Suy niệm của Lm Giuse
Trương Đình Hiền
KHI CÁI ÁCH MANG TÊN TÌNH YÊU
Kính thưa ông bà và anh
chị em,
Trong những tuần
lễ qua, cả hành tinh đang nóng lên cùng với quả
bóng đang lăn trên các sân vận
động tại quốc gia Brazil. Nước mắt và
nụ cười, thành công hay thất bại, ở
lại hay ra đi…tất cả đã làm nên một bức
tranh tuyệt vời của cuộc sống, của xã hội,
của kiếp người.
Có một điều
không ai phủ nhận là, nét đặc trưng của
kỳ world cup nầy chính là hình ảnh của bức
tượng Chúa Cứu Thế, một biểu
tượng của thành phố lớn Rio de janeiro, luôn
thấp thoáng trên màn ảnh tv trong các chương trình world
cup. Đó là chưa kể, trong mọi cuộc thi
đấu bóng đá, hầu hết các cầu thủ
của vùng Nam Mỹ, Trung Mỹ và một số các
nước Châu Âu như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nhà, Croatia,
Ý…mỗi khi ra sân hay rời sân, họ đều làm Dấu
Thánh Giá, một cử chỉ, một biểu tượng
của niềm tin vào Chúa Giêsu…
Mà không chỉ
biểu tượng thôi đâu ! Cả câu chuyện của Thánh Kinh cũng được
nhắc đến. Chẳng hạn như trong
trận Hà Lan gặp Costa Rica, một bình luận viên trên kênh VTV3
đã ví von rằng: đội Costa Rica như một chàng Đa-vít tí hon
đang chiến đấu với gã khổng lồ Goliat
Hòa Lan…
Trong Kinh Thánh Cựu
Ước, chàng chăn chiên Đa-vít, con út của Giê-sê,
thuộc dân Ít-ra-en chiến đấu tay
đôi với đại tướng Goliat của dân
Philitinh, và đã chiến thắng ngoạn mục chỉ
với vài viên đá cuội và chiếc ná. Tuy nhiên,
trước đó, khi đối diện với tên Goliat,
Đa-vít đã mạnh mẽ và xác tín tuyên bố rằng:
“Mầy mang gươm, mang giáo, cầm lao đến
với tao. Còn tao, tao đến với mầy nhân danh
Đức Chúa các đạo binh là Thiên Chúa các hàng ngũ Ít-ra-en mà mầy thách thức…” (1 Sm 17,45).
Có
lẽ đây là mô hình mẫu cho mọi cuộc chiến
đấu của niềm tin mà Thiên Chúa đã vạch ra
trên suốt chiều dài của lịch sử cứu
độ. Ngài đã
sử dụng những con người, những
phương tiện xem ra bé nhỏ, giản đơn,
nghèo hèn, để chiến thắng những đầu óc
ngông cuồng, những trái tim kiêu căng hợm hĩnh.
Một Môsê bé bỏng trôi nổi bồng bềnh trong cái
thúng đã vươn lên chiến thắng Pharaô kiêu hùng…;
một Juđitha liễu yếu đào tơ đã chặt
đầu đại tướng Hôlôphecnê (Gđt 13, 1-17),
một Esther hoàng hậu cùng với dân tộc Ít-ra-en
đứng bên bờ vực thẳm của sự tiêu
diệt, đã quật ngược thế cờ (Et 7,
1-10)… Và đến thời Tân ước, lại những
chuyện lạ lụng, vĩ đại vẫn cứ
được ký thác nơi những thân phận bé nhỏ
nghèo hèn: Đức Maria, Thánh Giuse, các anh dân chài chất phác,
thất học bên bờ hồ Gailiê, cô gái làng chơi Maria
Mađalêna…Vâng, chính những con người bé mọn
ấy, những thân phận khiêm tốn ấy đã làm cho
công trình cứu độ vĩ đại của Thiên Chúa
từng bước hiện thực trong lịch sử
trần gian, đã mang Tin Mừng Cứu Độ giải
sáng khắp thế giới.
Và trên hết, như
cách diễn tả của sứ ngôn Gia-ca-ri-a trong Bài
đọc 1 hôm nay, Đấng Cứu Thế là
“Đấng chính trực, Đấng Toàn Thắng, khiêm
tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con
vẫn còn theo mẹ…”. Nhưng lại là Đấng “quét
sạch chiến xa khỏi Ep-ra-im và chiến mã khỏi
Giê-ru-sa-lem…”. Đó chính là hình ảnh tiên
trưng về Chúa Giêsu, Đấng đã tiến vào Giê-ru-sa-lem
cũng trong cung cách hiền lành như thế để hoàn
tất sứ mệnh cứu thế bằng cái chết
tủi nhục thương đau trên thập giá, một sự
hạ mình khiêm nhượng thẳm sâu, một sự
hiền lành cho đến mức cuối cùng.
