BÀI LỜI CHÚA 130
TrưỞng
thành TRONG
ĐỜI SỐNG ĐẠO
(Phần II)
Trích tổng
hợp mấy đoạn Tin Mừng Matthêu 3.13tt...
Hồi
ông Gioan Tẩy Giả xuất hiện trong sa
mạc xứ Yuđê mà rao giảng thống hối và làm
phép rửa trong nước, thì dân Do thái từ khắp
nơi trẩy đến với ông, xưng thú tội
lỗi và nhờ ông thanh tẩy cho trong sông Yorđan. Bấy giờ, Đức Giêsu bỏ xứ Galilê,
hòa mình vào đoàn dân ấy, mà đến với ông Gioan bên
sông Yorđan để được ông thanh tẩy cho.
Ông Gioan khiêm tốn từ chối rằng :
- Chính tôi cần được
Ngài thanh tẩy cho, thế mà Ngài lại đến xin tôi
thanh tẩy cho Ngài sao ?
Nhưng Đức Giêsu đã giải thích cho
ông hiểu là ông cứ làm phận sự ông đi,
đừng ngại. Bấy giờ, ông Gioan mới
làm phép Thanh tẩy cho Đức Giêsu. Vừa xong,
Đức Giêsu lên khỏi nước, và này trời mở
ra, và Ngài thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như
chim câu mà đến trên Ngài. Và có tiếng tự trời phán :
- Ngài là Con Ta yêu dấu hết
sức, ta hài lòng về Ngài.
Rồi từ đó, Thần Khí dẫn
dắt Đức Giêsu làm mọi sự : dẫn đưa
Đức Giêsu vào sa mạc để chịu ma quỉ cám
dỗ ; đi rao giảng về Nước Thiên Chúa ;
Thần Khí là quyền năng của Thiên Chúa khiến Ngài
chữa được bệnh, trừ được quỉ
ma…
- Đó là
Lời Chúa ! - Lạy Chúa Kitô, ngợi
khen Chúa !
Suy
niệm Lời Chúa
Ta
thấy đó, luôn luôn Thánh Thần ngự trong Đức
Kitô và hằng hướng dẫn mọi lời nói,
việc làm của Ngài, ngay cả đến cái chết,
Kinh Thánh cũng nói : “Ngài
cũng nhờ Thần Khí (thúc đẩy) mà tiến mình làm
lễ hi sinh vô tì tích dâng lên Thiên Chúa.” (Hr 9.14).
Chẳng
phải Đức Giêsu cũng đã thông chia cho ta chính Thánh
Thần ấy trong phép Rửa và nhất là phép Thêm sức
đó sao ? Để ta luôn luôn sống và
hành động, ở mọi nơi mọi lúc, trong từng
cử chỉ, tâm tình, lời ăn, tiếng nói…, một
cách hoàn hảo, thánh thiện như Đức Giêsu,
xứng danh con cái Thiên Chúa. Tắt một
lời, đó là một đời sống Kitô hữu
trưởng thành.
Bài kỳ trước, ta đã nghe nói Bí Tích Thêm
sức giúp ta nên người Kitô hữu trưởng thành. Bài kỳ này tiếp nối để xem trưởng thành
như thế nào, cách nào ?
Chúng
ta chỉ nghiên cứu hai phương diện
: Trưởng thành
về cách sống, và về hiểu biết.
A- Về
cách sống : Có
nhiều tín hữu, tuy về mặt tuổi đời có
thể đã lớn, đã trưởng thành, đã
đỗ đạt, thành tài, đã có sự nghiệp,
đã ăn nên làm ra, nhưng về mặt thiêng liêng,
lại vẫn còn trẻ con trong cách cư xử, hành
động. Kinh Thánh nói :
“Hỡi anh em, tôi không thể nói
(đạo lý) với anh em như những người
thần thiêng (đã trưởng thành mặt tâm linh), mà
chỉ như những người xác thịt, như
những kẻ còn con nít trong Đức Kitô.... Tại sao ? Bởi vì một khi anh em còn có những
chuyện ghen tương, kình địch, tính mê nết
xấu..., thì chẳng phải là anh em vẫn cư xử
như người xác thịt (sống theo bản năng,
giống như con nít đó sao) ?” (1Cor 3.1-3).
