Dấu
Thánh Giá
(Suy niệm của Lm. Giacôbê Phạm Văn
Phượng)
“Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh
Thần”. Chúng ta mở đầu như thế có nghĩa
là chúng ta nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi để bắt đầu
bài chia sẻ này. Không phải riêng tôi mà tất cả
mọi Kitô hữu đích thực, khi làm một việc gì
đều muốn làm trong ý nghĩa đó, tức là
mỗi khi bắt đầu một công việc gì chúng ta
luôn làm dấu thánh giá. Một nhà văn Kitô giáo ở
thế kỷ thứ hai, Ông Te-tu-li-a-nô, đã viết: “Dù
khi thức dậy hay đi ngủ, dù khi ăn hay khi làm
một việc gì quan trọng, hãy bắt đầu
bằng dấu thánh giá”. Lời khuyên đó cho thấy
việc làm dấu thánh giá đã có ngay từ những ngày
đầu của Giáo Hội. Thánh Phao-lô cũng
thường mở đầu và kết thúc các thư
của ngài một cách tương tự: “Nguyện xin ân
sủng của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, và tình yêu
của Chúa Cha, và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần
ở cùng anh chị em”.
Người Kitô hữu biểu lộ
thánh giá ra bên ngoài để tuyên xưng đức tin và tôn
vinh Chúa. Cũng có trường hợp vì tôn trọng thái
độ tôn giáo của người khác, chúng ta chỉ
thầm nguyện ở trong lòng mà không làm dấu Thánh giábên
ngoài. Nhưng cách này hay cách kia, chúng ta đều ý thức
rằng chúng ta đang làm mọi việc nhân danh Thiên Chúa
để tôn vinh Ngài, như lời Kinh Thánh dạy: “Dù
ăn, dù uống, dù làm việc gì, anh em hãy làm mọi sự
để tôn vinh Thiên Chúa”. Đặc biệt hôm nay chúng ta
đề cập đến dấu thánh giá để nói
về Chúa Ba Ngôi, để nói lên lòng chúng ta tin nhận
một Thiên Chúa độc nhất có ba ngôi là Chúa Cha, Chúa Con
và Chúa Thánh Thần.
Trước hết, chúng ta phải nói
ngay: Thiên Chúa Ba ngôi là một mầu nhiệm quan trọng
vĩ đại nhất của đạo Công giáo: một
mầu nhiệm thuộc đời sống thâm sâu của
Thiên Chúa mà con người không có quyền cũng như không
có khả năng đạt tới, chỉ có Con Thiên Chúa
mới có thể cho chúng ta biết mà thôi. Bởi vì mầu
nhiệm Ba Ngôi là mầu nhiệmvề đời sống
thấm sâu của Thiên Chúa, tức đời sống yêu
mến của Thiên Chúa, cho nên chỉ được
mặc khải trong thời Tân Ước, là thời yêu
mến, và do chính Con Một Thiên Chúa là hình ảnh, là tình yêu
của Đức Chúa Cha. Đại khái mầu nhiệm ấy
được diễn tả như sau: Chúa Cha chiêm
ngưỡng chính mình thì có một hình ảnh, một ý
nghĩ, một tâm tình, một lời về mình. Hình ảnh, ý
nghĩ, hay kiến thức hoặc tâm tình ấy là Ngôi Hai
hay Ngôi Lời. Thế rồi hai ngôi chiêm ngưỡng và yêu
nhau làm phát xuất ra một mối tình hay một tình yêu.
Tình yêu đó là chính Ngôi Ba: Chúa Thánh Thần. Khó hiểu quá phải
không? Đúng vậy, mầu nhiệm Ba ngôi rất khó
hiểu và mãi mãi vẫn là khó hiểu. Chúng ta biết
được như thế là do chính Chúa Giêsu đã
mặc khải, các tông đồ đã truyền dạy và
cả Giáo Hội không ngừng tuyên xưng như vậy.
Giáo Hội toàn cầu đã nhóm họp nhiều công
đồng để xác định rõ đức tin
của mình về Thiên Chúa Ba Ngôi. Các công đồng quan
trọng nhất đã định tín về chân lý này là công
đồng Ni-xê-a năm 325, công đồng
Côn-tăng-ti-nốp năm 381, công đồng La-trăng IV
năm 1215, công đồng Li-ông II năm 1274, công
đồng Fơ-lo-ren năm 1439. Mầu nhiệm Ba ngôi
được coi như một công thức mà Giáo Hội
sử dụng trong tất cả mọi sinh hoạt:
từ một dấu thánh giá, một phép lành cho đến
một lời thề long trọng hay một bí tích. Tất
cả đều bắt nguồn ở công thức duy
nhất Chúa Kitô đã dùng để ban truyền mệnh
lệnh rửa tội cho muôn dân trước khi Ngài lên
trời. Trong đời sống một người tín
hữu, ngay từ khi chưa chào đời cho đến
khi chết rồi, biết bao nhiêu lần công thức
ấy đã được đọc trên mình chúng ta kèm
với dấu thánh giá hay một nghi thức hoặc cử
chỉ nào khác. Nhưng vì là một công thức, cho nên khi
nghe đến hay đọc lên, nhất là sau khi đã
lặp đi lặp lại nhiều lần, chúng ta không còn
cảm thấy gì nữa, công thức ấy đã
được nhắc tới một cách máy móc, vô ý
thức, đôi khi còn thiếu tôn kính nữa. Vì vậy,
chúng ta cần sửa chữa lại điều không
tốt đẹp ấy và quyết tâm từ nay mỗi khi
làm dấu thánh giá chúng ta sẽ làm một cách ý thức và
tôn kính.
|