Theo Chúa phải
từ bỏ mình, vác thập giá mình
(Suy niệm của Lm. Antôn Nguyễn Văn
Độ)
Sau lời tuyên xưng: "Thầy là
Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16, 16)
Simon con ông Giona được khen là người "có
phúc" (Mt 16, 16), vì được Chúa Cha, "Đấng
ngự trên trời mạc khải cho" (Mt 16, 16-17).
Lời khen kèm theo lời hứa: "Thầy sẽ trao cho
con chìa khoá nước trời". Nhưng liên sau đó ông
bị khiển trách nặng nề vì đã bày tỏ ý
tưởng sai lạc của con người về
Đấng Cứu Thế: "Hỡi Satan, hãy lui ra
đàng sau Thầy, con làm cho Thầy vấp phạm, vì con
chẳng hiểu biết những sự thuộc về
Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc
về loài người "(Mt 16, 22-23), lý do vì ông can gián
Chúa.
Quả thật, một thụ tạo sao
hiểu được ý Đấng Sáng Tạo, một con
người sao biết được ý tưởng
của Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa qua miệng Isaia đã quả
quyết: "Ý nghĩ của Ta không phải là ý nghĩ
của các ngươi, và đường lối của Ta
không phải là đường lối của các
ngươi" (Is 55, 8).
Chúng ta phải cám ơn các tác giả Tin
Mừng đã mô tả cách chân thực về con
người môn đệ Chúa Giêsu, họ thực sự
không phải là nhân vật lý tưởng tuyệt vời,
hay là thần thánh gì hết, họ nhưng là những con
người bằng xương bằng thịt với
đức tính và khuyết điểm như chúng ta. Có
thế họ mới gần gũi chúng ta, và giúp chúng ta
nhận ra rằng tất cả chúng ta cần phải hoàn
thiện mỗi ngày, bởi không ai là hoàn hảo ngay từ
khi mới sinh.
Vậy, đâu là ý Thiên Chúa?
Vì đã đọc Tin Mừng, nên chúng ta
thừa nhận Chúa Giêsu là Đấng Messia đến
hiến mạng trên thập giá vì chúng ta như lời tiên
tri Isaia đã báo trước. Ý muốn của Thiên Chúa là
chấp nhận thập giá. Chúa Giêsu giải thích cho các môn
đệ hiểu rằng Người phải "đi
Giêrusalem và chịu đau khổ nhiều vì các bô lão, các
thủ lãnh các tư tế và các ký lục, bị giết
chết và sống lại ngày thứ ba" (Mt 16, 21).
Tất cả xem ra bị đảo lộn trong con tim
của các môn đệ. Làm sao "Đức Kitô, Con Thiên
Chúa hằng sống" (Mt 16, 16) lại có thể bị
đau khổ cho tới chết được? Tông
đồ Phêrô nổi loạn, không chấp nhận con
đường ấy, nên mới lên tiếng: "Xin Thiên
Chúa đừng để Thầy gặp chuyện
ấy" (Mt 16, 22).
Đúng là: "Trời cao hơn đất
(bao nhiêu), cũng vậy, đường lối của Ta
vượt hơn đường lối của các
ngươi, và ý nghĩ của Ta vượt hơn ý
nghĩ của các ngươi" (Is 55, 9). Xem ra sự khác
biệt giữa chương trình tình yêu của Chúa Cha và
dự án, ước muốn của các môn đệ là
điều hiển nhiên. Không chấp nhận thập giá là
phủ nhận chương trình tình yêu của Chúa Giêsu, và
hầu như ngăn cản Người thi hành ý muốn
của Chúa Cha. Vì thế Chúa Giêsu mới nặng lời
với Phêrô: "Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy,
con làm cho Thầy vấp phạm"(Mt 16, 23).
Khi con người thực hiện cuộc
đời mình chỉ hướng tới chỗ thành công
xã hội, giầu sang vật chất và kinh tế, con
người gạt bỏ Thiên Chúa sang một bên, không lý
luận theo Thiên Chúa nữa, mà theo con người. Và khi nào
chúng ta để cho những suy nghĩ, tình cảm hay lý
luận nhân loại chiếm ưu thế, không cho
để cho đức tin, hay Thiên Chúa dạy dỗ và
hướng dẫn, khi ấy chúng ta sẽ trở nên
những tảng đá cản trở chương trình tình
yêu của Người.
Theo Chúa phải từ bỏ
Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: "
Nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình
đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy. Vì chưng, ai
muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai
đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ
được sự sống" (Mt 16, 24).
Chúng ta tự hỏi: "Từ bỏ"
mình có nghĩa gì? Và tại sao ta phải tử bỏ mình?
