Đổi
lấy kho tàng
Anh chị em thân mến,
Thánh Phanxicô Xavier, (1506-1552) là con gia đình quí
tộc Xavier thành Pamplune, nước Tây Ban Nha. Lớn lên
được theo học bên Pháp, là bạn cùng lớp
với thánh Ignatiô Loyola. Một hôm đi tham dự thánh
lễ, Phanxicô nghe đọc Lời Chúa: "Lời lãi
cả và thế gian mà mất linh hồn, nào
được ích gì?" Câu Kinh thánh này đã ảnh
hưởng sâu xa suốt cuộc đời trai trẻ
của thánh nhân, cũng như sau này nữa. Cũng chính vì
câu nói đó thánh nhân đã bỏ hết mọi sự,
để chỉ tìm một mình Chúa. Ngài đã gia nhập
dòng Tên do thánh Ignatiô mới thành lập, đã vâng lời
thánh Ignatiô đi truyền giáo ở Ấn độ. Sau
đó, ngài dự định đi Trung Hoa, nhưng chưa
kịp, ngài đã chết trên hòn đảo Sancian, mặt
quay nhìn lên đất Trung Hoa.. Câu chuyện của bài Tin
mừng hôm nay cũng một chủ đề tương
tự như thế...
a/. Sau đây, chúng ta tìm hiểu vài câu nói trong bài Tin
mừng:
Nước Trời được ví như
người đi tìm kho báu, như người buôn ngọc
quí: anh này khi gặp được ngọc quí, đã
sẵn sàng bán tất cả gia sản để mua cho
bằng được viên ngọc quí đó. Hay như
người tìm kho báu, khi được rồi, ông ta
cũng làm một cách tương tự như người
buôn ngọc quí ở trên.
Nước Trời cũng giống như
chiếc lưới bắt cá...Khi kéo lên bờ
người ta sẽ chọn cá tốt, cá xấu thì bỏ
đi: người Kitô hữu cũng phải biết
chọn lựa Nước Trời hay trần gian
tương tự như thế. Dĩ nhiên không
được bắt cá hai tay, mà chỉ được
chọn một mà thôi....
b/. Giá trị Nước Trời là vô song: chính
vì thế Chúa dạy ta phải hi sinh tất cả
để chiếm hữu cho được. Nước
Trời, với người không hiểu, sẽ chẳng
giá trị gì, nhưng với người tìm ra điều
bí nhiệm của Nước Trời, họ thấy quí
giá vô cùng và họ bị thôi thúc chiếm cho bằng
được để làm sở hữu. Hai anh buôn
ngọc và tìm kho báu trong Phúc âm, đã dám liều mình bán
tất cả để mua được ngọc,
để chiếm cho được kho báu. Người ta
thường nói: trên đời, không liều, sẽ không
làm giàu. Trong đạo cũng có thể nói: không liều,
cũng không làm thánh được...
Trong một ngôi
chùa nọ bên nước Nhật, lúc nửa đêm, vị
thiền sư đang tụng giờ kinh đêm một
mình. Bỗng ông thoáng thấy một bóng người
vụt qua, vừa lúc nghe có tiếng sau lưng: - Tiền
đâu? Đưa đây? Nhà sư định thần ra là
tên trộm, ông thong thả trả lời: - Thiện tai thiện
tai; chùa nghèo làm gì có tiền! - Chùa lớn thế này mà không
có tiền à? Nhà sư vẫn tụng kinh, vừa trả
lời: À mà quên! Trong hộc tủ bên trái, ta còn ít tiền.
Nếu muốn cứ lấy; nhưng nhớ chừa
lại cho ta ít trăm để mai ta còn tiền đi
đóng thuế cho nhà nước. Rồi nhà sư tiếp
tục tụng kinh. Tên trộm thấy ít tiền quá, nên
cởi luôn chiếc cà sa nhà sư đang mặc. Ông chỉ
còn độc chiếc quần xà lỏn mà vẫn tụng
kinh. Khi tên trộm bỏ đi, ông nhìn theo mỉm
cười: nghiệp chướng nặng quá! Nghiệp
chướng!.
Câu chuyện trên đây muốn nói: vị
thiền sư đã dám liều bỏ tất cả vinh hoa
trần gian, để được giác ngộ,
để tu cho đắc đạo. Nói một cách
vắn tắt, ông đã coi thường của cải, phù
vân trần gian, chỉ vì đạo. Nhìn lại lịch
sử Hội thánh công giáo, ta thấy các thánh cũng đã
sống tương tự như thế. Mẹ Têrêsa
Calcutta đã dám liều bỏ cộng đoàn Loretta Mẹ
đang tu ở đó, để đi theo ơn gọi mình
vừa nhận được, là lo cho người nghèo
khổ và sống chung với họ. Kết quả thế
nào, ngày hôm nay thế giới dư biết việc Mẹ
đã làm.
c/. Gợi ý sống và chia sẻ: là
người Kitô hữu, khi hiểu được
Nước Trời là quý giá, ta có dám liều bỏ mọi
sự để mua cho bằng được không? Ta có dám
làm theo lời Chúa Giêsu dạy? Ta có dám theo gương hai
người đi tìm ngọc, tìm kho báu, vì nghỉ rằng
chỉ có Nước Trời là quý giá? Hay ta vẫn còn
bắt cá hai tay, vừa theo Chúa vừa chạy theo tiền
của, danh vọng trần gian? Ta chọn cách nào?
|