Niềm tin chịu
thử thách - Lm Phêrô Bùi Quang Tuấn
Elvire là
con gái út trong một gia đình nghèo. Cô
ước mơ trở thành cô giáo. Cô xin
học bổng và ghi danh tại một trường Cao
đẳng Sư phạm. Nhà trường chấp
thuận với điều kiện: cô phải luôn giữ
điểm trên trung bình. Nhập học.
Giáo sư dạy Triết lớp cô là một
người vô thần. Mỗi lần nói về Giáo
hội hay Đức Kitô, ông luôn tìm cách che đậy hay
xuyên tạc. Elvire cảm thấy bất bình.
Cô biết rằng nếu phản đối giáo sư, cô
sẽ khó tránh khỏi việc lãnh về những con
điểm không tốt.
Thế
nhưng, lòng tin yêu Chúa Giêsu đã thúc bách cô. Nhiều lần
cô can đảm giơ tay phát biểu. Có
khi cô còn nói: “Thưa thầy, điều đó không đúng”
hay “Em không đồng ý.” Đôi lúc cô cảm
thấy đuối lý trước đầu óc thông thái và
“cáo già” của ông thầy. Thế nhưng, trong các
lời phát biểu của cô luôn ánh lên tia
sáng của niềm tin, thứ niềm tin ôm ấp chân lý. Điều này khiến người ta suy nghĩ.
Elvire không thích thú gì khi đương
đầu với thầy mình. Nhưng cô không thể
sống theo kiểu “nín thở qua
cầu”. Thấy thế, các bạn cô cũng tìm cách khuyên
ngăn, nhưng họ không thành công.
Thời
gian trôi qua. Kỳ thi cuối khoá
đã đến. Giây phút nhận kết
quả mới hồi hộp làm sao. Elvire
và các bạn mỗi người được phát một
phiếu điểm. Tay cô run run mở
phiếu. Chợt cô reo lên: “Điểm A”. Thành
quả cuối cùng trong lớp Triết học của
Elvire là điểm tối đa.
Câu chuyện người con gái có tên
Elvire khiến tôi không khỏi tự vấn: nếu rơi
vào trường hợp tương tự liệu tôi có
đủ tinh tế và can đảm nói lên niềm xác tín
của mình không, hay tôi sẽ làm ngơ cho qua chuyện? Nếu
hành trình đức tin gặp phong ba thách đố,
phải chọn lựa giữa giá trị Phúc âm và lợi
lộc trần gian, liệu tôi có dám đặt chân lý Tin
Mừng lên trên tất cả không?
Qua việc tự vấn, tôi khám phá ra
rằng mình dễ hèn nhát tránh né làm chứng cho niềm tin.
Đôi khi vì một chút danh dự, tư lợi, hay
địa vị tôi dễ rơi vào cảnh sống
như kẻ vô thần. Nhưng tôi cũng nhận ra
rằng những lần mình can đảm đáp trả
tiếng gọi của Tin mừng là những khi mình
sống bình an và phong phú nhất. Những lúc đó tôi thấy mình cũng
đạt được điểm tối đa như
Elvire vậy. Thế ra, kiên trung sống theo
chân lý, bền đỗ bước trong niềm tin,
người ta sẽ gặt hái được hoa trái
tốt tươi cho cuộc đời. Chính câu chuyện
người đàn bà xứ Canaan trong Thánh
Kinh cũng minh chứng cho điều đó:
Hôm ấy, Đức Giêsu đi lên
mạn cực bắc của nước Do thái,
vượt qua biên giới Galilê để tiến vào vùng
Tyrô và Siđôn. Ngài muốn tìm một nơi yên tĩnh để
nghỉ ngơi và cầu nguyện. Một
người phụ nữ ngoại giáo chạy theo và kêu cầu Ngài cứu chữa cho con gái
bà đang bị quỷ ám. Trước
lời khẩn nguyện chân thành và tha thiết của
người mẹ, Kinh Thánh kể, Chúa Giêsu “không đáp
lại một lời nào”.
Tại sao Ngài im lặng? Tại sao Chúa Giêsu làm thinh
trước một lời cầu xin chính đáng? Có lẽ lắm khi trong cuộc đời tôi
cũng đặt vấn đề như thế. Nhiều lần Chúa Giêsu đã làm phép lạ
để tỏ mình cho dân chúng. Phép
lạ đóng vai trò như một dấu chỉ.
Thế nhưng lắm khi người ta lại đọc
sai dấu chỉ đến nỗi thay vì nhận chân
Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, họ lại khinh
thường và rêu rao Ngài dùng quyền ma quỷ để
làm phép lạ (Mc 3:22).
Có khi người ta lại suy tôn phép lạ
như nhu cầu thiết yếu và xem Chúa là cái máy cung
cấp. Thế nên có lần Ngài phải
chạy trốn lên núi (Gn 6:15) hoặc cấm không cho
họ nói lại những phép lạ Ngài làm (Mc 8:26).
Thái độ dè dặt của Chúa Giêsu
thật đáng suy nghĩ: Ngài không đến để phô
trương các việc lạ lùng hòng thu
hút niềm thán phục nơi quần chúng và sự mến
mộ của kẻ hiếu kỳ. Ngài
đến là để thực thi Thánh ý Chúa Cha. Thánh ý đó là tìm kiếm chiên lạc của Israel. Yvon Daigneault có viết: “Israel của Chúa Giêsu là Israel của lòng tin, qui tụ những ai có
niềm tin vào Ngài. Trong Israel đó ta nhìn thấy một viên bách
quản Rôma, một người cai
trị có những lối sống không mấy rõ ràng,
một phụ nữ không được tiếng tốt
cho lắm như Madalêna, và một đám đông không kể
xiết những người tội lỗi. Trong đó có
chúng ta hợp thành con cháu thật sự của Abraham.
Chúa Giêsu không muốn loại trừ
người phụ nữ Canaan khỏi Israel này. Đây là dân mà Chúa Cha giao phó
cho Ngài. Chúa Giêsu thách đố bà tiến
đến đức tin chân chính để có thể
gặp được Ngài. Bà hiểu
điều này và đã diễn tả niềm tin mới
của mình bằng một công thức thật cảm
động, đầy niềm vui và lòng khiêm
nhượng”. Đây là phần lạ lùng nhất
của đoạn Phúc âm: khi nghe Chúa Giêsu nói “Người ta
không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho đàn chó”, bà đã
khiêm tốn thưa: “Vâng, lạy Ngài, nhưng chó cũng
được ăn những bánh vụn rơi xuống
từ bàn của chủ nó” (Mt 15,26-27).
Không biết trong hoàn cảnh như
thế liệu đức tin của tôi có đủ
mạnh để khiêm tốn và bền chí cầu xin, hay
tôi sẽ quay ra than trách: không ban ơn lại còn xỉ
vả bêu nhuốc nghĩa là thế nào? Chắc
tôi sẽ tự ái, khó chịu mà bỏ Chúa mất. Thái độ kiên trì khẩn nài và vững tin
trước thách đố của người đàn bà Canaan đáng cho tôi học
hỏi biết bao. Nhờ kiên tâm bám vào Chúa mà bà đã được
điểm “A”. Chúa Giêsu tuyên bố: “Lòng tin của bà
lớn thật! Bà muốn sao thì được như
vậy” (Mt 15,28).
Tôi ước ao được
điểm A như thế lắm. Song
trước tiên, có lẽ tôi phải biết thốt lên
với tất cả lòng thành lời nguyện như
người phụ nữ ngày xưa: “Kyrie eleison – Xin Chúa
thương xót con”.
|