Ngài là Đức Kitô!
(Suy
niệm của Lm. Luigi Gonzaga Đặng Quang Tiến)
Đoạn 16,13-20
nằm ở trung tâm của tin mừng Matthêô. Đây là
đoạn kết thúc và cũng là cao điểm của
phần đầu của tin mừng bàn về sứ
vụ của Chúa Giêsu tại Galilêa, như là Đấng
Thiên Sai được hứa ban (4,17-16,20). Chủ
đề chính của đoạn nầy là nói đến
căn tính của Chúa Giêsu, và việc Chúa Giêsu trao quyền
thủ lãnh cvà điều hành cho Phêrô. Đoạn nầy có
thể chia thành ba phần: - Bối cảnh (c. 13a); - Ý
kiến về căn tính của Chúa Giêsu (cc. 13b-17); Trao
quyền cho Phêrô (cc. 18-19); Kết luận (c. 20).
Bối
cảnh (c. 13a)
Bối cảnh của trình thuật
nầy là một chỉ dẫn về không gian: Chúa Giêsu
“Đến vùng Caisaria của Philip” (c. 13a). “Caesarea của Philip là một
nơi rất đẹp dưới chân núi Hermon, trên
nguồn nước chính của sông Giorđan. Thần Baal được sùng bái
ở đây trong thời Cựu ước; sau đó
người Hy lạp thay thế thần Pan vào,
và vùng nầy mang tên Paneas, đền thờ của
thần gọi là Panion… Vua Hêrôđê Cả xây
một đền thờ cẩm thạch cho Augustus Caesar,
người đã hiến cho ông vùng nầy; và Philip, vị
tổng trấn sau đó đặt lại tên cho thành là Caesarea để tôn kính hoàng
đế. Tên “Philippi” nghĩa là “của Philip” được thêm vào
để phân biệt vùng nầy với bờ biển *Caesarea (x. Cv 8,40)…” (D.F.P.,
Caesarea Philippi, in Wood, D. R. W.; Marshall, I. Howard: New Bible
Dictionary. 3rd ed. Leicester, England, 1996, p. 153). Chính giữa
khung cảnh vùng “linh thánh” nầy, dâng kính cho các thần
từ thời xa xưa đến giờ, Chúa Giêsu
đặt cho các môn đệ câu hỏi liên quan đến
bản thân Ngài: “Người ta nói Con Người là ai?” Và
Phêrô trả lời “Thầy là Đấng Kitô” (Mt 16,13-20; Mc 8,27-30; x. Lc 9,18-22).
Ý
kiến về căn tính của Chúa Giêsu (cc. 13b-17)
Phần nầy thuộc dạng
tường thuật, kể lại cuộc đối
thoại giữa Chúa Giêsu và các môn đệ; vì thế các
động từ ở ngôi thứ ba. Đoạn nầy mở đầu
với câu hỏi “Người ta nói Con Người là ai?” (c. 13b) và đóng lại bằng câu trả lời
của Phêrô “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng
sống” (c. 16). Như thế, “Con
Người” được đồng hóa với
“Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng Sống”. Câu
hỏi trên Chúa Giêsu đặt ra hai lần: một là
để biết ý kiến của “người ta” (c. 13b),
hai là ý kiến của các môn đệ (c. 15).
Về ý kiến của người ta,
có nhiều phát biểu khác nhau. Điểm chung giữa các phát
biểu nầy là họ xem Chúa Giêsu như là một ngôn
sứ. Ý kiến về Chúa Giêsu là Gioan Tẩy Giả đã
thấy trong lời của Hêrôđê: “Ấy Yoan Tẩy Giả
đó, ông ấy đã sống lại khỏi cõi chết,
và vì thế những phép lạ mới phát hiện nơi
Ngài" (14,2). Người khác cho
rằng Chúa Giêsu là Êlia, vì Êlia “đến để tu
chỉnh mọi sự” (17,11), và họ
thấy điều nầy nơi lời rao giảng và
việc làm của Chúa Giêsu. Vào gần cuối tin mừng
Matthêô sẽ nói là đông đảo dân chúng cho rằng Ngài
là một ngôn sứ xuất thân từ Nazaréth niền Galilêa
(21,11.46).
Có một ý kiến khác không phải
từ giữa dân chúng, mà cũng không từ giữa nhóm môn
đệ của Chúa Giêsu, đó là của Gioan Tẩy
Giả. Ông đã
đặt câu hỏi về Chúa Giêsu: “Có phải Ngài là
Đấng phải đến hay chúng tôi còn phải
đợi người khác? (11,3). Và Gioan
Tẩy Giả chỉ nhận được câu trả
lời là hãy nghe những điều Ngài rao giảng và xem
những hành động Ngài làm thì sẽ biết Ngài là ai
(x. 11,4).
