Nhắc bảo.
Qua đoạn Tin
mừng sáng hôm nay tôi muốn chia sẻ về bổn
phận nhắc bảo lẫn nhau.
Trước
hết, điều chúng ta nhắc bảo phải là
những sai lỗi. Không phải chỉ những
sai lỗi đến chúng ta hoặc gây thiệt hại cho
chúng ta, mà còn là những sai lỗi nói chung, những tội
phạm bề ngoài, gây nên gương mù gương
xấu. Mục đích chúng ta nhằm tới không
phải là để phê bình chỉ trích, mà là để
cứu thoát người anh em, trình bày cho họ biết
những sai lỗi để uốn nắn sửa
đổi mà thăng tiến bản thân như lời Chúa
phán:
-
Nếu nó nghe con thì con sẽ cứu
được nó… và con được lợi thêm một
người anh em.
Thực vậy,
tội lỗi là sự ác to lớn và nặng nề
nhất, là sự lầm lạc tai
hại nhất, vì thế nhắc bảo người anh em
cũng là một công việc bác ái cao thượng nhất.
Hơn thế nữa, nếu không nhắc bảo, nhiều
khi còn có hại cho chúng ta và chính chúng ta cũng phải liên
đới phần nào trách nhiệm đối với linh
hồn người khác mà một ngày kia
chúng ta sẽ phải trả lẽ trước tôn nhan Chúa.
Thế
nhưng phải nhắc bảo như thế nào? Chúa
Giêsu đã phân chia thành ba giai đoạn. Trước hết là phải nhắc bảo riêng
tư giữa họ và ta. Nếu
giải pháp đó không xong, thì dùng giải pháp thứ hai,
đó là hãy giải quyết với hai hay ba nhân chứng,
chứ không phải là tố cáo và đưa nhau ra tòa.
Nếu giải pháp thứ hai cũng không xong,
thì phải đem đến cho Giáo Hội. Giáo
Hội ở đây có thể là Giáo Hội địa
phương hay Giáo Hội nói chung. Cụ thể là nhờ đến quyền bính
phần đạo, chứ không phải là quyền bính
phần đời, vì đây không phải là trường
hợp để trừng phạt, mà là trường
hợp để cải hóa. Đến
lúc đó, mà họ còn không nghe nữa thì phải coi như
người ngoại giáo và bị loại ra khỏi Giáo
Hội.
Để xác
quyết cho quyền bính của Giáo Hội, Chúa Giêsu đã
nói thêm:
-
Sự gì các con cầm buộc, thì trên
trời cũng cầm buộc và sự gì các con tháo cởi
thì trên trời cũng tháo cởi.
Như chúng ta cũng
vừa nói: Nhắc bảo anh em là một nghĩa vụ bác
ái đòi buộc chúng ta phải thực hành, nhưng
phải thực hành với tinh thần siêu nhiên, và với
cách thức phù hợp với tâm lý.
Trong
việc phân rẽ đông tây của gia đình Kitô giáo,
những người con của Giáo Hội đã có
những lầm lẫn đáng tiếc trải dài nhiều
thế kỷ chưa thể hàn gắn. Về lý, Giáo
Hội có đủ lý nhưng về cách thức thi hành thì
đã xảy ra nhiều điều đáng tiếc, chính vì
thế mà Đức Phaolô VI đã xin lỗi anh em Chính
Thống cũng như Tin lành về những điều
đáng tiếc ấy. Đây là một hành
động đáng chúng ta suy nghĩ.
Trong
việc nhắc bảo cũng vậy, nếu không khéo léo
và tế nhị thì có thể đi đến chỗ
đổ vỡ. Chính vì thế, Chúa Giêsu đã
bảo chúng ta tiên vàn hãy nhắc bảo riêng tư
để tìm lấy một sự cảm thông chân tình.
Với
chúng ta ngày hôm nay chúng ta thường nghe nói nhiều
đến từ ngữ đối thoại, tuy nhiên
người ta đã lạm dụng hành động này. Bởi
vậy trong bức thông điệp “Ecclesiam Suam” Giáo Hội
của Ngài. Đức Thánh Cha Phaolô VI
đã định nghĩa đối thoại là một
nghệ thuật thông cảm siêu nhiên. Sự
đối thoại đòi cả hai bên những
điều kiện sau đây:
Đó là phải rõ
ràng và minh bạch, không úp mở, không dấu diếm
cũng như không thủ đoạn.Tiếp đến là
phải hiền dịu, xuất phát từ tình yêu và lòng kính
trọng lẫn nhau và sau cùng là tín nhiệm, tin ở
lời mình nói và thiện chí chấp nhận của người
nghe.
Hãy áp dụng
những điều kiện ấy trong việc nhắc
bảo lẫn nhau, để chúng ta thực hiện
được một hành vi bác ái cao
thượng, đẹp lòng Chúa.
|