Thợ vườn nho
Dụ ngôn những thợ vườn nho
phản loạn thuộc vào loại các dụ ngôn Chúa dùng
để tỏ lộ thân thế của Ngài là
Đấng Thiên Sai. Dụ ngôn này cũng cho thấy sự
cô đơn bi thảm của Chúa Giêsu, khi bị dân Ngài
loại bỏ.
Như thường lệ Chúa Giêsu cấu
tạo dụ ngôn từ các thực tại mà Ngài nghe
thấy trước mắt. Trong xứ Galilêa thời
ấy, những điền chủ bỏ tiền vào
việc trồng nho. Họ giao cho thợ làm vườn nho
trông coi rồi trả lương. Đôi khi họ đi
vắng xa, chẳng hạn như ra nước ngoài, và
để quan lý mùa màng, họ sai những đầy
tớ đến với những người thợ làm
vườn. Theo luật Do Thái, nếu chủ một thửa
đất chết đi mà không có người thừa
kế, thì thửa đất ấy sẽ thuộc về
người nào chiếm ngụ đầu tiên. Điều
này làm cho chúng ta hiểu được lý luận của
các thợ làm vườn nho: Đứa con thừa tự
đây rồi, nào hãy giết nó đi và chúng ta sẽ
chiếm được gia tài của nó. Quả thực,
người con thừa tự mà chết, đất sẽ
thành vô chủ và thuộc quyền những kẻ cư
ngụ.
Qua dụ ngôn này và qua đoạn kế
tiếp với hình ảnh viên đá góc bị thợ xây
loại bỏ, Chúa Giêsu muốn cho chúng ta hiểu rằng:
Chính Ngài là người con bị bọn thợ làm
vườn nho giết đi, chính Ngài là viên đá góc bị
thợ xây loại bỏ.
Một cách quyết liệt, dụ ngôn đã
đưa ra câu hỏi sau đây: Làm sao giới hữu trách
của dân Do Thái lại đi tới chỗ loại bỏ
Đấng thiên sai? Tôi xin thưa vì họ đã buông
thả theo bản năng chiếm hữu của họ.
Chủ vườn nho là Thiên Chúa, thủ lãnh duy nhất
của họ. Thế nhưng tinh thần chiếm hữu
của họ hệ tại việc áp đặt quan
niệm riêng của họ về lề luật. Họ dùng
lề luật để thống trị dân, họ còn có
cao vọng dùng dân tộc của họ để lên ngôi
thống trị thế giới. Các vị tiên tri đã
đến để nhắn nhủ họ, nhưng
tất cả đều bị họ giết chết, và
sau cùng họ đã đi tới chỗ loại bỏ Đấng
Thiên Sai, Con Một của Thiên Chúa. Thay vì phục vụ cho
lề luật và dân chúng thì họ đã chiếm hữu,
coi mình là chủ của lề luật và của dân chúng.
Còn chúng ta thì sao, liệu chúng ta có thoát
khỏi thái độ tự coi là người làm chủ
của Tin Mừng, của chân lý hay không? Làm thế nào
để phục vụ Phúc Âm mà không chiếm hữu? Tôi
xin thưa bằng cách để cho tinh thần Phúc Âm
thấm nhập vài cải tạo chúng ta, chứ chúng ta
không đọc Phúc Âm, rồi sau đó ngồi sắp
xếp Phúc Âm theo ý riêng của chúng ta. Ngày xưa các thầy
thông luật đã lèo lái niềm trông đợi của dân
chúng tới những ước vọng thống trị
trần gian. Ngày nay cũng không thiếu gì những
người muốn lợi dụng Phúc Âm để quảng
cáo cho một hệ thống chính trị hay một quan
niệm xã hội. Chúng ta không có quyền sử dụng và
dùng Phúc Âm vào một mục tiêu nào khác ngoài mục tiêu đi
đến Đức Kitô. Nhiều người muốn
chiếm hữu Phúc Âm để mưu cầu lợi ích
riêng tư, để rồi cuối cùng đã đi
đến chỗ phủ nhận con người
Đức Kitô. Tin Mừng mời gọi chúng ta xây dựng
cuộc sống trên viên đá góc là Đức Kitô,
Đấng chúng ta tìm kiếm và yêu mến, chứ không nên
lèo lái Ngài và Tin Mừng của Ngài vào những ý đồ
riêng tư của mình.
|