HIỆP SỐNG TIN
MỪNG
CHÚA NHẬT 17
THƯỜNG NIÊN A
1 V 3,5.7-12; Rm 8,28-30; Mt
13,44-52
KHÔN
NGOAN TỪ BỎ CỦA CẢI ĐỜI NÀY LẤY
NƯỚC TRỜI ĐỜI SAU
I.
HỌC LỜI CHÚA
1. TIN
MỪNG: Mt 13, 44-52
(44)
“Nước Trời giống như chuyện kho
báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia
gặp được thì liền chôn giấu
lại, rồi vui mừng đi bán tất cả
những gì mình có mà mua thửa
ruộng ấy. (45) Nước Trời lại
giống như một thương gia đi tìm
ngọc đẹp. (46) tìm được một
viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả
những gì mình có mà mua viên ngọc
ấy. (47) Nước Trời lại còn
giống như chuyện chiếc lưới thả xuống
biển, gom được đủ thứ
cá. (48) Khi lưới đầy, người
ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá
tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì
vứt ra ngoài. (49) Đến ngày tận
thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên
thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ
xấu ra khỏi hàng ngũ người công
chính. (50) Rồi quăng chúng vào lò
lửa. Ở đó, chúng sẽ phải
khóc lóc nghiến răng. (51) Anh em có hiểu
tất cả những điều ấy không ? “Họ
đáp: Thưa hiểu”. (52) Người bảo
họ: “Bởi vậy, bất cứ kinh sư
nào đã được học hỏi về
Nước Trời, thì cũng giống như
chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng
của mình cả cái mới lẫn cái
cũ”.
2. Ý
CHÍNH:
Trong Tin Mừng hôm nay,
Đức Giê-su tiếp tục dùng ba dụ ngôn
là Kho Báu, Ngọc Quý và Lưới
Cá, nhằm trình bày những khía
cạnh khác nhau của Nước Trời mà
Người sắp thiết lập:
Nước Trời có giá trị thiêng liêng giống
như một kho báu hay một viên ngọc quý
giá, mà người khám phá ra, sẽ bằng
lòng hy sinh mọi thứ mình có ở đời này
để mua lấy Nước Trời có giá
trị vĩnh hằng ấy. Vào ngày tận
thế, chỉ những tín hữu sống đức tin cậy
mến, giống như những con cá tốt, mới
được tiếp nhận, còn những kẻ bất
tín gian ác, giống như loài cá xấu, sẽ bị
loại khỏi Nước Trời.
3.
CHÚ THÍCH:
- C 44: + Nước Trời
giống như: Không
phải Nước Trời được so
sánh với kho tàng châu báu, nhưng giống
như thái độ của người khám
phá ra giá trị của kho báu. + Kho báu chôn giấu
trong ruộng: Dân Do Thái luôn bị các
nước lớn chung quanh như Ai Cập,
Át-si-ri, Ba-by-lon… xâm lược và
cướp bóc tài sản, nên họ thường
đào hố chôn giấu vàng bạc châu báu
trong ruộng của mình. Về sau, thỉnh thoảng
có người đã đào
được những kho báu chôn giấu
như thế. + Có người kia gặp
được thì liền chôn giấu lại:
Luật La Mã và Do thái thời bấy
giờ cho phép ai tìm thấy tài sản trên
đất của mình thì có quyền
sở hữu. Ở đây người nông
dân này không có quyền sở hữu
đất ruộng mà anh đang cày thuê, nên anh ta
vội vã chôn vùi lại để tránh bị
kẻ khác biết, rồi tìm cách mua thửa
ruộng ấy để có thể công khai chiếm
hữu kho báu kia. Ở đây kho báu
được tình cờ tìm thấy, cho
thấy việc khám phá ra Nước
Trời là một ơn cho không của Thiên
Chúa. + Rồi vui mừng đi bán tất cả
những gì mình có mà mua thửa
ruộng ấy: Kho báu kia quý giá
đến nỗi đã thôi thúc anh đánh
đổi mọi cái đang có. Cũng vậy,
Nước Trời do Đức Giê-su thiết
lập cũng là một kho báu thiêng liêng, mà
khi khám phá ra, người ta sẵn sàng
hy sinh từ bỏ mọi sự để có
được Nước Trời ấy.