Chắc chắn, chính
trong cái trực cảm sâu sắc và đầy xác tín
nầy, Chúa Cứu Thế đã thốt lên lời
nguyện tạ ơn sốt sắng với Chúa Cha:
“Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi
khen Cha, vì Cha đã dấu không cho bậc khôn ngoan thông thái
biết mầu nhiệm nước Trời, nhưng
lại mặc khải cho những người bé mọn…”.
Và như thế, bài
học đầu tiên, xuyên suốt và cuối cùng mà
Đức Ki-tô đề nghị với chúng ta hôm nay
vẫn là hoán cải để trở nên khiêm hạ, bé
nhỏ: “hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền lành và
khiêm nhường”.
Thế nhưng,
đối với nhiều người, chấp nhận
đi con đường của Đức Ki-tô, chấp
nhận thực hành bài học khiêm nhường và hiền
lành của Chúa Cứu Thế, con đường của
Tám Mối Phước Thật…vẫn luôn là một cái
“ách”, một “gánh nặng” mà họ không thể mang nổi,
hay nếu có mang, thì cũng trầy trật, dở dang,
chẳng đem lại ích lợi gì. Bằng chứng là
đã có biết bao người đã ra đi khỏi mái
nhà Hội Thánh, đã chọn những bước chân
tự do của Giu-đa Is-ca-ri-ốt ra đi trong “bóng
tối” với 30 đồng bạc phản bội, thay vì
ở lại nơi Bàn Tiệc Lý với Thầy và anh em.
Cũng y chang như
thế, ngày hôm nay, có biết bao đôi vợ chồng
đã vất đi cái “ách của bí tích Hôn Phối” mà
họ đã long trọng cử hành để
được được tự do chạy theo
những xúc cảm và đam mê của riêng mình
; đối với họ đã “xưa rồi
diễm ơi cái thứ hôn nhân một túp lều tranh hai
trái tim vàng”, còn chăng chỉ là một “của nợ”
phải thanh toán, một địa ngục phải thoát
ra…. Biết bao bạn trẻ đã khức từ cái “gánh
nặng của nhân đức khiết tịnh, trong
sạch” để được tự do luyến ái
trước hoặc ngoài hôn nhân ;
biết bao những người mẹ, ông cha sẵn sàng
vất đi mạng sống của chính con mình vì sợ
“gánh nặng phải đẻ đau, nuôi dạy hay
những phiền phức khác cho hạnh phúc cá nhân…”…
Nói chung, vẫn còn
biết bao người Ki-tô hữu vẫn xem các giá trị
của Tin Mừng và bao lề luật khác của Chúa và
Hội Thánh như một cái “ách khó chịu” chẳng
cần phải giữ, và mọi cuộc dấn thân
để phục vụ cho Tin Mừng và xây dựng
Hội Thánh như một “gánh nặng nề” chẳng
đáng để dấn thân…Bởi vì trên đôi vai và cái
cỗ của họ không bao giờ xuất hiện một
bóng dáng tình yêu như trên vai và trên cỗ của người
cha Lê Văn Hồng, đã cõng người con là Lê Xuân Bách
suốt 18 năm[1], hay đã lâu rồi, như trên cuộc
đời thủy chung, tha thiết của tình yêu nơi
người chồng Trương Văn Chín và người
vợ tật nguyền đi xe lăn Nguyễn Thị
Phương[2]…
Và như thế,
với sứ điệp lời Chúa được
đề nghị hôm nay, chúng ta lại được
dẫn tới một bài học thứ hai: để
học được với Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhượng
thì trước hết và trên hết, chúng ta phải đón
nhận tất cả trong tình yêu, phải nhận ra cái
“ách” và cái “gánh nặng” trên đôi vai cuộc đời
chính là “tình yêu”.
Thế nhưng,
muốn được như thế, Lời Chúa hôm nay
lại đề nghị: phải cầu nguyện với
Chúa Thánh Thần. Bởi vì, chỉ có những ai mang Thần
Khí của Đức Ki-tô thì mới thuộc về Ngài và
mới có cuộc sống mới để bước
đi trên những nẻo đường của Ngài
(Bđ 2). Nói cách khác, chính Chúa Thánh Thần sẽ biến
đổi con tim và cuộc sống để từ hôm nay,
cái “ách” và “gánh nặng” của Tin Mừng, của Chúa Giêsu
sẽ mang một tên mới, đó là “Tình Yêu”. Amen.
--------------------------------
[1] Ông Lê
Văn Hồng cõng con là thí sinh Lê Xuân Bách, bị teo cơ,
lên Hà Nội thi vào Đại học. Ông đã cõng con
như thế suốt từ 18 năm nay, kể từ Lê
Xuân bách lên 4 tuổi. bản tin của
trang mang vnExpress đăng ngày 5/7/2014.
[2]
Chị Nguyễn Thị Phương, người phụ
nữ nằm liệt giường suốt 9 năm
trời, và anh Trương Văn Chín, một người
đàn ông khỏe mạnh bình thường, đã vì tình yêu
cũng như tình thương sâu sắc mà hy sinh cuộc
đời, chấp nhận làm chồng của chị
mặc dầu chị bị tật nguyền.
|