Thiên Chúa luôn cho ta cơ hội
để hoán cải
(Suy
niệm của Lm. Giuse Đỗ Đức Trí)
Có
một câu ngạn ngữ nói rằng: Khi cuộc
đời đóng lại cánh cửa trước mặt
chúng ta, thì Thiên Chúa luôn mở cho ta cánh cửa khác. Có thể
nói rằng, câu ngạn ngữ này thật đúng. Khi
mỗi người bình tâm nhìn lại cuộc đời
của mình sẽ thấy Thiên Chúa luôn cho chúng ta những
cơ hội. Có những lúc trước mặt ta là cả
một bầu trời đen tối, thì Thiên Chúa luôn cho ta
một tia hy vọng; có những khi ta tưởng rằng
với tội lỗi mình gây ra, đáng lẽ mình đã
phải trả giá, thế nhưng Thiên Chúa vẫn
độ lượng cho chúng ta thời gian và cơ
hội sửa chữa sai lầm.
Nhân
từ và khoan dung là “đặc tính” trong cách hành xử
của Thiên Chúa. Nhìn lại lịch sử của dân Israel, chúng ta thấy Thiên
Chúa đã yêu thương chăm sóc họ như một
người cha lo cho con cái; vậy mà rất nhiều
lần, Israel từ chối tình
yêu và sự chăm sóc của Ngài. Những lúc như
thế, Thiên Chúa như một người cha, vừa
giận lại vừa thương. Cũng nhiều
lần, với sự công thẳng, Ngài như muốn
để cho Israel bị tiêu diệt
khỏi mặt đất, nhưng tấm lòng người
cha không cho phép Ngài làm như thế. Ngài lại tha thứ,
yêu thương và đón nhận họ khi họ sám hối
trở về.
Bài
đọc một, tác giả sách Khôn Ngoan đã suy gẫm
về Thiên Chúa và nhận ra rằng: Thiên Chúa luôn phải
chịu sự giằng co giữa nhân từ và lỗi
phạm, giữa công thẳng với khoan dung. Tác giả
giải thích: Chính do sức mạnh của Chúa, mà Chúa hành động
công minh- vì Chúa làm bá chủ vạn vật nên Chúa lại
nương tay với muôn loài. Thiên Chúa luôn xử khoan
hồng, lấy lượng từ bi cao cả mà cai
quản con ngươi, chỉ những ai cố tình,
cố chấp thì Ngài mới xử tội. Tác giả sách
Khôn Ngoan còn nghiệm ra rằng, Thiên Chúa làm như thế là
để dạy chúng ta: Người công chính phải có
lòng nhân ái, vì Thiên Chúa luôn cho con cái niềm hy vọng và cho
người có tội có cơ hội để sám hối.
Dụ
ngôn Chúa Giêsu kể hôm nay về câu chuyện cỏ lùng trong
ruộng, cho thấy sự khác biệt về cách hành
xử giữa Thiên Chúa và con người. Trước
hết, câu chuyện trả lời cho thắc mắc muôn
thuở của con người: Tại sao Thiên Chúa là
Đấng quyền năng, nhân từ sao lại
để cho nhiều sự xấu, sự ác xảy ra
trong thế giới như thế? Thiên Chúa không tạo nên
sự xấu, Ngài càng không tạo nên sự ác. Giống
như người chủ trong câu chuyện, ông đã không
hề gieo cỏ lùng, nhưng ông gieo giống lúa tốt
trong ruộng của ông và ông hết sức chăm lo cho
mảnh ruộng của mình. Tuy nhiên, khi mọi
người đang ngủ, kẻ thù của ông đã gieo
cỏ lùng vào ruộng lúa rồi đi mất. Kẻ thù
của Thiên Chúa chính là ma quỷ. Nó không muốn nhìn thấy
con cái Chúa được hạnh phúc. Nó ghen tỵ vì con
người được Chúa yêu thương. Vì thế,
nó lén lút, đợi khi con người say ngủ trong
lối sống và thói quen của mình, thì đã gieo những
hạt cỏ dại vào trong tâm hồn mỗi
người. Những hạt cỏ này cứ âm thầm
mọc lên, đến một lúc nào đó, nó lấn
lướt hết những việc tốt lành và biến
mảnh ruộng tâm hồn chúng ta trở nên vườn
hoang cỏ dại.
Nhìn
thấy sự xấu, sự ác cùng với những bất
công đang xảy ra trong xã hội, nhiều người
đã giống như những đầy tớ trong câu
chuyện hôm nay, họ muốn quay lại trách Thiên Chúa và
nghi ngờ về quyền năng của Ngài: Thưa ông,
không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng
của ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra
vậy? Không chỉ trách Thiên Chúa, mà họ còn muốn Thiên
Chúa hành xử theo cách của họ, khi đề nghị
với ông chủ: Vậy ông có muốn cho chúng tôi đi gom
chúng lại không? Với đề nghị này, những
người đầy tớ trong câu chuyện muốn nhân
danh Thiên Chúa và sự công thẳng của Ngài để
loại trừ những người xấu, những
kẻ bị xem là cỏ lùng. Như thế, những
người này tự cho mình là những người
tốt, những người xứng đáng có quyền
để kết án người khác.
Thiên
Chúa có quyền trừng phạt ngay lập tức kẻ có
tội, những kẻ xấu và những người gây
ra sự ác, nhưng Thiên Chúa đã không làm như vậy,
Ngài có cách hành xử riêng của Ngài. Trước lời
đề nghị đi nhổ cỏ lùng của những
người đầy tớ, ông chủ đã trả
lời: Đừng, vì sợ rằng khi đi nhổ
cỏ, các anh lại làm bật luôn rễ lúa. Hãy cứ
để cả hai cùng mọc lên cho đến mùa gặt.
