Ta sẽ đòi
ngươi đền nợ máu nó
(Suy niệm của Lm Giuse Nguyễn
Văn Nghĩa)
Tin Mừng Thánh
Matthêu chương 18 tập chú vào chủ đề
đời sống đoàn. Thoặt nghe bài Tin Mừng Mt 18,15-20
với những lời căn dặn của Đấng
Cứu Thế về việc sửa bảo anh em, chúng ta
dễ liên tưởng đến việc cần có thái
độ tế nhị tôn trọng anh em trong khi sửa
bảo nhau. Điều này thì không ai chối
cãi. Yêu thương và tôn trọng là hai
động thái tất yếu phải đi sóng đôi.
Tuy nhiên, qua những lời dạy của
Thầy Chí Thánh, chúng ta còn phải lưu ý đến tính
triệt để của việc sửa sai, dạy
bảo nhau. Nghĩa là khi thấy anh em,
thấy tha nhân sai lỗi thì cần phải tích cực
sửa bảo nhau cách triệt để, tức là cho
đến cùng.
Số phận của tha nhân cũng là số
phận của chính ta:
Ngôn sứ Êdêkiel
đã minh nhiên lời dạy của Thiên Chúa: “Ngươi
sẽ nghe lời từ miệng Ta phán ra, rồi thay Ta nói
cho chúng biết. Nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng:
“Hỡi tên gian ác, chắc chắn ngươi phải
chết”, mà ngươi không chịu nói để cảnh
cáo nó từ bỏ con đường xấu xa, thì chính
kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội của
nó, thì Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó”
(Ed 33,8). Không ai được phép vào
Nước Trời một mình. Thiên Chúa
không phải là Cha của mình tôi. Người
là Cha của “chúng ta”, của mọi người (x.Kinh
Lạy Cha). Thái độ dửng
dưng, kiểu sống mặc kệ nó, là kiểu
sống, là thái độ không xứng với người
con cái Chúa.
Người ta có
thể không ghét bỏ tha nhân, không tìm cách mưu hại tha
nhân, thế nhưng chính khi không màng đến số
phận của tha nhân cũng là khi ta góp phần hãm hại
tha nhân cách gián tiếp. Đã nhiều lần Chúa Kitô nhấn
mạnh chân lý này khi Người trách cứ tấm lòng
dửng dưng của những luật sĩ biệt phái
trước bao nổi khổ của đồng loại.
Thấy anh em đang sai lỗi cũng như thấy anh em
đang đứng bên bờ vực thẳm mà ta không lên
tiếng cảnh báo hay sửa sai thì chính ta đã vô tình,
đúng hơn là đã vô tâm để người anh em
rơi xuống vực. Không cứu người theo khả năng và hoàn cảnh của mình
là đã giết người. Dưới cái nhìn này chúng ta
mới hiểu những lời đanh thép của Thiên Chúa
qua miệng Ngôn sứ Êdêkiel ở trên: “Ta sẽ đòi
ngươi đền nợ máu nó”.
Khi vạch rõ lộ
trình sửa bảo anh em, bắt đầu từ hình
thức cá nhân đến cộng đoàn, thì ngoài việc
tôn trọng phẩm giá, danh dự người có lỗi,
Chúa Kitô đã minh nhiên dạy ta tích cực sửa bảo
người anh em cho đến cùng. Khi người anh em
lỗi phạm không nghe cộng đoàn thì hãy xem họ
như người ngoại giáo hay người thu thuế
thì vẫn không là buông xuôi mà là trao phó cho Chúa, Đấng
không có sự gì là không thể (x.Mt 19,26). Ngay cả khi trao phó người anh em lỗi
phạm cho Chúa thì ta vẫn còn đó bổn phận góp
phần bằng lời cầu nguyện. Để
làm rõ hiệu quả của lời cầu, thì liền sau
đó Chúa Kitô đã khẳng định: “Thầy còn
bảo thật anh em: nếu ở dưới đất,
hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất
cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên
trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người
họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở
đấy, giữa họ” (Mt 18,20).
