Sức mạnh.
Có một câu chuyện
kể rằng: Một hôm thần dữ Satan triệu tập
tất cả các sứ giả của hắn lại, để
sai đến trần gian với sứ mạng duy nhất
là giải thích cho con người biết Thiên Chúa đã chết
rồi. Các sứ giả ra đi. Nhưng không bao lâu sau tất
cả trở về. Thần dữ Satan ngạc nhiên hỏi:
“Tại sao các ngươi thực hiện công tác nhanh
như thế, hay là có chuyện gì trục trặc?”. Các sứ
giả đồng thanh đáp: “Thưa ngài, chúng tôi không còn
việc gì để làm nữa. Bởi vì tất cả những
nơi chúng tôi đi qua trên trần gian, nơi nào con người
cũng sống như thể Thiên Chúa đã chết thật
rồi. Họ ghen ghét nhau, họ gian tham, trộm cắp,
sa đọa, họ chém giết nhau... không có gì xấu mà
con người không làm. Dù nhiều người vẫn còn
xưng mình là kẻ tin Thiên Chúa, nhưng cách sống của
họ không hề biểu lộ niềm tin này, mà ngược
lại như là loan báo Thiên Chúa đã chết rồi.
Như vậy chúng ta đâu cần tốn công thuyết phục
con người nữa”.
Con người sống như thể Thiên
Chúa đã chết. Đó là một lời cảnh tỉnh
nghiêm trọng đáng cho chúng ta, những môn đệ của
Chúa Giêsu, suy nghĩ để kiểm điểm lại
đời sống của mình. Vài chục năm gần
đây, người ta tỏ ra lo ngại cho Giáo hội, khi
thấy có một số đông Kitô hữu tại nhiều
nước Au Châu dửng dưng với đạo. Đạo
hầu như chẳng còn ảnh hưởng gì đối
với họ; đạo hầu như đứng ngoài cuộc
sống của họ. Phải chăng Kitô giáo đã qua những
ngày hưng thịnh và đang đi vào giai đoạn lụi
tàn? Phong trào “thời mới”, một phong trào mang tính tôn giáo
huyền bí hàm hồ, đang phát triển tại Mỹ và
Au Châu xác tín rằng: kỷ nguyên Kitô giáo sắp qua đi và
một kỷ nguyên mới với một tôn giáo mới
đang xuất hiện.
Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, đã đến trần
gian để thi hành sứ mạng cứu chuộc loài
người. Ngài đã sống kiếp người như
chúng ta, Ngài đã giảng dạy, loan báo Tin Mừng. Cuối
cùng, Ngài đã chấp nhận đau thương và chết
nhục nhã trên thập giá để hoàn tất sứ mạng
cứu chuộc của Ngài. Ngài đã chết thật,
nhưng không phải là chết luôn, trái lại, Ngài đã sống
lại và sống mãi. Ngài vẫn hiện diện trên trần
gian dưới nhiều hình thức, đặc biệt là
qua Chúa Thánh Thần.
Quả thực, ngay từ khi tại thế,
Chúa Giêsu đã sống dưới sự tác động của
Chúa Thánh Thần, nhưng Ngài chưa ban Thánh Thần cho các
môn đệ. Chúa Giêsu phải ra đi, rồi mới cử
Thánh Thần đến với họ được,
nghĩa là Ngài phải được tôn vinh, mới có thể
ban Thánh Thần cho họ. Vì thế, ngay buổi chiều
ngày Phục sinh, Chúa Giêsu đã hiện ra thổi hơi vào
các môn đệ và ban Thánh Thần cho họ; đồng thời
ban cho họ quyền tha tội. Như vậy, Chúa Giêsu
đã ban Chúa Thánh Thần, và các tông đồ đã nhận
được Chúa Thánh Thần ngay chiều ngày Phục
sinh.
Tuy nhiên, để đánh dấu việc các
tông đồ thực sự thoát khỏi tình trạng “khép
kín” vì sợ hãi hay nuối tiếc quá khứ, và “mở cửa”
lao mình về phía trước để công bố Tin Mừng
Phục sinh cho các dân tộc, đem ơn hòa giải đến
cho mọi người, hầu qui tụ mọi người
vào trong đại gia đình của Thiên Chúa... Chúa Thánh Thần
đã hiện xuống với các tông đồ một cách
long trọng và rõ ràng với những dấu hiệu bề
ngoài như gió thổi mạnh, lưỡi lửa xuất
hiện trên đầu họ. Gió và lửa là những dấu
hiệu để chứng tỏ Chúa Thánh Thần hiện
xuống. Và liền theo đó, mọi người
được tràn đầy Chúa Thánh Thần.
Như vậy, Chúa Thánh Thần đã đến
với các tông đồ, đã biến đổi họ
thành những con người mới, đã tác động
nơi họ để họ trở thành những chứng
nhân cho Đức Kitô và loan báo Đức Kitô cho mọi
người. Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa và ngọn lửa
Ngài đậu trên đầu các tông đồ không gì khác
chính là ngọn lửa tình yêu. Chính ngọn lửa đó
đã thúc giục các tông đồ mở toang cánh cửa
đã đóng kín vì sợ hãi, để mạnh dạn ra
đi loan báo Tin Mừng tình yêu. Từ đó cho đến
nay, Chúa Thánh Thần vẫn không ngừng hoạt động
nơi từng con người thiện chí, từng Kitô hữu,
đang hăng say hoạt động để đem chân
lý, bình an, yêu thương và hy vọng đến với những
người chung quanh.
Mỗi người Kitô hữu hôm nay cũng
đã được lãnh nhận Chúa Thánh Thần khi chịu
phép Rửa tội và Thêm sức. Nhưng chúng ta đã cộng tác với
Chúa Thánh Thần thế nào? Chúng ta có để Chúa
Thánh Thần gọt giũa, loại bỏ khỏi chúng ta
tính ích kỷ, hẹp hòi không? Chúng ta đã làm gì và đang
làm gì cho thế giới này, cho những người sống
chung quanh chúng ta được sưởi ấm bởi ngọn
lửa tình yêu của Chúa Thánh Thần mà chúng ta đã lãnh nhận?
Thật là đau đớn cho Thiên Chúa và Giáo hội khi những
người mang danh Kitô hữu, những môn đệ của
Chúa, lại sống ích kỷ, ghen ghét nhau, cạnh tranh
nhau... Nếu ngày nay biết bao người chưa biết
đến tình yêu thương của Chúa, có lẽ một
phần trách nhiệm là do chúng ta; có lẽ chúng ta phải
đấm ngực mình mà nhận rằng: vì chúng ta chưa
sống tốt, chưa làm chứng nhân, vì trong chúng ta còn nhiều
ích kỷ, nhỏ nhen, hẹp hòi...
Mừng lễ Chúa Thánh Thần, Giáo hội nhắc
nhở chúng ta vai trò quan trọng của Chúa Thánh Thần
trong cuộc sống từng người chúng ta, và mời
gọi chúng ta cùng cộng tác với Chúa Thánh Thần để
đổi mới chính mình, đổi mới cuộc sống
của mình, để cuộc đời chúng ta trở
thành chứng tá cho Thiên Chúa tình yêu. Chúng ta phải dùng chính cuộc
sống tốt lành của mình để làm chứng cho
Thiên Chúa hằng sống, để xác quyết rằng:
Thiên Chúa đang sống và đang hành động trong trần
gian.
|