Xin cho dài lâu – Lm. Đỗ
Lực
Vào một ngày đẹp trời,
một chiếc xe Limousine bóng loáng tự nhiên chạy
đến và đậu ngay trước cửa nhà tôi.
Một chàng trai trong mộng, một người dưng
khác họ, bước xuống. Anh đi thẳng vào nhà và
dìu tôi ra xe. Chúng tôi trực chỉ nhà thờ. Trước
mặt cộng đoàn và linh mục, anh cầm lấy tay
tôi và đọc: "Anh nhận em làm vợ và hứa
giữ lòng chung thủy với em... để yêu
thương và tôn trọng em suốt đời anh."
Lời gì mà êm ngọt quá! Lời hôn ước đó
chỉ kéo dài mười lăm giây, nhưng dư âm còn vang
vọng cả cuộc đời. Hôn ước như
thấm vào từng thớ thịt đường gân. Tôi như
run lên. Niềm vui truyền khắp thân thể. Tôi cảm
thấy tê tê nơi đầu ngón tay và nơi tận con
tim. Nỗi sung sướng chỉ nổi lên ít phút.
Nhưng tôi đã phải trả giá bằng bao nhiêu mồ
hôi, nước mắt.
Bây giờ
nghĩ lại, tôi thấy hôn ước của chúng tôi
giống giao ước của Chúa quá. Thiên Chúa đã
cưới dân Do Thái. Chúa Giêsu đã chọn Giáo hội làm
hiền thê. Chúa đã phải trả một giá quá mắc
để hoàn thành một giao ước tuyệt vời.
Chúa đã chết để giao ước thành sự
thật. Chết đi để đem lại sự
sống cho nhân loại. Cũng thế, tôi cũng phải
"chết" đi mỗi ngày để cho tình yêu
triển nở và gia đình vươn lên. Sự sống
thăng hoa...
Sự sống
vô cùng huyền nhiệm. Nhưng những gì đang xảy
ra trong cuộc sống thường phủ che phần
huyền nhiệm đó, đến nỗi con người
dễ lãng quên hay đánh mất khả năng khám phá
độ sâu của sự sống.
Hôm nay Chúa Giêsu
muốn mạc khải một huyền nhiệm còn sâu
hơn huyền nhiệm của sự sống tự nhiên. Đó
là sự sống Thiên Chúa đang hiện diện và hoạt
động mãnh liệt trong trần gian. Không dễ gì nhìn
được sự huyền nhiệm siêu việt đó.
Làm sao có thể
moi lên tự cõi thẳm sâu của cuộc sống một
giá trị và ý nghĩa lớn lao như những thực
tại Chúa mạc khải hôm nay? Thực tại đó hoàn
toàn bị che dấu và đã gây kinh ngạc cho mọi
người. Nhưng sự thật vẫn là sự
thật. Chúa Giêsu trở thành thịt và máu nuôi sống muôn
dân trong hiện tại và tương lai vĩnh hằng
(x. Ga 6:53-54).
Trước
hết, có thực trong Thánh Thể, Chúa thực sự
hiện diện bằng xương thịt như khi Chúa
còn sống nơi trần gian không? Không! Vì sự hiện
diện ấy luôn mang tính bí tích. Nói khác, sự hiện
diện nóng bỏng đó vẫn bị một lớp
vỏ bất động là bánh rượu che phủ bên
ngoài. Tuy thế, cũng không thể nói sự hiện
diện đó chỉ có ý nghĩa biểu tượng.
Vậy Chúa Giêsu
có ý gì khi quả quyết: "Đây là mình Thầy. Đây
là máu Thầy"(Mt 26,26-28)? Phân tích cú pháp công thức
truyền phép, người ta thường khẳng
định có Chúa hiện diện thực sự trong Thánh
Thể. Thực tế, trong công thức truyền phép
đó, động từ "là" không loại trừ ý
nghĩa biểu tượng (x. Ed 5,5). Không thể
thuyết phục người ta tin nhận thực tại
Thánh Thể, qua những cấu trúc ngữ pháp.
Vậy căn
cứ vào đâu để có thể quả quyết Chúa
Giêsu hiện diện đích thực bằng Huyết
Nhục trong Thánh Thể? Nên nhớ, chính Chúa đã quả
quyết Thánh Thể là một giao ước mới (x. Lc
22,19-20). Theo văn hóa Sêmít, muốn lập giao ước,
đòi phải có lễ vật thực sự. Nếu
chỉ có những dấu chỉ hay biểu tượng
của những lễ vật đó, không thể lập
giao ước (x. St 15,9-18; Xh 24,5;
New Catholic Encyclopedia 2003:5, 411). Theo kinh nghiệm bản
thân, tôi cũng thấy cả hai đứa chúng tôi phải
là những con người thật, hôn ước mới
thành sự. Tôi không thể cầm lấy tay của một
tượng đồng hay gỗ để nói lời hôn
ước. Dù tượng đó bằng vàng hay kim
cương cũng chẳng giá trị gì đối với
lời hôn ước của tôi. Tương tự, nếu
Chúa Giêsu không hiện diện thực sự, Thánh Thể không
thể trở thành giao ước nối kết Thiên Chúa
với nhân loại.
Giao ước
này chắc chắn phải vượt xa giao ước
trong Cựu ước và đưa tất cả những
lễ xóa tội thời Cựu ước tới mức viên
mãn (x. Nhóm Phiên Dịch Các
giờ Kinh Phụng Vụ: Lời Chúa Cho Mọi
Người, tr. 446). Vì là giao ước, Thánh Thể
trở thành nơi Chúa Giêsu dâng hiến chính mình để
vinh danh Chúa Cha và cứu độ toàn thể nhân loại.
