Số không
Truyện Tây Du Ký kể lại cuộc hành
trình của thầy trò Đường Tam Tạng đi Tây
Trúc thỉnh kinh, đem về phổ biến cho dân gian.
Trên cuộc ra đi đầy gian nan thử thách của thầy Tam Tạng,
không chỉ là núi rừng hiểm trở với yêu ma
quỷ quái, mà còn là những tật xấu của ba
người đồ đệ thân tín. Tôn Ngộ Không,
Trư Bát giới và Sa Tăng, ba tên này
chính là ba nết xấu mà thiền sư họ
Đường cũng như bao người khác phải
vượt qua để đạt chánh quả. Đó là
tính kiêu căng, lòng ham vật dục và sự lười
biếng.
Trên cuộc hành trình
về quê trời, mỗi người tín hữu cũng
phải vượt qua bao gian nan thử
thách, phải chiến đấu với những cơn cám
dỗ triền miên. Thấu hiểu nỗi truân chuyên
của con người, hôm nay Đức Giêsu đã kêu
gọi: “Tất cả những ai đang vất vả mang
gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho
nghỉ ngơi bồi dưỡng”.
Hãy đến
với Người, tất cả những ai đang
phải “Bán lưng cho trời, bán mặt cho đất”,
những ai “đầu tắt mặt tối” để
kiếm sống, những ai “thấp cổ bé miệng”,
Người sẽ ủi an bổ sức, sẽ cho họ
được an dưỡng nghỉ ngơi.
Hãy đến
với Người, tất cả những ai đang mang
gánh nặng của quá khứ tội lỗi, của
hiện tại yếu hèn, của tương lai chông chênh,
Người sẽ xoa dịu vỗ về, sẽ ban cho
họ sự bình an thanh thản.
Đức Giêsu còn
tha thiết mời gọi: “Anh em hãy mang lấy ách của
tôi… Vì ách của tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ
nhàng”. Nếu bất ngờ chúng ta bị một “cái
ách giữa đàng mà quàng vào cổ” thì thật là gay go.
Nhưng nếu chúng ta tình nguyện đón nhận cái ách
của Đức Giêsu, là thánh giá bổn phận hằng
ngày, thì cái ách kia sẽ trở nên êm ái, và
gánh kia sẽ ra nhẹ nhàng. Vì chính con
đường chúng ta đang tiến bước là con
đường tình yêu, hành trình mà chúng ta đi tới là
hành trình Nước Trời.
Chính trong tình yêu mà
chúng ta cảm thấy bình an giữa cơn giông tố,
niềm hân hoan trong lúc khổ đau.Chính trong tình yêu mà cái
ách sần sùi trở nên êm ái, và cái gánh nặng nề hóa ra
nhẹ nhàng.
Thánh Augustinô nói:
“Nơi đâu có tình yêu thì không có vất vả, mà nếu
như có vất vả thì người ta cũng yêu cả
nỗi vất vả ấy”. Để có được
thanh thản giữa bao lo toan của cuộc sống,
để có được bình an
giữa muôn bão tố cuộc đời, để có
được thư thái giữa bao gánh nặng chồng
chất, chúng ta hãy học nơi Thầy Giêsu: “Hiền lành
và khiêm nhường trong lòng”.
Kẻ kiêu ngạo
phô trương, cậy mình khôn ngoan tài đức, nên
chẳng mấy ai ưa, mà Thiên Chúa cũng khinh chê loại
bỏ.
Còn người hiền hậu khiêm tốn nhận mình bé
mọn, chỉ biết cậy dựa vào Chúa, nên
được mọi người quí mến, mà Thiên Chúa
lại yêu thương và ban cho Nước Trời.
Đức Giêsu nói: “Lạy Cha là Chúa tể trời
đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không
cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này,
nhưng lại mạc khải cho những người bé
mọn”. Một ly nước đầy không
thể đổ thêm thứ gì vào đó. Cũng
vậy, một kẻ chất đầy kiêu căng tự
mãn thì không còn chỗ cho Thiên Chúa dạy dỗ và ban ơn.
Chỉ có những tâm hồn nhận mình bé mọn, nhận
mình là con số không, là trống rỗng thì lại có
đủ chỗ cho Đấng vô cùng.
Đức Giêsu
đã làm gương trước khi dạy chúng ta hãy
sống hiền lành và khiêm nhường; là Thiên Chúa cao
cả quyền năng, nhưng Người lại hạ
mình xuống làm kiếp phàm nhân để yêu thương và
cứu chuộc con người.
-
Người không lên án
người phụ nữ ngoại tình bị bắt
quả tang mà còn cứu bà khỏi trận mưa đá hãi
hùng.
-
Người không khiến lửa
trời xuống đốt cả làng Samari theo
đề nghị của hai môn đệ háo thắng.
-
Người ví mình như người
cha nhân hậu tha thứ cho đứa con hoang đàng.
-
Người xem mình như mục tử
nhân lành chăm sóc từng con chiên.
-
Người xin Cha tha thứ cho
những kẻ lăng nhục, hành
hạ và đóng đinh Người.
Tột đỉnh
của sự hiền lành và khiêm nhường nơi
Đức Giêsu chính là Người đã hạ mình, vâng
lời cho đến chết, và chết trên cây thập giá. Chiều
thập tự mây cứ thong thả bay, suối cứ
lững lờ trôi. Và lời kinh cứ tiếp
tục xuôi thời gian gởi vào cuộc đời:
“Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc
họ làm”. Trong cõi lòng hiền lành và khiêm nhường bao
giờ cũng gói trọn con tim bao dung
độ lượng.
|