TUẦN 27
THƯỜNG NIÊN
THỨ HAI
YÊU LÀ BIẾT HY SINH CHO NGƯỜI MÌNH YÊU
(Lc
10, 25-37)
Xem lại CN 15 TN
C, CN 30 TN A, CN 31 TN B, thứ Ba tuần 1 MV, thứ Sáu tuần
3 MC, thứ Năm tuần 9 TN và thứ Sáu tuần 20 TN
Bài hát: “Qua cầu gió bay” có lẽ nhiều người
trong chúng ta đều đã quen thuộc, hoặc đôi khi
còn thuộc lòng! Bài hát này diễn tả tình yêu của hai
người: khi yêu nhau, họ trao tặng cho nhau tất cả,
ngay kể cả cái áo, cái nhẫn và chiếc nón là những
thứ gắn liền với bản thân của con người,
nhưng một khi đã yêu thì sẵn sàng trao tặng, miễn
sao người mình yêu được vui và hạnh phúc....
Bài Tin Mừng hôm nay, qua
hình ảnh người Samaritanô nhân hậu, Đức Giêsu
cũng dạy cho người thông luật một bài học
của tình yêu. Tình yêu đó là một tình yêu biết cho
đi, hy sinh và chấp nhận gian khó vì người mình
yêu.
Khởi đi từ việc
người thông luật đến hỏi Đức
Giêsu: "Thưa Thầy, tôi phải
làm gì để được sự sống đời
đời?"; và: “Ai là anh
em của tôi?”. Đức Giêsu đã giúp ông xác tín nguyên lý
của sự sống đời đời là yêu mến
Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu người thân cận
như chính mình.
Tuy nhiên, Đức Giêsu
còn muốn ông đi xa hơn nữa trên lộ trình tình yêu
đó khi kể cho ông nghe dụ ngôn người Samaritanô
nhân hậu.
Hình ảnh của
người Samaritanô nhân hậu đối đãi với nạn
nhân như: dừng lại, băng bó vết thương, xức
dầu và rượu, đỡ nạn nhân lên lừa của
mình, đưa về quán trọ, thuê người chủ
quán trọ săn sóc cho nạn nhân ..., tất cả những
nghĩa cử đó cho thấy người Samaritanô đã
vì yêu mà chấp nhận tất cả, chịu đựng
tất cả, cho đi tất cả…. Ngang qua hành vi của
người Samaritanô, Đức Giêsu muốn giới thiệu
cho người thông luật biết: những người
đau khổ chính là anh em của ông.
Sứ điệp Lời
Chúa hôm nay mời gọi chúng ta: hãy đi và làm như người
Samaritanô nhân hậu, làm tất cả và cho đi tất cả
vì người mình yêu.
Có lẽ chúng ta sẽ
thắc mắc là nhiều khi tôi nghèo quá, nên khó có thể có
gì để thể hiện tình yêu như người
Samaritanô với người thân cận. Tuy nhiên, chúng ta sẽ
không nghèo đến độ không thể không có gì để
cho!
Có thể tôi nghèo về
vật chất, nhưng tôi giàu về tấm lòng, giàu về
tình yêu. Tôi không có hiện vật để trao tặng,
nhưng tôi có nụ cười, thời giờ, niềm an
ủi, sự cảm thông và tinh thần liên đới.... Đây
chính là món quà cao quý hơn cả bạc vàng.
Mong sao mỗi chúng ta hiểu
rằng: chỉ có tình yêu là không thể chết, và, cho
đi là còn mãi.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho
chúng con biết yêu mến Thiên Chúa tha thiết và yêu tha nhân
như chính mình. Đồng thời xin cho chúng con biết sống
tinh thần liên đới trong một thế giới quá
nhiều bất công và vô cảm. Amen.
THỨ BA
PHẦN TỐT NHẤT MARIA
ĐÃ CHỌN
(Lc 10, 38-42)
Xem lại CN 16 TN C
Đối
với văn hóa Việt Nam luôn coi trọng vấn đề
thiết đãi mỗi khi có khách đến chơi. Vì thế
mới có câu: “Khách tới nhà
không gà thì vịt”.
Hôm
nay, bài Tin Mừng cũng thuật
lại cho chúng ta thấy một cuộc tiếp đãi thịnh
tình đối với Đức Giêsu mà gia đình Martha
đã thực hiện. Nơi đây, Ngài nhận được
sự đón tiếp nồng nhiệt của hai chị em
Martha và Maria.
