SUY NGUYỆN và SỐNG ĐẠO
Phụng Vụ Lời Chúa Tuần X Thường Niên Năm Lẻ
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL
Thứ Hai
Sự sống chiếu
tỏa
Hôm nay, Tuần X Thường Niên Năm Lẻ, theo phụng vụ
cho ngày thường trong tuần, dù chu kỳ phụng niên thuộc năm lẻ hay năm
chẵn (giành cho chỉ bài đọc 1 trích các sách
thuộc bộ Thánh Kinh Cựu Ước), bắt đầu sang
Phúc Âm của Thánh ký Mathêu, sau 9 tuần lễ đầu theo Phúc Âm của Thánh ký Marco.
Và đoạn Phúc Âm đầu tiên của Phúc Âm Thánh kỳ
Mathêu được Giáo Hội chọn đọc để tiếp nối các bài Phúc Âm của Thánh ký Marco cho
9 tuần lễ đầu của Mùa Thường Niên đó là đoạn về Bài Giảng Phúc Đức Trọn Lành
trên núi của Chúa Giêsu huấn dụ các môn đệ của Người.
Mối liên hệ giữa việc chuyển tiếp từ Phúc Âm
Thánh ký Marco ở cuối đoạn 12 cho Thứ Bảy Tuần IX Thường Niên sang Phúc Âm
của Thánh ký Mathêu ở đoạn 5 cho Thứ Hai Tuần X Thường Niên thật là khít khao và
tuyệt vời. Ở chỗ, trong bài Phúc Âm cuối cùng của Thánh ký Marco cho Thứ Bảy
Tuần IX Thường Niên trước, Chúa Giêsu vừa mới chỉ cho các tông đồ thấy gương
sống trọn lành của bà góa 1 xu, thì trong bài Phúc Âm Thứ Hai bắt đầu của Thánh
ký Mathêu (5:1-12) Tuần X Thường Niên này Người nói ngay với các tông đồ
về Các Phúc Đức Trọn Lành.
"Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của
họ. - Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Nước làm cơ nghiệp. - Phúc
cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an. - Phúc cho những ai đói khát điều
công chính, vì họ sẽ được no thoả. - Phúc cho những ai hay thương xót người, vì
họ sẽ được xót thương. - Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được
nhìn xem Thiên Chúa. - Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là
con Thiên Chúa. - Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời
là của họ. Phúc cho các con khi người ta ghen ghét, bách hại các con, và bởi
ghét Thầy, họ vu khống cho các con mọi điều gian ác. Các con hãy vui mừng hân
hoan, vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời. Người ta cũng đã từng
bắt bớ các tiên tri trước các con như vậy".
Trong bài Phúc Âm về Phúc Đức Trọn Lành này, Thánh ký Mathêu đã
mô tả một cảnh tượng rất thích hợp với nội dung của bài
giảng Phúc Đức Trọn Lành ấy: "Khi ấy, Chúa Giêsu thấy
đoàn lũ đông đảo, Người đi lên núi, và lúc Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần
Người. Bấy giờ Người mở miệng dạy họ rằng...".
Trước hết, về thời điểm, bài giảng này của Chúa Giêsu
chỉ được Người thực hiện và chỉ xẩy ra vào lúc "khi ấy, Chúa Giêsu thấy
đoàn lũ đông đảo, Người đi lên núi...", tức là
vì dân chúng mà có bài
giảng này, nhưng, ngay câu sau đó lại cho thấy lại bài giảng này giành
riêng cho các tông đồ, nghĩa là giáo huấn của Người được truyền đạt từ cao
(tấm mức tông đồ, Giáo Hội) xuống thấp (tầm mức dân chúng, giáo dân,
cộng đồng);
Sau nữa, về địa điểm, bài giảng này được Chúa Giêsu giảng
không phải là dưới thung lũng, hay ở đồng bằng, hoặc trong thành phố, hay ở
trên thuyền ngoài bờ biển như các lần khác sau này, mà là ở trên "núi",
một biểu hiệu cho ý nghĩa trọn lành, sống trổi vượt hơn thế gian, hơn phàm
nhân;
Sau hết, về tính cách, bài giảng này được Chúa Giêsu giảng
một cách thân tình, ở tư thế "ngồi xuống" với thành phần "các
môn đệ đến gần Người" để Người có thể dạy bảo các vị những gì giúp các
vị "là ánh sáng thế gian" (5:14). Cử chỉ "ngồi" đây còn ám chỉ quyền
giảng dạy của Chúa Giêsu nữa, một quyền giảng dạy được Người trao ban cho
chung Tông Đồ Đoàn (xem Mathêu 18:18) và cho riêng Tông Đồ Phêrô (xem Mathêu
16:19), một quyền bính được
Giáo Hội hằng năm tưởng kính nơi phụng vụ Lễ "Ngai Tòa Thánh Phêrô - Chair
of Peter" vào ngày 22/2 hằng năm.
