Công Bằng Hay Bác Ái?
(Trích
trong ‘Niềm Vui Chia Sẻ’)
Trong cuốn sách mang tựa đề:
“Người đó, chính là bạn”, cha Louis Evely đã
kể một câu truyện sau đây:
Trong một vở kịch, nhà đạo
diễn Jean Anouilb đã dàn dựng cảnh ngày phán xét chung
theo như ông tưởng: Những kẻ lành đang
đứng trước cửa vào thiên đàng, chật
ních, chen lấn để vào, chắc chắn thế nào
cũng có chỗ sẵn. Hồi hộp, sốt ruột…
Nhưng, bỗng nhiên, người ta bắt đầu xì
xầm với nhau: “Hình như Thiên Chúa cũng tha thứ cho
mấy người đứng bên kia nữa”. Thế là họ lại phải một mẻ
ngẩn người ra. Họ nhìn nhau, không thể
hiểu được. Họ la ó, phản đối.
Họ bất mãn… “Vậy thì cần gì
phải hy sinh khó nhọc cả đời…”. “Tôi mà
biết vậy thì tôi đã ăn chơi cho đã
đời…”. Gan mật
họ sôi lên. Họ bắt đầu kêu la trách móc
Thiên Chúa và cũng chính lúc đó, họ bị đày
xuống hỏa ngục.
Cha Louis Evely giải thích: ‘Giờ phán xét
đã điểm: họ đã tự xét xử lấy
họ, đã tự tách mình ra khỏi hạnh phúc của
Chúa. Tình yêu đã biểu hiện cho họ, nhưng họ
đã từ chối không nhận tình yêu: “Tôi từ chối
không chấp nhận cái thứ thiên đàng mà người
ta vào như chợ. Tôi phản đối
Thiên Chúa đã tha cho hết mọi người. Tôi không thích Thiên Chúa yêu thương cách mù quáng
như thế”. Vì họ không thích Tình Yêu
nên họ không nhận ra được Tình Yêu. Chỉ có Tình Yêu mới làm những chuyện
như thế. Với Chúa, chúng ta phải luôn sẵn
sàng để đón nhận những chuyện bất
ngờ như vậy”.
Cũng thế,
thưa anh chị em, có lẽ ai trong chúng ta cũng bị chưng hửng trước cách ứng
xử của ông chủ vườn nho mà ChúaGiêsu diễn
tả trong dụ ngôn của Tin Mừng hôm nay. Ông chủ vườn nho này không ai khác hơn là
hình ảnh của chính Thiên Chúa mà Đức Giêsu diễn
tả trong dụ ngôn của Tin Mừng hôm nay. Ông chủ vườn nho này không ai khác hơn là
hình ảnh của chính Thiên Chúa mà Đức Giêsu muốn
giới thiệu với chúng ta. “Tại
sao ông chủ lại trả công cho mọi người
bằng nhau, người chỉ làm có một giờ
cuối ngày cũng được lãnh tiền bằng
người đã làm trọn ngày nắng nôi nặng
nhọc? Có phải ông chủ bất công hay không?”. Câu trả lời của ông chủ làm cho
những công nhân và chúng ta phải ngạc nhiên thán phục:
“Này anh, tôi đâu có xử bất công với anh. Anh đã chẳng thỏa thuận với tôi công
nhật là một đồng sao? Cầm lấy
phần của anh mà đi đi! Tôi không
muốn cho người làm sau chót cũng được
bằng anh. Tôi không có quyền làm thế
sao? Hay anh ganh tị vì thấy tôi đối xử
rộng rãi tốt lành với những người khác?”. Quả thật, Thiên Chúa hành xử không theo sự công bằng của con
người, nhưng theo lòng thương xót và tình yêu vô biên
của Thiên Chúa. Qua đó, chúng ta khám phá
được một điều quan trọng là suy
nghĩ và hành động của Thiên Chúa khác xa với suy
nghĩ và hành động của chúng ta. Ngôn sứ
Isaia đã nói rõ: “Chúa phán: tư tưởng của Ta không
phải là tư tưởng của các ngươi,
đường lối các ngươi không phải là
đường lối của Ta: Trời cao hơn
đất bao nhiêu thì đường lối của Ta
cũng cao hơn đường lối các ngươi và
tư tưởng Ta cũng cao hơn tư tưởng các
ngươi bấy nhiêu”.
