Bội thu
Đa số quí ông bà
và anh chị em ở đây sống bằng nghề nông. Vì
thế, hẳn chúng ta có nhiều kinh nghiệm trong việc
cấy trồng.
Qua dụ ngôn
“Người gieo giống”, Chúa Giêsu đã chia sẻ với
chúng ta những hiểu biết và kinh ngiệm về
việc đồng áng tại quê hương của
Người. Tất nhiên, Người không
có ý dạy ta về việc cấy trồng. Nhưng từ công việc cụ thể và quen
thuộc ấy, Người dẫn chúng ta tới một
lãnh vực khác, đó là lãnh vực tâm linh. Trong lãnh vực này, tâm hồn mỗi người
được ví như một thửa đất có
những điều kiện khác nhau để tiếp
nhận hạt giống. Hạt giống
được gieo vào tâm hồn mỗi người không
phải là hạt lúa hay hạt cây ăn
trái mà là Lời Chúa. Lời Chúa sẽ đem
lại sự sống cho tâm hồn ta giống như
hạt lúa, hạt gạo cho ta sự sống phần xác.
Và hạt giống Lời Chúa được
gieo vãi một cách rộng rãi không loại trừ một
mảnh đất tâm hồn nào. Người
đạo đức thánh thiện cũng như
người khô khan nguội lạnh, người
lương thiện cũng như người bất
lương… tất cả đều được
đón nhận hạt giống Lời Chúa. Rồi kinh
nghiệm cho thấy rằng: việc cấy trồng không
luôn dễ dàng bởi có nhiều kẻ thù phá hoại.
Kẻ thù của nông dân và hạt giống là giông bão, là
nắng hạn, là đá sỏi, là gai góc, là cỏ dại,
là muông thú, là sâu rầy… Hạt giống
Lời Chúa cũng có nhiều kẻ thù. Kẻ thù
của Lời Chúa là não trạng hưởng thụ, là
sự dửng dưng nguội lạnh, là sự
lười biếng, ngại khó ngại khổ, là lòng tham
và ích kỷ, là sự gian dối và lừa đảo, là
những sự xấu, sự ác, là những tệ đoan
xã hội… Tất cả những kẻ thù
ấy sẽ bóp nghẹt hạt giống Lời Chúa làm cho
hạt giống ấy không thể mọc lên và sinh hoa
kết quả.
Chính từ những
điều nói trên mà ta có thể tự đặt câu
hỏi cho mình:
-
Tâm hồn tôi thuộc loại
đất nào? Đất có sỏi đá, đất
đầy gai góc hay đất phì nhiêu? Và thế nào là
đất có sỏi đá, đất đầy gai góc,
đất phì nhiêu thì Chúa Giêsu đã giải thích cho chúng ta
rồi. Chỉ khi xác định được mình
thuộc loại đất nào ta mới có thể cải
tạo, mới có thể dọn dẹp mảnh đất
ấy để nó có thể đón nhận hạt
giống Lời Chúa hầu hạt giống này cho ta một
mùa gặt bội thu.
-
Hạt giống Lời Chúa đã
được gieo vãi trong mảnh đất tâm hồn
của tôi, nhưng tôi có sẵn sàng tiếp nhận và
chăm sóc cho hạt giống ấy không?
-
Đứng trước những kẻ
thù của hạt giống Lời Chúa tôi đã làm gì? Tôi có
nỗ lực khử trừ hay để mặc nó hủy
diệt hạt giống ấy?
Muốn có
được một mùa gặt bội thu, người
nông dân phải dọn ruộng, dọn đất, phải
chăm sóc cho hạt giống nảy mầm và lớn lên,
phải ngăn ngừa và đẩy lùi mọi yếu
tố, mọi tác nhân gây thiệt hại cho hạt
giống và cây trồng. Mùa gặt thiêng liêng
cũng phải vậy thôi. Tuy nhiên, bên cạnh
việc dọn dẹp và chăm sóc cho mảnh đất
tâm hồn của riêng mình bằng cách cải tà qui chánh,
bằng cách đổi mới đời sống, ta còn cần
hợp tác với nhau để dọn dẹp và chăm sóc
cho mảnh đất xã hội, nơi mà chúng ta đang
sống, sao cho mảnh đất ấy mỗi ngày
được sạch sẽ hơn, quang đãng hơn và
mầu mỡ hơn. Lý do là môi trường xã hội có
ảnh hưởng rất lớn đến cuộc
sống của mỗi người. Dọn
dẹp mảnh đất xã hội nghĩa là mỗi
người cần dấn thân để xây dựng
một nếp sống công bình, lành mạnh, thấm
đẫm tình yêu thương. Đồng thời
nỗ lực đẩy lui cái nghèo, cái khổ, cái dốt,
khử trừ những tệ đoan xã hội như
cờ bạc, say sưa, đĩ điếm và những
hình thức mãi dâm trá hình… Đó chính là
những cỏ dại, là gai góc, là sỏi đá, là
những côn trùng có hại cho mùa màng thiêng liêng không chỉ
của riêng ta mà còn của mọi người.
Nếu mỗi
người biết dọn dẹp và chăm sóc cho mảnh
đất tâm hồn của mình cũng như mảnh
đất xã hội, thì Lời Chúa khi được gieo
vào mới có hy vọng sinh hạt 30, hạt 60 và hạt 100
như lòng Chúa mong ước.
|