Tóm lại: Nước
Trời đòi người ta phải
đáp trả cách trọn vẹn, sẵn
sàng hy sinh bản thân (x. Mt 16, 24), tình cảm gia
đình (x. Mt 10, 37), chấp nhận mất mát
cả những bộ phận cơ thể quý
giá như mắt, tay, chân (x. Mt 18, 8-9), và ngay
cả mạng sống của mình nữa (x. Mt
10,39) để có được Nước
Trời làm gia nghiệp. Dù hy sinh như vậy
nhưng người ta vẫn không bị thiệt,
mà trái lại sẽ được lợi
gấp trăm ở đời này và
còn được hưởng hạnh phúc
Nước Trời đời sau (x. Mt 19, 28-29).
- C 45-46: + Giống như chuyện
một thương gia:
Dụ ngôn không nhằm so sánh Nước
Trời với viên ngọc đẹp, mà
nhấn mạnh tới hành động của
người thương gia sau đó. +
Đi tìm ngọc đẹp: Thời xưa,
ngọc trai là một vật rất
được ưa chuộng. Chúng
được các thợ lặn mò
từ đáy biển Đỏ, vịnh Ba Tư
hay Ấn Độ Dương. Các hạt ngọc trai
này được kết thành tràng
chuỗi đeo nơi cổ. + bán tất cả
những gì mình có mà mua viên ngọc
ấy: Sau nhiều vất vả học hỏi
giáo lý và gặp được
Chúa, các tín hữu sẽ noi gương
các môn đệ xưa, sẵn sàng từ
bỏ mọi sự để đi tu làm linh
mục phục vụ dân Chúa, tận hiến cuộc
đời trong tu viện để ngày một nên hòan
thiện, hoặc sẵn sàng hy sinh mọi
đam mê lạc thú đời này để
có Nước Trời làm phần gia nghiệp
muôn đời.
- C 47-48: + Giống như chuyện
chiếc lưới: Nước
Trời không giống như lưới cá,
nhưng được so sánh với toàn
bộ công việc thả lưới bắt
cá. + Thả xuống biển: Lưới
đây ám chỉ Hội Thánh, biển là trần gian,
ngư phủ thả lưới là Thiên Chúa.
Thiên Chúa đã sai Đức Giê-su đến thiết
lập Hội Thánh để ban ơn cứu
độ cho loài người. + Gồm
được đủ thứ cá:
Đủ thứ cá tốt và cá xấu.
Trong Hội Thánh cũng có cả người
tốt lẫn kẻ xấu. + Lưới đầy
người ta kéo lên bãi: Đến
ngày tận thế, mọi kẻ chết sẽ
được Chúa cho sống lại để
chịu phán xét chung. + Cá tốt cho vào
giỏ: Cá tốt là loại cá mà
luật Mô-sê cho phép ăn là “những loài
cá có vây và có vẩy” (Đnl 14,9).
Ở đây cá tốt ám chỉ
người lành. Họ sẽ được
thu nhận vào giỏ thiên đàng. + Cá xấu thì
vứt ra ngoài: Cá xấu là loại
cá mà luật Mô-sê cấm ăn là “những
loài không có vây và không có vẩy” (Đnl
14,10). Ở đây cá xấu ám chỉ
những kẻ làm tay sai của ma qủy và
cố tình làm điều gian ác.
- C 49-50: + Các thiên thần sẽ
xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra
khỏi hàng ngũ người công chính,
rồi quăng chúng vào lò lửa…: Đến ngày tận thế,
sẽ không còn cảnh vàng thau lẫn lộn:
Kẻ dữ sẽ bị loại bỏ khỏi
Nước Trời, và sẽ bị phạt
trong hỏa ngục. Ở đó họ sẽ
phải khóc lóc đau khổ trong sự
nghiến răng hận thù.
