Tha thứ mà không cần so đo
tính toán
(Suy niệm của
Lm. Phêrô Trần Minh Đức)
Đức
quốc xã đã giết hàng triệu người Do thái
trong đệ nhị thế chiến. Sự việc này đã xảy ra trên 50
năm nhưng cho đến nay thành phần lãnh đạo
và giới trí thức của hai quốc gia nói chung rất dè dặt trong mối quan hệ
ngoại giao, rất nhạy cảm mỗi khi đề cập,
đá động đến chuyện xưa. Người
Do thái thường nói: Chúng tôi có thể tha thứ, nhưng
chúng tôi không thể nào quên tội ác của dân tộc Đức
trong quá khứ!
Chúng ta
phải tha thứ cho kẻ khác bao nhiêu lần? Tất cả đều
có giới hạn của nó. Một
lần là đủ rồi. Nếu không
thì chúng ta sẽ đi về đâu? Chúng
ta sẽ bị kẻ khác lợi dụng từng
bước. Chúng ta nghĩ như
thế, những người chung quanh cũng vậy.
Thánh Phê-rô cũng đã nghĩ như thế, và bởi vì
nghĩ như thế cho nên ông cảm thấy mình khoan dung
độ lượng, rất tự hào đến hỏi
Đức Giêsu: "Nếu anh em con cứ xúc phạm
đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải đến bảy lần không?"
Lẽ dĩ nhiên ai
cũng biết: làm việc thiện thì tốt hơn làm
điều xấu. Để nhận
biết sự khác biệt giữa nhân đạo và vô nhân
đạo con người chưa cần nại đến
đức tin hay tôn giáo. Tha thứ, làm hoà: đó là kinh
nghiệm mà mỗi người trong chúng ta đã từng
trải. Nhưng chắc chắn ai cũng
phải nhìn nhận rằng, tha thứ không phải là
chuyện dễ dàng. Nếu như có ai
lần đầu tiên vô tình hay hữu ý xúc phạm
đến chúng ta, chúng ta có thể nhường nhịn, xí
xoá bỏ qua. Thôi thì "chín bỏ làm
mười", hãy cho kẻ ấy một cơ hội.
Nhưng được một lần thì lại có lần
thứ hai, thứ ba! Khi chó bị dồn vào chân
tường thì sẽ cắn quái! Đến một lúc nào
đó chúng ta sẽ nổi giận và nói: Hắn đã xúc
phạm đến tôi, tôi không thể nào dung thứ cho
hắn. Tất cả đã quá trớn!
Đúng như
thế, nếu nhìn sự việc theo
những khía cạnh thuần tuý con người thì tất
cả có lẽ đã quá trớn, nhưng cãi cọ xung
khắc là lẽ thường tình của đời
sống con người. Mỗi một
mối quan hệ là một cuộc phiêu lưu. Ai muốn kết giao với kẻ khác đều
phải chấp nhận mạo hiểm. Buổi ban
đầu tất cả đều đẹp đẽ,
đầy hứa hẹn. Nhưng nếu
không biết trân trọng giữ gìn thì một ngày nào đó
những vui thú hứng khởi lúc đầu thành tẻ
nhạt, xung khắc bất đồng nảy sinh. "Không ưa thì dưa có giòi!" Chúng ta trở thành ích kỷ, chỉ nghĩ
đến mình, sẽ rút lui vào vỏ ốc của mình, rào
giậu, xây tường lũy chung quanh, bởi vì nỗi
phập phồng lo sợ đã đi vào tận
xương tủy. Nhưng "tức nước
vỡ bờ", những đè nén trong lòng sẽ nổ tung, khi chúng ta cảm thấy mình bị
đe dọa tứ bề. Chúng ta sẽ tìm cách bảo
vệ chính mình bằng mọi giá, nếu cần sẵn
sàng bước qua xác chết!
Hơn
lúc nào hết, ngày hôm nay chúng ta chứng kiến không
biết bao nhiêu cuộc tranh tụng bùng nổ trong gia
đình cũng như trong Giáo hội. Ly dị ngày càng nhiều! Chúng ta đã tìm đủ cách để làm thay
đổi môi trường sống cũng như quan
hệ của chúng ta. Nhưng dựa vào
sức lực tự nhiên chúng ta không đủ khả
năng để tha thứ cho kẻ khác mãi mãi, cho nên chúng
ta đặt tiêu chuẩn, giới hạn. Chúng ta cần sự trợ giúp. Chúng ta
cần một người sẵn sàng tha thứ cho chúng ta,
để chúng ta có khả năng tha thứ. Câu trả
lời của Đức Giêsu đã làm sáng tỏ một
điều: Thiên Chúa đã ban tặng cho chúng ta ơn tha
thứ. Câu chuyện mà Ngài kể giống
như một tấm gương. Nếu như chúng
ta có can đảm nhìn vào thì chúng ta sẽ khám phá hình ảnh
của chính mình trong đó. Không phải chúng ta
mà là chính Thiên Chúa đã thực hiện bước
đầu tiên. Thiên Chúa đã tự giao
hoà chúng ta với Người qua Đức Giêsu và đã sai
phái chúng ta đi làm hoà với người khác. Dù chúng
ta đã phạm tội gì đi nữa, dù chúng ta có phạm
bao nhiêu lần đi nữa, Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ.
Như Thiên Chúa, chúng ta hãy tha thứ cho nhau.
|