người để thêm
vốn liếng làm ăn. Bất
ngờ, chị biến mất. Nghe
đâu số nợ của chị giựt đi khoảng
hai, ba trăm triệu. Trong số
những người cho chị vay mượn, không ít là
người công giáo. Sau giờ kinh Mân Côi tại nhà
nọ, sẵn câu chuyện chị bánh xèo giựt hụi,
quịt nợ bỏ đi, mấy người đang nói
chuyện với nhau về việc giữ “mười
bốn mối thương người”: biết ai
thực mà thương, biết ai gian mà tránh! Chẳng
biết ai thực, chẳng biết ai gian, nhưng chính mình
phải là người sống thực. Có một bà
già đã cho chị ấy mượn 12 triệu nói:
“Tiền để dành uống thuốc, cho ả
mượn. Hồi cho mượn thì tui nghĩ vì
thương ả, giúp ả làm ăn
nuôi mấy đứa nhỏ. Ngờ đâu… Nhưng
cũng không sao. Đã thương thì thương
cho trót. Biết đâu mà đòi. Chúa cho cái khác”.
“Chúa cho cái khác”. “Cái
đạo ấy hay thật”.
Có người nói vui: “Cho kẻ đói ăn.
Cho kẻ khát uống. Cho kẻ rách
rưới ăn mặc. Viếng
kẻ liệt cùng kẻ tù rạc. Cho
khách đỗ nhờ. Chuộc kẻ
làm tôi. Chôn xác kẻ chết”… may ra, chỉ có chôn xác
kẻ chết là không bị lừa trong thời này thôi.
Có người lại nói: “Chúa bảo cứ
cho”. Chúa không có dặn trước khi cho phải hỏi xem
người ta đói thật hay đói giả, đỗ
nhờ thật hay giả vờ đỗ nhờ
để rồi khuya khoắt cuỗm hết của
cải nhà ta đi mất”.
Thao thức, vì chúng ta đang sống trong
một xã hội nghiêng lún về tiền bạc, vật
chất, dẫn con người ta dần dần
đến chỗ vô cảm, và còn tệ hơn thế
nữa, dẫn đến chỗ tham lam, ác độc, có
thể làm bất cứ chuyện bất nhân bất
nghĩa miễn sao cho mình có lợi, có lộc, có dư
giả, thoải mái, sung sướng.
Thao thức vì, liệu mỗi chúng ta có
đứng vững trước trào lưu duy vật
mỗi ngày mỗi cuốn chúng ta vào chỗ vô cảm
với nhau, cuốn vào tình trạng không còn biết
chạnh lòng xót thương những mảnh đời
nghiệt ngả, hoặc cuốn vào chỗ từ chối
sự hiện diện của Thiên Chúa và Tình Yêu Quan Phòng
của Ngài.
Thao thức vì chúng ta phải lội
ngược dòng chảy của những xu hướng
vật chất để sống “tốt”, sống “khác
thường”, sống “lạ lùng” như Con Thiên Chúa đã
sống và đã yêu, để mọi người có
thể nói “CÁI ĐẠO ẤY HAY THẬT!”.
Lạy Chúa, Tình
Yêu luôn có một tiếng vọng xa ngàn. Xin cho chúng con
biết sống yêu như Chúa đã yêu, để làm
chứng cho mọi người về một Thiên Chúa
Quyền Năng nhưng Giàu Lòng Thương Xót. Amen.
|