- C 51-52: + Bất cứ kinh sư
nào đã được học hỏi về
Nước Trời: Kinh sư là thày dạy về kinh thánh
Cựu Ước, nay họ lại
được nghe Đức Giê-su giảng về
màu nhiệm Nước Trời của Tân
Ước. + Thì cũng giống như
chủ nhà kia…: Tất cả những ai nghe
và hiểu tường tận về mầu
nhiệm Nước Trời, thì sẽ biết
sử dụng những điều mới
và cũ đã nghe để ứng dụng
vào việc rao giảng Tin Mừng. Chính
nhờ hiểu biết Luật Mô-sê mà các môn
đệ sẽ dễ dàng hiểu biết những
lời Đức Giê-su rao giảng và biết
được ý nghĩa của những
lời tuyên sấm Cựu Ước đã
được ứng nghiệm nơi
Người.
4. CÂU
HỎI:
1) Ba
dụ ngôn về Nước Trời
được trình bày trong Tin Mừng hôm
nay là gì ? 2) Ý nghĩa của hai dụ ngôn
đầu thế nào ? 3) Thái độ của
người nông dân khi tìm thấy kho báu chôn
giấu trong thửa ruộng đang cày ra sao ? Anh
ta làm như vậy nhằm mục đích
gì ? 4) Cá tốt cá xấu trong dụ ngôn
lưới cá ám chỉ những ai ?
II. SỐNG LỜI CHÚA
1.
LỜI CHÚA: “Nước Trời giống
như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có
người kia gặp được thì
liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi
bán tất cả những gì mình có
mà mua thửa ruộng ấy” (Mt 13, 44).
2. CÂU
CHUYỆN:
1) GIÁ TRỊ CỦA SỰ KHÔN NGOAN :
Sa-lo-mon là con của vua
Đa-vít. Ông là một vị vua nổi tiếng về
sự khôn ngoan trong việc cai trị điều hành nước
Ít-ra-en. Danh tiếng về sự khôn ngoan của ông đã
truyền đi khắp nơi và được mọi
người mến phục. Ông còn được một nữ
hoàng Sa-ba ở tận Phương Nam xa xôi tìm đến thăm
viếng để học tập sự khôn ngoan của ông.
Nhưng tại sao Sa-lo-mon có sự khôn ngoan như thế? Bài
trích sách Các Vua hôm nay thuật lại như sau:
Trước khi lên ngôi,
Thiên Chúa đã hiện ra và cho Sa-lô-mon được chọn
lựa: “Ngươi muốn gì, cứ xin, Ta sẽ ban cho”.
Khác với lẽ thông thường : người ta sẽ
xin giàu sang phú quý, danh vọng chức quyền… Nhưng vua
Sa-lo-mon đã không màng những thứ ấy. Ông đã cầu
xin như sau: « Chính Chúa đã đặt tôi tớ Chúa
lên kế vị Đa-vít, thân phụ con, mặc dầu con
chỉ là một con trẻ yếu đuối… ở
giữa một đám dân đông đúc không kể xiết.
Vậy xin Chúa ban cho tôi tới Chúa đây một tâm hồn
biết lắng nghe Lời Chúa để cai trị dân Chúa
và phân xử cách khôn ngoan ». Lời cầu xin này
đẹp lòng Chúa. Sa-lô-mon không xin của cải, không xin
sống lâu, cũng không xin chiến thắng quân thù mà
chỉ xin khôn ngoan. Nên Chúa đã ban cho ông sự khôn ngoan
vượt bậc, và còn ban cho ông tất cả những gì
ông không xin như Ngài phán: « Ta ban cho ngươi một
tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi
trước ngươi không một ai được
như ngươi, và sau ngươi không ai được
bằng ngươi ». Salomon đã không xin cho mình, mà
chỉ xin những điều ích lợi cho dân Chúa.
2) VIÊN NGỌC QUÝ
ĐÍCH THỰC LÀ SỰ BÌNH AN TRONG TÂM HỒN :
Một hôm, có một
người kia gặp một tu sĩ đang đi qua con
đường ở đầu làng, liền chạy theo và
kêu lên: "Xin ông cho tôi viên ngọc quý trong cái bị của
ông". Vị tu sĩ ngạc nhiên hỏi "Viên ngọc
quý nào?". Ông ta nói: "Đêm qua tôi nằm mơ thấy
có một tiên ông bảo là nếu tôi có được viên
ngọc quý của một tu sĩ sắp đi ngang qua làng vào
ngày hôm sau, thì tôi sẽ trở thành một người giàu
có nhất trên đời. Vậy xin ông cho tôi viên ngọc
quý giá đó". Vị tu
sĩ tốt bụng liền móc từ trong bị ra một
vật và nói: "Có phải cái này không? Tôi mới nhặt
được nó ở cánh đồng bên kia bờ
suối. Nếu ông muốn thì tôi sẵn sàng biếu cho ông".
