Nói làm
Bài Tin Mừng hôm nay
Chúa Giêsu nói tới hai loại người qua hình ảnh hai
người con: Người con thứ nhất, bảo
đi làm thì nói không đi, nhưng rồi lại làm như
ý người cha. Người con thứ hai, gọi dạ
bảo vâng, nhưng rồi không chịu đi làm. Rồi
chính Chúa đã giải thích cho chúng ta biết: người
con thứ nhất ám chỉ những người thu thuế và những người đàng
điếm, hai loại người này bị xã hội Do
Thái khinh miệt nhất. Những người thu thuế bị khinh miệt vì họ
cấu kết với ngoại bang để bóc lột
đồng bào mình. Vì thế dân chúng oán ghét họ và
liệt họ vào hạng người phản quốc,
bỏ đạo và không thể ăn năn
hối cải. Còn những ả giang hồ
thì thời nào cũng vậy, đều bị xã hội
khinh miệt sát đất, coi họ là hạng
người xấu xa, làm dơ bẩn xã hội, và cũng
không thể được cứu rỗi.
Ngược lại,
người con thứ hai, ám chỉ những thượng
tế, kinh sư và Pharisêu thời ấy, là những
người tự xưng mình là đạo đức, công
bằng, trong sạch, nhưng là thứ đạo
đức, công bằng, trong sạch giả hình, bôi bác. Ngoài
miệng thì nói hay lắm, nhưng không thực thi
điều mình nói. Đó là những người “ngôn
hành bất nhất”: nói mà không làm.
Nhưng tại sao
Chúa lại nói với các thượng tế, kinh sư và
Pharisêu: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm
sẽ vào nước trời trước các ông”? Bởi vì
những thượng tế, kinh sư và Pharisêu khi Chúa
giảng dạy, không chịu nghe, coi thường lời
Chúa, không ăn năn sám hối. Còn
những người thu thuế và gái
điếm, khi được Chúa kêu gọi, họ đã
thành tâm sám hối. Chúng ta thấy: những người nói
sẽ làm, rồi lại không làm, là loại người
đáng trách. Còn những người nói không
làm, rồi lại làm, là loại người đáng khen.
Chúng ta biết:
từ tư tưởng đến lời nói và tới
việc làm là cả một đường dài xa xăm. Thực vậy, một khuôn vàng thước
ngọc, dù có hay mấy mà không đem ra thực hành thì
cũng là không hay và vô ích. Cũng thế,
có tư tưởng hay mà không đem thực hành thì cũng
như một bông hoa không bao giờ kết trái. Chúng ta
vẫn nói: “Ăn vóc học hay”: ăn để
mà học, học để mà biết, biết để
mà làm. Không biết thì không thể làm gì
được, chỉ còn biết đứng dựa
cột mà nghe. Nhưng biết mà không làm
thì lấy gì minh chứng cho sự hiểu biết ấy?
Biết mà không làm thì giống như
người đầy tớ đem chôn nén bạc và
bị xét xử. Hơn nữa, biết
mà lại cứ làm sai thì càng bị xét xử nặng
hơn. Cho nên, đã biết thì làm,
cả hai đi song song nhau, hỗ trợ nhau, thì mới
hữu dụng, hữu ích. Nhưng
thực tế, trong xã hội, chúng ta thấy có những
người biết mà không làm, hoặc nói thì rất hay nhưng
lại không chịu làm.
Câu nói: “Năng
thuyết bất năng hành”: hay nói mà không hay làm, hoặc
nói được làm không là như thế. Ở
đời này, hơn thua nhau ở chỗ lý thuyết và
thực hành: một lý thuyết dù hay mấy mà không đem
ra thực hành thì cũng vô ích. Nhưng tại
sao chúng ta nói mà không làm? Có thể là vì
chúng ta không có khả năng hành động, có thể là vì
chúng ta chống đối, bất tuân không muốn làm, có
thể là vì việc làm đó không đem lại lợi ích gì
cho chúng ta. Tuy nhiên, nói mà không làm thì lời nói không có giá
trị và về sau người ta không tin lời chúng ta nói
nữa. Cũng thế, “đức tin không
việc làm là đức tin chết”. Cho
nên, có đạo lý đúng và hay chưa đủ mà còn
cần phải sống và thực hành thì mới minh
chứng được đạo lý đó đúng hay sai.
Bài Tin Mừng
nhắc nhở chúng ta hãy xét lại, hãy nhìn lại: lời
nói và việc làm của chúng ta có đi đôi với nhau
không? Chúng ta yêu cầu người khác
phải sửa sai, nhưng chính chúng ta có biết tự
sửa sai không? Chúng ta phê bình
người khác, nhưng chúng ta có rờ lên gáy mình không?
Hay là chúng ta thấy cái rác trong mắt người mà không
thấy cái xà trong mắt mình? Hay là “chân mình thì lấm mê mê,
lại cầm bó đuốc mà rê chân người”? Trong
phạm vi gia đình, thật không gì tai
hại cho bằng nói mà không làm: chúng ta bảo con cái
phải biết nhường nhịn, tha thứ cho nhau,
nhưng chúng ta thì lại cứ ăn thua đủ, không ai
nhường ai. Chúng ta bảo con cái phải sống thành
thật, nhưng chúng ta lại cứ quanh quéo, gian dối
với người khác. Trong đời
sống đạo đức cũng vậy, liệu tâm
hồn chúng ta có phải là tâm hồn Kitô đích thực
không? Liệu đời sống của
chúng ta có phải là một thể hiện những gì chúng
ta tuyên xưng không? Hay chúng ta chỉ có cái vỏ Kitô
bên ngoài? Nếu chúng ta sống như vậy, chúng ta hãy coi
chừng, chúng ta sẽ bị Chúa cảnh cáo: những
người khác sẽ vào nước trời, còn chúng ta thì
sao?
|