Nếu
Martha thể hiện lòng kính trọng và yêu mến Đức
Giêsu qua việc nấu ăn, thì Maria cùng một lòng kính trọng
và tình yêu mến Đức Giêsu như Martha, nhưng Maria
thì thể hiện cách khác là lắng nghe Lời Chúa. Hai công
việc đều phát xuất từ lòng mến và
được khởi đi từ sự kính trọng. Hai
thái độ đều tốt. Một bề ngoài, một
bề trong. Nhưng giá trị thì lại khác nhau. Hôm nay
Đức Giêsu khen và nói với Maria rằng: “Cô đã chọn phần tốt nhất”.
Thật
vậy, lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành phải
là điều quan trọng nhất, bởi vì: mọi sự
sẽ qua đi, nhưng Lời Chúa vẫn luôn tồn tại.
Trong
cuốn Đắc Nhân Tâm, bà Carnegie đã viết: “Cách làm cho khách vui lòng nhất là lắng
nghe khách nói, lắng nghe ước muốn, nguyện vọng,
tâm tư của người khác. Như vậy, tỏ ra
mình kính trọng, quan tâm đến người để
hiểu biết, thông cảm, chia sẻ những tâm tình, những
kiến thức, những yêu cầu thiết thực của
người, quí hơn cả cơm ăn, áo mặc”.
Maria
đã lựa chọn điều tốt nhất là
được ở bên Đức Giêsu (x. Lc 10,42), nghe lời
Ngài dạy (x. Lc 10,39) và lo lắng đến những gì thuộc
về Ngài (x. 1Cor 7,32). Cô đã chọn cho mình phần phúc
Nước Trời, bởi lẽ Đức Giêsu chính là nội
dung của Tin Mừng, là hiện thân của Nước Hằng
Sống. Vì thế, có Đức Giêsu là được cả
Nước Trời. Nghe được Lời Chúa nói với
mình và đem ra thực hành thì được ví như “… người khôn xây nhà trên
đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào,
nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền
đá" (Mt 7, 25). Maria trong bài Tin Mừng hôm nay đã có
được đầy đủ các yếu tố trên,
nên cô đáng được Đức Giêsu khen là người
có phúc vì đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy đi mất.
Thật
vậy, việc lắng nghe Lời Chúa và tuân giữ
cũng như đem ra thực hành là thể hiện lòng yêu
mến Chúa trọn vẹn, vì qua đó, Lời Chúa
được bén rễ sâu và sinh hoa kết quả trong
đời sống của người lắng nghe.
Sứ
điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi chúng ta:
cần siêng năng đọc Thánh Kinh, suy gẫm và đem
ra thực hành cách sống động trong gia đình, lối
xóm, Giáo xứ và bất cứ môi
trường nào.... Bởi vì: “Không
biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô”. (thánh Giêrônimô), mà
không biết gì về Ngài thì sao có thể định hướng
đi cho cuộc đời của mình cách tốt đẹp?
(x. Thư Chung 1980, số 8).
Ước
gì Đức Giêsu khen ngợi cô Maria khi xưa vì đã biết
chọn phần tốt nhất cũng là lời chúc phúc cho
mỗi chúng ta khi thành tâm đi tìm kiếm, yêu mến Chúa bằng
việc lắng nghe và đem ra thực hành Lời ấy trong
cuộc sống.
Lạy
Chúa Giêsu, xin cho mỗi người chúng con biết chọn
Chúa làm chủ tể đời chúng con. Xin cho chúng con biết
yêu mến và lắng nghe Lời Chúa bằng thái độ của
người môn đệ. Và, xin cho chúng con biết đem Lời
Chúa ra để thực hành trong cuộc sống hiện tại.
Amen.
THỨ TƯ
THIÊN CHÚA LÀ CHA YÊU THƯƠNG
(Mt 6, 7-15)
Xem lại CN 17 TN C
(Mt 6,1-15), thứ Ba tuần 1 MC và thứ Năm tuần 11
TN
Đạo
Công Giáo của chúng ta thật hạnh phúc vì được
gọi Thiên Chúa là Cha. Đây là đặc ân cao quý mà nhờ
Đức Giêsu mặc khải cho, chúng ta mới biết và
dám thưa với Thiên Chúa “Ápba
- Cha”.