Người kia sung sướng cầm lấy viên ngọc
quý, cám ơn rối rít rồi quay về nhà, vừa đi
vừa sung sướng tự nghĩ: "Từ nay ta đã
là một người giàu có, không còn phải hằng ngày lo toan
kiếm sống vất vả nữa". Thế nhưng đêm
hôm ấy ông cảm thấy áy náy, suy nghĩ trằn
trọc không sao ngủ được. Sáng hôm sau, ông
cầm viên ngọc quý kia đi tìm vị tu sĩ và thấy
ông ta đang nằm ngủ ngon lành dưới một gốc
cây bên bìa rừng. Ông rón rén đến gần đánh
thức vị tu sĩ và nói: "Thưa ông, tôi xin trả
lại ông viên ngọc quý này, xin ông ban cho tôi viên ngọc quý
khác, tức là sự giàu có của tâm hồn, thứ đã
làm ông sẵn lòng tặng cho tôi viên ngọc quý này không chút tiếc
xót".
Vậy viên ngọc quý tâm hồn
khiến vị tu sĩ sẵn sàng bỏ qua giàu sang không chút
tiếc xót kia là gì ? Đó chính là viên ngọc quý
được Đức Giê-su đề cập tới trong
Tin Mừng dụ ngôn Nước Trời.
3) CHỈ TỪ BỎ CỦA CẢI ĐỜI
NÀY NẾU XÁC TÍN VÀO HẠNH PHÚC ĐỜI SAU :
Đức Hồng Y Martini
thường hay kể câu chuyện sau đây mà Ngài lấy
làm tâm đắc: Có người đến gặp vị
ẩn sĩ trong sa mạc và hỏi: “Thưa cha, cha là
người có nhiều kinh nghiệm, xin cha giải thích cho
con rõ: tại sao có nhiều bạn trẻ vào tu trong sa
mạc này, nhưng sau đó nhiều người lại bỏ
về nhà, và chỉ ít người là bền đỗ tu
đến cùng?”. Vị ẩn sĩ trả lời:
“Chuyện này giống như câu chuyện một con chó kia
nhìn thấy một con thỏ đang chạy phía
trước liền đuổi theo, vừa đuổi
vừa sủa lên inh ỏi. Nhiều con chó khác nghe thấy tiếng
sủa và thấy con chó đang chạy cũng bắt
chước chạy theo mà chẳng hiểu chạy theo
như vậy để làm gì. Chẳng mấy lúc các con cho chạy
sau bị mệt và ngừng lại. Chỉ có con chó
đầu tiên là tiếp tục chạy cho đến khi
bắt được con thỏ !
Qua câu chuyện này, vị ẩn sĩ
muốn dạy: “Chỉ người nào nhìn thấy mục
tiêu mình đang theo đuổi thì mới bền đỗ
đến cùng, dù gặp nhiều gian khổ”. Cũng
vậy: Nếu chúng ta xác tín Nước Trời chính là kho
báu quý giá, và Đức Giê-su cũng là viên ngọc quý có giá
trị rất lớn, thì chúng ta sẽ sẵn sàng từ
bỏ mọi thứ có giá trị đời này là của
cải danh vọng trần gian để theo làm môn
đệ của Chúa và hăng say chu toàn sứ vụ loan
báo Tin Mừng Nước Trời cho mọi người.
