Ơn cứu độ
được ban cho mọi người
(Suy niệm của
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí)
Trong tập sách
“Những mẩu bánh vụn” của Tôi Tớ Chúa,
Đức Hồng Y Fx. Nguyễn Văn Thuận, đã
kể lại một câu chuyện: Một người bạn
tù với Ngài là người ngoại giáo, nhưng ông ta
rất cảm mến Đức Hồng Y. Ông ta
được ra tù trước và sau này kể lại: Nhà
ông ở gần Trung tâm Lavang, vì thế mỗi ngày, ông
đều đến với Đức Mẹ Lavang
để cầu nguyện cho Đức Hồng Y
Thuận. Khi được hỏi: Ông là người
ngoại, ông cầu nguyện thế nào? Ông đáp: Tôi nói
với Bà Ấy (Đức Mẹ) rằng: Thưa bà, tôi
chưa biết Bà là ai, song tôi đến đây để
cầu xin Bà thương đến một người
bạn của tôi là ông Thuận còn ở trong tù, xin Bà
thương cứu giúp ông ấy. Thế là
không bao lâu sau, Đức Hồng Y Thuận cũng
được ra tù và hai người gặp lại nhau
trong sự xúc động.
Người
ngoại có tin Chúa và có cầu nguyện không? Trong thực tế, có nhiều
người được gọi là ‘bên lương”, là
dân ngoại, song họ lại có một niềm tin mạnh
mẽ vào Thiên Chúa, mặc dù họ chưa thực sự theo Chúa. Đối với những
người dân ngoại này, chỉ cần một lòng tin
đơn sơ chân thành, thì Thiên Chúa vẫn ghi nhận
sự chân thành ấy và ban ơn trợ giúp cho họ. Nếu có dịp đến Lavang, Tàpao, chúng ta có
thể dễ dàng nhận ra sự thành tâm của những
người ngoài Công Giáo. Họ
đến đây với lòng tin vào quyền năng của
Thiên Chúa và sự trợ giúp của Đức Mẹ.
Họ thành tâm xin Chúa và Đức Mẹ che chở,
chữa lành.
Có một suy nghĩ
thường xảy ra nơi người Do Thái và nơi
chúng ta hôm nay, đó là chúng ta thường đóng khung Thiên
Chúa trong những người có đạo, cho mình là
những người độc quyền chiếm giữ
Thiên Chúa và loại trừ người khác ra khỏi tình yêu
của Thiên Chúa. Tuy nhiên Lời Chúa hôm nay cho
thấy, Thiên Chúa không hề giới hạn tình yêu của
Ngài. Bất cứ ai, dù là là dân ngoại hay Do Thái,
nếu tin tưởng vào Thiên Chúa, thì đều
được Ngài ra tay cứu
độ. Tiên tri Isai đã loan báo về ơn cứu
độ của Thiên Chúa ban tặng cho nhân loại, không
chỉ người Do Thái, mà người ngoại bang nào
gắn bó cùng Đức Chúa, phụng sự Người và
yêu mến Thánh Danh, cũng trở nên tôi tớ của
Người. Những ai tuân giữ lề
luật, thì cũng được lên núi thánh của Chúa… và
Thiên Chúa sẽ ưng nhận lễ toàn thiêu của họ.
Với lời này của Isai, quả thật đã phá
đổ hoàn toàn suy nghĩ của người Do Thái, vì
họ tự hào mình là dân riêng của Chúa, và ngược
lại, Chúa là của riêng Israel mà thôi. Isai cho thấy, Thiên
Chúa không hề bị giới hạn, hay nói đúng hơn,
ơn cứu độ của Thiên Chúa được ban
tặng không chỉ cho Israel, mà là cho tất cả nhân loại.
Những ai tin và tuân giữ giới răn lề luật
của Chúa thì trở thành dân của Chúa.