Thưa anh chị em,
Nếu cứ theo lẽ công bằng thường tình
của loài người chúng ta: người làm nhiều
sẽ lãnh lương nhiều, người làm ít sẽ
lãnh lương tí, thì hỏi rằng, người làm
một tiếng đồng hồ sẽ được
bao nhiêu tiền để đủ nuôi sống gia đình,
con cái, đang túng thiếu, nghèo đói? Chính vì thương
xót, thông cảm cảnh nghèo đói, thất nghiệp
của các công nhân và vì muốn cho mọi người có công
ăn việc làm, mà ông chủ đã mời gọi mọi
người thất nghiệp vào làm việc bất cứ
giờ nào, và đã trả lương cho mọi
người bằng nhau, người đến sau cũng
như người đến trước. Câu trả
lời của ông chủ vườn: “Hay anh ganh tị vì
thấy tôi đối xử rộng rãi, tốt lành với
người khác?”đã vạch ra tâm
địa ích kỷ, hẹp hòi của nhóm công nhân làm
từ đầu ngày. Lời đó cho
thấy chính họ mới là kẻ bất công, vì không
chấp nhận cho người khác có quyền sống
hạnh phúc như họ. Tâm địa
xấu xa của họ càng làm nổi bật lòng nhân
nghĩa cao vời của ông chủ. Ông không
đối xử với người ta theo
tương quan buôn bán, tính toán, nhưng theo tương quan
tình nghĩa và mời gọi người ta bắt
chước cách đối xử tình nghĩa của ông.
Anh chị em thân
mến,
Cách ứng xử
của ông chủ trong câu chuyện dụ ngôn chính là cách
ứng xử của Thiên Chúa đối với chúng ta. Thiên
Chúa của chúng ta hành động như thế đó.
Thật là rộng lượng, nhân từ! Ngài mời
gọi những người thu thuế, những
người bị xã hội loài người khinh chê,
loại trừ, những người tội lỗi, vào
Nước Trời một cách rộng rãi, cho không,
chẳng phải vì công trạng gì xứng đáng của
họ. Người công chính, đạo
đức, đừng vì thế mà ganh tị kêu trách Chúa
bất công, giống như những người Biệt
Phái Pharisêu đã kêu ca trách móc Chúa. Lòng
thương xót của Thiên Chúa đón nhận tất
cả mọi người không trừ mộ ai, vì bản
chất của Ngài là Tình Yêu. Chúng ta
thường làm ngạc nhiên và bị “sốc”trước
cách hành xử Thiên Chúa. Đôi khi chúng ta cũng có
những phản ứng như những công nhân làm việc
giờ đầu tiên hoặc như những kẻ lành
trước cửa Thiên Đàng trong vở kịch Ngày phán
xét chung của nhà đạo diễn Jean Anouilh: “Sao!
Những tên đã sống một cuộc đời
bừa bãi, bê bối, lung tung kia cũng
được Chúa tha sao? Thậm chí những kẻ đã
bách hại đạo Chúa, nếu sau này ăn năn
hối cải, cũng xứng đáng được
hưởng Nước Trời như người Kitô
hữu nhiệt thành cả đời sao? Tên
gian phi bị treo trên thập giá bên cạnh Chúa Giêsu cũng
được vào Thiên Đàng sao?” (x.Lc 23,43).
Thiên Chúa chúng ta
như thế đó! Thật rộng
lượng, nhân từ. Quả thật
đường lối của Ngài khác hẳn
đường lối ti tiện, hẹp hòi của chúng
ta. Chúng ta hay so đo, tính toán, đánh giá từ sự
so sánh của chúng ta. Chúng ta nhìn người khác với
những cái-họ-có-hơn-mình hay cái-mình-không-có, để
bực tức, ghen ghét. Nhiều khi chúng ta nhân
danh công bằng để đối xử hẹp hòi,
khắt khe, độc ác với kẻ khác. Công bằng là mức độ thấp nhất
của bác ái. Công bằng mà không có bác ái
là tàn nhẫn, là vô nhân đạo. Phải
vượt hơn mức tối thiểu của công
bằng, chúng ta mới có thể đối xử bác ái,
tình nghĩa với nhau được, cuộc sống
mới chan hòa tình người, đầy niềm vui và hạnh
phúc.
Với những ai
hay so đo, tính toán với anh em, Thiên Chúa sẽ cứ theo luật công bằng mà xét xử; còn
những ai rộng rãi, biết thương xót
người, thì sẽ được Ngài xét xử theo lòng
nhân từ xót thương. Thiên Chúa luôn luôn tuyệt vời
hơn những gì con tim nghèo nàn của
chúng ta có thể tưởng tượng. Ước gì trái
tim chúng ta trở nên giống như trái
tim của Thiên Chúa Tình Thương. Chính trong tình
thương, chúng ta sẽ gặp được Thiên Chúa.
|