Bài học
thiết thực từ Thầy Giêsu
(Suy niệm của Lm. Giuse Nguyễn Thành Long)
Trong những năm gần
đây, một trong những vấn đề
được xã hội cũng như Giáo hội quan tâm
nhiều đó là vấn đề giáo dục. Và điều khiến cho nhiều người
bức xúc nhất đó là chương trình dạy và
học quá tải. Càng cải cách thì
chương trình càng nặng. Số môn
học và lượng bài tập, bài học cứ thế
mỗi năm mỗi tăng. Chiếc
cặp học sinh càng ngày càng to càng nặng, có khi nặng
hơn cả trọng lượng của các em. Hậu quả là cả thầy và trò, cả
người học lẫn người dạy đều
phải vật vả thương đau.
Trong cuộc
họp báo đầu tiên của Bộ trưởng Giáo
dục Trung Quốc, Chu Tế, phóng viên nhí Lý Gia Hy, 12
tuổi, của kênh thiếu nhi Đài CCTV, đã chất
vấn ông Bộ trưởng của mình: "Cháu
được biết ngành giáo dục đã có nhiều
cố gắng trong việc giảm nhẹ cặp sách
đến trường cho học sinh, nhưng tại sao
đến nay cặp của chúng cháu vẫn còn rất
nặng? Câu hỏi thứ hai là các bạn đều nói
không đủ thời gian để ngủ, bác bộ
trưởng có cách nào để chúng cháu được
ngủ nhiều hơn không?". Một
câu cật vấn nhẹ nhàng, nhưng làm cho người
nghe nhói lòng! Trong một lá thư gởi
Chúa Hài đồng nhân dịp Giáng sinh, một em học
lớp 4 đã than thở với Chúa Hài Đồng: “Con
ước mong sao chương trình học ở
trường nhẹ hơn, dễ hơi để con có
thời gian học Giáo Lý và sinh hoạt Phong trào Thiếu
Nhi”. Là những người có trách nhiệm, khi đọc
lá thư, chúng tôi không khỏi chạnh
lòng.
Quả đúng như vậy, vì đa phần
các em phải học sáng học chiều. Chưa đủ
các em còn phải tranh thủ học đêm; học chính khoá,
học phụ đạo, học thêm, học bồi dưỡng,
học nâng cao…. Cả thời gian nghỉ hè
cũng bị bớt trước xén sau. Tệ
hại hơn nữa là nhiều em Thiếu nhi
Công giáo bỏ cả việc học Giáo lý, bỏ cả
lễ ngày Chúa Nhật để đi học thêm cho
kịp chương trình ở trường. Tất
cả chỉ vì chương trình học ở
trường quá nặng, quá ôm đồm.
Tuy nhiên, có một trường
mà ở đó chương trình học rất nhẹ nhàng,
rất thoải mái, trường đó mang tên là
Trường Dạy Đức Tin. Vị
Thầy Số Một làm hiệu trưởng ngôi
trường đó là Thầy Giêsu. Ai học ở
trường này chẳng phải đóng một khoản
học phí hay lệ phí nào hết. Vả
lại những bài học mà Thầy Giêsu đưa ra
lại rất thiết thực và sống động,
chứ không nặng tính lý thuyết, và từ chương
như ở các trường học khác. Cụ
thể hôm nay một trong những bài học rất dễ
thuộc mà Chúa Giêsu dạy các môn sinh của Ngài đó là bài
học hiền lành và khiêm nhường: “Hãy học với
Ta, vì TA hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29). Một bài học hoàn toàn
không mang tính lý thuyết tí nào. Vì chính Chúa
Giêsu đã sống, đã thực hành một cách trọn
hảo trước khi Ngài dạy chúng ta.
Thật vậy, trong suốt
cuộc đời của mình, từ khi nhập thể làm
người cho đến khi chết thân treo thập giá,
Chúa Giêsu đã nêu gương hiền lành khiêm nhường
sâu thẳm. Thánh Phaolô đã tóm tắt gương
sống này trong một đoạn thư ngắn gọn:
“Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ
phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng
với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân
sống như người trần thế. Người
lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi
bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,
7-8).
Như thế lòng hiền lành khiêm
nhường của Chúa Giêsu, Đấng đã “không nỡ
lòng bẻ gãy cây sậy bị dập và dập tắt tim đèn còn khói”, đã trở thành nguồn
ơn cứu độ cho nhân loại. Bởi vì nếu
Chúa Giêsu chỉ là một vị Thiên Chúa muôn đời
muốn cao sang thì Ngài khó có thể biết cảm thông
với những đau khổ của phận người.
Ngài đã tự hạ để nâng con người
tội lỗi lên địa vị làm con cái Thiên Chúa và
được thừa hưởng phần gia nghiệp
Nước trời mai sau.
Người ta vẫn thường nói:
“Thầy nào trò nấy”. Là người học
trò, người môn đệ của Thầy Giêsu, chúng ta
đã nên giống Thầy mình chút nào chưa? Nếu
Vị Thầy của chúng ta là Đấng hiền lành khiêm
nhường, thì chúng ta, người môn sinh của Ngài,
phải trở nên thế nào, hiền lành hay dữ tợn;
khiêm nhường hay kiêu căng tự mãn? Bài
học đã có sẵn, nhưng chúng ta đã đem ra
thực hành chưa? Và thực hành
đến mức độ nào?
|