Hôm nay, khi được môn đệ
xin Đức Giêsu dạy cầu nguyện, Ngài đã dạy
họ cầu nguyện:
Trước tiên cần xác định
căn tính là con của các môn đệ với Cha trên trời:
“Lạy Cha chúng con là Đấng
ngự trên trời”. Khi có chung một Cha, thì ắt sẽ
có nhau là anh em.
Thứ hai, đã là con thì luôn mong cho
danh Cha của mình được tỏ lộ và nhiều
người tin nhận: “Xin làm
cho Danh Cha được vinh hiển”; “Triều đại
Cha mau đến”.
Thứ ba là nguyện xin cho: “Ý Cha thể hiện dưới
đất cũng như trên trời”, tức là xin Cha thể
hiện mục đích của Người trên nhân loại
đã có trong chương trình yêu thương của Người.
Thứ tư, thể hiện lòng trông
cậy vào Cha, đồng thời phó thác đời sống
xác hồn cho Cha để Người chăm lo: “Xin Cha cho chúng con hôm nay
lương thực hằng ngày”.
Thứ năm, ý thức mình là kẻ
tội lỗi nên cần Cha tha tội: “Xin tha tội cho chúng con, như chúng con cũng tha cho
những người có lỗi với chúng con”, tức
là thành khẩn xin Cha tha mọi tội lỗi chúng ta xúc phạm
đến Người, cũng như cho ta biết tha thứ
các lỗi lầm mà anh em xúc phạm đến ta.
Thứ sáu, ý thức sự mong manh,
yếu đuối của bản thân, nên cần Cha bảo
vệ: “Xin đừng để
chúng con sa chước cám dỗ”.
Cuối cùng, xin được trao
phó mọi sự trong tay Cha, để xin Cha cứu giúp khỏi
bị rơi vào tình trạng mất ơn nghĩa cùng Cha: “Nhưng cứu chúng con cho khỏi
sự dữ”.
Qua kinh lạy Cha, Đức Giêsu dạy
các môn đệ cầu nguyện, thì ngay hôm nay, Ngài cũng
dạy mỗi người chúng ta hãy cầu nguyện
như thế để xứng đáng là con Cha trên trời
và có nhau là anh em trong cùng đại gia đình Hội Thánh.
Xin cho chúng ta luôn yêu mến Thiên Chúa
và năng cầu khẩn với Người trong tâm tình của
người con thảo. Amen.
THỨ
NĂM
KIÊN
TRÌ KHI CẦU NGUYỆN
(Lc
11, 5-13)
Xem lại CN 17 TN C
(Mt 6,1-15), và thứ Năm tuần 1 MC
Đức Giêsu, nơi
này, nơi kia, lúc này, lúc khác, Ngài thường hay dùng dụ
ngôn, hình ảnh để nói về sự kiên trì. Chẳng
hạn như người đàn bà xứ Canaan xin Chúa chữa
lành, hay như viên sĩ quan có đầy tớ đau bệnh
....
Hôm nay, sau khi dạy các
Tông đồ cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha, Đức
Giêsu đi thêm một bước nữa khi dạy các ông phải
cầu nguyện trong tâm tình tín thác, kiên trì.
Thật vậy, hình ảnh
người bạn quấy rầy trong dụ ngôn hôm nay là
một điển hình.
Thiên Chúa luôn luôn ở gần
bên chúng ta và yêu thương mỗi người. Nơi
Người không có chuyện sợ quấy rầy, cũng
chẳng có chuyện ứ đọng các lời cầu
xin.
Người luôn lắng
nghe lời con cái nài van. Tuy nhiên, Người biết những
gì cần cho đời sống chúng ta, nhất là có lợi
cho tâm hồn. Vì thế, đôi khi chúng ta xin mà không phù hợp
và có lợi cho linh hồn thì Người sẽ ban cho chúng
ta những ơn lành khác tốt hơn và hữu ích gấp
nhiều lần.
Thật vậy, nếu
một người láng giềng không ngần ngại để
thức giấc cho người bạn quấy rầy vay
bánh vào ban đêm, thì huống chi Thiên Chúa là Đấng nhân từ
lại không thoả mãn những điều chúng ta cầu
xin với Ngài hay sao?
