Công bằng hay lòng thương
xót?
Anh chị em thân
mến,
Bài dụ ngôn chúng ta
vừa nghe, kể lại chuyện ông chủ vườn
nho sáng sớm ra chợ để mướn người
vào làm cho ông. Một chuyện khá lạ là: không phải
tất cả thợ đều được gọi vào
làm ngay từ sáng sớm. Có nguời vào lúc giữa trưa;
có người đến xế chiều mới vào làm,
chỉ làm một giờ trước khi kẻng báo giờ
nghỉ thôi. Vậy mà mọi người đều
được lãnh như nhau: một đồng. Ta
phải nói rõ: lương một ngày công của thợ là
tương đương một đồng. Vậy nên
những người làm ít giờ vừa khỏe lại có
lợi, vì vẫn được một đồng. Còn
nguời làm quần quật từ sớm cũng chỉ
được như vậy. Do đó họ cằn
nhằn cho là ông chủ không công bằng. Thực ra ông
chủ cắt nghĩa thế nào? Kính mời anh chị em
cùng suy niệm...
a/. Có hai hạng người
chúng ta cần lưu ý:
* Ông chủ mướn công thợ: Bài dụ ngôn cho thấy, ông chủ
rất quan tâm chuyện kêu gọi thợ đến làm
vườn nho cho mình. Rõ ràng từ sáng sớm, ông đã ra
đón thợ, mời họ vào làm vườn nho cho ông. Ông
đã thỏa thuận với họ lương một
ngày công là một đồng. Sau đó, lúc trưa, lúc
xế ông lại ra, và gặp ai ông cũng mời họ vào
làm cho ông. Rồi lúc 5g chiều, ông lại ra nữa,
cũng thấy có mấy người đứng không
đó, không có công ăn việc làm. Ông ngạc nhiên hỏi:
Sao các anh ở không nhưng cả ngày như vậy? Họ
trả lời: vì không ai mướn chúng tôi cả. Nghe
vậy ông lại mời họ vào làm cho ông, dù họ
chỉ làm có một giờ mà thôi. Cuối cùng khi hết
giờ làm việc, ông cho phát tiền công; mỗi
người đều được một đồng
như nhau. Chính vì chuyện trả tiền công đồng
đều như thế mà ông chủ bị phàn nàn...
Ở đây ta
lại nhận thấy việc này: điều ông chủ
quan tâm không phải là công việc, mà là những
người khốn khổ, những người thiếu
sống. Rõ ràng ông chủ quan tâm họ, vì họ không có
việc làm, và ông sợ họ không kiếm đuợc
tiền hàng ngày, để nuôi sống gia đình họ.
Chuyện gọi họ vào làm công cho ông, chỉ là cái
cớ, để ông trợ giúp kẻ thất nghiệp
không công ăn việc làm. Như vậy ông chủ
vườn nho cư xữ theo lòng thương xót, không
phải theo lối công bằng sòng phẳng ở
đời....
* Các người làm công ganh tị: Như trên đã nói, vì ông chủ
thương xót nguời thất nghiệp, nên đã trả
công cho một đồng, bằng lương cả ngày
công lao động; tuy họ chỉ làm có một giờ
thôi. Lối cư xử đầy lòng thương xót này
đã vấp phải lời dị nghị của
những con người chỉ quen thứ công bằng
gắt gao, vị kỷ, sẵn sàng loại trừ kẻ
yếu thế, cô thân. Rõ ràng lòng thương xót của ông
chủ vượt xa lẻ công bằng; nó không cần
đong đo xem có tương xứng không, giữa cái cho
và cái nhận, cũng không cần nhìn đến sự
thiệt hơn, chỉ nghĩ đến sự khốn
cùng của con người, để cứu giúp không so
đo tính toán...
b/. Chúa Giêsu muốn nói gì qua
dụ ngôn này?
Dĩ nhiên, ông chủ
ở đây chính là hình ảnh của Thiên Chúa; các
người làm công ganh tị, là hình ảnh các pharisêu,
luật sĩ. Họ đang phẩn nộ vì Chúa quan tâm
đến hạng thu thuế, gái điếm, dân ngoại,
đó là những người bị họ liệt vào
hạng tội lỗi; trong khi xem ra Chúa đánh giá các
luật sĩ, biệt phái thấp quá... Qua dụ ngôn này,
Chúa nhắc khéo họ như lời Thánh vịnh: "Chúa
công minh trong mọi đường lối, đầy yêu
thương trong mọi việc Ngài làm". Thiên Chúa không
phải là ông quan tòa thưởng phạt chính xác, cũng
không phải ông chủ tính toán chi li, cũng không phải ông
thầu trả lương sòng phẳng, mà Người là
Thiên Chúa lấy tình thương mà đối xử với
con cái. Con cái nào Chúa cũng thương, nhưng đứa
con Chúa thương hơn chính là vì nó bệnh tật,
yếu ớt, đần độn...Cha thương con vì
đó là con của Cha, không vì con đã làm cho Cha điều
này điều nọ. Đứa con bệnh hoạn
tật nguyền, Cha lại yêu hơn... Dụ ngôn này là
một mạc khải sâu xa về lòng nhân hậu của
Thiên Chúa, vì "tình yêu thì vượt xa lẽ công
bằng..."
Câu chuyện: Có
một người giáo dân hỏi cha sở: Thưa cha, con
phân bì với anh trộm lành, người cùng chết
với Chúa trên đồi Golgotha đó, vì Chúa hứa cho anh
ta về thiên đàng ngay ngày hôm đó với Chúa. Anh
trộm lành rõ ràng là một tên cướp với
đủ thứ tội. Vậy mà Chúa hứa cho anh ta lên
thiên đàng ngay với Chúa. Con không phục đâu. Cha
sở cười hỏi lại: Vậy có phải nếu
anh là Chúa, anh sẽ nói với anh trộm lành: "Tôi không
quên anh đâu; nhưng còn vào thiên đàng hả? Chắc còn
lâu quá! Vì anh phải đền tội trong luyện
ngục cái đã chứ! Rồi sau đó mới lên thiên
đàng đuợc." Có phải anh muốn nói thế
không?: - Anh giáo dân cười nói: "Dạ phải vậy
chứ! Anh ta là tay cướp khét tiếng, tội nào mà
không có.." Cha sở nói: "Vậy rõ ràng anh không phải
là Chúa rồi, cho nên anh đâu hiểu được
đường lối của Chúa. Người ta thì
đòi công bằng, nhưng Thiên Chúa lại cư xử
bằng tình yêu. Chính tôi cũng không hiểu được
Chúa nhiều về điểm này; nhưng tôi chỉ
biết tình yêu và lòng thương xót của Chúa thì
vượt xa lẽ công bằng mà thôi...
c/. Gợi ý sống và chia
sẻ:
Mỗi người
kitô hữu chúng ta đều được Chúa mời
gọi vào làm cùng chung một việc là: làm trong vườn
nho của Chúa, vào các thời điểm khác nhau. Thực ra
Chúa không cần ta làm nhiều hay ít; điều quan
trọng là ta có sẵn lòng làm cho Chúa trong tin yêu, khiêm
tốn, quảng đại không ganh tị, cộng tác
với mọi người không?
|