Đức tin cần
được tôi luyện qua thử thách
(Suy
niệm của Jos. Vinc. Ngọc Biển)
Lời
tiên báo về tiên tri Giêrêmia thời Cựu Ước: “Ta
đặt ngươi làm ngôn sứ cho chư dân”(Gr 1,5) và
niềm hy vọng mà muôn dân đặt nơi danh
Người (x. Mt 12, 21) hôm nay đã được ứng
nghiệm qua sự hiện diện của Đức Giêsu.
Bài
Tin Mừng hôm nay nhấn mạnh đến ý định
cứu độ phổ quát của Đức Giêsu,
tức là ơn cứu độ của Ngài không chỉ
dành riêng cho dân Israel, mà là cho cả dân ngoại qua hình
ảnh người đàn bà góa thành Canaan. Mặt khác, qua
sự xuất hiện của bà và niềm tin mà bà
đặt nơi Đức Giêsu, Ngài đã khen ngợi
đức tin của bà, đồng thời mời gọi
chúng ta noi gương bà, vượt qua mọi thử thách
để tiến bước trên hành trình theo Chúa.
Trước
tiên, chúng ta cùng tìm hiểu về ơn cứu độ
phổ quát và đức tin qua hình ảnh người
phụ nữ thành Canaan.
1. Ơn
cứu độ phổ quát của Đức Giêsu và
niềm niềm tin nơi người đàn bà dân ngoại
Khi
nói về sứ mạng truyền giáo, chúng ta sẽ
khởi đi từ lệnh truyền của Đức
Giêsu trước khi về trời: "Thầy đã
được trao toàn quyền trên trời dưới
đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở
thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha,
Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28, 18-19); và khi đề
cập đến tính phổ quát của ơn cứu
độ, chúng ta thấy Đức Giêsu nói: “Anh em hãy
đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin
Mừng cho mọi loài thọ tạo" (Mc 16, 15). Rồi
trong hành trình loan báo Tin Mừng của chính Đức Giêsu,
Ngài đã nhiều lần đích thân đến với dân
ngoại như: câu chuyện người đàn bà Samaria bên bờ giếng
Giacóp; hay như hôm nay, Ngài tiếp xúc với người
đàn bà thành Canaan.
Như
vậy, chúng ta hiểu: Thiên Chúa không muốn dành riêng ơn
cứu độ cho một dân tộc, một thế
hệ, hay một thành phần nào, mà là dành cho hết
mọi người. Vì thế, ơn cứu độ
được lan tỏa khắp nơi không phân biệt
màu da, ngôn ngữ, hay chức vị…
Trình
thuật Tin Mừng hôm nay cho thấy, Đức Giêsu
rời khỏi nơi mà các Pharisêu và mấy kinh sư
chất vấn Ngài về việc các môn đệ không
giữ truyền thống của tiền nhân khi ăn
uống. Nhưng họ đã bị Đức Giêsu
khiểm trách vì sự giả hình của họ. Sau đó,
Ngài và các môn đệ đi sang thành Tia và Xiđôn.
Tưởng
cũng nên nhắc lại, theo truyền thống thì đây
là vùng đất của dân ngoại dọc theo biên giới
bắc - đông bắc của Palestine, mà ta cũng còn
gọi là xứ Phênixia.
Vì
thế, dân ở vùng này bị coi là dân ngoại. Vào thời
điểm đó, dân ngoại bị coi là một lớp
người bị Thiên Chúa nguyền rủa và không
được cứu độ. Họ bị khinh miệt
đến nỗi, trong lối suy nghĩ của
người Dothái, họ là “lũ chó”. Đây là ngôn ngữ
mang tính miệt thị.
Tại
sao vậy? Thưa, vì từ xa xưa, người ta
vẫn hiểu dân Dothái là dân riêng, được Thiên Chúa
ưu tuyển. Các vùng phụ cận khác không thuộc
về lãnh thổ Dothái thì đều bị khinh miệt,
coi thường và nguyền rủa.
Khi
Đức Giêsu dùng từ “chó con” để ám chỉ
về người đàn bà, Ngài không có ý miệt thị,
nhưng mục đích của Ngài là xem lòng tin của bà
như thế nào! Ngài đã thử thách bà tận căn khi
nói: "Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con"
(Mt 15, 26). Đây là thử thách mang tính quyết định
về lòng khiêm nhường.
Nhưng
người đàn bà đã không xấu hổ và tủi
nhục, ngược lại, bà đã can đảm,
mạnh dạn để tuyên xưng niềm tin của
mình vào Thiên Chúa qua trung gian Đức Giêsu. Vì thế, bà
đã thưa: "Lũ chó con cũng được ăn
những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống"
(Mt 15, 27)
Dù
là bị khước từ, miệt thị , nhưng
với tình yêu và lòng tin vào quyền năng của Thiên Chúa
qua Đức Giêsu, bà đã hoàn toàn khiêm tốn chấp
nhận tất cả, kể cả sự ưu tiên cho dân
Do Thái và sự miệt thị của dân Do Thái. Chính vì
vậy, bà đã được Đức Giêsu khen ngợi
và ra tay cứu giúp: "Này bà, lòng tin của bà mạnh
thật" và hẳn nhiên là Chúa phán "Bà muốn sao thì
sẽ được vậy" (x. Mt 15, 28).
Qua
biến cố này, chúng ta thấy: trật tự cứu
rỗi được tôn trọng, nhưng khi Đức
Giêsu đến, Ngài cũng sẽ gây dựng một Israel mới từ
những kẻ có lòng tin như vậy. Vì ơn cứu
rỗi phải đến với mọi dân trên toàn cõi trái
đất.