4) GƯƠNG TỪ BỎ DANH LỢI TRẦN
THẾ CỦA THÁNH PHAN-XI-CÔ XA-VI-Ê :
PHAN-XI-CÔ XA-VI-Ê (1506-1552) là con của gia
đình quí tộc nước Tây Ban Nha. Lớn lên
được cha mẹ cho sang Pháp du học. Phan-xi-cô có
một người bạn thân là I-nha-xi-ô Lôi-ô-la. Một hôm
trong khi tham dự thánh lễ, Phan-xi-cô đã nghe được
Lời Chúa phán: "Lời lãi cả và thế gian mà
mất linh hồn, nào được ích gì?" Câu Kinh thánh này đã ảnh
hưởng sâu xa trong suốt thời gian học
đại học của Phan-xi-cô. Cũng chính câu lời
Chúa ấy đã đánh động tâm hồn khiến anh
quyết định từ bỏ mọi danh vọng
trần thế đang chờ đón, để chọn theo
lý tưởng tu trì phụng sự Chúa Giê-su. Phan-xi-cô đã
xin gia nhập vào dòng Tên do I-nha-xi-ô thành lập. Sau đó anh vâng
lời bề trên từ giã quê hương sang truyền giáo
bên nước Ấn độ xa xôi và đã đưa
được hàng vạn người về với Chúa. Sau
đó, Phan-xi-cô còn có ước vọng đi truyền giáo
tại nước Trung Hoa. Nhưng trên đường đi,
ngài đã bị bệnh nặng và chết trên một hòn
đảo, mặt luôn hướng về đất nước
Trung Hoa.
5) THÁI ĐỘ NGHE GIẢNG
CỦA MỘT NÔNG DÂN :
Một bác nông dân kia đến
nhà thờ vào ngày Chúa Nhật
để nghe một nhà giảng thuyết lừng
danh tên là GION OÉT-LÂY (John Wesley) giảng về
đề tài “Phải sử dụng của
cải đời này như thế nào ?”. Trong
phần thứ nhất, nhà giảng thuyết
triển khai tư tưởng: “Hãy tìm mọi
cách để làm giàu”. Bác nông dân nghe
vậy thì cảm thấy phấn khởi. Bác
ta thúc nhẹ cùi chỏ vào ông bạn bên
cạnh và nói: “Một bài giảng thật
tuyệt vời !”. Sau đó diễn giả khai
triển sang điểm thứ hai: “Cần phải
tiết kiệm tối đa”. Bác nông dân lại
tiếp tục suýt xoa khen: “Ôi chao ! Tôi chưa bao
giờ được nghe một bài giảng
hay như vậy !”. Nhưng khi diễn giả sang
điểm thứ ba: “Hãy chia sẻ tối đa
của cải kiếm được cho
người nghèo” thì bác ta cụt hứng,
đành im lặng rời nhà thờ
về nhà với bộ mặt buồn bã
thất vọng, vì cuối cùng bài giảng đã
không phù hợp với quan điểm sống
của bác ta.
Người ta thường
làm việc do động lực lợi lộc
thôi thúc; người nông dân trong Tin Mừng hôm
nay đã bán tất cả gia sản để mua bằng
được thửa ruộng có chứa
kho tàng quý giá. Ông nhà buôn cũng
sẵn sàng bán hết tài sản để
mua bằng được viên ngọc quý giá.
Vì ham lợi, các nhà doanh nghiệp không
ngần ngại đầu tư tiền bạc công
sức vào các công trình xây dựng, hy
vọng mang lại nhiều lợi nhuận trong
tương lai. Vì muốn dành được
huy chương vàng, các vận động viên
sẵn sàng bỏ ra nhiều thời gian
tiền bạc và sức lực vào công
việc tập luyện. Để có tương lai tốt
đẹp, các sinh viên đại học chăm
chỉ học hành để thi đậu và
được cấp bằng đại học.
Còn chúng ta: để có được
Nước Trời làm phần gia nghiệp,
chúng ta cần phải đầu tư những
gì ngay từ hôm nay ? Chúng ta cần phải
vượt qua những trở lực
nào trong cuộc sống hiện tại ?
6) LỜI NHẮN NHỦ CÁC BẠN
TRẺ CỦA MỘT BÁC SĨ TÀI DANH :
Bác sĩ RICHARD TEO KENG SIANG, 40 tuổi.
Một triệu phú ngành giải phẫu thẩm mỹ
ở đảo quốc Sin-ga-pore. Đột nhiên phát
hiện mình đã bị ung thư phổi giai đoạn
cuối khi anh đang ở đỉnh cao tiền tài và danh
vọng. Richard Teo qua đời ngày 18/10/2012. Những chia
sẻ của anh khi được đưa lên facebook đã
gây một xúc động rất lớn cho các bạn
trẻ và được nhiều lời bình luận
đồng ý.
