Siêng năng
làm việc
(Suy niệm của Lm. Giacôbê Phạm Văn
Phượng)
Bài Tin Mừng là một dụ ngôn và cũng
là một ám ngôn, vì vừa hình dung vừa diễn tả
sự thật, vừa có tính cách lịch sử vừa có
tính cách tiên tri. Vườn nho ám chỉ nước Chúa.
Những người làm vườn nho là giới lãnh
đạo, là những người đứng đầu
trong dân. Các đầy tớ là hàng loạt các ngôn sứ
được Thiên Chúa phái đến đều bị
ngược đãi hoặc giết chết. Trước thái
độ bất nhân bất nghĩa đó, nước Chúa
được chuyển sang cho một quốc gia khác là
Hội Thánh, một dân phổ quát và Công Giáo, sẽ lan tràn
đến tất cả mọi quốc gia.
Chúng ta thấy dụ ngôn vừa có tính cách
lịch sử vừa có tính cách tiên tri, nghĩa là một
đàng diễn tả những biến cố có thực, là
những can thiệp của Thiên Chúa trong lịch sử dân
Do Thái, và thái độ của dân Do Thái đối với
những ngôn sứ Chúa sai đến với họ. Đàng
khác, nói tiên tri về đạo Chúa sẽ lan tràn khắp
các dân không phải dân Do Thái. Hơn nữa, dụ ngôn
cũng cho chúng ta thấy rõ thân thế và sứ mạng
của Chúa Giêsu. Những người được sai
đến trước Ngài, dù nổi tiếng đến
đâu như Ê-li-a, Ê-li-sa, I-sa-i-a,
Giê-rê-mi-a, Gio-an Tiền Hô... cũng chỉ là
đầy tớ, còn Ngài mới là con trai duy nhất
của Chúa Cha. Như vậy, bài Tin Mừng hôm nay có
nhiều điều đáng lưu ý và ghi nhớ. Sau đây
chúng ta tìm hiểu một điều thôi, đó là các tá
điền làm vườn nho.
Bài Tin Mừng cho biết: ông chủ vừa
trồng xong vườn nho, lẽ ra ông phải chăm bón
để kiếm hoa lợi, nhưng ông lại cho các tá
điền canh tác để đến mùa thu hoa lợi.
Điều này nói lên ông chủ tín nhiệm các tá
điền. Nhưng có những tá điền đã không làm
đúng công việc của mình, họ đã lạm dụng
tự do ông chủ ban cho để tìm lợi lộc riêng.
Họ đã phụ lòng tín nhiệm của ông chủ. Chúng ta
có thể áp dụng như sau: mỗi người chúng ta là
một tá điền mà Thiên Chúa trao phó cho một
vườn nho, là những ơn phúc và chúng ta có bổn
phận phải đem hoa lợi về cho Chúa. Ngài
để cho chúng ta hoàn toàn tự do sắp xếp công
việc theo sáng kiến riêng và chịu trách nhiệm về
những việc chúng ta làm.
Thực vậy, những ơn phúc Chúa ban
như những tài năng tinh thần, những của
cải vật chất, chúng ta phải biết sử
dụng chúng để sinh lợi tối đa, tức là
chúng ta phải làm việc và làm lợi cho Chúa. Mỗi
người được Chúa trao ban cho một vốn
liếng khác nhau về nơi chốn, thời gian, khả
năng, dịp tiện. Mỗi người, không ai
giống ai cả, nhưng ai cũng phải làm lợi ra
với số vốn liếng Chúa ban. Chúng ta không giống
nhau về khả năng, nhưng có thể giống nhau
về cố gắng. Thà cố gắng mà không có tài còn
hơn có tài mà không cố gắng làm lợi cho Chúa.
