Hiền lành
Trước hết,
chúng ta biết hiền lành là một trong những
đức tính Chúa Giêsu đã đặt vào số tám
mối phúc: “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ
được Đất Hứa làm gia nghiệp”. Rồi
hôm nay, chúng ta lại thấy Chúa nói: “Hãy học với tôi
vì tôi hiền lành”. Có lẽ không ai dám khuyên
một lời như thế. Chúa Giêsu đả
đưa ra lời khuyên đó, vì chính Ngài đã sống
gương mẫu và kêu mời mọi người hãy
sống như thế để chính mình được an
bình, hạnh phúc, và đồng thời cũng đem
lại bình an và phúc lộc cho những người chung quanh.
Quả thực, Chúa
Giêsu đã sống hiền lành và làm gương mẫu cho
chúng ta.
Chúng ta có thể nêu ra một số trường hợp
cụ thể: Chẳng hạn, khi những người
Pharisêu nhục mạ Ngài là bị quỉ ám, Ngài vẫn bình
thản và nhắc nhở họ: “Đừng xét đoán theo bề ngoài. Hãy xét đoán cho
công minh”. Chúa rao giảng giáo lý của
Chúa một cách hiền hòa, không chua cay, nóng nảy, bực
tức hay thách đố những người chống
đối, xuyên tạc và bắt bẻ Ngài. Nhiều khi thấy đương đầu
với họ không có lợi, Ngài tự ý lánh đi,
để cho sự tức giận hay ghen ghét của
họ dần dần lắng xuống. Đối
với các môn đệ quê mùa, nóng tính, tham vọng. Ngài bình thản chấp nhận và nhẹ nhàng
dạy bảo. Trước tòa án Do
thái, người ta đổ vạ vu oan cho Ngài đủ
điều, Ngài chỉ làm thinh. Tại dinh
Philatô cũng thế, Ngài không nói nửa lời để
minh oan, bào chữa, đến nỗi Philatô phải
ngạc nhiên. Bị tát vào má, nhổ vào
mặt, đánh trên lưng, đội vòng gai trên
đầu, bị nhạo cười mắng nhiếc,
Ngài chịu đựng tất cả, không một lời
phản đối, bực tức, phẫn uất.
Trên thập giá, Ngài còn biện hộ cho những
người làm khổ mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì
họ không biết việc họ làm”. Ngài đã tắt
thở và an nghỉ trong sự suy phục sứ mạng
Chúa Cha trao cho Ngài một cách toàn vẹn: “Mọi sự
đã hoàn tất”, “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha”.
Đó, chúng ta
thấy Chúa Giêsu đã sống hiền lành một cách
trọn vẹn, nên Ngài dám nói, dám kêu gọi chúng ta hãy
học, hãy sống như Ngài. Ngài thực sự là
mẫu gương cho mọi người. Qua mẫu gương hiền lành của Chúa, chúng
ta rút ra được ý nghĩa của sự hiền lành là
tự chủ, kiên nhẫn, chịu đựng và tha
thứ hết lòng.
Người hiền
lành là người làm chủ được chính mình,
chiến thắng được chính mình, tức là
thắng được cái tôi kiêu hãnh, ganh tị, giận hờn,
tự ái, nóng nảy, tham lam của mình. Trong mỗi
người có hai phần: phần thượng là ơn
thánh, lý trí và ý chí. Còn phần hạ là cái
dục vọng. Chiến thắng được chính
mình là biết dùng ơn Chúa, dùng lý trí và ý chí điều
khiển các dục vọng của mình, không để
ngoại cảnh hoặc người khác chi phối, không
phản ứng theo niềm vui nỗi
buồn để đưa mình lên hay hạ người
khác xuống.
Cũng thế,
người hiền lành thì kiên nhẫn, chịu
đựng mọi hoàn cảnh bất trắc hay những
điều ngoài ý muốn của mình. Không
tự mãn hay phóng đại công việc của mình, khoe mã,
cầu danh, tự hào về những chuyện nhỏ nhen,
bắt bẻ hay bực tức về chuyện sơ
suất của người khác. Chúng ta
mỗi người mỗi tính, mỗi người mỗi
sở thích, và có những khả năng, tài năng khác nhau,
không ai giống ai. Chúng ta sống với
nhau, chúng ta phải biết kiên nhẫn, chịu
đựng để hòa hợp với nhau, chia sẻ cho
nhau. Vì thế, đòi hỏi chúng ta
phải biết chịu đựng nhau, chấp nhận
nhau. Chịu đựng chấp nhận cái hay cái
tốt của người khác thì dễ nhưng chấp
nhận chịu đựng cái xấu cái dở của
người khác mới khó và đó mới là nhân
đức. Có những trường hợp
chúng ta phải chịu đựng, chấp nhận không
phải một hai lần mà rất nhiều lần. Chấp nhận và chịu đựng
được mới thực sự là người
hiền lành.
Lại nữa, bao
lâu còn là người, chúng ta còn lỗi lầm, còn cần
được sửa sai, còn cần được tha
thứ, và tha thứ mãi. Tha thứ nhiều là dấu
chúng ta chịu đựng nhiều. Tha
thứ nhiều sẽ chứng tỏ được
tấm lòng quảng đại bao dung làm cho thêm bạn
bớt thù. Tha thứ không phải là
yếu thế hơn người được tha
thứ, nhưng chính là tấm lòng rộng lớn hơn
họ. Càng tha thứ sẽ làm cho
đối phương nhận ra lỗi lầm của
họ và họ sẽ thấy cần được tha
thứ hơn. Cho nên, người nào
muốn tập đức tính hiền lành là phải
tập tha thứ.
Có lẽ tất
cả chúng ta đều phải thú nhận mình còn thiếu
rất nhiều đức tính hiền lành. Sống
trong gia đình và sống trong bất cứ tập thể
nào, chúng ta vẫn còn nhiều lần tỏ ra thiếu
hiền lành, chưa hiền lành hoặc không hiền lành.
Cho nên, Lời Chúa hôm nay thực là một bài
học hữu ích, một lời kêu gọi chúng ta hãy
sửa chữa hoặc cố gắng hơn nữa,
để sống hiền lành. Nếu
lịch sự được coi là bông hoa của
đức ái, thì huống nữa là hiền lành. Vì
thế, Chúa Giêsu đã kêu gọi chúng ta hãy sống theo gương mẫu hiền lành của
Ngài.
|