Câu chuyện Thánh
Matthew thuật lại hôm nay khiến cho nhiều
người thắc mắc: Chúa Giêsu đi về vùng Tia và Sidon, tức là vùng đất của dân
ngoại, thì có một người đàn bà chạy
đến và kêu lên: Lạy Ngài là Con vua Đavít, xin dủ
lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám
khổ sở lắm. Với lời kêu
cầu này, bà đã thể hiện lòng tin vào Đức
Giêsu. Bà tin Đức Giêsu là Con vua Đavít, tức là
Đấng cứu thế. Tuy nhiên Thánh Matthew
cho thấy, Chúa Giêsu dường như dửng dưng
trước lời kêu cầu này. Khi các môn đệ
lên tiếng giùm bà, thì Chúa Giêsu còn trả lời: Thày chỉ
được sai đến với con chiên lạc nhà Israel thôi. Đến khi bà ấy nài nỉ
thì Chúa đã nói với bà: Không nên lấy bánh của con cái
mà ném cho chó con.
Có
nhiều nhà chú giải đã cố gắng giải thích
những lời lẽ xem ra từ chối nặng nề
này của Chúa Giêsu. Chúng
ta không đi sâu và những giải thích này, nhưng chúng ta
nhìn vào đức tin và sự kiên nhẫn của
người phụ nữ trong khi cầu xin. Người
đàn bà này đang gặp đau khổ, đó là con bà
đau bệnh gần chết. Trong lúc
tuyệt vọng, bà chỉ còn biết chạy đến
với Thày Giêsu, mà có lẽ bà đã từng nghe biết
về Ngài. Tuy nhiên khi đến với
Chúa Giêsu, bà dường như lại gặp một
thử thách khác, đó là sự im lặng làm ngơ của
Thiên Chúa trước lời cầu xin của bà. Người phụ nữ này vẫn không thất
vọng, dù có lúc bà như bị Thiên Chúa không chỉ im
lặng mà còn từ chối thẳng thừng lời
cầu xin của bà. Thế nhưng, bà vẫn kiên trì
trước câu trả lời của Chúa, bà thưa lại
với Chúa: Thưa Ngài đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn
những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống. Với câu trả lời này, bà đã thể
hiện lòng tin của bà nơi Chúa Giêsu dù trước
đó bà đã bị từ chối.
Người
phụ nữ Canaan không hề tự ái trước
lời từ chối của Chúa. Trái lại, bà càng khiêm tốn hơn
để “lý lẽ” với Chúa như thế, vì tin
rằng con của bà chỉ có thể được
chữa lành nhờ quyền năng “dư thừa” của
Thày Giêsu. Bà còn nhận mình không xứng đáng
được đồng bàn hoặc được chia
sẻ tấm bánh ân phúc của Chúa, mà chỉ dám nhận
mình là đám chó con, chờ đợi và cầu xin một
chút ân lộc dư thừa từ bàn ăn của chủ
rơi xuống, chứ cũng không dám mong được
ông chủ ném cho một miếng bánh. Chúa Giêsu hết sức
ngạc nhiên trước lý lẽ và lòng tin của bà và ngài
đã không thể không đáp ứng lời cầu xin
của bà: Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn thế nào, sẽ được như
vậy. Từ giờ đó, con gái bà
được khỏi bệnh. Có
thể nói, Chúa Giêsu đã phải xiêu lòng và chịu thua
trước đức tin mạnh mẽ của một
người phụ nữ như thế.
Thánh Phaolô đã
nhận ra sự kỳ diệu trong kế hoạch của
Thiên Chúa, khi dân ngoại được mời gọi chia
sẻ niềm tin và thừa hưởng lời hứa ban
ơn cứu độ của Thiên Chúa dành cho người
Do Thái. Mặc dù dân Do Thái đã được Thiên Chúa yêu
thương và tuyển chọn để thừa
hưởng gia nghiệp Nước Trời, thế
nhưng dường như, họ đã coi thường ân phúc này. Họ đã từ chối ân huệ của Thiên Chúa, nên Thiên Chúa đã
dành ân huệ ấy cho dân ngoại và cho tất cả
những ai có lòng tin. Phúc lành mà Thiên Chúa hứa ban cho dân Do
Thái qua các tổ phụ, giờ đây lại
được ban cho dân ngoại. Theo Thánh Phaolô, những
người Do Thái muốn được hưởng ân phúc này đòi phải có một điều
kiện tiên quyết, đó là quay trở lại với thái
độ vâng phục Thiên Chúa.
