Suy Niệm
Chúa Nhật XXI Thường Niên – Năm A
Vì yêu thương, Đức Giêsu đã vâng
lời Chúa Cha xuống thế làm người cứu
chuộc nhân loại. Để thực hiện sứ
mạng đó, Ngài đã ở thế gian 33 năm: 30
năm sống ẩn dật, 3 năm đời sống
công khai. Trong 3 năm ngắn ngủi của đời
sống công khai, Ngài đã đi khắp đó đây rao
giảng Tin mừng. Đồng thời, để
chuẩn bị cho việc thiết lập Giáo hội, Ngài
đã chọn và huấn luyện nhóm mười hai.
Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Ngài
đã đặt Thánh Phê-rô làm đầu mười hai Tông
đồ, cũng chính là làm đầu Giáo hội mà Ngài
sẽ thiết lập.
Bài Tin mừng hôm nay, Thánh Matthêu cho chúng ta
biết, sau khi hỏi dư luận quần chúng suy nghĩ
như thế nào về Ngài, Đức Giêsu quay sang hỏi
các Tông đồ: “Còn các con, các
con bảo Thầy là ai?”(Mt 16,15). Thánh Phê-rô đại
diện cho các Tông đồ trả lời rằng: “Thầy là Đức Giêsu Ki-tô
Con Thiên Chúa Hằng Sống” (Mt 16,16). Đức Giêsu khen
ngợi câu trả lời của Phê-rô. Đồng
thời, Ngài nói với ông rằng: “Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh
của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không
thắng được. Thầy sẽ trao cho con chìa khoá
nước trời: sự gì con cầm buộc
dưới đất, trên trời cũng cầm buộc;
và sự gì con cởi mở dưới đất, trên
trời cũng cởi mở” (Mt 16,18-19).
Đá là một vật thể cứng,
bền, chắc…Đức Giêsu gọi Phê-rô là Đá, và trên
“viên đá” đó, Đức Giêsu muốn xây Hội thánh
của Ngài, chứng tỏ Đức Giêsu xây dựng
Hội thánh trên nền tảng vững chắc, đúng
như lời Ngài khẳng định: “Dầu cửa địa ngục sẽ không
thắng được”.
Chìa khóa biểu tượng cho quyền
lực. Ai được trao chìa khóa thì người đó
có quyền đóng mở và bảo quản những gì có
trong đó. Bài đọc I cho chúng biết, khi trao quyền
lực cho En-gia-kim, Thiên Chúa trao cho ông chìa khóa: “Ta sẽ để chìa khoá nhà
Ða-vít trên vai nó: nó sẽ mở cửa và không ai đóng
lại được; nó đóng cửa lại và không ai mở
ra được” (Is 22,22). Cũng vậy, Thánh Phê-rô
được trao chìa khóa nước trời, nghĩa là
Thánh Phê-rô có quyền lãnh đạo dân Chúa, có quyền
đóng mở và bảo quản kho tàng thiêng liêng của
Hội Thánh, đó chính là Lời Chúa, các Bí tích. Ngoài ra, Ngài
còn có quyền “trói và cởi”. Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo
dạy: Quyền “trói và cởi” là quyền tha thứ các
tội lỗi, công bố những phán đoán về giáo lý
và đưa ra những quyết định có tính kỷ
luật trong Giáo hội (x. số 553).
Nhìn lại lịch sử Giáo hội
suốt 2000 năm qua, chúng ta thấy lời hứa của
Đức Giêsu với Phê-rô đã trở thành hiện
thực. Dẫu Giáo hội trải qua nhiều sóng gió
nhưng Giáo hội vẫn luôn luôn đứng vững trên
nền tảng của Thánh Phê-rô: Thánh Phê-rô và các
đấng kế vị luôn đóng trọn vai trò “Đá
tảng”, luôn chu toàn chức vụ “cầm chìa khóa
nước trời” để “trói và cởi”. Nhờ đó, nhân loại đón
nhận biết bao ơn lành từ Thiên Chúa qua Giáo hội.
Chúng ta cám tạ Chúa đã lập nên Giáo
hội. Giáo hội trở thành mẹ của chúng ta trong
đức tin, trong cuộc sống siêu nhiên (x. LG 6.14.15.41.42).
Vì thế, bổn phận của chúng ta đối với
Giáo Hội cũng tương tự như bổn phận
của con cái đối với Cha Mẹ. Đó là chúng ta phải
biết ơn, vâng lời và xây dựng Giáo hội.
Thứ
nhất, chúng ta biết ơn
Giáo hội, vì Giáo hội đã sinh ra chúng ta trong đức
tin, nuôi dưỡng chúng ta bằng Lời Chúa và các Bí tích.
Trong bài huấn dụ với 100.000 khách hành hương
tại quảng trường Thánh Phê-rô ngày 10/9/2013,
Đức Thánh Cha Phanxicô đã trình bày đề tài giáo lý
“Giáo hội là mẹ”. Ngài cho biết, trong các hình ảnh mà
Công Đồng Chung Vatican II đã chọn để giúp
chúng ta hiểu rõ hơn bản chất của Giáo hội
nghĩa là bản chất là “mẹ”: Giáo hội là mẹ
chúng ta trong đức tin, trong cuộc sống siêu nhiên (x.