- “Chào tất cả các em. Tôi tên là Richard và
là một bác sĩ. Từ lúc trẻ, tôi là sản phẩm
đặc trưng của xã hội ngày nay. Hồi nhỏ,
tôi lớn lên trong một gia đình sống dưới
mức trung bình. Tôi được mọi người
dạy rằng: thành công và giàu có đồng nghĩa
với hạnh phúc. Với suy nghĩ này, tôi quyết tâm
ganh đua học tập ngay từ nhỏ và đã
đạt được thành công và có được
mọi thứ như lòng mong ước. Nhưng thật
trái ngược, chỉ khi sắp chết thì tôi mới nhận
biết mình nên sống ra sao. Tôi biết điều này nghe
có vẻ phi thực tế, nhưng lại là sự thật
mà chính tôi đang trải qua: Sự thành công, xe cộ, nhà
cửa, những thứ mà tôi nghĩ sẽ đem lại hạnh
phúc cho mình. Nhưng thực ra chúng đã không mang lại
niềm vui, mà nếu được chọn lựa
lại, tôi sẽ chọn một lối sống khác tốt
đẹp hơn.”
- Đây không chỉ là
lối sống thực dụng của Richard Teo, mà còn của
mọi người chúng ta. Chúng ta đã quá lo toan lao vào
cuộc cạnh tranh tìm kiếm tiền tài danh lợi, mà
quên đi giá trị cao cả hơn là hạnh phúc vĩnh
hằng đời sau. Chúng ta đã đầu tư quá
nhiều công sức vào những thứ mau qua và chỉ có
giá trị tương đối, mà bỏ qua cơ hội
để tích lũy cho mình một gia tài thiêng liêng có giá
trị lâu bền đời sau.
3. SUY
NIỆM:
1. SỰ KHÔN NGOAN
CỦA VUA SA-LÔ-MON :
Sa-lô-mon là con vua Đa-vít
và được thừa kế ngai vàng của vua cha. Sa-lô-mon
nhận biết mình “trẻ người non dạ” và còn
nhiều hạn chế trước trọng trách làm vua. Ông
được Đức Chúa hứa ban các ơn cần
cho chức vụ cai quản dân Chúa. Sa-lô-mon đã không xin
của cải giàu có, quyền lực vinh quang hay sống
lâu trường thọ. Ông chỉ xin Chúa ban sự khôn ngoan
để hướng dẫn dân Chúa đi theo
đường lối của Ngài. Điều ông xin đẹp
lòng Đức Chúa và ông đã được Chúa ban cho ông trở
thành một vị vua tài trí bậc nhất thiên hạ. Danh
tiếng về sự khôn ngoan của ông vượt ra
khỏi biên giới đất nước :
Trước ông, không ai được như ông và sau ông
cũng không ai được bằng ông.
2) Ý NGHĨA
CỦA HAI DỤ NGÔN NƯỚC TRỜI LÀ KHO BÁU
VÀ VIÊN NGỌC QUÝ:
Đức Giê-su
đến rao giảng Tin Mừng Nước Trời và
mời gọi mọi người gia nhập để
được ơn cứu độ. Người đòi
người ta phải khôn ngoan chọn lựa Nước
Trời qua hai dụ ngôn là Kho Báu và viên Ngọc Quý như
sau :
- Một nông dân
nghèo phải đi cày thuê để kiếm
sống. Một hôm ông ta tình cờ phát hiện
ra một cái chum trong có chứa nhiều
vàng bạc quý báu, được ai
đó đem chôn giấu trong ruộng mà anh đang
cày thuê. Một nhà buôn nọ tình cờ
gặp thấy một viên ngọc quý
được bán với giá hời.
Phản ứng của hai người giống nhau là
khôn ngoan trở về nhà, âm thầm đem bán tất
cả nhà cửa ruộng vườn và
những gì đang có, lấy tiền mua lấy thửa
ruộng có chôn kho báu, mua lấy viên ngọc mà
chỉ ông ta mới biết giá trị lớn
lao thực sự của nó.
