Suy Niệm Lễ Kính Thánh Tôma Tông Đồ
Ngày 03/7
Thánh Tôma Tông đồ
còn gọi là Đi-đy-mô. Ngài là người Do Thái,
thuộc miền Ga-li-lê, là một trong 12 Tông đồ
được Đức Giêsu trực tiếp gọi và
chọn. Trong ba năm đi theo Thầy, được
sống với Thầy, được Thầy huấn luyện,
được nghe những lời Thầy rao giảng, được
chứng kiến những phép lạ Thầy làm. Tôma luôn
tỏ ra can đảm và trung thành với Thầy. Bằng
chứng là khi biết Đức Giêsu đến Giuđêa
sẽ nguy hiểm nên các Tông đồ khác can ngăn (x. Ga 11,8), còn Thánh nhân
tuyên bố với các Tông đồ khác rằng: “Chúng ta hãy cùng đi để
chết với Người”(Ga11,16). Cũng như các
Tông đồ khác, Thánh nhân đã được chứng
kiến sự Phục Sinh của Đức Giêsu. Đoạn
Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy điều đó. Thánh
Mathêu tường thuật lại việc Đức Giêsu hiện
ra để củng cố đức tin cho Tôma. Qua
đoạn Tin mừng này chúng ta có thể suy niệm
mấy điểm sau đây:
1. Thánh Tôma vì
không ở với các Tông đồ khác nên không
được thấy Đức Giêsu Phục Sinh hiện
ra lần thứ nhất: Trong đời sống
đạo, chúng ta phải luôn biết sống liên kết
với cộng đoàn đức tin. Cộng đoàn
đức tin ở đây là gia đình, Hội đoàn, Ban đoàn,
Giáo họ, Giáo xứ, Giáo phận, Giáo hội. Liên kết
trong các sinh hoạt hằng ngày. Liên kết trong các giờ
cầu nguyện, đọc kinh sáng tối trong gia đình,
tại nhà thờ. Đặc biệt, liên kết với
nhau trong thánh lễ, nhất là việc rước Mình Máu
Thánh Chúa. Khi chúng ta biết sống liên kết với nhau
như thế, chúng ta sẽ có sức mạnh để
vượt qua những khó khăn trong đời sống
đức tin.
2. “Chúng tôi đã thấy Chúa” (Ga
20, 25). Khi 10 môn đệ kia được thấy Chúa Kitô
Phục Sinh. Họ đã không giữ riêng cho mình, nhưng
họ đã báo cho Tôma biết “chúng tôi đã
được thấy Chúa.” Mỗi người Kitô
hữu ngày nay không thể nhận thấy Chúa Kitô bằng
xác thịt, nhưng chúng ta đã thấy Chúa không chỉ qua
kiến thức giáo lý mà chúng ta còn thấy Chúa qua
đời sống Đức Tin. Chúng ta có nhiệm vụ
nói với người khác về sự cảm nhận
của chúng ta.
3. Các Tông đồ
không những nói với Tôma về niềm vui
được gặp Đức Giêsu Phục Sinh mà còn tìm
cách để giữ Tôma ở lại với họ. Đó
là thành công lớn của các Tông đồ. Vì nhờ
thế, Tôma mới có cơ hội gặp được
Đức Giêsu Phục Sinh hiện ra sau đó. Trong
cộng việc rao giảng Tin mừng, có nhiều khi chúng
ta cũng gặp những trường hợp người
ta từ chối lời giới thiệu của chúng ta.
Chúng ta không được nản chí, trái lại phải
bắt chước các Tông đồ, tìm cách giữ
người ta lại, hy vọng có cơ hội họ
sẽ gặp được Đức Giêsu như thánh Tôma.