Giáo
hữu thành Corintô bị chê trách là chưa có thể hiểu
và nếm các đạo lý cao sâu, bởi vì tâm tình và cách
sống của họ còn như con nít :
nào ghen tuông, kình địch, tranh giành, tham lam v.v... Khi cách cư
xử, lối sống còn có những
điều đáng trách nêu trên, là chúng ta cũng giống những
tín hữu thành Corintô, trước mắt Chúa, ta vẫn còn
chưa trưởng thành. Con nít sống theo
thúc đẩy của bản năng tự nhiên, mà theo
kiểu nói của Kinh Thánh thì đó là còn sống theo tính xác
thịt, có nghĩa là còn làm nhiều việc xấu xa,
hư hỏng. Thánh Phaolô nêu ra một số việc cho ta nghe :
“Đây
là những việc mà người sống theo tính xác
thịt thường làm: nào là dâm bôn, ô uế, phóng đãng
(chơi bời trác táng), thờ quấy, ma thuật (mê tín,
dị đoan, xem bói, xem tướng số, bùa ngải,
cầu cơ, chiêu hồn, đồng bóng), hằn thù, kình
địch, ghen tuông, nóng giận (chửi tục, chửi
thề, đánh nhau, đâm chém), tranh chấp, chia rẽ, kéo
bè kéo đảng, ganh tị (kiêu hãnh, khoe khoang), rồi say
sưa, nhậu nhẹt (cờ bạc)... và các điều
xấu khác giống như vậy” (Gal 5, 19-21)
Làm sao Chúa có
thể vui lòng khi thấy chúng ta sống như thế?
Không phải ta cứ đi nhà thờ, đọc kinh,
lần chuỗi rền rền là Chúa vui lòng và bỏ qua
mọi chuyện cho ta đâu !
- Có người thắc mắc : Nói thế thì tại sao
Đức Giêsu bảo “Phải
trở nên như trẻ thơ, mới vào được
Nước Trời” (Mt 18.3)? Xin thưa : Đức
Giêsu nói câu đó là dạy chúng ta phải sống đơn
sơ, vô tội, và tin cậy, phó thác vào Thiên Chúa như
trẻ thơ tin cậy, lệ thuộc cha mẹ vậy.
Ở đây thì khác, cảnh cáo chúng ta đừng mắc
vào những tính nết xấu và khiếm khuyết của
con nít.
Bởi
vậy, Thánh Thần, mà ta lãnh nhận trong Phép Thêm sức,
sẽ đến giúp ta, soi sáng tâm trí ta, củng
cố ý chí ta, ban sức mạnh cho ta giải thoát
khỏi tội lỗi đang giam cầm ta, để ta
biết tự chủ, kìm hãm những thúc đẩy
của bản năng xấu, tự điều chế con
người mình, như một người trưởng
thành chín chắn, cương nghị. Tích cực hơn
nữa là còn giúp ta trổ sinh hoa thơm trái ngọt là những
việc tốt lành, ngay chính, như Kinh Thánh mô tả :
“Ai
có Chúa Thánh Thần hướng dẫn, thì Thánh Thần
sẽ làm trổ sinh những hoa quả là yêu thương,
vui mừng, rồi bình an, đại lượng, nhân
hậu, tốt lành, tín trực (ngay thẳng, không gian
dối), cư xử với mọi người (thân
cũng như sơ) cách hiền từ (dịu dàng, tế
nhị), tự chủ (tiết độ).... (Gal 5.22-23).
B- Bây
giờ, xét về mặt
hiểu biết thì thấy Kinh Thánh có lời than về rất
nhiều tín hữu :
“Với thời gian,
đáng lẽ anh em đã phải là những bậc
thầy, thế mà anh em lại cần phải để
người ta dạy lại cho những điều sơ
học về đạo lý của Thiên Chúa. Anh
em lại cần phải ăn sữa, không dùng nổi
đồ ăn chắc bụng. Vì phàm
ai phải ăn sữa, ắt là khờ khạo về
đạo lý..., bởi kẻ ấy vẫn là trẻ nít.
Còn của ăn chắc bụng là phần dành cho hạng
người trưởng thành, những người
bởi được tập tành thành thói quen, thì quan
năng đã nên sành sỏi, biết phân biệt đâu là
điều lành, đẹp ý Chúa mà làm, đâu là điều
xấu mà tránh...” (Thư Hr 5.12-14).
