Lòng tin.
Người ta kể về một
người đàn bà ở bãi biển. Bà ấy vừa già, lại dơ bẩn và ăn mặc dị hợm. Bà đi bộ lang thang dọc theo bờ biển, thỉnh
thoảng ngừng lại cúi xuống nhặt một cái gì
đó bỏ vào trong túi sách. Khi bà đi ngang qua đám
trẻ con đang đùa vui trên cát biển, cha mẹ
của những em bé này liền gọi các em lại
để khỏi gần gũi với
bà. Họ lo lắng và sợ hãi vì không
biết bà có thể làm điều gì gây nguy hại cho các
em. Họ căn dặn con cái: “Không có việc gì
phải liên hệ với bà ta cả”. Sau này, họ khám phá
thấy rằng bà lão đi dọc theo
bờ biển và nhặt những miếng kính vỡ
bỏ vào trong túi xách để trẻ em không bị
đứt chân chảy máu khi chạy vui đùa trên bãi
biển.
Nếu chúng ta
bước theo Chúa Giêsu, chúng ta phải
sẵn sàng dẹp bỏ những hàng rào ngăn cách.
Điều này được thể hiện bằng thái
độ nhìn tất cả mọi người bình đẳng
như nhau, không còn phân biệt kỳ thị nam nữ, giàu
nghèo, sắc tộc, màu da, hay tôn giáo. Và trong ánh sáng
đức tin, phải nhìn mọi người là anh chị
em của mình, là con cái của Chúa Cha trên trời. Thánh Phaolô
đã nhắc nhở chúng ta điều này trong thư
gửi tín hữu Galát: “Không còn chuyện phân biệt Do Thái
hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà;
nhưng tất cả anh em chỉ là một trong
Đức Kitô”.
Đối với
những người ngoài Kitô giáo, trong tuyên ngôn về liên
lạc của Giáo Hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo,
Nostra Aetate, đoạn 5, Công Đồng Vatican II đã nói:
“Chúng ta không thể kêu cầu Thiên Chúa là Cha mọi
người nếu chúng ta không muốn xử sự như
anh em đối với một số người, cũng
được tạo dựng giống hình ảnh Chúa. Liên
lạc giữa con người với Thiên Chúa là Cha và
giữa con người với anh em mình, có liên quan mật
thiết với nhau như lời Thánh Kinh: “Ai không yêu thì
không nhận biết Thiên Chúa”.
Do đó, mọi lý
thuyết hay hành động đưa đến kỳ
thị về phẩm giá con người và những
quyền lợi do phẩm giá đó mà ra, kỳ thị
giữa con người với nhau, giữa dân này với
dân khác, sẽ không có nền tảng.
Vì thế, Giáo
Hội bác bỏ mọi sự kỳ thị hoặc
đàn áp chủng tộc hay màu da, giai cấp hay tôn giáo, vì
thái độ ấy xa lạ với tinh thần Chúa Kitô. Do đó, thánh Công
đồng theo chân thánh Phêrô và Phaolô,
khẩn thiết kêu mời các Kitô hữu: “Hãy sống ngay
lành giữa người lương dân”, nếu có thể
được, tuỳ khả năng mà sống hoà
thuận với hết mọi người như những
người con một Cha trên trời”.
Đối với
những người Kitô hữu, trong tinh thần hiệp
nhất, Công đồng nói: “Thánh công đồng này
khuyến khích tất cả mọi người Công giáo hãy
nhận ra các dấu chỉ thời đại để
khéo léo tham gia vào công cuộc hiệp nhất”.
Đối với
những anh chị em ly khai, Công đồng Vatican II nói:
“Người Công giáo cần phải vui mừng nhìn nhận
tôn trọng những giá trị thật sự Kitô giáo,
xuất phát từ cùng một gia sản chung
được tìm thấy nơi các anh em ly khai. Nhìn
nhận những kho tàng phong phú của Chúa Kitô và những
hoạt động của quyền lực Người
trong đời sống của những kẻ đang làm
chứng về Người – và có khi phải đổ máu
mới nói lên được chứng tá ấy – quả là
chính đáng và có giá trị cứu rỗi: vì Thiên Chúa luôn
đáng khâm phục và việc Người làm bao giờ
cũng kỳ diệu”.
Nhìn vào tấm
gương của người đàn bà Canaan, chúng ta cũng rút ra
được bài học quý giá trong đời sống
đức tin. Với tình yêu lớn lao của một
người mẹ đối với con gái đang đau
nặng, người đàn bà Canaan đã vượt qua
mọi ranh giới kỳ thị của xã hội – đàn
bà và dân ngoại – để kiên trì tin tưởng vào lòng
nhân lành của Chúa Giêsu. Tình yêu là động
lực dẫn đến đức tin.
Trong cuốn truyện “Anh em nhà Karamazốp”,
Dostoevski kể về câu chuyện của một bà lão
đang bị khủng hoảng về tinh thần và
thể lý. Ngày
nọ bà đến bàn luận vấn đề này với
linh mục Zossima. Bà tâm sự về sự yếu kém
của đức tin, cùng nỗi nghi ngờ về sự
hiện hữu của Thiên Chúa và đời sống mai sau.
Linh mục Zossima thông cảm lắng nghe,
rồi khuyên bà rằng chẳng có cách nào minh chứng rõ ràng
về những điều này, nhưng vẫn có thể làm
cho đức tin của bà chắc chắn hơn bằng
tình yêu thương tha nhân. Hãy cố gắng
yêu người láng giềng cho thật tình. Càng yêu
thương, bà sẽ càng tin tưởng chắc chắn
hơn về sự hiện hữu của Thiên Chúa và
về đời sống sau khi chết. Càng yêu mến,
đức tin của bà càng trở nên mạnh mẽ, và làm
tiêu tan hết những nỗi nghi ngờ. Bà
đã thử nghiệm và thấy có kết quả.
Linh mục Mark Link
S.J., trong bài giảng Chúa nhật XX hôm nay, đã ví tình yêu và
đức tin đi đôi với nhau không khác gì như hai
đường rầy xe lửa. Tìm
được cái này sẽ thấy cái kia.
Đức tin và tình yêu liên kết với nhau như xác
với hồn. Cha cũng dùng lời của bác sĩ
truyền giáo Albert Schweitzer, trong cuốn sách có nhan
đề “Reverence for Life” – “Kính trọng Cuộc Sống”
như sau:
“Bạn có muốn
tin vào Chúa Giêsu không? Bạn có thực sự
muốn tin Ngài không? Như thế
bạn phải làm một điều gì đó cho Ngài. Trong thời buổi đầy ngờ vực này
thì không có cách nào khác đâu. Nếu vì Ngài mà các bạn
cho kẻ khác đồ ăn, nước uống hoặc
áo mặc, những nghĩa cử này Chúa Giêsu đã hứa
chúc phúc như là làm cho chính Ngài, thì lúc đó bạn sẽ
thấy rằng mình đã thực sự làm điều
ấy cho Ngài. Chúa Giêsu sẽ mặc khải
chính Ngài cho bạn như thể Ngài là một người
vẫn còn sống”.
Các bậc cha mẹ
cần củng cố đức tin hãy bắt chước
người đàn bà Canaan, đến với Chúa Giêsu với lòng
yêu thương con cái tha thiết. Và tất cả mọi
người, muốn cảm nghiệm được
sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc
đời, hãy mở rộng tâm hồn để chấp
nhận những người anh chị em không cùng tôn giáo,
lập trường chính trị, văn hoá, sắc tộc
hay ngôn ngữ. Bởi “Ai không yêu thì không
nhận biết Thiên Chúa”.
|