LG 6.14.15.41.42). Ngài nói: Giáo hội “đồng
hành với sự trưởng thành của chúng ta, bằng
cách thông truyền Lời Chúa cho chúng ta, là ánh sáng chỉ con
đường cuộc sống kitô cho chúng ta, và ban phát các bí
tích. Giáo hội nuôi dưỡng chúng ta bằng bí tích Thánh
Thế, đem lại ơn tha thứ cho chúng ta qua bí tích
Sám Hối, nâng đỡ chúng ta trong lúc đau yếu
với bí tích Xức Dầu bệnh nhân. Giáo hội
đồng hành với chúng ta trong suốt cuộc sống
đức tin.” (Nguồn: vi.radiovaticana.va). Vì vậy,
chúng ta cần thể hiện lòng biết ơn bằng cách
tôn kính và yêu mến Giáo hội.
Thứ hai, chúng ta phải vâng lời Giáo hội. Vâng
lời Giáo hội là vâng lời Đức Thánh Cha, các
Đức Giám mục, các linh mục và những
người đại diện của Chúa ở trần
gian này. Vâng lời trở thành một nhân đức như
khi các thành phần trong Giáo hội vâng lời Đức
Giáo Hoàng. Vâng lời còn trở thành luật buộc như
khi các Giám Mục vâng phục Đức Giáo Hoàng, các linh
mục vâng phục Giám mục
Giáo phận của mình, các tu sĩ vâng phục Bề trên
hợp pháp của cộng đoàn. Có nhiều mẫu
gương sống tinh thần vâng phục trong Giáo hội,
đáng chú ý là mẫu gương vâng phục của
Đức Tổng Giám Mục Fénelon, nước Pháp sau
đây: Giám Mục Fénelon là Tổng Giám Mục danh tiếng
của giáo phận Cambrai nước Pháp vào đầu
thế kỷ XVIII. Ngài được mọi người
thán phục và kính nể vì ngài đạo đức và thông
thái. Ngài sáng tác cuốn sách thiêng liêng rất hay, nhan
đề “Cắt nghĩa các
câu châm ngôn của Các Thánh.” Ngày kia, khi sắp lên tòa
giảng để giảng một bài quan trọng
trước một cử toạ đông người
đang thán phục, ngài được tin Đức Giáo
Hoàng Inôsentê XII đã lên án cuốn sách của ngài và cấm
lưu hành. Đến giờ giảng, ngài vẫn bình
tĩnh bước lên tòa giảng, nhưng không phải
để giảng bài ngài dọn, mà để giảng
một bài về sự tuân phục đối với
Giáo-Hội. Ngài nói: “Đức
Thánh Cha đã lên án cuốn sách của cha. Cha xin hoàn toàn tuân
phục quyền bính Giáo Hội cho đến chết
để làm gương cho anh em.” Và để tỏ
lòng tuân phục công khai một cách khiêm nhượng, ngài cho
khắc cảnh thiên thần đang dày đạp
dưới đất những tác phẩm bị Giáo Hội
lên án, trong đó có cuốn sách của ngài, nhan đề “Cắt nghĩa các câu châm ngôn
của Các Thánh.” (Trích bài gợi ý của Lm. Emmanuen
Nguyễn Vinh Gioang).
Thứ ba, chúng ta phải có tinh thần xây dựng Giáo
Hội cả về tinh thần lẫn vật chất.
Thánh Công Đồng Vatican II trong Hiến Chế Tín lý
về Giáo Hội đã cho biết: “Nhờ khả năng chuyên môn và uy tín của họ
(Giáo dân), họ có thể và đôi khi còn có bổn phận
phải bày tỏ cảm nghĩ của mình về những
việc liên quan đến lợi ích của Giáo hội…
nhưng luôn với lòng chân thành, can đảm, khôn ngoan, kính
trọng và yêu mến những người thay mặt Chúa
Kitô vì nhiệm vụ thánh của các ngài” (Ibid., no. 37).
Thật vậy, Giáo hội cần những lời góp ý chân
thành, can đảm, khôn ngoan, kính trọng và yêu mến
từ phía giáo dân đối với các đấng bậc
trong Giáo hội, nhằm mục đích xây dựng và
bảo vệ Giáo hội. Đừng bao giờ chỉ
trích, lên án hay nói xấu Giáo hội. Còn về vật
chất, điều răn Thứ Năm của Hội
thánh nhắc nhở mọi tín hữu cần phải chu
toàn nhiệm vụ đóng góp công của để xây
dựng Giáo hội. Ngoài ra, các tín hữu cũng có thể
đóng góp thêm tùy theo khả năng của mình để
xây dựng Giáo xứ, Giáo phận, và Giáo hội ngày một
thêm lớn mạnh và bền vững hơn.
Lạy Đức Giêsu, chúng con cảm
tạ Chúa đã lập nên Giáo hội để sinh ra, nuôi
dưỡng và dạy dỗ chúng con. Xin cho mỗi
người chúng con luôn biết yêu mến, vâng lời và đóng
góp tinh thần và vật chất để xây dựng Giáo
hội. Amen.
Lm. Anthony Trung
Thành
|