Kỷ vật tình yêu
Sau mỗi
trận đấu bóng đá, chúng ta thường thấy
các cầu thủ đổi áo cho nhau để làm kỷ
niệm, hoặc những người lính trước khi
ra chiến trận, hay tặng cho nhau chiếc lược,
cây viết, để sau này còn nhớ đến nhau,
nhớ lại thời kỳ oanh liệt đã qua. Lãng
mạn hơn nữa, là những người vợ,
người chồng hoặc hai người yêu nhau, trước
khi đi xa cũng thường trao cho nhau những
chiếc nhẫn để khi nhớ đến nhau nhìn vào
kỷ vật như đang thấy được
người yêu, người vợ bên cạnh, cho dù lúc
đó họ đi xa, hay đã mất. Cũng thế,
trước khi về trời, trong bữa tiệc ly,
Đức Giêsu cũng để lại cho con người
một kỷ vật tình yêu, đó là việc Chúa lập
phép Thánh Thể để lưu lại cho loài người
một bằng chứng tình yêu vĩ đại. Thật vậy,
kỷ vật mà Thiên Chúa để lại cho chúng ta không
giống như kỷ vật mà con người để
lại cho nhau. Kỷ vật của Ngài không phải vàng
bạc, cũng chẳng phải tiền của, nhưng
kỷ vật mà Đức Giêsu lưu lại cho loài
người hết sức đặc biệt, mà từ
xưa đến nay tôi chưa thấy ai làm, đó chính là
bản thân Ngài, chính Mình Ngài, là một kỷ vật tình yêu
huyền nhiệm với hai đặc tính:
Thứ nhất, là kỷ vật được phát
xuất từ tình yêu cao thượng
Kỷ vật mà con người trao cho nhau
cũng được phát xuất từ tình yêu giữa hai
người bạn, hai người thân, hai người yêu
hay hai vợ chồng, nói chung tình yêu này
được phát xuất giữa con người với
con người. Còn kỷ vật mà Đức
Giêsu để lại phát xuất từ tình yêu giữa
Thiên Chúa với con người, giữa Đấng Tạo
Hoá với loài thụ tạo. Vậy có
tình yêu nào cao cả cho bằng tình yêu khiêm hạ như
thế, có ngôn từ nào để diễn tả cho hềt
tình yêu đó. Hơn nữa, kỷ vật mà Thiên Chúa
trao ban chính bằng xương bằng thịt Ngài, một
kỷ vật sống chứ không phải như những
kỷ vật chết mà con người trao cho nhau. Thật
là một sáng kiến lạ lùng mà chỉ có tình yêu Thiên Chúa
mới nghĩ ra được điều đó, là
lấy máu thịt Ngài để làm của ăn, của uống nuôi sống chúng ta
Thứ hai, kỷ vật từ trời và hằng
sống
Trước khi trao kỷ vật cho con
người thiên Chúa đã chuẩn bị từ ngàn xưa
và được manh nha khá rõ khi dân Do Thái đi trong sa mạc, đã được Thiên Chúa cho
thứ lương thực Manna "bánh từ
trời". Đó chính là hình ảnh tiên báo về thứ
Bánh Hằng Sống Thiên Chúa sẽ ban chính là Mình và Máu Chúa,
Bánh Ngài ban chính là Bánh từ trời, như chính Đức
Giêsu đã khẳng định: "Đây là bánh từ
trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông
đã ăn và họ đã chết". Đúng vậy, bánh
mà Chúa ban chính là Chúa Giêsu, Đấng "từ Chúa Cha mà
ra" đã trở thành kỷ vật trường tồn
giúp cho con người sống khoẻ, sống mạnh,
sống đẹp ở đời này, vừa bảo
đảm cho sự sống lại và cuộc sống
vĩnh cữu vì "Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi,
thì Tôi sống trong người ấy và Tôi sẽ cho
người ấy sống lại trong ngày sau hết và
được sống đời đời".