Thưa quý OBACE,
cũng đã có một thời, vì tự mãn với ơn
gọi làm con Thiên Chúa, được hưởng ơn
cứu độ của Thiên Chúa qua Giáo Hội, chúng ta
cũng rơi vào tình trạng cực đoan, loại
trừ những người dân ngoại, khi tuyên bố
rằng: Ngoài Giáo Hội không có ơn cứu rỗi. Từ quan niệm này, nhiều người
sống đạo không khác gì dân Do Thái, tức là giữ
đạo thụ động, không cố gắng, không hoán
cải. Nhiều người khác rơi vào tình
trạng giữ đạo theo công thức, theo thói quen,
thiếu chiều sâu của đức tin, không thực hành
đạo, vì thế khi gặp khó khăn thử thách,
họ thất vọng oán trách Thiên Chúa.
Lời Chúa hôm nay
mời gọi chúng ta nhìn vào đức tin của những
người bị coi là dân ngoại, để biết tôn
trọng đức tin chân thành của họ và còn
để rà xét lại đời sống đạo và
đức tin của mình. Thiên Chúa cho chúng ta rất
nhiều cơ hội và ân phúc, nhưng
nhiều khi chúng ta lại coi đó là những điều
tự nhiên, may mắn, hơn là nhận ra tình yêu
thương ban tặng của Chúa. Giống như
người Do Thái, chúng ta thờ ơ với ơn cứu
độ của mình, từ chối lời mời gọi
của Thiên Chúa. Nếu chúng ta không hoán cải
đời sống, thì cũng sẽ có ngày người
từ đông chí tây được mời vào dự
tiệc nước Thiên Chúa, còn chúng ta bị loại ra
ngoài.
Kế đến, hãy
học nơi tấm gương tin tưởng kiên trì và
khiêm tốn của người phụ nữ Canaan hôm nay: đừng bao giờ thất vọng
trước sự im lặng của Thiên Chúa. Vì để
tôi luyện, thử thách đức tin của chúng ta,
đôi khi Chúa dường như im lặng hoặc từ
chối lời kêu cầu của chúng ta; nhưng nếu
chúng ta cứ kiên trì, cứ nài xin, chắc chắn Chúa
sẽ ra tay và cho chúng ta được
như sự thỉnh cầu.
Người
phụ nữ hôm nay quả là tấm gương cho các
bậc làm cha mẹ. Nhiều người, nhiều gia đình đang
rơi vào cảnh cùng quẫn, đau khổ vì vợ
chồng đau yếu, con cái ngỗ nghịch hư
hỏng; nhiều người đã ngã lòng vì thấy
lời cầu xin của mình chưa được Chúa
nhận lời. Họ trách Thiên Chúa: Tôi đi lễ
mỗi ngày, đã đi xin khấn ở nhiều nơi mà
vẫn chẳng được… Nhiều
người thì xin những người đạo
đức, thánh thiện thêm lời kêu khấn cho mình.
Đó là điều tốt, thế nhưng
đừng quên chính bản thân cần phải hoán cải,
cần lắng nghe để nhận ra tiếng nói và
sự chỉ dẫn của Chúa qua từng biến cố
xảy ra trong cuộc sống. Hãy tin tưởng, kiên
trì để thưa với Chúa: Lạy Chúa, xin dủ lòng
thương con và gia đình con. Chúa sẽ nghe
lời chúng ta.
Nhiều
người trẻ vì bị mê hoặc bởi khoa học
công nghệ, bị mãnh lực của đồng tiền
chiếm trọn cả thời giờ và ưu tư,
khiến họ không còn chỗ cho Thiên Chúa. Họ đã để cho đức
tin của mình bị mờ nhạt, èo uột khi rời xa
gia đình hoặc khi lăn xả vào
vòng quay của xã hội. Họ đánh
mất thói quen cầu nguyện mỗi ngày, bỏ qua
việc xưng tội rước lễ, xa rời với
những sinh hoạt của cộng đoàn giáo xứ.
Những dấu hiệu ấy cho thấy
một đức tin đang bị khô héo, mất sức
sống. Chúng ta cùng cầu xin Chúa củng cố
đức tin của chúng ta, đặc biệt cho
những người đang lung lạc đức tin vì
thử thách, và xin Chúa giúp chúng ta luôn tin tưởng, cậy
trông nơi Chúa dù lúc vui hay lúc buồn, khi thành công hay
thất bại. Chúng ta tin rằng, Thiên Chúa luôn ở bên và
sẵn sàng cứu giúp chúng ta. Amen.
|