Khi hành trình
đức tin có sóng gió
(Suy
niệm của Lm. Phêrô Bùi Quang Tuấn)
Vào
khoảng năm 860 trước công nguyên, vương
quốc Israel bị
ảnh hưởng bởi tà giáo. Vua Ahab và
hoàng hậu Izabel nuôi dưỡng hàng ngàn tiên tri Baal. Nhiều đền thờ thần thoại
được xây lên. Dân chúng cũng hùa theo
việc cúng bái Baal. Nhưng tiên tri của Giavê Thiên Chúa là
Êlia vẫn can đảm đương đầu với
đám đông phản trắc để bênh vực chính
giáo.
Một
mình ông dám thách thức 450 tiên tri Baal hãy chứng minh cho toàn
dân biết đâu là Chúa thật. Êlia
bảo người ta bắt hai bò tơ để đôi
bên cùng xẻ thịt, đặt lên củi, và khẩn
cầu. Thần linh nào đáp lời nguyện xin, cho
lửa xuống thiêu cháy đống củi cùng của
lễ, thì đó chính là Đấng mọi người
phải tôn thờ.
Sau khi
giết bò và chất lên bàn thờ, 450 tiên tri và tư tế
Baal bắt đầu kêu khấn: “Lạy thần Baal, xin
đáp lời chúng tôi.” Nhưng không một tiếng trả
lời! Họ bắt đầu nhảy nhót
như kiểu lên đồng. Nhưng cũng
chẳng thấy ai đáp lại! Êlia mới chế
nhạo: “Các ngươi phải kêu lớn lên nữa. Không chừng thần linh đang suy tính hay bận
rộn chuyện gì; cũng có thể ngài đi vắng
hoặc đang ngủ. Đánh thức
ngài dậy đi!” Các môn đệ thần Baal ra
sức kêu gào, lại còn rạch mình cho máu chảy lai láng
như kích động lòng trắc ẩn của thần
linh. Nhưng vẫn không thấy gì.
Lúc này Êlia
mới giơ tay cầu nguyện: “Lạy Giavê Thiên Chúa
của Abraham, Isaac và Israel,
ước gì hôm nay người ta nhận biết chính
Người… xin nhậm lời tôi” (1 V 18,36-37),
và lập tức Giavê cho lửa từ trời thiêu cháy
hết mọi của lễ của Êlia. Thấy vậy, toàn
dân tung hô Thiên Chúa. Thế rồi, khi
được lệnh của Êlia, họ đem các tiên tri
và tư tế Baal xuống núi giết sạch.
Chuyện
sảy ra quá bất ngờ khiến hoàng hậu Izabel bàng
hoàng căm tức. Bà thề sẽ lấy
mạng Êlia bằng mọi giá. Khi
biết thế, vị tiên tri tức tốc lên
đường lánh nạn. Sau một ngày trốn
chạy vất vả trong vùng sa mạc
khô khan, ông cảm thấy mệt mỏi chán chường.
Con người can đảm và nhiệt thành hôm nào bây
giờ lại rơi vào tình trạng hoang mang cực
độ đến nỗi muốn chết cho yên. Ông
thốt lên: “Nay đã đủ rồi, lạy Giavê, xin
cất mạng tôi đi, tôi cũng không hơn gì các bậc
tổ tiên”.
Người hùng của Thiên Chúa mà
cũng có lúc đảo điên như thế thì huống
chi là tôi! Thế nhưng câu chuyện không
chỉ dừng lại ở đó. Kinh thánh kể
tiếp: Chính trong giây phút giao
động và chán nản đó của người hùng,
sứ thần Thiên Chúa đã đến nâng đỡ ông
bằng bánh và nước. Êlia đã ăn
và uống. Sau đó tiếp tục hành trình 40
ngày đêm đến núi Sinai. Tại
đây ông đi vào cuộc gặp gỡ và đối
thoại với Thiên Chúa. Cuộc gặp gỡ
sảy ra không phải trong bão tố, đất
động hay lửa chớp, nhưng trong làn gió thoảng
đưa. Từ trong làn gió
thoảng ấy, Thiên Chúa cất lời nâng đỡ và
chỉ dẫn Êlia. Cuộc gặp gỡ thân tình với
Giavê đã kéo ông khỏi hố sâu của lao
đao thất vọng. Kết quả, Êlia tìm lại
được bình an và sức mạnh nội tâm, tiếp
tục ra đi chu toàn sứ mạng làm
chứng cho Thiên Chúa.