2. Khám phá
sứ điệp Lời Chúa
Sứ
Điệp Lời Chúa hôm nay dạy cho chúng ta bài học
về sự kiên trì khi gặp thử thách, đồng
thời trung thành trong đức tin thì sẽ
được Thiên Chúa ân thưởng.
Thật
vậy, trong cuộc sống, rất nhiều khi ta bị
thất bại. Sự thất bại này có thể
đến từ sự thiếu hiểu biết của
chúng ta, khiến công việc trở nên thất bại.
Nhưng nhiều khi lại đến từ chính Thiên Chúa.
Tức là Thiên Chúa để cho chúng ta thất bại và
rơi vào tình trạng cùng khốn. Đôi khi những
thử thách đó lên đến mức khủng khiếp.
Câu chuyện của ông Gióp, tiên tri Hôsê hay của
người đàn bà Canaan là một thí dụ.
Tuy
nhiên, như người đàn bà trong câu chuyện Tin
Mừng hôm nay, dù bị thử thách, bà vẫn nhận ra
tình thương của Thiên Chúa với mình, mặc dù bà
không xứng.
Thật
vậy, Thiên Chúa như người cha, Ngài không bao giờ
nỡ để con cái của mình phải đi vào ngõ
cụt. Nhưng Ngài muốn chúng ta được sống
và sống dồi dào. Tuy nhiên, để được
hưởng trọn niềm sung mãn, hạnh phúc... thì
đôi khi cần phải có thử thách từ phía
người ban ơn và sự cảm nghiệm của
người lãnh nhận. Có thế thì món quà của
người trao ban mới trở nên cao trọng và
người nhận mới trân quý.
Trong
đời sống đức tin cũng vậy. Nếu
không có thử thách, thì đức tin ấy vẫn chỉ
là đức tin trong “giấy khai sinh”, nơi “sổ
rửa tội” mà thôi. Như thế, thử hỏi, chúng ta
đang sống trong một xã hội với những
tiến bộ vượt trội và rất nhiều
cạm bẫy, thì liệu đức tin non nớt kia có
đủ vững để đối diện với
những thực tại của cuộc sống không?
Thưa, hẳn là không.
Vì
thế, trong đời sống siêu nhiên, đôi khi Chúa
phải thử thách để đức tin của chúng ta
được lớn lên ngay trong thử thách, hầu chúng
ta mới can đảm, trung thành với niềm tin của
mình ngay trong một thế giới đang tìm mọi cách lôi
kéo chúng ta xa dần Thiên Chúa và niềm hy vọng của
chúng ta đặt để nơi Ngài.
3. Sống
sứ điệp Lời Chúa
Sống
sứ điệp Lời Chúa là chúng ta sống định
luật: vĩnh biệt, chia ly:
Vĩnh
biệt – chia ly sự nghi ngờ, kiêu ngạo, tự
phụ để kết duyên với lòng mến, cậy trông,
trung thành, kiên trì, tín thác nơi Chúa.
Vĩnh
biệt – chia ly sự hiếu tri thuần lý, tức là
chỉ dùng lý trí để suy luận những chân lý
đức tin, thay cho lòng khiêm tốn trong tâm tình của
người biết lắng nghe và mau mắn thi hành.
Vĩnh
biệt – chia ly sự tự tin quá dáng vào bản thân,
đến nỗi ân sủng của Thiên Chúa đến
với ta không thể thẩm thấu vào trong tâm hồn
được vì chúng ta đã dùng cái “tôi” ích kỷ
đậy lại.
Vĩnh
biệt – chia ly lối sống đạo hình thức bên
ngoài, vụ luật, cứng ngắc để thay vào
đó là sống đạo của niềm tin, yêu
thương và cảm thông.
Vĩnh
biệt – chia ly cung cách coi thường, miệt thị
những người kém may mắn, không cùng niềm tin,
để thay vào đó là lời cám ơn Thiên Chúa, vì Ngài yêu
thương chúng ta vô bờ, đến lượt mình
cũng phải sống sự yêu thương như Chúa.
Vĩnh
biệt – chia ly thái độ “đèn nhà ai nấy rạng”,
chỉ biết sống cho riêng mình, để thay vào đó
là tinh thần liên đới và khao khát cho mọi
người cũng được hạnh phúc như mình.
Cuối
cùng, vĩnh biệt – chia ly sự hờ hững, nông
nổi, thiếu sự kiên trì, và thất trung, thành một
con người kiên tâm, vượt lên trên những thử
thách để đạt được mục đích
cuối cùng là Nước Trời.
Như
vậy, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta luôn
đặt niềm tin tưởng vào Chúa, vì: trong mọi
gian nan thử thách, chúng ta luôn tin tưởng rằng Chúa
luôn ở bên chúng ta để nâng đỡ, khích lệ
mặc dầu chúng ta không trông thấy. Đồng
thời, khi đã được Thiên Chúa yêu thương, hẳn
chúng ta cũng phải yêu thương mọi người
như Chúa đã yêu thương mình.
Mong
sao, trong mọi cảnh huống của cuộc
đời, chúng ta luôn hướng về Chúa như
người mẹ hiền ấp ủ con thơ. Nếu
thử thách có đến thì cũng như là người
mẹ hiền đang tập cho con bước đi
để vững bước tiến vào đời trong
tương lai.
Lạy Chúa, xin ban
thêm đức tin cho chúng con, để chúng con có thể
kiên trung trong mọi thử thách. Amen.
|