Thực trạng của
con người ngày nay luôn mang trong mình não trạng: “Ăn xổi
ở thì”, vì thế, nhiều khi xin mà không được
như ý là có thể lung lay, mất niềm tin! Nhưng họ
đâu biết rằng: có thể lời cầu nguyện của
họ không đẹp lòng Chúa, có hại cho linh hồn và phần
phúc đời đời. Vì thế, khi không được
Thiên Chúa ban ơn theo ý muốn, họ sẵn sàng quay
lưng với Người để đi tìm một vị
thần khác, và đôi khi cậy nhờ cả đến ma
quỷ....
Sứ điệp Lời
Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy ý thức thân phận mỏng
dòn, yếu đuối của con người để cậy
dựa vào Thiên Chúa cách tuyệt đối, đồng thời
hãy kiên trì và cầu nguyện không ngừng. Luôn tin tưởng,
phó thác nơi Người, vì: “Hãy
gõ thì sẽ mở cho, hãy xin thì sẽ được, hãy
tìm sẽ gặp”. Tuy nhiên, “ai
bền đỗ đến cùng thì mới được
cứu độ”.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho
chúng con luôn kiên trì, trung thành và phó thác nơi Chúa mọi sự.
Amen.
THỨ
SÁU
KHÔNG
ĐƯỢC VU KHỐNG
(Lc
11, 15-26)
Xem CN 10 TN B (Mc
3,20-35) thứ Hai tuần 8 TN, thứ Năm tuần 3 MC và
thứ Ba tuần 14 TN
Có một
thời người ta đổ xô đi mua cuốn sách: “Cơn cám dỗ cuối cùng” của
tác giả Nikos Kazantzakis, và trong những năm gần
đây, đạo diễn Martin Scoresse đã hiện thực
hóa trong bộ phim cùng tên. Khi phim được trình chiếu,
nhiều người đã tỏ ra bức xúc vì những lời
lẽ và hành động được tác giả gán cho
Đức Giêsu xem ra có vẻ tầm thường và đôi
khi phỉ báng.
Đó là
câu chuyện thời nay, còn thời xưa, những người
Pharisêu đã không ngần ngại gán cho Đức Giêsu rằng:
Ngài đã nhờ Tướng Quỉ để mà trừ quỉ.
Đây là một sự xúc phạm nặng nề đến
bản tính của Thiên Chúa.
Tuy nhiên,
họ đã bị phản pháo, khi Đức Giêsu
đưa ra hai luận chứng nhằm lý giải cho họ
biết rằng những lời họ vu cáo không có căn cứ:
-
Trước tiên, Ngài không thể lấy
danh của Tướng Quỷ mà trừ quỷ
được. Lý do: một là Tướng Quỷ không
đời nào cho như vậy; hai là nếu chúng
đồng ý thì hẳn nước của chúng tới
hồi kết thúc.
-
Tiếp theo, Đức Giêsu dùng biện
pháp lấy “độc trị
độc” hay “gậy ông
đập chính lưng ông” khi nói: “Ta
nhờ Bêelgiêbút mà trừ quỷ, thì con cái các ngươi
nhờ ai mà trừ?”.
Nghe đến đây, họ
đã câm miệng vì những lời lẽ khôn ngoan
được thốt lên từ miệng Đức Giêsu.
Với
những lời phi bác ấy, Đức Giêsu đã vô hiệu
hóa việc vu khống của những người Pharisêu.
Khi
đánh tan sự xuyên tạc của chúng, Đức Giêsu vạch
trần mục đích đen tối của họ là xấu
xa, gian ác, nhằm mục đích hại người.
Trong thực
trạng xã hội hiện nay, vẫn còn đó những
Pharisêu kiểu hiện đại với những lời lẽ
vu khống hết sức xảo quyệt. Họ luôn dùng
chiêu thức: “Cả vú lấp
miệng em” để đè ép, vu khống và cướp
bóc nơi những người thấp cổ bé họng
không có tiếng nói.
Còn về
phía chính chúng ta, nhiều khi chúng ta không phỉ báng Chúa
như những người Pharisêu, nhưng không chừng,
chúng ta đang phỉ báng Chúa cách nặng nề hơn họ
khi mỗi lần chúng ta rước Chúa vào lòng cách bất xứng
với đầy tội lỗi; hay mỗi khi chúng ta
khước từ Giáo Huấn của Chúa. Sống ích kỷ,
kiêu ngạo, bất nhân và ác ý….
Như vậy,
sự tốt - xấu; bóng đêm - ánh sáng vẫn luôn hiện
diện trong mọi thời, và người công chính vẫn
phải chịu cảnh thua thiệt.