Với các môn đệ trước
đây họ cũng thắc mắc Chúa Giêsu là ai (8,27). Hôm nay họ có câu trả
lời từ miệng Simon Phêrô “Thầy là Đức Kitô,
Con Thiên Chúa hằng sống” (c. 16). So với các
bản văn song song, lời tuyên xưng trong Matthêô dài
hơn, thêm câu “Con Thiên Chúa hằng sống” (Mc 8,29; Lc 9,20; Ga 6,69). Đối
với Matthêô, việc thêm nầy giúp xác định rõ
hơn “Đức Kitô”, ho
Christus. Ngay đầu tin mừng, “Đức Giêsu
Kitô” được viết là “con Đavít, con Abraham” (1,1),
nghĩa là Ngài được biết đến là
thuộc dòng họ vua Đavít (1,17) và dân Israel thuộc
mọi tầng lớp khác nhau đều xem Ngài là “Con vua
Đavít” (9,27; 12,23; 15,22; 20,30tt; 21,9.15; 22,42). Tuy
nhiên, không chỉ như thế. Ngài còn là
“Con của Thiên Chúa hằng sống”. Chú
ý là từ Christòs và hyios đều có mạo
từ xác định, nghĩa là xác định rằng
“Đấng Kitô nầy chính là Con của Thiên Chúa hằng
sống”. Cách nói nầy chỉ được lập
lại một lần nữa trong lời thẩm vấn
của vị thượng tế (26,63;
x. 27,40.43), và trong câu trả lời, chính Chúa Giêsu đã làm
chứng về mình (26,64). Động tính
từ zòvtos, “hằng
sống” bổ nghĩa thêm cho “Thiên Chúa”. Ngài là Thiên
Chúa của Abraham, Isaac, Giacóp… Thiên Chúa của kẻ
sống” (22,32; 26,63), cũng có nghĩa là
Thiên Chúa của dân Israel. Vậy Đức Giêsu Kitô, chính là Con
của Thiên Chúa của tổ phụ dân Israel và Ngài
được Thiên Chúa nầy sai đến, chứ Ngài
không phải là một ngôn sứ (x. 14,33).
Lời tuyên xưng nầy không bởi
“nghe và thấy” thuộc về kinh nghiệm con
người, mà bởi mạc khải của Cha trên
trời, như lời xác định của Chúa Giêsu (c.
17). Cụm từ “xác và máu” không thấy
nơi khác trong các tin mừng. “Xác và máu” là thuộc
về thân xác con nguời, và cũng là những gì của con
người (19,5). Nó chỉ sự
yếu đuối và hạn chế của con người
so với tinh thần và Thiên Chúa (26,41; x.
Ga 6,65; 1 Co 15,50). Bởi đó, Simon Phêrô không
thể bởi kinh nghiệm và sự hiểu biết
thuộc về con người mà có thể tuyên xưng Ngài
là “Đấng Kitô. “Phúc cho”, makarios, chỉ phúc lành của Thiên Chúa ban cho ông. Cái phúc của Phêrô là được Chúa Cha mạc
khải cho biết Chúa Giêsu là Con của Thiên Chúa hằng
sống. Vậy lời tuyên xưng của Phêrô là câu
trả lời chính xác nhất cho câu hỏi Chúa Giêsu
đặt ra “Con Người là ai?”.
Trao
quyền cho Phêrô (cc. 18-19)
Phần nầy chỉ có trong Matthêô. Nó gồm các câu nói
trực tiếp, động từ ở ngôi thứ
nhất và thứ hai, và các đại danh cũng thế.
Hai câu 18 và 19 có cấu trúc tương tự là một
lời trực tiếp Chúa Giêsu nói với Phêrô + hai
khẳng định tương phản nhau khai triển
từ khẳng định trước: - Câu 18: “Tôi nói
với anh: anh là Đá - “trên đá nầy Thầy sẽ xây
dựng hội thánh của Thầy” - “cửa hoả
ngục không thể phá được”; - Câu 19: “Tôi trao cho
anh: chìa khóa Nước Trời” - “Sự gì anh cầm
buộc…” - “Sự gì anh tháo gỡ…”.
“Anh là Đá” (c. 18) rất khớp
với câu khẳng định của Chúa Giêsu “Thầy là
Đấng Kitô”. Cả
hai đều dùng “Thầy là /anh là…”. Phêrô đã cho biết Chúa Giêsu là ai, và Chúa Giêsu
cũng cho biết Simon là Petros, nghĩa là Đá. Tên Petros không phải lần
đầu tiên được nhắc đến ở
đây, mà đã thấy ở các đoạn trước (4,18; 8,14; 10,2; 14,28). Tuy nhiên
những bản văn ấy không cho biết khi nào và
tại sao có tên nầy được dùng, và nó mang ý
nghĩa gì. Tên nầy đã
được dùng mà không được giải thích.
Chỉ trong đoạn 16,18-19 nầy,
chúng ta mới thấy nguồn gốc và ý nghĩa trọn
vẹn của nó. Đặt tên mới là trao ban một
ơn gọi. Abram được Thiên Chúa gọi là Abraham,
vì Ngài sẽ đặt ông làm cha nhiều dân tộc, các dân
và con cháu ông sẽ được Thiên Chúa chúc phúc bởi
ông, và Thiên Chúa sẽ là Thiên Chúa của họ (Kn 17,1-8).