Những tín hữu ấy việc đời thì khôn,
việc đạo thì khờ. Làm ăn buôn bán rất sành, còn về đạo lý
của Chúa thì lơ mơ, sơ sài, nghe giảng thì kêu dài,
kêu lâu, xem đồng hồ miết ;
họ không hề rờ đến sách Thánh mà đọc
lời Chúa, xem Chúa dạy mình điều gì... ; nghe nói về
đạo lý hay đời sống thiêng liêng thì ngáp dài ngáp
ngắn rồi bỏ ngoài tai... Cho nên, tâm hồn họ
bệnh hoạn, đức tin họ ấu trĩ,
đứng trước các cơn lốc của cuộc
đời, đầy bon chen, tranh đoạt tiền tài
vật chất, họ không biết ứng xử như con
cái Chúa, nên cũng hành động như người ngoại : “Người ta làm sao thì tôi
phải làm vậy thôi! Tôi đâu có thể lội
ngược dòng được !” Vì
thế Kinh Thánh nói : “quan năng họ chưa nên sành sỏi, để biết
phân biệt đâu là điều lành, đẹp ý Chúa mà làm,
đâu là điều xấu mà tránh...”
Chưa hết, đứng
trước những vấn đề khó khăn của
cuộc sống văn minh kỹ thuật và vô thần,
với bao câu hỏi, bao vấn nạn, khúc mắc, họ
ngơ ngác, không có một giải đáp thích hợp,
cũng chẳng có một lập trường, mặc cho
trào lưu đưa đẩy, cuốn trôi... Kinh Thánh nói :
“Hãy đừng là
những trẻ nhỏ, bị sóng đánh trôi giạt theo
mọi chiều gió đạo lý, giữa trò bịp bợm
của những kẻ giảo quyệt khéo dùng mưu ma
chước quỷ để làm cho kẻ khác lầm
đường.” (Ep 4.14)
Về đạo, họ chỉ
biết vài điều sơ sài như có phán xét, có luyện
ngục, hỏa ngục, cùng với vài thực hành cụ
thể như đi nhà thờ, dự lễ, xưng
tội, cầu xin Đức Mẹ,... Đáng buồn ! Đạo
Chúa mặc khải từ trời, do Đức Giêsu đem
xuống dạy bảo, có biết bao điều cao sâu, tuyệt
vời về Thiên Chúa, về tình yêu vô hạn của
Người, về Nước Thiên Chúa, về Thiên
đàng, về Cõi Trời mới đất mới, về
sự sống lại v.v… họ
chẳng hề biết, cho nên đời sống
đạo của họ buồn tẻ, không sinh
động, không vui mừng hoan lạc…
Vậy,
nếu bạn nhận thấy mình trong tình trạng tả
trên, bạn đang rất cần Chúa Thánh Thần
đến để dạy dỗ, dẫn dắt bạn
trở nên trưởng thành cả về mặt
đời sống luân lý lẫn mặt hiểu biết
đạo lý.
Vì bạn
nên nhớ rằng : việc trở nên con cái trưởng
thành trước mặt Chúa, không phải là công việc
của một mình bạn, dù bạn có gồng mình, thì
cũng chẳng làm được. Kinh nghiệm của dân
Israen còn đó : Thiên Chúa ban cho họ cả một bộ
Lề luật tỉ mỉ, nghiêm nhặt..., thế mà họ
đâu có tuân giữ được. Thiên Chúa quá biết là con
người không thể tự sức mình tuân giữ
lề luật, sống công chính và đạo đức.
Cần phải có Chúa Thánh Thần, vì thế Chúa hứa
:
“Trong lòng các ngươi, Ta sẽ ban xuống Thần Khí
của Ta, và Ta sẽ làm cho các ngươi bước
đi theo các điều luật của Ta, và các
ngươi sẽ giữ được các phán quyết
của Ta mà thi hành” (Edêkien 36.27).
