Tá điền vườn nho
Nhân cơ hội các
thượng tế và các kỳ lão chất vấn Chúa Giêsu
về việc Người lấy quyền nào mà đánh
đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi đền
thờ, Chúa Giêsu đã dùng ba dụ ngôn để nói với
các ông như những lời cảnh giác về sự
cứng lòng của họ. Dụ ngôn tá
điền gian ác là một trong ba dụ ngôn ấy.
Như đã nói
ở trên, câu chuyện dụ ngôn Đức Giêsu kể
trực tiếp nhắm vào các thượng tế và kỳ
lão. Họ là những người được Thiên
Chúa trao phó trách nhiệm chăm sóc vườn nho là dân riêng
của Chúa. Nhưng thay vì mang hoa lợi
về cho chủ là Thiên Chúa, họ lại muốn chiếm
đoạt hoa lợi ấy cho mình. Vì
thế, những sứ giả được Thiên Chúa sai
đến là các ngôn sứ đều bị họ giết
chết. Cuối cùng ngay cả Người con duy
nhất của Thiên Chúa là Đức Giêsu cũng bị
họ đóng đinh và treo Người trên cây thập giá. Họ nghĩ rằng chỉ khi làm như thế
họ mới chiếm đoạt được trọn
quyền thừa kế và hưởng lợi lộc
từ vườn nho.
Ý nghĩa cụ
thể của dụ ngôn là như thế. Nhưng
chúng ta cần nội tâm hóa câu chuyện để có
thể lắng nghe được tiếng gọi của
Thiên Chúa dành cho chính mình chứ không phải chỉ cho
những người xa lạ ở vào những thời
đại xa xưa.
Như ông chủ trao
phó vườn nho cho các tá điền, Thiên Chúa cũng tín
nhiệm trao phó cho ta chăm sóc những vườn nho
của Người. Vườn nho ấy là chính
cuộc đời của riêng ta, là những cộng
đoàn mà ta phải phục vụ, là những trách
nhiệm mà ta phải hoàn thành.
Như ông chủ
vườn nho đã dựng hàng rào, đã xây tháp canh
để bảo vệ vườn nho, đã lắp
đặt máy ép nho để giúp cho công việc của tá
điền được dễ dàng, nhờ đó họ
có thể hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt
đẹp. Khi trao cho ta những nhiệm vụ, Thiên Chúa
cũng ban cho ta phương tiện là những ân huệ cần thiết để chúng ta
thực hiện tốt công việc được trao.
Trao vườn nho
rồi, ông chủ đi xa một thời gian. Ông tin tưởng
các tá điền sẽ làm cho vườn nho sinh hoa kết
trái. Thiên Chúa cũng tin tưởng ở chúng
ta khi trao cho chúng ta những trách nhiệm. Người
không trực tiếp giám sát chúng ta như những anh công an.
Người cũng không phải là một ông chủ chuyên
chế áp đặt tự do và giết chết sáng
kiến của chúng ta. Người tôn trọng chúng ta
như những người trưởng thành và để
chúng ta tự do làm việc. Người tin tưởng
ở tinh thần trách nhiệm của chúng ta.
Sau một thời
gian vắng nhà, khi trở về, ông chủ sai các
đầy tớ đến thu hoa
lợi của vườn nho. Sẽ tới
ngày chúng ta cũng phải tính sổ với Thiên Chúa về
những công việc được trao phó. Người hỏi chúng ta về hoa trái của
những công việc đã được trao. Người hỏi chúng ta về tinh thần trách
nhiệm.
Những
người tá điền đã giết chết các tôi
tớ của ông chủ. Hành vi này
tượng trưng cho sự khước từ Thiên Chúa
của chúng ta. Có thể chúng ta đã từng loại
trừ Thiên Chúa vì nghĩ rằng Người là một ông
chủ hà khắc, hay đòi hỏi, hay quấy nhiễu con
người.
Thay vì tiêu diệt các
tá điền, ông chủ lại sai thêm các đầy
tớ khác. Điều này nói lên lòng nhân từ và
sự kiên nhẫn của Thiên Chúa. Người không
trừng phạt chúng ta khi chúng ta phản nghịch và
chống lại Người, nhưng Người ban cho ta
nhiều cơ hội để sửa chữa những lỗi
lầm và để trả lời cho tiếng gọi
của Người.
Không nhận ra
được lòng nhân từ của ông chủ, những
người tá điền lại giết chết cả
những anh đầy tớ này. Đó
chính là thái độ cố chấp sống trong tội
lỗi của chúng ta. Tội lỗi là sự bất
tuân lệnh của Thiên Chúa, là cố ý chống lại Thiên
Chúa, cố ý đi ra khỏi con đường của
Người.
Không ngã lòng, ông
chủ còn sai con trai mình đến với những
người tá điền. Và họ cũng giết chết luôn
cả anh con trai này. Họ bàn bạc với nhau rằng:
Phải giết anh con trai thừa tự này đi
để chúng ta chiếm lấy vườn nho. Thì ra tội lỗi của những người
tá điền không phải là không làm cho vườn nho sinh
hoa kết trái mà là muốn chiếm đoạt vườn
nho của ông chủ. Thiên Chúa đã dùng mọi
phương cách để cứu vớt con người.
Người đã chơi ván bài chót là liều hy sinh chính Con
Một của Người để thức tỉnh con
người. Nhưng con người luôn muốn loại
trừ Thiên Chúa ra khỏi đời mình để có
thể sử dụng cuộc đời, để
định đoạt mọi sự theo
ý mình muốn. Chúng ta làm việc này việc
khác không phải vì quyền lợi của Thiên Chúa mà
chỉ vì ích lợi của bản thân mình. Chúng ta muốn chiếm đoạt những gì
thuộc về Thiên Chúa để làm của riêng mình.
Chính trong ý nghĩa
nói trên mà câu chuyện dụ ngôn cũng là câu chuyện
của đời thường và câu chuyện của ngày
xưa cũng là câu chuyện của ngày hôm nay. Hàng ngũ
lãnh đạo Do thái giáo ngày xưa đã loại trừ và
đã giết chết Con Thiên Chúa, Đấng đã
đến trần gian để chỉ cho họ con
đường về Trời. Vụ án
giết Con Thiên Chúa vẫn còn kéo dài qua mọi thời cho
tới ngày hôm nay. Và lý hình giết con Thiên Chúa có thể là
mỗi người chúng ta. Điều đó
thật là đáng sợ.
|