Thiết tưởng hành trình
đức tin của người Kitô hữu cũng có
những lúc khốn khó lao đao như
Êlia vậy. Dù là người nhiệt tâm và can đảm
cách mấy cũng không tránh khỏi tình trạng bị
thế gian săn đuổi, đe doạ, và bao
chước cám dỗ tấn công. Lắm lúc tưởng
như sắp chìm sâu trong bão tố của hận thù, ích
kỷ, đam mê. Ngay như thánh Phêrô, vị tông đồ
năng nổ và xông xáo nhất trong hàng ngũ các tông
đồ, cũng đã từng bị sóng gió làm
đảo điên đến nỗi “sắp chìm xuống”
(Mt 14,30). Nhưng khi ông thốt lên
lời kêu van, “Lạy Thầy, xin cứu con”, thì bàn tay đỡ nâng của Thiên Chúa đã
giải thoát và đem lại bình an ngọt ngào.
Cho đến hôm nay, những
người theo Đức Kitô vẫn
chưa hết bị sóng gió trần gian bủa vây, không
chỉ là những truân chuyên trong cuộc sống, nhưng
còn là những cám dỗ tinh vi của quỉ ma. Nhưng liệu trước các phong ba dữ
dằn đó, tôi có nghe được tiếng nói
đỡ nâng và nhắc nhở của Thiên Chúa chăng?
Lắm khi tiếng nói của Ngài rất
nhẹ nhàng như “gió hiu hiu thổi” chứ không phải
như tiếng đất động, bão tố hay hoả
hào.
Thử hỏi: nếu là một thanh
niên hay thiếu nữ đang tuổi lớn lên,
trước những lời réo gọi của đam mê xác
thịt, liệu tôi có nghe được tiếng nhắc
nhở “phúc cho ai có lòng trong sạch” nơi lương tâm
để vượt thoát cạm bẫy dục tình và
tiến lên núi cao với Chúa không?
Nếu vì nhẹ dạ mà sa ngã hay mang
thai, trước những sóng gió của từ khước
khinh bỉ, hay giòng xoáy phá thai của thời đại
muốn nhận chìm sự sống, liệu tôi có nghe
được tiếng bảo thì thầm trong lương
tâm rằng “phá thai là giết người”, và rồi
hướng nhìn lên Chúa, kêu nài một sự đỡ nâng
an ủi không?
Nếu là người mẹ có
đứa con hư dại hay người vợ có ông
chồng hủ bại, liệu tôi có nghe được
lời nhắc nhở “hãy vững tin” của Đức
Giêsu để tiếp tục hành trình làm nhân chứng cho
đạo Chúa không?
Nếu là người cha phải lao
đao vì trách nhiệm gia đình, bị giong tố của
xã hội tấn công, bị chèn ép, hiểu lầm, khích
bác…, liệu tôi có nghe được tiếng nói
“Đừng sợ, có Ta đây”, và rồi đưa tay cho
Đức Giêsu để Ngài kéo lên không?
Cuộc đời người Kitô
hữu được ví như hành trình tiến lên núi Thánh
giữa sa mạc nắng cháy, hay như
chiếc thuyền đang tìm về bến bờ giữa
bao sóng gió to và gió ngược. Không có ơn Chúa đỡ
nâng, chắc chắn con người sẽ ngã gục.
Cũng như nếu không có những chiếc bánh và ấm
nước Thiên Chúa trao cho, Êlia đã bỏ cuộc
giữa đường; hay nếu không có bàn tay Đức
Giêsu giơ ra kéo lên, Phêrô đã chìm sâu trong sợ hãi và hoang
mang.
Song khi có Chúa, bình an và
sức mạnh sẽ đến. Dù giông
tố và thách đố trần gian cứ sảy ra, con
thuyền đời tôi vẫn thẳng tiến, vì có Thiên
Chúa đồng hành.
Nhưng để được
như thế, có lẽ tôi phải không ngừng kêu lên:
“Lạy Chúa, xin cứu con” (Mt 14,30).
|