4. Luôn
biết tìm hiểu để tăng thêm Đức Tin: Khi
các Tông đồ cho Thánh Tôma biết là họ “Trông thấy Chúa.” Thánh Tôma tuyên
bố với họ: “Nếu tôi
không thấy dấu đinh ở tay Ngài nếu tôi không
xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào
cạnh sườn Ngài, tôi chẳng tin”(Ga 20,25). Có
thể nhiều người trách Tôma “cứng lòng tin,” nhưng chúng ta phải
đặt mình trong hoàn cảnh của Tôma để có
thể thông cảm với Ngài. Có thể Tôma nghĩ
rằng: “Tôi cũng là Tông đồ
của Đức Giêsu. Tôi có quyền được
hưởng những quyền lợi như các Tông đồ
khác. Vậy, tại sao Đức Giêsu hiện ra với 10
Tông đồ kia mà lại không hiện ra với tôi?” Hơn
nữa, vào thời bấy giờ người ta rất còn
xa lạ với các khái niệm: sống lại, phục
sinh…Vì thế, Tôma mới tuyên bố với 10 Tông
đồ khác như vậy. Hơn nữa, ông muốn có
một sự chắc chắn trước khi tin. Điều
đó không những rất phù hợp mà còn là bài học cho
mỗi người chúng ta hôm nay. Mặc dầu chúng ta là
đạo dòng, nhưng chúng ta cũng cần phải siêng
năng học giáo lý, tìm hiểu giáo lý, tìm hiểu Kinh Thánh
vì “không biết Kinh Thánh là không
biết Đức Kitô.” (Thánh Giêrônimô). Mặt khác, ngoài
những điều Hội Thánh dạy tin, khi có những
chuyện nọ kia xảy ra đây đó, chúng ta
đừng vội tin, mà trước khi tin cần phải
kiểm chứng đã.
5. “Lạy
Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con.” (Ga 20,28). Khi
gặp được Đức Giêsu Phục Sinh, Thánh Tôma
đã tuyên xưng một cách mạnh mẽ như thế. Đức
Giáo Hoàng Bênêdictô XVI đã cảm nghiệm và nói rằng: “Thánh Tôma đã phản ứng câu
nói của Chúa Giêsu, bằng lời tuyên xưng đức
tin một cách hùng hồn nhất trong toàn thể Tân
Ước.” Noi gương Thánh Tôma, chúng ta hãy tuyên
xưng niềm tin của mình vào Đức Giêsu là Thiên Chúa
trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, nhất là
những lúc gặp thử thách gian nan.
6. “Phúc thay những người
không thấy mà tin.” Sau lời tuyên xưng của Thánh Tôma,
Đức Giêsu đã nói với ông: “Vì đã thấy Thầy, nên con tin. Phúc thay những
người không thấy mà tin !” (Ga 20,29). Lời chúc phúc này của Đức Giêsu nhắm
tới mọi Kitô hữu qua mọi thời đại
đã không thấy Đức Giêsu bằng xương
bằng thịt nhưng vẫn tin. Trong số đó, có
chúng ta ngày hôm nay. Như vậy, thấy rồi tin thì có
phúc, nhưng không thấy mà tin thì có phúc hơn. Cho nên Thánh Tôma
Tiến sĩ mới nói: “Người
không thấy mà tin thì có công phúc hơn nhiều so với
người thấy mà tin.”
7. Tình
thương của Đức Giêsu Phục Sinh nơi
biến cố hiện ra với Tôma. Có thể nói, việc
Tôma không được chứng kiến việc
Đức Giêsu hiện ra lần thứ nhất với 10
Tông đồ kia là lỗi của ông. Vậy mà Tôma còn thách
thức Đức Giêsu. Dầu vậy, vì tình thương
của Đức Giêsu Phục Sinh đã không trách Tôma, trái
lại Ngài “chiều” theo sự thách thức của ông. Tám
ngày sau đó, Ngài đã hiện ra để đáp ứng
nhu cầu của Tôma, và cách nào đó để củng
cố đức tin cho ông và nhiều người qua
mọi thế hệ. Cho nên, Thánh Grêgôriô Cả mới nói: “Không phải tình cờ, nhưng
Chúa đã an bài xảy ra như vậy. Lòng từ bi cao
cả của Người đã hành động một cách
tuyệt vời, để nhờ người môn
đệ hoài nghi ấy sờ vào các thương tích
nơi thân thể Thầy mình, mà vết thương
cứng lòng tin ở nơi ta được chữa
khỏi. Sự cứng lòng tin của Tôma còn giúp ích cho lòng
tin của ta hơn là đức tin của các Tông đồ
khác.”
Nhờ
cảm nhận được tình thương của
Đức Giêsu Phục Sinh, Thánh Tôma đã đi khắp
nơi để loan bái Tin mừng, làm chứng về
sự chết và sự phục sinh của Thầy mình.
Tương truyền rằng, khi đi rao giảng Tin
mừng ở Ấn độ, Ngài chịu chết tử
đạo ở đó.
Lạy Chúa
Giêsu, vì yêu thương nên Chúa đã hiện ra để
củng cố đức tin cho Thánh Tôma. Nhờ lời
chuyển cầu của Thánh nhân, xin cho mỗi chúng con luôn
biết tuyên xưng đức tin vào Chúa trong mọi hoàn
cảnh của cuộc sống. Amen.
Lm. Anthony
Trung Thành
|