Cũng thế Simon được gọi là Phêrô vì Chúa Giêsu
sẽ đặt ông làm thủ lãnh trên Hội Thánh của
Ngài sẽ thành lập, và Ngài sẽ trao quyền hành nắm
giữ và tháo gỡ cho ông.
“Trên đá nầy Thầy sẽ xây
hội thánh của thầy”. Trong 7,24 Matthêô dùng hình ảnh “nhà
xây trên đá” để diễn tả nền tảng
vững chắc của những người nghe lời
Chúa và đem ra thực hành trước những thử
thách. Phêrô đã được Chúa Giêsu khen
ngợi về lời tuyên xưng, và được Ngài
đặt tên là Đá, và làm nền móng cho hội thánh Ngài.
Vì thế, “xây trên đá nầy” nghĩa là xây trên lời
tuyên xưng đức tin nền tảng của Phêrô
“Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống” (x. 1P 2,5). Chỉ trên nền móng “Đức Kitô, Con
Thiên Chúa hằng sống” nầy thì cửa hỏa ngục
mới không thể phá hủy được; ngược
lại chúng còn bị tiêu diệt (x. 8,16.
29.33).
Hành động tiếp theo
Chúa Giêsu làm cho Phêrô sau lời tuyên xưng của ông là
“Thầy trao cho anh chìa khóa Nước Trời” (c. 19). Sách
Khải huyền cho biết chỉ mình Chúa Giêsu Kitô có chìa
khóa nầy, nói là khi Ngài đã mở thì không ai có thể
đóng lại, và khi Ngài đóng lại thì không ai có thể
mở (Kh 3,7). Khi trao cho Phêrô “chìa khóa
Nước Trời” là Chúa Giêsu trao cho ông quyền nắm
giữ chìa khóa và hành động thay mặt Ngài.
“Chìa khóa Nước Trời” là chìa khóa
dùng mở ra để đi vào trong Nước Trời. Xét trong bối cảnh của bản
văn, sau khi lời tuyên xưng của Phêrô, Chúa Giêsu đã
làm cho Phêrô hai điều: một là đặt ông làm Đá
như là nền móng để xây dựng hội thánh Ngài
trên đó; hai là trao cho ông “chìa khóa Nước Trời”. Cả hai điều nầy chỉ có thể
hiểu được trong tương quan với Chúa Giêsu
là “Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Bởi đó “chìa khóa Nước Trời” là chìa
khóa để hiểu và tin vào Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng
sống.
Thật vậy, Chúa Giêsu chính là
“Nước Trời” đến trong thế gian (3,2; 4,17). Không phải ai cũng
hiểu Ngài và nhận ra Ngài là Con Thiên Chúa. Điều
nầy đã thấy trong dư luận của dân Israel (cc. 13b-17; 11,16-19;
12,24; 13,54-56). Ngài chính là “các mầu nhiệm Nước
Trời” mà chỉ các môn đệ được ban ơn
để hiểu (x. 13,11). Phêrô
được phúc bởi Chúa Cha mạc khải cho về
căn tính của Chúa Giêsu; các môn đệ cũng có phúc vì
“mắt được thấy và tai được nghe”
(13,16). Bởi đó, “chìa khóa Nước
Trời” mà Phêrô nhận lãnh từ Chúa Giêsu chính là những
mầu nhiệm liên quan đến bản thân Ngài, và
quyền cầm buộc và tháo cởi là quyền tối cao
về giảng dạy liên quan đến “Đức Kitô,
Con Thiên Chúa hằng sống”. Quyền của Phêrô là
quyền giảng dạy các mầu nhiệm Nước
Trời, và quyền tuyên bố giáo thuyết nào là đúng
hoặc sai (x. 23,13).
Kết
luận (c. 20)
Vậy Chúa Giêsu được tuyên
xưng là Đức Kitô, Đấng được Thiên
Chúa sai đến. Từ ho Kristos
đóng khung lại câu chuyện (cc.16 và 20). Tuy nhiên Chúa
Giêsu ra lệnh cho các môn đệ giữ thinh lặng về
căn tính thiên sai của mình (8,4). Lý do
việc giữ kín nầy là vì “Đức Kitô” nầy không
phải là một vị thiên sai như dân chúng nghĩ. Phêrô
sẽ để lộ ý nghĩ mình về một vị
thiên sai trần thế trong trình thuật tiếp theo sau (16,22).
Lời tuyên xưng Chúa Giêsu là
“Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” là cốt lõi
của nìềm tin Kitô giáo.
Lời rao giảng và hành động của Ngài là gì
đối với chúng ta tùy thuộc vào việc chúng ta tin
Ngài là ai. Nếu tin Ngài là Con Thiên Chúa hằng sống, thì
việc lắng nghe và thực hành lời Ngài, cũng
như sống theo cách hành động
của Ngài, chúng ta sẽ được cứu độ.
|