Vậy mọi người chúng ta đều
có một điều giống nhau, đó là đời
sống để làm việc: việc lớn, việc
nhỏ. Đa số chúng ta ai cũng muốn làm việc
lớn, được nhiều lợi, được
người khác biết đến. Nhưng Chúa bảo
chúng ta hãy làm việc nhỏ. Chúng ta cần trung tín trong
việc nhỏ bé trước đã. Chỉ khi nào chúng ta
làm được những việc nhỏ bé, chúng ta
mới có khả năng làm những việc lớn lao
hơn. Những việc nhỏ chính là nấc thang
đưa tới thành công lớn. Không ai có thể làm
việc lớn cho Chúa nếu trước hết họ
không làm được những việc nhỏ cho Ngài.
Nếu chúng ta không trung thành trong việc nhỏ thì không ai
tin tưởng trao cho chúng ta việc lớn hơn. Chúng ta
hãy nhớ: không có việc gì quá nhỏ mà không đáng làm, và
cũng không có việc gì quá nhỏ mà không đem lại
lợi ích. Vấn đề là chúng ta có chịu làm hay không.
Có một câu chuyện ngụ ngôn, với
tựa đề là "vị thiên thần dễ tính"
kể lại như sau: Ngày kia, có hai người xin vị
thiên thần cho họ được tham dự vào
quyền vạn năng của Thiên Chúa. Vị thiên thần
đồng ý. Người thứ nhất xin cho có khả
năng làm được những công việc vĩ
đại. Vị thiên thần gật đầu ưng
thuận, nhưng lại ra điều kiện:
"Ngươi sẽ được quyền lực
để hoàn thành những kỳ công. Nhưng ngươi
lại không có sức làm những việc thông
thường". Chàng ta đọc được ý
nghĩ của kẻ khác, và không ngừng chế tạo ra
những phát minh vĩ đại. Ít lâu sau chàng đã
trở thành tỉ phú nhờ kinh doanh những phát minh
của chàng. Chàng ta rất hài lòng với những thành công
đã đạt được. Nhưng chẳng bao lâu,
từng người một, các bạn bè lần
lượt xa lánh chàng mà chàng lại không làm gì
được để giữ họ lại. Sau đó
cả người vợ cũng thầm giũ áo ra đi.
Chàng cũng không làm gì được để nối
lại mối tình xưa. Rồi sau cùng sức khỏe
cũng giả biệt chàng, thân thể trở nên bạc
nhược, đến nỗi chàng không còn đi
đứng được nữa, chàng bất lực,
chẳng làm gì được để phục hồi
sức khỏe ngoài việc ngồi trên xe lăn để
đếm từng ngày cô đơn.
Ngược lại, người thứ hai
chỉ xin được có khả năng làm tốt
những việc bình thường. Vị thiên thần
cũng đồng ý và nhắn thêm: "Thiên Chúa sẽ không
cho ngươi quyền lực nào đặc biệt
để hoàn thành những việc phi thường
đâu". Chàng bình thản tiếp tục sống
cuộc đời của mình, hàng ngày chàng vui vẻ chu toàn
nghĩa vụ của một công dân lương thiện,
một người chồng chung thủy, một
người cha hiền tận tụy với con cái,
một người bạn, một người láng
giềng quảng đại, hào hiệp, vị tha. Chàng
cảm thấy đời mình thật ý nghĩa, thât vui
tươi hạnh phúc. Chàng không còn ước muốn gì
hơn là được tiếp tục sống trọn
cuộc đời mình cho Thiên Chúa và tha nhân trong những gì
bình thường nhất với một niềm tri ân sâu
thẳm.
Biết nhìn ra những giá trị của
những điều bình thường trong cuộc sống,
con người mới có khả năng khám phá
được sự cao cả phi thường mà Thiên Chúa
cất giấu trong đời họ. Từ đó con
người cũng sẽ kín múc được sức
mạnh dồi dào để phát huy những giá trị
của bản thân, của cuộc sống để phụng
sự Thiên Chúa và phục vụ tha nhân.
Tóm lại, chúng ta hãy siêng năng làm việc
để chu toàn bổn phận của mình. Chúng ta hãy
tận dụng tài năng, sức lực, thời giờ,
của cải Chúa ban để xây dựng sự nghiệp
đời này và sự nghiệp đức tin trên
Nước Trời.
|