Nước Trời
được ví như...
(Suy niệm của
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty)
Đoạn Tin
Mừng dài hôm nay chỉ có một chủ đề duy
nhất: qua một số hình ảnh dễ hiểu
Nước Trời được phác lên những nét
đặc thù mà, thoạt tiên xem ra rời rạc nhưng
nhìn kĩ chúng bổ sung cho nhau cách hết sức chặt
chẽ. Tuy nhiên để hiểu sâu rộng
hơn, tôi thiết nghĩ cần phải đầu tư
đội chút suy nghĩ. Hai dụ ngôn đầu
chẳng hạn, nhiều lần ta được giải
thích: sức mạnh của Nước Trời
được ví như hạt cải, tuy nhỏ bé
nhưng lại mọc thành cây lớn, như dúm men ít
ỏi mà làm cho cả ba thúng bột dậy men, vì đó là
sức mạnh của chân thiện mỹ, mà chân thiện
mỹ thì không gì có thể cưỡng lại
được. Điều này nếu có đúng thì chỉ
trên suy luận lô-gic, thực tế cho thấy: ngay cả
giữa các tu sĩ nhiều người còn nghi ngại
về sức mạnh của gương mù gương
xấu hơn là tin tưởng vào sức mạnh của
gương lành hay nhân đức. Ngay cả một Giáo
Hội rất tự hào về các chân lý mình sở
đắc mà nhiều khi cũng còn run sợ, lép vế
trước các thói đời, lạc thuyết… Sức
mạnh vô địch của Nước Trời, theo Đức Giêsu, chắc phải hệ
tại ở một điều gì khác lắm…
Dụ
ngôn thứ ba thì Đức Giêsu kể, rồi lại
được chính Người giải thích nhằm
đáp ứng yêu cầu của các môn đệ. Nhiều người cho rằng dụ
ngôn này nói về tình trạng chịu vậy của
người lành phải sống chung
với kẻ dữ chờ ngày phán xét; nếu quả
thật là thế thì ý nghĩa của nó đi ngược
hẳn lại, và triệt tiêu hai dụ ngôn trên. Chắc
chắn không thể thế được! Hơn nữa
nhiều người trong chúng ta vẫn hiểu là
Đức Giêsu ví von Nước Trời giống như
hạt cải, như nhúm men…, thậm chí nhiều cuốn
Kinh Thánh còn đặt tiêu đề ‘dụ ngôn cỏ lùng’
dễ gây hiểu lầm (Nước Trời giống
như cỏ lùng?). Thực ra các dụ ngôn
đều là những câu chuyện, và ở đây
Nước Trời được ví như ba hành
động chứ không phải ba vật thể. Riêng
dụ ngôn thứ ba (lúa tốt và cỏ lùng) Nước
Trời được ví với thái độ của
chủ ruộng: ông chấp nhận tình trạng sống chung tốt xấu vì một mục đích
nào đó cao cả hơn. Nếu ta
đọc cả ba dụ ngôn và hiểu ba hành động
trong thế liên hoàn, có thể ý nghĩa sẽ hiện rõ
hơn chăng? Tôi thử suy diễn:
Nước
trời chính là lòng từ nhân của Thiên Chúa và thực
tại trong đó lòng thương xót của Ngài ngự
trị và hành động.
Lòng nhân này chấp nhận, và thực tế còn như ‘mong’
cho có sự dữ, ‘đòi’ phải có sự tội trên
trần gian này, mọi nơi và qua mọi thời
đại (kể cả trong Hội Thánh, trong đời
tu… và đương nhiên nơi từng tâm hồn…) Felix
culpa là thế!; ‘Cứ để cả hai cùng lớn lên
cho tới mùa gặt!’ Yếu đuối và tội lỗi
không hề làm cho tình yêu thương xót này bị giảm
sút hay thu hẹp lại. Thoạt
nhìn lòng nhân ái có vẻ âm thầm và rất mực khiêm
tốn, nhưng chính trước tội lỗi và sự
dữ nó lại có cơ càng lớn mạnh và bùng nổ
mạnh mẽ hơn. ‘Nước Trời cũng
giống như chuyện hạt cải (nhỏ bé)
người nọ lấy gieo trong ruộng mình…như
nắm men vùi vào ba thúng bột…’ Và trong chính cái
môi trường tội lỗi và thấp kém đó (thửa
đất đen hay mấy thúng bột chai lì) lòng
thương xót càng chứng tỏ được cái
sức mạnh cải tạo và biến đổi vô
địch của nó, ‘cho đến khi tất cả
bột dậy men’.
Lấy
trường hợp thầy thuốc chẳng hạn,
một hình ảnh mà Đức Giêsu đã từng sử
dụng để nói về chính mình. Nghề của thầy
thuốc cần, và gần như đòi, phải có
người đau yếu bệnh tật. Người ta không gởi bác sĩ tới nơi
toàn người khỏe mạnh, lành lặn. Bệnh
càng nhiều và con bệnh càng hiểm nghèo thì tay
nghề của bác sĩ, không những không mai một, mà
ngược lại còn phát huy và nổi danh hơn. Một bác sĩ được gởi tới
bệnh viện chính là để chữa bệnh cho
thật nhiều bệnh nhân, nhất là các ca bệnh nặng
nhất… cho tới khi họ hoàn toàn bình phục có thể
về nhà. Nước Trời của Đức Kitô
là như thế đó và kế hoạch của Thiên Chúa là
như vậy!
Cụ
thể hơn, ta thử nhìn vào trường hợp cha
sở họ Ars - thánh Gioan Vi-a-nê, một hình ảnh mà tôi
đã nhiều lần chiêm ngắm trong sứ vụ linh
mục của mình. Sứ mệnh mục tử tìm chiên lạc
của ngài gần như đòi ngài phải được
phái tới một họ đạo hẻo lánh, khô khan,
nguội lạnh như cái họ đạo Ars thời
đó. Và chính vì được gởi tới cái
họ đạo tội lỗi bê tha này mà từ một
linh mục tầm thường vô danh, Gio-an Ma-ri-a đã
trở nên lừng danh thánh thiện; và vì ngài đã trung thành
ở lại phục vụ chứ không trốn chạy
(như ngài đã từng muốn làm) mà họ đạo
Ars và cả vùng lân cận dần dần được
cải hóa. Có như thế, Gioan Maria Vi-a-nê mới nối
bước theo chân Thầy Giêsu, mới xứng danh là linh
mục của Nước Trời - linh mục của Giêsu
cứu độ, của Thiên Chúa nhân hậu và xót
thương. Chính vì thế mà, nếu muốn trở thành
một linh mục (hay Kitô hữu) của Nước
Trời, tôi không thể khác hơn… là chấp nhận
sống giữa một trần gian tội lỗi,
để có nhiều người nhận ra rằng:
‘Nước Trời đang ở giữa anh em’.
Lạy Thiên Chúa là
chủ của Nước Trời đang được
thể hiện nơi trần gian, xin biến đổi
con nên linh mục của Nước Trời, để con
không phàn nàn kêu trách tội lỗi của người
đời, không khó chịu, chán nản trước các
lầm lỗi của chính mình, cũng như của các anh
em con. Ngược lại xin cho con biết dâng lời
cảm tạ vì nhờ đó con càng được
đồng hành với lòng thương xót Chúa,
được tiến bộ và lớn mạnh lên trong
sức mạnh yêu thương, và được tham gia vào
hiệu năng cải hóa và biến đổi mà chỉ có
lòng thương xót thập giá mới có thể thực
sự mang lại. Amen.
|