Nghĩa
vụ yêu thương
(Văn Hào, SDB chuyển ngữ)
“Yêu thương không làm hại đồng
loại” (Rm 13,10)
Yêu thương tha nhân nghĩa là gì?
Thánh Phaolô cắt nghĩa: “Yêu thương là không làm hại
đồng loại” và “Yêu thương là chu toàn lề
luật”. Làm thế nào để cả 2 khía cạnh này
tương tác với nhau, hình thành một phương cách
thực hiện đức ái Kitô giáo cách cụ thể.
Một bên xem ra có vẻ tiêu cực: không làm điều ác,
và một bên lại rất tích cực: chu toàn lề
luật. Khi nào và thế nào, chúng ta có thể nhận ra
rằng chúng ta đang thực hiện những giáo huấn
đó?
Không làm điều ác là một đòi
hỏi xem ra có vẻ tiên quyết. Nó mời gọi chúng ta
suy xét về thái độ sống của chúng ta mang âm
hưởng đến cận nhận làm sao? Nó cũng tra
vấn xem chúng ta đã hiện lộ lòng mến trong
một hoàn cảnh đặc thù nào đó như thế
nào. Đức Giêsu đòi hỏi chúng ta thực hiện
một trong những cách thái để diễn bày tình yêu
đối với tha nhân là kêu mời họ quay trở
về, khi họ lỗi phạm, hầu giúp họ thoát
khỏi con đường tội lỗi. Có lẽ không có
con đường nào gian nan cho bằng việc sửa
lỗi cho cận nhân. Cận nhân đó có thể là một
người bạn, một người thân trong gia
đình. Cho dù chúng ta thực hiện việc này với lòng
thương cảm đích thực, thì đó vẫn là hành
vi thực hiện đức mến cao cả nhất.
Khi bạn bè hoặc gia đình báo cho
ta biết có ai lỗi phạm điều gì đó,
thường chúng ta tức giận ngay lập tức và
chẳng quan tâm đến, ít nhất là lúc ban đầu,
để lắng nghe xem họ phạm lỗi như
thế nào. Nhưng Đức Giêsu khuyến mời chúng ta
phải thực hành, bởi vì sửa lỗi cho nhau là hành
vi thể hiện tình yêu thương. “ Nếu một
người nào đó trong Hội Thánh phạm tội
chống lại anh”, Ngài nói “ Anh hãy đi và chỉ cho
người đó biết lầm lỗi của họ, khi
chỉ có anh và người đó mà thôi”. Tuy nhiên Đức
Giêsu cũng tiên liệu nguy cơ là người đó không
chấp nhận. “Nếu người đó không nghe anh , hãy mời thêm một hoặc hai
người khác cùng đi với anh để anh có thêm nhân
chứng hỗ trợ”. Cách thái này cũng rất khó
khăn vì nó sẽ chạm vào tự ái và khơi dậy
nỗi đau do chính tội lỗi họ đã gây ra.
Phương cách này quả rất gian
nan vì nhiều lý do khác nhau. Có khá nhiều trường
hợp một người bị anh chị em của mình
kết án chỉ dựa trên tiếng đồn hay dư
luận, và điều này dễ làm gãy đổ mối
tương liên, làm rạn nứt sự thông hiệp trong
Giáo hội. Phần đa chúng ta không biết đầy
đủ và chính xác về cuộc sống của
người anh em chúng ta. Yêu thương tha nhân một cách
trọn vẹn để có thể sửa chữa lỗi
lầm cho nhau, đòi hỏi chúng ta phải sống với
nhau thân tình một cách thật sự. Khởi đầu
của lòng mến là không làm điều gì đó hại
đến anh em mình. Vì thế, chính chúng ta phải tìm
hiểu kỹ càng về tha nhân và phải dành nhiều
thời gian để xây dựng mối tương giao
huynh đệ cách sâu xa.
Chúng ta sẽ bắt đầu
hiểu biết về người anh em khi chúng ta
đối xử với họ trong mối tương giao
thân hữu thực sự. Điều này đặt căn
bản trên tình yêu, theo sự chỉ dạy qua giáo huấn
của Hội Thánh và các giới răn. Thánh Phaolô nói
rằng “Đây là điều chúng ta mắc nợ nhau”,
mắc nợ lòng yêu thương. Quả thật, Thánh
Phaolô đã xác quyết, ai yêu mến anh em mình người
đó chu toàn lề luật. Ngài có ý nói rằng, tất
cả lề luật “ chớ ngoại tình, chớ giết
người, chớ trộm cắp, chớ làm chứng
gian…” và những giới răn khác, được tóm
kết trong một điều duy nhất “Hãy yêu
thương cận nhân như chính mình”.
Nhưng ý niệm “tóm kết” ở
đây được dịch bởi hạn từ “plêrioô”
cũng có thể dịch là “chu toàn”. Theo Thánh Phaolô, chu toàn
lề luật không có nghĩa là tổng tóm các lề
luật lại. Ngài còn diễn tả sâu xa hơn, là
tất cả những ai “chu toàn lề luật”, họ liên
kết với Đức Kitô xuyên qua đời sống
của họ, được biểu thị bằng
đức tin, được diễn tả trong
đức ái, và được Chúa Thánh Thần
hướng dẫn. Lề luật không phải
được giản lược trong một phạm trù
duy nhất, như từ ngữ “tóm gọn” diễn
tả, nhưng việc chu toàn lề luật chính là
biết dàn trải tình yêu đến mọi ngõ ngách của
cuộc sống, để lòng mến đối với
tha nhân điều hướng cuộc sống chúng ta, ngay
cả tại những nơi mà lề luật không nói
tới một cách cụ thể.
Chúng ta cũng nên ghi nhận rằng,
điều mà Thánh Phaolô nói ở đây và cả trong thơ
Gal 5,14, khi đề cập tới việc tóm gọn
lề luật mà sách Lêvi 14,18 nói tới ,
chính là “hãy yêu đồng loại như chính mình”. Song Ngài
cũng gợi nhắc đến câu nói của Chúa Giêsu
ở một chỗ khác “với hạn từ Shenma”. Sách
Đệ nhị luật 6,4-5 có viết: Đức Chúa,
Chúa chúng ta là Đức Chúa duy nhất. Hãy yêu mến
Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em hết lòng hết
dạ hết sức anh em. “Shenma” nói lên niềm tin của
người Do Thái, quy tập vào tình yêu của một
đấng, là chính Thiên Chúa.
Tại sao? Thánh Phaolô đã trải
nghiệm sự hiện diện của tình yêu Thiên Chúa,
nhưng Ngài còn có môt mục đích sâu xa hơn. Trong khi chúng
ta dễ dàng nói “yêu mến Đức Chúa là Thiên Chúa
ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết sức
lực ngươi” ( Đệ Nhị
Luật 6,5), chúng ta rất dễ lẫn lộn và bối
rối khi muốn thực hiện lòng mến đối
với tha nhân cũng theo dạng thức này. Thánh Phaolô
hiểu điều đó, nên Ngài đã xác quyết cách
thế để chu toàn lề luật là đừng làm
hại người khác. Đó cũng là phương cách
để chúng ta diễn bày tình yêu cụ thể của
Thiên Chúa, một tình yêu mà chúng ta có thể sờ chạm
đến được.
|