Chúng ta cần phân
biệt các hành vi sai trái mang tính cá nhân và hậu quả
của hành vi lỗi phạm thì hạn chế với
những sai lầm mang tính tập thể và hậu quả
di hại cho xã hội là rộng lớn hoặc hành vi
lỗi phạm của cá nhân trở thành gương
xấu gương mù cho xã hội, cho những kẻ bé
mọn. Cung cách hành xử của Chúa Kitô thật rõ ràng. Nguời từ tâm, nhân hậu với những
trường hợp đầu mà trái lại rất
thẳng thắn và cương quyết với những
trường hợp sau. Người
tỏ lòng nhân hậu với chị phụ nữ phạm
tội ngoại tình. Người thật khoan dung
với sự yếu hèn của Phêrô khi chối
Người, nhưng Người lại nghiêm khắc
trước sự sai trái cũng của chính Phêrô khi ông
ngăn cản Người lên Giêrusalem để thực
thi công trình cứu độ bằng sự khổ nạn.
Và với nhiều vị lãnh đạo Do Thái giáo hay các
bậc vị vọng thời bấy giờ là Biệt
Phái, Luật sĩ…thì thái độ của Chúa Kitô là
rất thẳng thừng và cương quyết. Tuy nhiên dù
cương quyết hay nhân hậu, dù nghiêm khắc hay
dịu dàng thì các hành vi của Chúa Kitô
đều ắp đầy lòng xót thương. Đến trần gian, một sứ mạng
của Đức Kitô là mạc khải cho nhân trần chân
dung của Thiên Chúa, Đấng từ bi và hay thương
xót, Đấng không muốn bất cứ một ai
phải hư mất.
Đức ái là động lực, là hình
thức và là mục đích của việc sửa sai nhau:
Chúng ta dễ dàng chân
nhận sự cần thiết của việc sửa
bảo nhau. Tuy nhiên cần biết sửa bảo
nhau vì yêu thương nhau, muốn cho nhau đổi thay và
nên tốt lành, thánh thiện hơn, bằng những hình
thức, những phương thế chính đáng và
phải đạo. Làm sao minh chứng
được động cơ và mục đích của
việc ta sửa bảo nhau là vì yêu thương nhau? Quả là khó khi thẩm định những gì
thuộc chiều sâu của tâm hồn. Với lời
mạc khải, qua tấm gương của các ngôn
sứ, đặc biệt của Chúa Kitô chúng ta có thể
xác định rằng đức ái chính là động
cơ và mục đích của việc sửa bảo nhau
dựa vào một vài dấu chỉ sau:
-
Có nhổ thì có trồng; có phá thì có xây:
Ta không chỉ nói lên cái sai trái, sự lầm lỗi của
nhau mà ta còn vạch ra cách thế sửa đổi, còn
đề xuất phương hướng khắc
phục cho nhau.
-
Sẵn sàng đón nhận những
sự hiểu lầm, những nghịch cảnh và cả
những ngược đãi khi ta chân thành sửa bảo
nhau bằng lòng khoan dung, tha thứ.
“Anh em đừng
mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tình yêu” (Rm 13,8).
Đã mắc nợ là phải trả. Một trong những món nợ tình yêu chúng ta
cần phải trả liên lĩ đó là món nợ liên
đới trong lỗi phạm của nhau. Để
trả món nợ này, chúng ta không chỉ can đảm
đón nhận các hậu quả do tội lỗi của
nhau mà còn phải tích cực sửa bảo nhau trong
đức ái. Nếu ngươi không sửa
bảo kẻ có tội thì “Ta sẽ đòi ngươi
đền nợ máu nó” là một lời cảnh báo
thật đáng sợ. Tuy nhiên để cho việc
sửa bảo nhau đạt kết quả thì chúng ta
đừng quên rằng ngoài việc cầu xin ơn Chúa soi
sáng, nâng đỡ, thì bản thân chúng ta trước
hết cần làm thanh sạch bản thân mình một cách nào
đó. Vì khi đã lấy cái xà ra khỏi mắt mình thì mình
mới thấy rõ và biết cách lấy cái rác ra khỏi
mắt anh em (x.Mt 7,1-5). Xin
đừng viện cớ rằng tôi chưa hoàn thiện,
nghĩa là vẫn còn vương nhiều lầm lỗi,
nên tôi không được phép sửa bảo ai.
Ngoại trừ Mẹ Maria, chúng ta thảy đều là
tội nhân, mức này, mức kia. Hãy
nhớ lời dạy của thánh Giacôbê: “Thưa anh em,
nếu có người nào trong anh em lạc xa chân lý và có ai
đưa người ấy trở về, thì anh em hãy
biết rằng: kẻ nào làm cho một tội nhân bỏ
đường lầm lạc mà trở về, thì cứu
được linh hồn người ấy khỏi
chết và che lấp được muôn vàn tội lỗi
của mình.” (Gc 5,19-20)
|