- Kho báu và viên
ngọc quý nói chung là những gì
có giá trị trước mắt, vì
chúng hứa hẹn sự giàu có mà ai
cũng mong muốn. Chúng chính là động
lực thôi thúc người ta sẵn
sàng hy sinh tất cả để lấy làm
của riêng mình. Nhưng Lời Chúa hôm nay dạy
các tín hữu chúng ta: Kho báu và
ngọc quý nói trên dù sao cũng chỉ lcó
giá trị tương đối và không bền
vững. Chúng chỉ mang lại cho người
ta thứ hạnh phúc bọt bèo chóng qua không
bền vững. Mới đây báo chí
đăng tin về một vụ cướp
bằng súng AK ngay trên đường phố.
Hồi 19 giờ tối, một vụ cướp
táo bạo đã xảy ra trên đường
Huỳnh khương Ninh, Phường Đa Kao,
Quận 1. Một ông chủ tiệm chở vàng
bằng xe du lịch từ tiệm vàng về
nhà, thì bất ngờ bị 2 tên
cướp đi xe Su-zu-ki Sì-po áp sát.
Chúng dùng súng AK hãm thanh bắn gục cô người
làm khi cô vừa mở cửa nhà. Sau
đó, trước khi tẩu thoát chúng tiếp
tục bắn ông chủ mấy phát và giật
phăng chiếc túi xách chứa vàng ông
đang ôm, và để lại hiện trường một
khẩu súng AK. Theo lời khai của nạn nhân
thì trong túi vàng chứa 250 lượng
vàng SJC, 20 ngàn đô la và khoảng 20 triệu
đồng. Như vậy: giàu có của cải đã không
mang lại hạnh phúc cho chủ của, mà có thể còn là
nguyên nhân gây tai họa cho bản thân và những
người thân nữa.
3) NGƯỜI TÍN
HỮU CẦN SẴN SÀNG HY SINH CỦA CẢI ĐỜI
NÀY ĐỔI LẤY NƯỚC TRỜI:
Nhiều người coi
Nước Trời chỉ là một
thứ kho báu thiêng liêng không thực tế, nên
đã không muốn từ bỏ của cải
mình đang có. Nhưng đối với
các tín hữu chúng ta: Nước
Trời thực sự là một kho báu.
Chỉ khi nào xác tín như thế, chúng ta
mới dám hy sinh từ bỏ của cải chỉ
có giá trị tương đối, để
đổi lấy kho báu trên trời có giá
trị vĩnh hằng (x. Mt 6,10-20). Tin Mừng Mác-cô có
thuật lại câu chuyện về một chàng thanh niên
giàu có muốn nên trọn lành đến
gặp Đức Giê-su để hỏi mình phải làm gì
để được nên trọn lành. Anh cho biết
đã tuân giữ các giới răn ngay
từ khi còn nhỏ dại. Nhưng khi Đức
Giê-su yêu cầu anh về nhà bán của cải phân
phát cho người nghèo, đổi lấy kho
báu thiêng liêng trên trời, rồi đến theo
làm môn đệ của Người, thì anh sa
sầm nét mặt và buồn rầu bỏ
đi, vì anh không thể bỏ được những
của cải vật chất đang chiếm hữu
(x Mc 10,17-22).
Thánh Phao lô dạy: “Phàm là
tay đua, thì phải kiêng kỵ đủ
điều, song họ làm như vậy là
để đoạt phần thưởng chóng
hư. Trái lại, chúng ta nhằm phần
thưởng không bao giờ hư nát” (1 Cr 9,25).
Vàng bạc châu báu khi ta chết sẽ về tay
kẻ khác. Huy chương vàng sau khi vận
động viên chết đi sẽ chỉ còn là
một vật lưu niệm. Trái lại, nếu
người tín hữu biết từ
bỏ của cải vật chất để mua lấy
Nước Trời bằng các việc
bác ái từ thiện, thì sau khi chết,
họ sẽ chiếm hữu Nước trời
là của cải quý giá và có giá
trị muôn đời.
4) CHÚNG TA CẦN KHÔN NGOAN CHỌN
LỰA THẾ NÀO TRONG CUỘC SỐNG ?