Điều
nữa nên nhớ là : Nếu Thánh Thần không dẫn
dắt ta, thì xác thịt, ma quỉ sẽ dẫn dắt,
xúi giục ta, bản năng xấu dẫn đưa, thúc
đẩy ta. Thánh Kinh đã nói :
“Nếu bước đi theo
Thần Khí, thì anh em sẽ không bước theo đam mê, xác
thịt, tội lỗi. Vì xác thịt xấu xa có những
đam mê nghịch với Thần Khí, và Thần Khí cũng
có những đam mê nghịch với xác thịt, đôi bên
giằng co nhau (muốn dành quyền điều khiển
đời anh em), khiến anh em không thể làm
được những điều anh em muốn” ( Galát
5.16-17).
Điều
thứ ba nên nhớ nữa là : đi theo xúi giục của
xác thịt mà làm các điều tội lỗi, thì hứng
lấy cái chết. Còn đi theo thúc giục của Thánh
Thần, thì ta sẽ sinh ra các việc làm tốt lành, nhân
đức, mà kết quả là ta được bình an, được
sống đời đời, thánh Phaolô dạy thế (Rôma
8.5-9).
Vậy ta hãy mở lòng đón nhận
Thánh Thần đi!
Việc đầu tiên, anh chị em hãy thưa với Chúa
Thánh Thần :
“Lạy
Chúa Thánh Thần ! Con dại dột từ trước
đến nay đã quên Chúa. Vậy lạy Thánh Thần
rất đáng kính và đáng mến ! Con mở lòng ra đón
nhận Chúa, Chúa hãy đến ngự trong con, hướng
dẫn mọi hành vi, cử chỉ, lời nói, việc làm
của con từ nay cho đến suốt đời. Xin
Chúa thương đừng để con đi theo xác
thịt, ma quỉ mà làm việc tội lỗi, mất
sự sống, phải chết đời đời”.
Cứ cầu xin đơn sơ như thế, hay
câu nào giống vậy tùy ý, rồi anh chị em sẽ thấy
đời mình dần dần đổi khác, sẽ vui
mừng, bình an, hạnh phúc. Đừng sợ ! Chúa Thánh
Thần không đến để làm khổ ta đâu, trái
lại, chỉ gây hạnh phúc cả hồn lẫn xác cho
ta mà thôi.
Tích
truyện
Có một tu
viện kia, hồi trước là một nơi thu hút không
biết bao khách hành hương, nhà nguyện lúc nào cũng
vang tiếng ca hát của các tu sĩ, tiếng kinh cầu
của giáo hữu... Còn nay, nó hầu như trở thành
một ngôi nhà trống vắng, ít người qua lại,
một số nhỏ tu sĩ còn sót lại sống uể
oải, buông thả... Cha Bề Trên tìm đến gặp một
vị ẩn sĩ hỏi xem đâu là nguyên nhân tình
trạng này. Sau khi nghe cha Bề Trên kể lể, vị
ẩn sĩ mới ôn tồn nói :
- Cái tội đang xảy ra trong
cộng đoàn là tội
vô tình. Chúa Cứu Thế đã cải trang thành
một người, mượn hình dáng người ấy
để ở giữa chư vị, mà chư vị vô
tình không nhận ra Ngài !
Cha Bề
Trên hối hả ra về, lòng ông lan man tự hỏi :
- Ai là người được
Chúa mượn hình dáng để trở lại giữa cộng
đoàn ?
Đấng
Cứu Thế không thể là chính ông, vì ông tự biết
mình yếu hèn, tội lỗi. Ông hội họp các tu sĩ
lại và loan báo điều vị ẩn sĩ đã nói.
Đôi mắt của mỗi người mở to ra và ai
cũng bắt đầu dò xét từng người trong
nhà, để khám phá ra ai là Chúa mượn hình, nhưng
rất khó, vì Chúa cải trang kỹ lắm. Thành ra, ai
cũng ra sức để ý và đối xử kính
cẩn với người khác, vì biết đâu
người đó là Chúa Cứu Thế! Không mấy
chốc, sự để ý săn sóc đến nhau đã
làm cho tu viện trở nên sống động, tràn ngập
bầu khí yêu thương, huynh đệ và niềm vui… Tin
đồn lan ra khắp nơi. Giáo hữu lại tuôn
đến đông đảo để hành hương,
tĩnh tâm và cầu nguyện. Nhiều ơn kêu gọi
cũng đến làm tăng số tu sĩ.
Giữa chúng ta, có Chúa Thánh
Thần, nhưng vì ta vô tình, sự đó là nguồn gốc
của mọi sa sút và bất ổn trong đời ta.
|