Mang lấy ách
Báo Văn Học số 193 tháng 5 năm 2002,
trong mục Tin Văn do Thế Quân phụ trách, đăng
tin về em bé Mattie Stepanek 11 tuổi, hiện sống
với mẹ ở Upper Marlboro, bang Maryland. “Mới sinh ra,
em đã mang một căn bệnh di truyền quái ác có tên là
‘dysautonomic mitochondrial myopathy’”, một hình thức khá
hiếm hoi của bệnh yếu cơ – muscular dystrophy.
Bệnh này đã giết chết ba anh chị em của
Mattie, còn bản thân em thì đời sống bị dính
liền vào chiếc xe lăn với
một bình ốcxy thường xuyên bên cạnh. Nhỏ
nhắn, yếu ớt, thiếu sức khỏe và mang
một căn bệnh vô phương cứu chữa như
thế, nhưng em luôn vui vẻ, lạc quan. Em rất ham
học và sáng tạo. Em bắt đầu làm thơ và
viết văn vào lúc 3 tuổi. Em đọc
và mẹ em đánh máy lại. Lúc 5 tuổi, em đã có
mấy trăm bài thơ và đến nay đã có hàng ngàn bài
thơ”.
“Em có ba ước mơ: thứ nhất là
xuất bản một tập thơ của riêng em, thứ
hai là được diện kiến với “model” của
em là cựu tổng thống Jimmy Carter và cuối cùng là
được xuất hiện trong chương trình
truyền hình của Oprah. Năm 2001, cả ba
ước mơ của em không những đã thành
đạt mà còn thành đạt ngoài ý muốn. Tháng 7
năm 2001, hai nhà xuất bản “VPS Books” và
“Hyperion Books” hợp tác nhau xuất bản thi tập
đầu tiên của em, tựa đề là “Heartsongs”. Ngay
lập tức, nó trở thành “bestseller” trên toàn quốc.
Tháng 10 năm 2001, em được diện kiến cựu
tổng thống Carter trong chương trình truyền hình
“Good Morning America”. Và ngày 19 tháng 10 năm 2001, em xuất
hiện trong chương trình truyền hình Oprah.
Tối ngày 17 tháng 4 năm 2002, Mattie xuất
hiện trong chương trình “Lary King Live” của hệ
thống truyền hình CNN. Trong cuộc trò chuyện này,
bằng một giọng nói lưu loát, cử chỉ
sống động, em trả lời nhiều câu hỏi
về cuộc sống, việc học, việc làm thơ
và những mơ ước của em một cách thông minh,
chân thành và đôi khi còn pha chút dí dỏm. Trả lời câu
hỏi liên quan đến căn bệnh nan
y của em, Mattie nói: “Các bác sĩ không tin rằng cháu sẽ
sống nổi một ngày. Nhưng cháu đã
sống được. Rồi họ
lại bảo “OK, thằng nhỏ sống đến 6
tháng là cùng”. Cháu đã sống… Khi cháu lên
2, họ nói “OK, 10 tuổi thôi”. Bây
giờ đây cháu đã được 11 tuổi. Họ sẽ có thể nói “đến mười
mấy thôi, quá lắm là đến hết tuổi
thiếu niên, nhưng cháu dự tính sẽ sống
đến 101 tuổi lận”.
Đề cập
đến sự kiên trì phấn đấu của mình
để tồn tại và sáng tác, em phát biểu: “Đôi
khi, cháu tự hỏi: Tại sao lại là cháu? Tại sao cháu lại có một đời sống
khó khăn như thế này? Tại sao
mấy anh chị em của cháu lại chết? Tại sao bệnh không lành? Nhưng rồi
cháu nghĩ lại và tự hỏi: Tại sao không phải
là cháu chứ? Cháu có thể chịu
đựng được tốt hơn một
đứa trẻ khác đã phải chịu những khó
khăn trong đời của nó. Hoặc
là cháu có thể chịu đựng tốt hơn một
đứa nhỏ chẳng hiểu gì chuyện đó
cả và có thể còn đau khổ hơn”.
Trong bài Phúc Âm hôm nay,
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta mang lấy ách của
Người trên đôi vai chúng ta. Phải
chấp nhận những nhọc nhằn vất vả,
bệnh tật ốm yếu, khổ đau buồn
sầu, và tất cả những ngang trái ngoài ý muốn
như là cái ách phải mang lấy trong cuộc đời.
Người Do Thái
dùng thành ngữ cái ách để chỉ sự vâng phục,
phục tùng. Họ nói về cái ách của lề
luật, cái ách của các giới răn,
cái ách của Vương Quốc, và cái ách của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh cụ thể này
để diễn tả lời mời gọi của
Người.
Theo William Barclay, Chúa
Giêsu nói, “Ach của Ta thì êm ái”. Chữ “êm ái”,
tiếng Hy Lạp là “chrestos” có nghĩa là vừa vặn.
Trong xứ Palestine những cái ách
của con bò được làm bằng gỗ; con bò
phải được dẫn đến tiệm thợ
mộc để đo kích thước phù hợp với từng
con. Sau đó cái ách phải được
thợ mộc đẽo gọt, điều chỉnh,
sửa chữa cẩn thận cho thật vừa vặn
để không làm trầy da hay tổn thương
đến con vật.
Có một huyền
thoại cổ kể lại rằng Chúa Giêsu là
người thợ mộc sản xuất ra những cái
ách vừa vặn vào loại hạng nhất ở xứ
Galilêa, và trong khắp cả nước người ta ùn ùn
kéo đến với Người để mua những cái
ách hạng nhất do Người làm ra. Thời ấy, các
cửa tiệm cũng có những nhãn hiệu dán trên
cửa, và cái nhãn hiệu của tiệm thợ mộc
ở Nagiarét nổi tiếng với hàng chữ: “My yokes fit
well” – “Ach Ta rất vừa vặn”.
Chúa Giêsu nói: “Ach
của Ta thì êm ái”, có nghĩa là: “Cuộc sống Ta ban cho
con không phải là gánh nặng làm tổn hại đến
con; bổn phận của con đã được đo lường
thích hợp với con rồi”. Bất cứ
điều gì Thiên Chúa gửi đến cho chúng ta đã
được làm để phù hợp chính xác với
những nhu cầu và khả năng của chúng ta.
Chúa Giêsu nói: “Gánh
của Ta thì nhẹ nhàng”. Đúng như lời của
một thầy Rabbi đã nói: “Gánh
của tôi đã trở nên bài ca của tôi”. Điều
này không có nghĩa là gánh nặng thì dễ dàng mang vác;
nhưng có nghĩa rằng nó được đặt trên
vai chúng ta bằng tình yêu. Nó sẽ
được mang vác trong tình yêu. Và tình yêu sẽ làm
cho những gánh nặng nề nhất cũng trở nên
nhẹ nhàng như thánh Augustinô đã nói: “Ở đâu có tình
yêu, ở đó hết khó nhọc”.
|