Tôi nhận được cuộc gọi đến một địa chỉ nọ để đón khách. Sau khi đến nơi, tôi bấm còi, nhưng không có ai ra. Tôi gọi điện thoại, nhưng cũng không gọi được, tôi bắt đầu hơi mất kiên nhẫn. Đây là chuyến cuối cùng mà tôi phải đón vào buổi trưa, sắp đến giờ nghỉ rồi. Tôi gần như đã từ bỏ, chuẩn bị lái xe rời đi. Nhưng sau cùng tôi lại nghĩ, hay là ở lại một chút. Tôi đợi một lúc thì xuống xe bấm chuông cửa. Không lâu sau, tôi nghe thấy có tiếng nói yếu ớt của một người già vang lên: “Xin đợi một chút!” Tôi đợi ở ngoài một lúc thì cửa mới từ từ mở ra. Tôi nhìn thấy một bà cụ với dáng người nhỏ bé đứng sau cánh cửa, tôi đoán ít nhất cụ đã 90 tuổi rồi. Trên tay cụ kéo theo một cái vali nhỏ. Tôi liếc mắt nhìn vào nhà và kinh ngạc phát hiện ra cảnh tượng bên trong. Ở đây dường như không có ai sống cả, đồ nội thất đều được phủ vải, bốn bức tường trống trơn, không có đồng hồ, đồ trang trí, hình ảnh hoặc tranh, không có gì cả. Tôi chỉ nhìn thấy một cái thùng ở góc nhà, bên trong đều là hình ảnh và đồ lưu niệm cũ. Bà cụ nói: “Cậu trai trẻ, có thể phiền cậu giúp tôi mang vali lên xe không?” Tôi để vali vào trong cốp xe, sau đó quay lại đỡ cánh tay của bà cụ, đưa bà bước chầm chậm xuống lầu rồi lên xe. Bà cụ cảm ơn tôi. Tôi nói: “Là việc cháu nên làm mà…” Bà cụ cười nói: “Ồ, cậu thật sự rất tốt.” Bà ngồi vào xe rồi đưa cho tôi một tờ giấy có ghi địa chỉ và yêu cầu tôi đừng đi đường trong trung tâm thành phố. Tôi nói với bà: “Nhưng như vậy thì chúng ta sẽ phải đi đường vòng ạ”. Bà trả lời tôi: “Không sao cả, bà cũng không vội. Nơi bà cần đến là viện dưỡng lão.” Lời bà nói khiến tôi hơi bất ngờ. Tôi nghĩ thầm: “Viện dưỡng lão chẳng phải là nơi người già chờ đến ngày ra đi hay sao?” Bà cụ nói tiếp: “Bà không có người thân. Bác sĩ nói bà không còn nhiều thời gian nữa rồi.” Khoảnh khắc đó, tôi quyết định tắt đồng hồ đếm hành trình. Tôi hỏi bà: “Vậy cháu nên đi thế nào ạ?” Kết quả là suốt hai tiếng sau đó, chúng tôi đi rất nhiều vòng ở vùng ngoại ô thành phố. Trên xe, bà cụ chỉ cho tôi thấy tiệm ăn mà bà từng làm việc. Chúng tôi đi qua rất nhiều nơi khác nhau, căn nhà mà bà sống cùng chồng lúc còn trẻ và cả phòng khiêu vũ mà bà từng đến. Khi đi ngang qua những con đường nào đó, bà cũng sẽ nhờ tôi lái chậm lại, bà hiếu kỳ nhìn ra ngoài qua cửa sổ và yên lặng không nói gì cả. Chúng tôi gần như đi lòng vòng suốt cả buổi chiều đến chập tối, cho đến khi bà cụ nói: “Bà mệt rồi, chúng ta đến nơi cần đến đi”.Trên đường đến viện dưỡng lão, chúng tôi đều không nói câu gì. Viện dưỡng lão nhỏ hơn tôi tưởng tượng. Sau khi đến nơi, có hai y tá bước ra đón chúng tôi. Họ đẩy một cái xe lăn, tôi thì chuyển hành lý của bà cụ. “Tổng cộng bao nhiêu tiền vậy cháu?”, bà cụ vừa hỏi vừa mở ví tiền. Tôi trả lời: “Miễn phí ạ”. Bà cụ lại nói: “Nhưng cháu cũng phải nuôi gia đình mà”. Rồi tôi cười nói: “Sẽ còn những hành khách khác nữa mà bà”. Tôi gần như không kịp suy nghĩ, cứ thế ôm lấy bà cụ. Bà cũng ôm chặt lấy tôi: “Cháu đã khiến một người gần như sắp bước đến cuối đời cảm thấy vô cùng hạnh phúc, cảm ơn cháu!”. Bà cụ nói thế và mắt bà đỏ hoe. Tôi bắt tay tạm biệt bà. Trên đường quay về, tôi nhận ra mình đang đi lòng vòng không mục đích. Tôi không muốn nói chuyện với bất cứ ai cả, cũng chẳng có tinh thần để đón khách. Tôi cứ mải suy nghĩ, nếu như ban đầu tôi không đợi bà cụ? Nếu khi đó tôi không tìm thấy và lái xe bỏ đi thì bà cụ phải làm sao đây chứ? Bây giờ khi tôi nhớ lại ngày hôm đó, tôi vẫn tin rằng tôi đã đưa ra một quyết định quan trọng và chính xác. Trong cuộc sống, chúng ta cứ mãi luôn bận rộn tất bật. Chúng ta phải làm những việc “quan trọng” hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn. Nhưng bà cụ đã khiến tôi thật sự hiểu được khoảnh khắc yên tĩnh mà đầy ý nghĩa đó. Đồng thời cũng khiến tôi cảm thấy đau lòng với sự cô độc và buồn bã của chuyến đi cuối cùng trong cuộc đời của bà. Chúng ta phải dành thời gian để tìm hiểu bản thân mình, tận hưởng cuộc sống của mình. Chúng ta nên kiên nhẫn chờ đợi trước khi vội vàng bấm còi. Sau đó, có lẽ chúng ta sẽ thấy được việc thật sự quan trọng. |