- Hôm nay Chúa mời gọi chúng
ta phải khôn ngoan chọn lựa : Chọn lựa của
cải trần gian mau qua hay chọn Nước Trời
vĩnh cửu. Chọn với thái độ dứt khoát
không nửa vời, vì “thà mất một mắt, một
tay, một chân mà được vào Nước Trời, hơn
là có đủ nguyên vẹn mà phải sa hỏa ngục”.
Chọn với sự đánh đổi : Đổi
những gì mình có để mua lấy Nước Trời ?
- Để có Nước Trời là
hạnh phúc đời đời, các tín hữu chúng ta phải
biết khôn ngoan cầu xin Chúa như vua Sa-lô-môn: Ông không cầu xin Chúa ban giầu
có hay khả năng đánh bại quân thù, mà chỉ xin Chúa
ban sự khôn ngoan để chọn làm theo ý Chúa, phân biệt
thiện ác, làm theo lẽ phải.
- Tìm kiếm Nước Trời và
từ bỏ mọi sự để đạt
được Nước Trời cần phải có ơn
Chúa trợ giúp. Thực vậy: Làm sao chúng ta dễ
dàng bán hết những gì một đời vất mới
có được ? Làm sao chúng ta có thể từ bỏ một
mối tình vụng trộm đầy sức cuốn hút ?
Làm sao từ bỏ được một thói quen mang
lại sự thỏa mãn xác thịt ? Làm sao chúng ta có
thể bỏ lỡ một cơ hội giúp kiếm
được nhiều tiền… để chu toàn bổn
phận đến nhà thờ tham dự thánh lễ Chúa
Nhật ? Làm sao chúng ta có thể bố thí cho một
bệnh nhân nghèo một ít tiền chữa bệnh, dù chúng
ta có thể dễ dàng chi gấp nhiều lần cho một
chai rượu ngoại để nhậu với bạn
bè ? Làm sao chúng ta có thể xin lỗi người
dưới khi mình sai ? Làm sao chúng ta có thể không đi làm thêm
để học giáo lý ?... Để có thể chọn
lựa lối hành xử đúng đắn, chúng ta cần năng
nghe Lời Chúa dạy và suy niệm để tìm ra ý Chúa muốn
và xin ơn Thánh Thần soi dẫn, giúp chúng ta vâng phục ý
Chúa.
- Tóm lại, nếu vì hạnh phúc Nước
Trời mà mình có thể bị nghèo đi, bị mất
công ăn việc làm, hay có thể mất cả địa
vị xã hội… thì chúng ta cũng vẫn phải
đánh đổi. Vì dù sao tiền tài danh vọng cũng không
dành riêng cho mình và cũng không mang lại cho chúng ta hạnh
phúc thực sự. Chỉ có hạnh phúc Nước
Trời mới có giá trị lâu dài và mang lại hạnh phúc
thực sự cho chúng ta, như ông Gia-kêu sau khi gặp Chúa
đã sẵn sàng chia phân nửa gia sản bố
thí cho người nghèo, và sẵn sàng đền gấp
bốn lần những thiệt hại đã gây ra cho
người khác.
4.
THẢO LUẬN:
Đức
Giê-su đòi các môn đệ từ bỏ
mọi sự mà đi theo làm Tông đồ
của Người. Còn các tín hữu
hôm nay cần từ bỏ những gì
để trở thành tông đồ giáo dân
phục vụ Nước Trời của Chúa ?
5.
NGUYỆN CẦU:
- LẠY Chúa GIÊ-SU. Chúng con
thường bị giàu sang, danh vọng,
sắc dục cám dỗ lôi cuốn, và trói
buộc. Chúng không cho chúng con nâng tâm hồn lên cao
để gặp Thiên Chúa là nguồn chân
thiện mỹ và đạt tới hạnh
phúc đời đời.
- Lạy Chúa, Xin giải thoát
chúng con khỏi những ham mê của cải
vật chất trần gian, nhưng biết tìm
kiếm kho báu thiêng liêng trên trời. Xin cho chúng
con luôn có thái độ cởi mở thân thiện
với tha nhân, luôn quên mình phục vụ vô vụ
lợi. Nhờ đó, chúng con chắc
chắn sẽ có được kho báu là Nước
Trời đời sau.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ)
XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH - HHTM
|