Xin cứu tôi.
Bài học của
Phêrô bước đi trên biển đến với Chúa, và
khi nghi ngờ sợ hãi ông đã bị chìm xuống cũng
là bài học đức tin cho tất cả mọi người
Kitô hữu. Khi nào không tập trung nhìn thẳng vào
Chúa Giêsu mà chỉ nhìn vào những đối tượng
khác, chúng ta sẽ bị khủng hoảng.
Một nam tu sĩ trong tu hội của
Mẹ Têrêsa Calcutta đã đến than phiền với
mẹ về luật lệ của một vị bề
trên đã ban ra, mà ông cảm thấy rằng nó đã
cản trở việc mục vụ của ông. “Ơn gọi của tôi là làm việc cho những
người cùi”, ông nói với Mẹ Têrêsa, “tôi muốn
sống cho những người cùi”. Mẹ Têrêsa nhìn
thẳng vào mắt vị tu sĩ một lúc rồi mỉm
cười và nhẹ nhàng nói:“Thưa
sư huynh, ơn gọi của sư huynh không phải là
làm việc cho những người cùi, nhưng ơn
gọi của sư huynh là thuộc về Chúa Kitô”.
Khi nào chúng ta không nhìn
thẳng lên trời, không nhìn vào những điểm tích
cực và lạc quan mà chỉ nhìn xuống, nhìn vào những
hoàn cảnh đe dọa xung quanh, vào điều tiêu
cực với lòng bi quan yếm thế, chúng ta sẽ
bắt đầu chìm xuống.
Cha Mark Link đã dùng
câu chuyện sau đây để minh họa cho điều
này. Một con tàu đang gối sóng
trên đại dương. Những cơn gió mạnh
thổi ngược vào những cánh buồm làm chúng có
thể bị rách bươm. Một chàng
thủy thủ trẻ được lệnh phải trèo
lên cột những cánh buồm lại. Anh
chưa bao giờ trèo lên cột buồm chính vào thời
tiết khắc nghiệt như vậy bao giờ. Anh
bắt đầu trèo, và dường như muốn
tụt xuống vì sự gầm thét của gió bão làm cho anh
quá sợ hãi khi nhìn xuống. Trong kinh hoàng, anh tê cóng
người lại, không thể leo lên
hay tụt xuống được. Hoảng sợ anh la to:“Tôi sẽ ngã. Tôi sẽ ngã”.
Viên chỉ huy hét lên thật lớn trong cơn gầm thét
của bão tố:“Hãy nhìn lên!Hãy nhìn lên
sẽ không bị ngã!” “Người đâu mà kém tin vậy!Sao lại hoài nghi?” (Mt 14,31)
Khi vượt biên
đến trại tị nạn Thái Lan, tôi đã học
thêm được hai từ Anh ngữ mới:“boat people and land people”, người
đến bằng đường biển đã
được Cao Uy Liên Hiệp Quốc áp dụng chính sách
tị nạn cho đi định cư dễ dàng hơn.
Sau khi vượt biên bằng đường bộ sang
Campuchia, tôi đã xuống tàu vượt qua Vịnh Thái Lan.
Con tàu chúng tôi sử dụng chỉ là chiếc tàu chở
hàng nông sản trên dòng sông Cửu Long, chứ không phải
chiếc tàu đánh cá ngoài biển khơi. Nó nhỏ bé và
mong manh giống như chiếc lá trôi trên mặt
đại dương bao la. Vào một đêm giông bão,
trời tối đen như mực, ghé tai
vào mạn thuyền có thể nghe tiếng gió kêu rít bên ngoài.
Con thuyền cũ kỹ và bé nhỏ cố gắng
trồi lên trên những ngọn sóng cao rồi lại lao đầu xuống vực thẳm đen
tối. Sóng đập vào mạn thuyền kêu răng
rắc. Mọi người trong thuyền chỉ còn
nhắm mắt, bịt tai và cầu xin
Thiên Chúa cùng Mẹ Maria cho qua được cơn
khủng khiếp này. Bây giờ nghĩ
lại kinh nghiệm này, tôi có cảm nghiệm giống
như Phêrô. Ở trên một chiếc
thuyền mỏng manh trôi trên biển cả, có khác nào Phêrô
bước đi trên nước. Một kinh nghiệm
vô cùng sợ hãi nhưng cũng tràn đầy ơn phúc!Tôi đã được cứu thoát là
nhờ niềm tin và ơn phúc. Nếu bây
giờ lập lại biến cố này, tôi sợ rằng
sẽ chìm, vì sợ hãi đã càng ngày càng lớn và niềm
tin lại suy yếu dần. Tôi đã
nghi ngờ giống như Phêrô. Và chắc chắn
cũng sẽ chìm giống như Phêrô!Trong
lúc các môn đệ cần đến Chúa Giêsu, Ngài đã
đến với họ. Khi có gió
ngược và cuộc đời trở nên trắc
trở khó khăn, Chúa Giêsu đã ở đó để giúp
đỡ. Ngay khi chúng ta cần
đến Ngài, Ngài đã ở ngay đó để giải
cứu chúng ta.
William Barclay chia
sẻ như sau:“Trong cuộc đời
gió thường thổi ngược. Có
những lần khi chúng ta đi ngược gió, và cuộc
đời là một sự phấn đấu tuyệt
vọng với chính mình, với những hoàn cảnh,
những nỗi buồn và quyết định của mình.
Những lúc đó, không ai phải phấn đấu
một mình, bởi Chúa Giêsu đến với họ qua
những sóng gió cuộc đời, với cánh tay
đưa ra để cứu vớt và với giọng
truyền êm ái ra lệnh cho chúng ta phải an tâm,
đừng sợ hãi”. Thực ra câu chuyện
Chúa Giêsu đi trên mặt nước không phải là một
biến cố tình cờ xảy ra cho các môn đệ.
Đây là dấu hiệu và biểu
tượng của tình yêu và quyền năng của Chúa
Giêsu đối với dân Ngài khi gặp bão tố gian nguy.
Tất cả chúng ta sẽ cảm nghiệm điều này
nếu chúng ta kêu cầu với Ngài như Phêrô khi xưa: “Lậy
Thầy, xin cứu con!”.
|