Sứ
điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy đấu
tranh cho lẽ phải bằng cách lựa chọn điều
tốt, tránh điều xấu làm phương hại
đến đời sống tâm linh của ta cũng
như mọi người. Không bao giờ được sống
kiểu lập lờ; bắt cá hai tay.... Tránh cho xa cái thói
đê tiện làm cho ta ghen tức mà tìm cách hại người
khác như triệt hạ uy tín của họ cách này hay cách
khác. Cần có sự tha thứ cho anh chị em mình.
Lạy
Chúa Giêsu, xin cho chúng con tin tưởng vào quyền năng của
Chúa. Luôn biết sống trong sự khiêm tốn và yêu
thương mọi người. Amen.
THỨ
BẨY
HẠNH
PHÚC THẬT Ở ĐÂU?
(Lc
11, 27-28)
Xem CN 10 TN B (Mc
3,20-35)
Trong cuộc sống, không ai là
người lại không muốn cho mình được hạnh
phúc! Người thì cho rằng: vợ đẹp con khôn là
hạnh phúc; người khác lại nghĩ có được
nhà lầu xe hơi mới là hạnh phúc; lại có người
nghĩ mình phải phấn đấu để được
giữ chức nọ việc kia thì sẽ hạnh phúc,
nhưng có người lại chỉ hy vọng rất
đơn giản là làm sao có cơm ba bữa, quần áo mặc
cả ngày cũng là hạnh phúc lắm rồi!
Như vậy, mỗi người
đều mong cho mình được hạnh phúc, tuy nhiên
quan niệm về hạnh phúc thì lại khác nhau.
Hôm nay, Đức Giêsu cho chúng ta
thấy: hạnh phúc của người Tín hữu Kitô chính
là việc được đón nhận hồng ân đức
tin. Có được đức tin là chúng ta được
sống trong tình yêu của Thiên Chúa. Đây là những
người hạnh phúc đích thực.
Vì thế, Đức Giêsu rất
quan tâm đến mối liên hệ trong đức tin
hơn là sự liên hệ tình cảm thuần túy.
Vì thế, khi thấy được
những điều kỳ diệu Đức Giêsu làm và những
lời giảng dạy tuyệt vời của Ngài, một
người đã thốt lên lời khen ngợi, hay nói
đúng hơn là lời chúc mừng Đức Maria là
người đã sinh ra và nuôi dưỡng Ngài: "Phúc cho dạ đã cưu
mang Thầy và vú đã cho Thầy bú!". Tuy nhiên, Đức
Giêsu lại nói: "Những ai
nghe và giữ lời Thiên Chúa thì có phúc hơn".
Khi nói như thế, Ngài không có ý
hạ thấp vai trò của Đức Maria, nhưng một
cách gián tiếp, Ngài đang đề cao Mẹ Maria hơn
bao giờ hết, bởi vì trong số những người
lắng nghe lời Thiên Chúa, hẳn Mẹ là người
trung thành và trọn vẹn nhất. Vì thế, Đức
Giêsu muốn đưa Đức Maria ra làm mẫu
gương về việc lắng nghe Lời Chúa.
Lời Chúa hôm nay gióng lên một
hồi chuông cảnh tỉnh mỗi người chúng ta, vì:
ngày nay, trong cuộc sống có quá nhiều sự bon chen, con
người phải chạy đua với chúng như trò
chơi đuổi nhau của bọn trẻ. Họ phỏng
chiếu hạnh phúc qua lăng kính của tiền, tài, tình,
quyền.... Còn đứng trước lời mời gọi
của Chúa qua chính Lời Ngài thì hẳn chúng ta không muốn
nghe, nói gì đến việc tuân giữ!
Sứ điệp Lời Chúa hôm
nay mời gọi mỗi người: hãy xin Chúa ban đức
tin cho ta, từ đức tin đó, chúng ta cộng tác với
ơn Chúa để làm cho đức tin ngày càng lớn mạnh.
Dấu hiệu của người có một đức tin
trưởng thành là yêu mến và tuân giữ Lời Chúa, suy
đi nghĩ lại và đem ra thực hành. Được
như thế, chúng ta sẽ là những người hạnh
phúc.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức
tin cho chúng con. Xin cho chúng con được yêu mến và tuân
giữ Lời Chúa cách trung thành như Mẹ Maria khi xưa.
Amen.
|