Chúa biến
hình
Tại sao Chúa Giêsu chỉ mang có ba môn
đệ thân tín lên đỉnh Taborê?
Ngay từ đầu đoạn Tin Mừng,
thánh Matthêu đã ghi rõ: Chúa Giêsu đem ông Phêrô cùng hai anh em ông
Giacôbê và Gioan đi riêng với mình. Đồng thời trong
Phúc Âm chúng ta cũng thấy không thiếu gì những
trường hợp chỉ có ba ông này được
chứng kiến một số hành động của Chúa
Giêsu. Ngoài việc làm chứng nhân cho cuộc biến hình,
các ông còn được độc quyền đi theo Ngài
trong những giây phút hấp hối cuối cùng nơi
vườn cây dầu. Độc quyền chứng
kiến việc Chúa Giêsu làm cho con gái ông Giairô sống
lại. Các ông cũng là những người đã hỏi
riêng Chúa Giêsu về những dấu hiệu báo trước
ngày sụp đổ của đền thờ.
Có thể nói: Phêrô, Giacôbê và Gioan tượng
trưng cho hàng ngũ lãnh đạo trong Gháo Hội.
Việc Chúa Giêsu đem những người có nhiệm
vụ lãnh đạo Giáo Hội để các ông chứng
kiến cho sự biến hình không phải là không có ý
nghĩa cho sự sinh hoạt của Giáo Hội ngày hôm nay.
Như chúng ta đã biến vấn đề
quyền hành là vấn đề then chốt trong Giáo
Hội bởi vì chính Ngài đã xác quyết trước
mặt Philatô:
- Nếu từ trên chẳng ban cho ông, thì ông
chẳng có quyền hành gì trên tôi.
Thế nhưng quan niệm về quyền
hành của Chúa Giêsu hoàn toàn khác biệt với quan niệm
về quyền hành của thế gian. Bởi vì theo Ngài,
quyền hành là để phục vụ chứ không
phải là để hống hách, chèn ép và hưởng
thụ:
- Thủ lãnh các dân ngoại thì cai trị và
chuyên chế, còn giữa các ngươi thì không
được như vậy, ai muốn làm lớn thì hãy
trở nên rốt hết và trở nên đầy tớ cho
mọi người.
Chính Ngài, trong bữa tiệc ly cũng đã
nói với các môn đệ:
- Mặc dầu các con gọi Ta là Thầy và
là Chúa thì phải lắm. Nhưng nếu Ta là Thầy và là
Chúa mà còn quỳ gối rửa chân cho các con, thì các con
cũng phải rửa chân cho nhau.
Cũng trong chiều hướng đó mà các
vị Giáo hoàng vốn tự xưng mình là “servus servorum”,
đầy tớ của các đầy tớ. Ba vị
cột trụ của Giáo Hội được chứng
kiến việc Chúa biến hình, không phải là để
các ông được hưởng một kinh nghiệm lý
thú như Phêrô đã tưởng: Lạy Thầy, chúng con
ở đây thì thật là hay quá, nhưng là để các ông
sau này biết vận dụng quyền hành theo một ý
nghĩa mới mà Ngài đã đề ra đó là phục vụ.
Còn chúng ta thì sao? Liệu chúng ta đã
đổi mới quan niệm của chúng ta theo quan
niệm của Chúa Giêsu hay chưa? Liệu chúng ta đã
đổi mới cái nhìn của chúng ta theo cái nhìn của
Chúa Giêsu hay chưa? Có nghĩa là chúng ta đã thực thi
giới luật yêu thương, đã sống tinh thần
phục vụ, đã có được những hành
động bác ái an ủi, khích lệ và giúp đỡ
những người chung quanh hay chưa?
Bởi vì trong ngày sau hết chúng ta sẽ
không bị xét xử về địa vị xã hội, mà
sẽ bị xét xử về những hành động bác ái
yêu thương mà chúng ta đã làm hay không làm cho những
người chung quanh. Có như vậy chúng ta mới
xứng đáng được tham dự vào cuộc
biến hình vinh quang trong ngày sau hết.
|