Đánh đổi
Trong bài Tin Mừng
của thánh lễ Chúa nhật tuần trước ta
thấy ông Phêrô đã tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng
Cứu Thế đến từ Thiên Chúa hằng sống.
Mà theo suy nghĩ của người Do thái nói chung và của
các Tông đồ nói riêng thì Đấng cứu thế
sẽ là Đấng giải phóng dân bằng uy quyền và
sức mạnh, bằng quân đội và vũ khí. Do
đó, khi Chúa Giêsu loan báo cho các Tông đồ về cuộc
khổ nạn và cái chết Người sẽ phải
chịu, các ông không thể chấp nhận được.
Ông Phêrô đã kéo Chúa
Giêsu ra một nơi và can gián Người: “Thưa Thầy
không thể thế được. Thầy chẳng
phải chịu như thế đâu”. Nói câu đó, ông Phêrô
đã bày tỏ lòng thương mến và lòng tin
tưởng nơi Chúa Giêsu. Vì thương mến Chúa Giêsu
nên ông không muốn Người phải khổ. Vì tin
tưởng Chúa Giêsu nên ông nghĩ rằng không lẽ gì
Người đầy quyền năng như thế mà
lại phải chịu để cho người ta bắt
bớ, hành hạ và giết đi. Nhưng Chúa Giêsu đã
khiển trách ông: “Hỡi Satan, hãy lui ra đằng sau
Thầy. Con làm cớ cho Thầy vấp phạm, vì con
chẳng hiểu biết những gì thuộc về Thiên
Chúa mà chỉ hiểu biết những sự thuộc
về loài người thôi”.
Thì ra giữa tư
tưởng của Thiên Chúa và tư tưởng của con
người có một khoảng cách và khác biệt rất
lớn.
Tư tưởng
của con người là muốn mọi sự dễ dãi,
tiện nghi, không vất vả. Cứ nhìn vào cuộc
sống hôm nay ta sẽ thấy rõ điều ấy.
-
Khi coi truyền hình người ta
muốn ngồi một chỗ và dùng bộ phận
điều khiển từ xa, khỏi mất công đi
lại điều chỉnh.
-
Nếu ngại nấu ăn thì đã có
mì, có cháo ăn liền, có cà phê uống liền khỏi
mất công nấu nướng, pha chế.
-
Muốn lên lầu cao thì đã có thang
máy, không phải leo lên từng bậc vất vả…
Tâm lý thích dễ dãi
này tự nó không phải là điều xấu. Trái lại,
nó là điều tốt vì nó thúc đẩy những phát minh
khoa học để phục vụ đời sống con
người. Nhưng điều đáng nói là người
ta lại áp dụng tâm lý thích dễ dãi ấy vào chuyện
Nước Trời. Người ta cũng muốn mình
chiếm được Nước Trời một cách
dễ dàng thoải mái như vậy. Càng ít phải cố
gắng, ít phải hy sinh bao nhiêu tốt bấy nhiêu. Rút
ngắn giờ kinh lễ, giảm thiểu việc ăn
chay hãm mình, giữ đạo một cách tối thiểu
sao cho khỏi sa hỏa ngục là được.
Với một
lề lối suy nghĩ và một cách sống như
thế, con người không thể hiểu được
tại sao Thiên Chúa lại chọn con đường
thập giá, con đường đau khổ để
cứu độ con người. Tại sao Người
không chỉ phán một lời tha tội cho con người
có phải dễ dàng hay không?
Cho dù con người
suy nghĩ thế và muốn thế nhưng Thiên Chúa thì khác.
Người vẫn chọn con đường thập giá,
chọn những hy sinh, chọn những thống khổ,
chọn cái chết để cứu độ con
người. Và Người kêu gọi những ai muốn
tìm hạnh phúc, tìm niềm vui, tìm sự sống, tìm
Nước Trời cũng hãy biết và hãy dám chọn
lựa như Người. “Ai muốn theo tôi hãy bỏ mình,
vác thập giá mình hằng ngày mà theo tôi”.
Chúa chọn con
đường khổ giá không phải vì Người thích
đau khổ. Chúa muốn con người từ bỏ
bản thân và vác thập giá không phải vì muốn đày đọa
con người. Nhưng đau khổ chính là thước
đo của lòng yêu mến, bởi vì chỉ khi yêu nhau
thật lòng người ta mới dám hy sinh cho nhau, mới
dám chịu khó, chịu khổ vì nhau. Điều quan
trọng là tình yêu được biểu lộ qua
những đau khổ ấy.
Hạnh phúc không bao
giờ là một món quà được cho không, biếu
không, nhưng phải mua bằng chính những nỗ
lực, những hy sinh của mình.
Hạnh phúc
Nước Trời là một món quà quí giá nhất và to
lớn nhất. Nếu phải mua nó bằng những
vất vả hy sinh, bằng những từ bỏ đau
đớn thì đó cũng là điều dễ hiểu
thôi.
|