Thật khó chấp nhận điều Chúa
Giêsu yêu cầu là từ bỏ và hy sinh. Chúng ta đang
sống trong một xã hội được lập trình
sẵn, khuyến khích thành công nhanh, tận dụng tối
đa làm ít, hưởng nhiều, đỡ tốn
thời giờ và sức khỏe, nên không có lạ khi chúng
ta làm và nhìn mọi sự theo kiểu con người
chứ không theo cái nhìn của Thiên Chúa. Chính Phêrô, chỉ sau
khi đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần, ông mới ý thức
được rằng, ông phải qua con đường
ông đã đi và sống trong hy vọng.
Cần phải phân biệt, Chúa Giêsu không
đòi chúng ta từ bỏ "điều chúng ta là",
nhưng điều "chúng ta đã trở nên". Chúng ta
là những hình ảnh Thiên Chúa, chính Thiên Chúa thầy tốt
đẹp sau khi tạo dựng người nam và
người nữ (St 1, 31). Điều chúng ta phải
từ bỏ không phải là điều Chúa đã làm,
nhưng điều chúng ta lạm dụng quyền tự
do làm, cụ thể như: kiêu ngạo, hà tiện, dâm
dục, hờn giận, mê ăn uống, ghen ghét và làm
biếng… là những khuynh hướng xấu, tội
lỗi, bao phủ trên hình ảnh Thiên Chúa. Thánh Phaolô gọi
ảnh biến hình này là "ảnh dưới
đất", ngược với "ảnh trên
trời", giống như Chúa Kitô. Do đó "từ
bỏ chính chúng ta", là từ bỏ ý loài người mà
mặc lấy ý Chúa, hợp và giống Chúa hơn.
Kierkegaard đã lấy một ví dụ: Hai
người trẻ ngôn ngữ khác nhau yêu nhau. Muốn cho
tình yêu của hai người sống còn và lớn mạnh,
một trong hai người phải học tiếng nói
của người kia. Bằng không, họ không có khả
năng truyền đạt và tình yêu của họ không
bền. Và ông kết luận, điều này chỉ xảy
ra làm sao giữa chúng ta và Chúa. Chúng ta nói ngôn ngữ xác
thịt, Chúa nói ngôn ngữ thần khí; chúng ta nói ngôn ngữ
tính ích kỷ, Chúa nói ngôn ngữ tình yêu.
Muốn theo Chúa, phải từ bỏ chính
mình là học ngôn ngữ của Chúa để chúng ta có
thể giao tiếp với Chúa. Chúng ta sẽ không có khả
năng nói “vâng” với người khác nếu chúng ta trước
hết không khả năng nói “không” với chúng ta.
Theo Chúa là chấp nhận thập giá
Thì ra con đường của các môn
đệ là theo Chúa Giêsu, Đấng bị đóng đanh.
Con đường "đánh mất chính mình",
để tìm lại được chính mình, như
Đức nguyên Giáo hoàng Benedictô XVI viết: con
đường "đánh mất chính mình", là
điều cần thiết đối với con
người, và nếu không có điều này, thì nó không
thể tìm lại được chính mình" (Đức
Giêsu thành Nagiarét 2007, 333).
Ngày nay Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta:
"Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ chính minh, vác
thập giá mình và theo Thầy" (Mt 16, 24). Theo Chúa khi
chấp nhận thập giá của mình với lòng yêu
mến. Dưới con mắt thế gian, "đánh
mất đi sự sống" là một thất bại.
Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viết như sau:
"Một cách nhiệm mầu chính Chúa Kitô chấp
nhận ... chết trên một thập giá để nhổ
tận gốc rễ tội kiêu căng khỏi trái tim con
người, và biểu lộ một sự vâng phục
toàn vẹn con thảo" (Es. ap. Gaudete in Domino 9 maggio 1975,
AAS 67 (1975) 300-301). Khi tự nguyện chấp nhận cái
chết, Đức Giêsu mang lấy thập giá của
tất cả mọi người và trở thành suối
nguồn ơn thánh cứu độ cho toàn dân. Thánh Cirillo
thành Giêrusalem giải thích rằng: "Thập giá chiến
thắng đã soi sáng những ai bị mù lòa vì ngu muội,
đã giải thoát người bị tội lỗi giam
cầm, đã đem lại ơn cứu độ cho toàn
nhận loại" (Catechisis Illuminandorum XIII,1; de Christo
crucifixo et sepulto: PG 33, 772 B).
Lạy Chúa, xin
cho chúng con thêm lòng tin yêu Chúa, để những gì tốt
đẹp nơi chúng con ngày càng phát triển và
được Chúa chăm sóc giữ gìn. Amen.
|