Tha thứ
Có bao giờ chúng ta đã giành lấy một
vài giây phút để suy nghĩ về lời cầu xin
trong kinh Lạy Cha: Xin tha nợ chúng con như chúng con
cũng tha kẻ có nợ chúng con hay không? Tội
lỗi của chúng ta thì nặng nề và chồng chất,
làm cho Thiên Chúa phải buồn lòng. Và theo
một ý nghĩa nào đó, tội lỗi ấy
được sánh ví như là một món nợ khổng
lồ chúng ta thiếu hụt cùng Thiên Chúa. Đồng
thời trong cuộc sống, đôi khi chúng ta cũng
gặp phải những khổ đau, những bất công
do anh em gây nên.
Thế nhưng, trong kinh Lạy Cha, chúng ta dám
thưa lên cùng Thiên Chúa: Xin Ngài tha thứ cho chúng ta những
lỗi lầm quá lớn, nếu như chúng ta biết quên
đi những vấp phạm nhỏ bé của anh em.
Đúng là một tỷ lệ không cân xứng và chẳng có
ý nghĩa chi cả… Và đó cũng chính là ý
nghĩa của câu chuyện dụ ngôn mà chúng ta vừa nghe.
Ông vua muốn tính
toán nợ nần với những bầy tôi của mình. Ông vua
chính là Thiên Chúa còn bầy tôi chính là chúng ta. Món nợ khổng lồ lên tới 10 ngàn nén
bạc, chính là những tội lỗi của chúng ta khi
đứng trước một vị Thiên Chúa nhân từ,
thánh thiện và công bằng vô cùng. Còn món
nợ nhỏ nhoi 100 đồng là những vấp phạm
của anh em đối với chúng ta. Và
như thế chúng ta nhìn thấy sự sai biệt giữa
hai món nợ là như thế nào.
Trước lời
van xin của tên đầy tớ thứ nhất, nhà vua
đã thực sự xúc động, ông đã tha thứ và
xóa bỏ món nợ kếch xù của hắn. Còn hắn, hắn
lại tỏ ra hà khắc đối với bạn
hắn, là người chỉ mắc nợ hắn một
số tiền nhỏ bé. Khi hay tin, nhà vua đã vô cùng
sửng sốt, ông đã đối xử với tên
đầy tớ theo như mức
độ nhân từ mà họ đối xử với nhau…
Và phần kết luận, hẳn chúng ta
đã rõ. Lý hình chính là những sự
trừng phạt ở đời này cũng như ở
đời sau. Đoạn Tin Mừng không phải
chỉ kêu gọi chúng ta tha thứ cho một người
anh em hay kẻ bạn hữu, mà còn tha thứ cho tất
cả những bất công mà kẻ thù gây nên.
Tới đây, tôi xin
kể lại một mẩu chuyện có thật xảy ra
vào thời đệ nhị thế chiến. Bấy
giờ quân Đức chiếm đóng nước Pháp và
bắt nhiều người đi làm tù binh, trong số
đó có Đức Giám mục Théas. Ngày kia
các bạn tù xin ngài giảng phòng. Ngài bèn cho ngay đề
tài: yêu thương kẻ thù. Các bạn tù có vẻ không
bằng lòng và nói với ngài: Tại sao chúng ta lại phải
tha thứ cho bọn Đức Quốc xã, là bọn
mỗi ngày đã giết hại biết bao nhiêu bạn
hữu của chúng ta. Đức cha đã trả lời:
Cha chỉ có thể lặp lại giới luật của
Chúa Giêsu: Hãy yêu thương kẻ thù. Rồi ngài cất cao
giọng đọc kinh Lạy Cha và nhấn mạnh
tới lời van xin: Xin tha nợ chúng con như chúng con
cũng tha kẻ có nợ chúng con.
Ngày hôm sau được phép cử hành thánh
lễ, ngài quyết định dâng thánh lễ cầu cho
những người Đức. Và cũng từ ngày
đó, ngài có một ý tưởng manh nha thành lập phong
trào Pax Christi, một phong trào quốc tế tranh đấu
cho hòa bình. Sau khi chiến tranh kết thúc, ngài
được cử làm Giám mục Lộ Đức, và
chính ngài đã tổ chức cuộc hành hương
quốc tế của phong trào Pax Christi. Trong cuộc
hành hương này người ta nhìn thấy những
người trước đây vốn là thù địch
của nhau như Đức, Pháp, Anh, Ý… cùng chắp tay cầu nguyện cho nhau, và quên đi cái
dĩ vãng đen tối. Là người Công
giáo chúng ta có bổn phận phải tha thứ cho nhau,
chứ không được giữ mãi sự thù oán.
Cách thức bảo
đảm nhất để thoát khỏi sự công
thẳng của Thiên Chúa và kéo được lòng
thương xót của Ngài đó là hãy tha thứ cho nhau.
|