Đến mùa gặt, tôi sẽ cho thợ gom cỏ lùng
lại và đốt đi, còn lúa thì cho vào kho lẫm. Câu
trả lời này cho thấy sự nhẫn nại của
Thiên Chúa đối với những kẻ có tội và
những người làm điều xấu. Thiên Chúa luôn cho
con người có thời gian và cơ hội để hoán
cải, để làm lại cuộc đời. Dĩ
nhiên, Thiên Chúa không mong cỏ lùng biến thành lúa, nhưng
Ngài lại mong người xấu biến thành
người tốt, kẻ gian ác biến đổi nên
người lương thiện, và đến ngày xét
xử, Thiên Chúa sẽ xử công minh với mỗi
người tùy theo việc họ đã làm.
Hãy
cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa
gặt. Điều đó cho thấy rằng, Thiên Chúa không
hề nóng vội, cũng không hề mất kiên nhẫn
với con người. Ngài là một người Cha luôn
chờ đợi chúng ta là những người con sám
hối trở về để Ngài tha thứ. Ngài không
hề kể tội chúng ta khi chúng ta quay về. Trái
lại, Ngài luôn mở rộng vòng tay ôm chúng ta vào lòng và cho
chúng ta được ngụp lặn trong biển yêu
thương của Ngài. Tuy nhiên, đến thời hạn
sau cùng, nếu người nào còn cố chấp trong sự
sai trái của mình, từ chối tình yêu, bỏ mất
cơ hội hoán cải, không chấp nhận quay trở
lại thì kẻ ấy sẽ biến mình trở thành thù
nghịch với Thiên Chúa và sẽ bị hủy diệt
trong lò lửa.
Tuy
nhiên, không dễ để mỗi người nhận ra
thực trạng của mình: Hiện nay, tôi đang là
cỏ lùng hay là lúa? Hiện nay, mảnh ruộng tâm hồn
tôi đang là ruộng lúa hay đang là ruộng cỏ?
Để có thể nhận ra được tình trạng
tâm hồn của mình là cỏ hay là lúa, ruộng lúa hay là
ruộng cỏ, chúng ta cần phải có sự trợ giúp
của Thánh Thần. Đó là điều Thánh Phaolô chỉ
cho chúng ta trong thư Roma: Thần Khí sẽ giúp đỡ
chúng ta là những kẻ yếu hèn vì chúng ta không biết
cầu nguyện thế nào cho phải. Điều đó có
nghĩa là qua việc cầu nguyện cùng với sự soi
sáng của Thánh Thần, chúng ta sẽ nhìn rõ về con
người và tình trạng tâm hồn của mình. Chỉ
khi dám nhìn vào tâm hồn mình và khiêm tốn nhìn nhận sự
sai trái của mình, chúng ta mới có thể khắc phục
được những sai lầm trong cuộc sống, và
cùng với ơn Chúa và sức mạnh của Thánh Thần,
chúng ta mới có thể tận dụng được
cơ hội và thời gian Chúa ban để hoán cải.
Thưa
quý OBACE, Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi
người nhìn lại tình trạng tâm hồn của mình
và biết học nơi Chúa sự nhẫn nại và
quảng đại bao dung với anh chị em chung quanh,
đừng vội kết án, nhưng luôn cho anh chị em
mình cơ hội để làm lại cuộc đời.
Các
bậc làm cha mẹ luôn muốn mảnh ruộng gia đình
là một mảnh ruộng tốt và muốn con cái mình là
những giống lúa tốt. Tuy nhiên, vì sức ép của
đời sống kinh tế, vì cám dỗ chạy theo
vật chất và danh vọng, nhiều người đã
ngủ quên trong công việc, trong việc tìm kiếm cơm
áo nên đã bỏ quên ruộng lúa là gia đình, bỏ quên con
cái, để cho ma quỷ và sự xấu len lỏi vào
trong gia đình, trong tâm hồn của mình và của con cái.
Vì vậy, các bậc cha mẹ cần điều chỉnh
lại cuộc sống của mình, cần biến tâm hôn
mình thành mảnh đất tốt, dành nhiều thời
gian hơn nữa cho gia đình, cho con cái để
chuyện trò, để hiểu nhau hơn và thông cảm
với nhau hơn. Hãy gieo vào gia đình và tâm hồn con cái
nhiều việc tốt, nhiều gương sáng, hãy
đem Chúa vào trong gia đình qua những giờ kinh, giờ
cầu nguyện và hãy gieo vào tâm hồn mình và con cái
những hạt giống của Tin Mùng. Khi tỉnh thức
như thế, thì ma quỷ và sự xấu sẽ không
thể lẻn vào gia đình chúng ta được.
Lời
Chúa cũng muốn chúng ta học nơi Chúa sự kiên
nhẫn và quảng đại với anh chị em.
Đừng vội kết án hay loại trừ khi anh em mình
sai lỗi, nhưng hãy ân cần nâng đỡ và tạo
cơ hội cho anh chị em làm lại cuộc đời.
Thiên Chúa không bao giờ dập tắt hy vọng của
chúng ta, Ngài cũng không bao giờ khóa chặt cánh cửa
tương lai của chúng ta. Vì thế, chúng ta đừng
bao giờ đóng chặt cửa tương lai,
đừng bao giờ dập tắt hy vọng của mình
và của anh chị em mình. Amen.
|