Như vậy, kỷ vật mà Thiên Chúa
để lại cho loài người không phải là do công
trạng của con người, mà là do sáng kiến tình yêu
của Thiên Chúa, kỷ vật này không phải ở
trần gian mà là từ trời xuống, kỷ vật này
cũng không như Manna ăn mà vẫn chết, nhưng
được sống đời. Do đó, ai biết
đến với Chúa nhận lấy kỷ vật mà Ngài
trao ban sẽ thuộc về Chúa ngay từ đời này và
mai này sẽ thuộc về Ngài mãi mãi. Vì
kỷ vật này là dấu chỉ cho đời sống
vĩnh cữu đã khởi sự, và là bảo chứng
cho sự sống lại vào ngày sau hết. Đó là ý
nghĩa mầu nhiệm Mình máu Thánh Chúa mà chúng ta long
trọng cử hành hôm nay.
Vì yêu mà con người trao kỷ vật cho
nhau, ngày ngày họ quý trọng và nâng niu kỷ vật
như chính người yêu đang sống với họ
vậy. Còn Bí Tích Thánh Thể, một kỷ vật tình yêu
Thiên Chúa, đã ban cho loài người thì sao? Ngài
cũng muốn chúng ta nâng niu quý trọng và sống mật
thiết với Ngài, nghĩa là đồng hoá với Ngài,
nên giống Ngài trong tư tưởng lời nói và hành
động. Để làm dược điều
đó cần có đức tin và lòng khao khát, vì thiếu
đức tin mà trong bài Tin Mừng hôm nay người Do Thái
trở nên bỡ ngỡ không thể chấp nhận
điều Đức Giêsu nói, có lẽ vì họ hiểu
theo nghĩa qua vật chất, nên không còn thấy cái thiêng
liêng nữa. Đúng là: "khi người ta tham lam
những cái phù vân, người ta sẽ trở nên lạnh
nhạt với những cái vĩnh cữu" hay "quá
chăm chú về phần xác sẽ nhếch nhác về
phần hồn".
Vậy, để sống tốt với
kỷ vật mà Thiên Chúa để lại, chúng ta cần có
đức tin và lòng khao khát được thể hiện
qua việc năng tham dự Thánh Lễ và Rước
Lễ, vì "phúc cho ai được mời đến
dự tiệc chiên Thiên Chúa" tất cả chúng ta
đều được mời đến dự
tiệc Thánh Thể, thế nhưng có khá đông
người tham dự Thánh Lễ mà không rước
lễ, có khác chi được mời đến dự
tiệc mà chẳng ăn uống gì, chỉ ngồi đó
"nhìn miệng" người khác ăn rồi ra
về sao. Về việc đi lễ, cha mẹ càng
phải trở nên tấm gương cho con mình hơn vì
"cha nào con nấy", chúng ta không thể làm biếng mà
con mình trở nên siêng năng được. Như câu
truyện Thầy Thỏ mở lớp dạy học.... Vì
thế, cha mẹ phải trở nên gương sáng thì con
mình sẽ làm theo.
Ngoài việc đi lễ, rươc lễ
còn phải đi tham dự tham lễ cách tích cực,
thưa kinh ca hát với cộng đoàn có tâm tình và lòng
sốt mến, chứ không phải kiểu đi lễ cho
có, đi cho khỏi mắc tội, hoặc ngồi
dửng dưng thờ ơ kiểu "hồn con đây
mà xác con đâu", hay kiểu:
"khen ai khéo đúc chuông chì
dáng thì có dáng, đánh thì không kêu"
Chỉ có bề ngoài mà không có
bên trong. Nếu chỉ tham dự thánh lễ như
thế thì chúng ta quá dửng dưng với kỷ vật mà
Thiên Chúa đã ban, nghĩa là chúng ta đang dửng dưng
với Chúa, vì kỷ vật là chính Chúa, là Mình Máu Thánh Chúa mà
chúng ta đang cử hành trong thánh lễ hôm nay.
Vậy, mỗi người hãy
nhìn lại xem mình đến với Chúa bằng tâm tình nào?
Đang đi xem một vật triển lãm
chăng? Hay đang đi thư giãn
vì một tuần làm việc vất vả? Không! Như
vậy thì thật sai lầm, vì Chúa để lại
kỷ vật cho con người không phải để
nhìn, để xem, mà là để sống, sống với
Chúa, sống cách chân tình, không những bằng thể xác,
tâm hồn, con tim mà bằng cả con người biết
kết hiệp mật thiết với Chúa và trở thành
một với Ngài như thánh Phaolô đã từng thốt
lên: "Tôi
sống nhưng không phải là tôi, mà là Đức kitô
sống trong tôi" (Gl 2,20). Amen.
|