Sở dĩ Thánh Thể có một năng lực vô cùng
lớn lao vì Thần Khí đã biến đổi Mình Máu con
người phục sinh của Chúa Giêsu thành của ăn
nuôi sống dân Chúa. Như thế, khi rước Mình Máu
Chúa, con người đón nhận vào huyết mạch
sự sống Thiên Chúa và trở nên một với
Người. Như thế, Chúa không chỉ hiện
diện trong Thánh thể, nhưng trong chính con người
đã ăn thịt và uống máu Người. Sự
sống con người được hòa nhập và
trở thành một với Chúa (x. Ga 6,56-57). Không còn phân
biệt đâu là Chúa, đâu là dân Chúa nữa (x. Ga 6,57).
Sự sống
đó thấm sâu vào tận xương tủy và kéo dài
đến đời đời. Chỉ có sự hiệp
nhất viên mãn với Chúa mới có thể giúp tín hữu vượt
qua những giới hạn cuộc sống và bảo
đảm cho họ sống mãi trong cõi vĩnh hằng.
Nếu lương thực bình thường còn đem
lại sức mạnh, niềm vui và hạnh phúc, thì làm sao
lương thực thiên thần lại không nhân lên ngàn
lần những hiệu quả tốt đẹp
tương tự?! (Our Sunday Visitor's
Encyclopedia of Catholic Doctrine, ed. by Russell Shaw, p. 207: "Thánh
Thể duy trì và tăng cường ân sủng trong
người rước lễ; Thánh Thể có quyền tha
tội nhẹ và làm cho con người vững mạnh
để chống lại tội lỗi; Thánh Thể là
niềm vui thiêng liêng cho những tâm hồn sốt
sắng.") Bởi đó, Thánh Thể góp phần,
nếu không nói là nguyên nhân, làm cho cuộc đời thêm
tươi sáng.
Đó là
những hiệu quả vô cùng lớn lao Thánh Thể có
thể làm cho cá nhân. Nhưng không phải chỉ dừng
lại ở đó. Thánh Thể còn có khả năng quy tụ
tất cả tín hữu và làm cho họ trở thành một
thực tại lớn lao trên thế giới hôm nay và
tương lai (Our Sunday Visitor's
Encyclopedia of Catholic Doctrine, ed. by Russell Shaw, p. 207: "Thánh
Thể làm cho Giáo hội trở thành một cộng đoàn
tín hữu, Dân Thiên Chúa, khiến Giáo hội thành toàn như
thành đô Thiên Chúa, Giêrusalem mới."). Con mắt
đức tin nhìn thấy những nét cực kỳ
huyền diệu và sức mạnh vô song của Thánh
Thể đang hoạt động trong cộng đoàn Dân
Chúa và biến Giáo hội thành một chứng nhân và trung
gian hòa giải giữa nhân loại.
Tất cả
mọi năng lực Giáo hội đều nằm trong
Thánh Thể. Nhưng không thể quên Thánh Thể là một
giao ước. Đó là một sáng kiến của Chúa Giêsu,
kết quả của một tình yêu nhưng không và vĩ
đại. Nếu Chúa không quan tâm tới phần rỗi
đời đời của chúng ta, nhất định
Người đã không lập bí tích Thánh Thể. Nếu
không có "bánh hằng sống," thế gian vẫn
phủ màu tang tóc của thần chết và đầy
những địch thù Thiên Chúa. Rất may Thánh Thể
đã hiện diện để đem lại sự
sống và phục sinh những gì đã tiêu vong trong biển
trần gian.
Khi rước
lấy Thánh Thể, Kitô hữu trở thành Thánh Thể
giữa trần gian. Họ có mặt ở đâu, Thánh
Thể hiện diện ở đó. Thật vậy,
"tất cả bản tính nội tại của Giáo
hội đều được mạc khải trong Thánh
Thể. Khi tham dự các Mầu Nhiệm Thánh, các tín hữu
trở thành ‘các người thân thuộc' của Chúa Kitô. Đồng
thời, ngay từ bây giờ họ cảm nghiệm
trước công cuộc thần linh hóa trong giao ước
đang nối kết bền chặt thiên tính với nhân
tính" (Gioan Phaolô II: Tông thư Orientale Lumen, 02/05/1995)
Thật là tuyệt vời!
Không phải
đợi tới đời sau mới thấy
được công cuộc thần linh hóa kỳ diệu
trong giao ước đó. Ngay từ bây giờ, giao
ước đó đang tìm thấy bóng dáng của mình trong
giao ước hôn nhân. Nói khác, giao ước đó củng
cố và là mẫu mực cho giao ước hôn nhân. Nhưng
để lập giao ước mới trong bí tích Thánh
Thể, Chúa Giêsu phải đổ đến giọt máu
cuối cùng (x. Mt 26,28). Chính vì thế, muốn giao
ước hôn nhân tồn tại và sinh hoa kết quả,
Kitô hữu cũng phải trả giá bằng chính cuộc
sống đầy hy sinh. Làm sao có đủ đức tin
để thấy được tất cả bản
chất và vẻ đẹp của giao ước Thánh
Thể trong giao ước hôn nhân hôm nay? Làm sao có thể xác
định vị thế và vai trò của mình để
biến giao ước đó thành hiện thực trong gia
đình cũng như ngoài xã hội? Khi rước lễ,
họ làm mới lại giao ước giữa Thiên Chúa và
con người, giữa Chúa Kitô và Giáo hội. Khi sống
đời gia đình, họ làm cho giao ước mới
ngày càng mới hơn.
Lạy Chúa, xin cho con luôn tin
tưởng vào giao ước Chúa đã ký kết bằng
Máu Chúa trong bí tích Thánh Thể, để mỗi ngày con càng
trở nên giống Thánh Thể hơn. Amen.
|