Một
chi tiết được Thánh ký Mathêu ghi nhận cũng cần
lưu ý ở đây nữa là: "lúc Người ngồi xuống, các môn
đệ đến gần Người", tức là thế
giá và uy tín của Chúa Giêsu đã lôi kéo các môn đệ đến cùng Người, và chỉ có
từ Chúa Kitô và bởi lằng nghe Chúa Kitô, thấm nhuần giáo huấn của Người, các
tông đồ mới có thể trở thành chứng nhân tiên khởi của Người và cho Người sau
này.
Nếu căn cứ vào các chữ "phúc" ở đầu mỗi phúc thì có tất cả là 9
Phúc hơn là chỉ có 8 phúc. Và phúc nào cũng ngược đời hết. Ở chỗ, trong khi thế
gian cho những 9 điều được Chúa Giêsu gọi là và cho là phúc thì họ cho là
khốn, đặc biệt là 3 phúc đầu và 2 phúc cuối. Theo tu đức Kitô giáo vốn có 3 bậc
hay 3 giai đoạn nên trọn lành thì 9 phúc được Chúa Giêsu liệt kê theo thứ tự
trong bài Phúc Âm hôm nay, về ý nghĩa liên hệ của của chúng với
nhau, có thể được ghép lại thành 3 phúc cho một giai đoạn hay một bậc nên
trọn lành. Chẳng hạn, 3 phúc đầu (1-2-3) thuộc về bậc hay
giai đoạn tu đức khởi sinh (từ bỏ), 3 phúc tiếp theo (4-5-6) thuộc về bậc hay
giai đoạn tu đức tiến sinh (tập đức), và 3 phúc cuối cùng (7-8-9) thuộc
về bậc hay giai đoạn tu đức hiệp sinh (nên một).
Đúng thế, tất cả những gì Chúa Giêsu giảng dạy riêng cho thành
phần môn đệ của Người nói chung và về Phúc Đức Trọn Lành nói riêng ở Bài Giảng
Trên Núi hôm nay, không phải chỉ cho riêng các vị mà qua các vị cho chung dân
chúng, cho nhân loại, cho thế gian nữa, nhất là cho đàn chiên được các vị thay
Người chăn dắt sau này. Đó là lý do, trong bài đọc 1 hôm nay,
bắt đầu trích
từ Thư 2 Corintô (2:1,1-7), Thánh Phaolô đã bày tỏ ý hướng về sứ
vụ nhận lãnh để chia sẻ, như kinh nghiệm của chính bản
thân ngài là vị tông đồ dân ngoại như sau:
"Chúc tụng Thiên Chúa là Cha Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là
Cha nhân từ cùng là Thiên Chúa mọi niềm an ủi, là Đấng an ủi chúng tôi trong mọi
nỗi gian truân, để chính chúng tôi có thể an ủi những ai lâm cảnh gian truân,
với niềm an ủi mà Thiên Chúa đã an ủi chúng tôi.... Nếu chúng tôi chịu
gian truân là để anh em được an ủi và được cứu rỗi; nếu chúng tôi được an ủi là
để anh em được an ủi; nếu chúng tôi được ủy lạo là cho anh em được ủy lạo
và được cứu rỗi...".
Như thế, Thiên Chúa là Đấng thương yêu tất cả mọi người, chứ
không phải riêng một mình ai và cho một mình ai. Ở chỗ, Ngài có
ban ơn đặc biệt riêng cho ai hay cho một nhóm người nào, như cho
riêng dân Do Thái được Ngài tuyển chọn trong Cựu Ước hay cho Giáo Họi được Con
Ngài thiết lập, cũng là để cho phần rỗi chung của loài người, của
tất cả mọi người: "Thiên Chúa muốn tất cả mọi người được cứu rỗi và nhận biết
chân lý" (1Timôthêu 2:4).
Đó là lý do câu Đáp Ca chính trong Thánh Vịnh 33
(2-3,4-5,6-7,8-9) ở phần phụng vụ Lời Chúa hôm nay đã kêu gọi rất chí lý
rằng: "Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi cho biết Chúa thiện hảo nhường
bao".
Thứ Ba
sức
sống nội tâm
Bài Phúc Âm cho Thứ Ba Tuần X
Thường Niên hôm nay tiếp tục ngay sau bài Phúc Âm hôm qua, một bài Phúc Âm về
Các Phúc Đức Trọn Lành được Chúa Giêsu chỉ dạy riêng cho các môn đệ thân tín của
Người, để các vị có thể "giảng dạy cho họ tất
cả những gì Thày đã truyền dạy các con" (Mathêu
28:20), trước hết bằng đời sống chứng
nhân của các vị, như "ánh
sáng" chiếu tỏa trên "thế gian" này.
Đúng thế, nội dung của những lời
Chúa Giêsu tiếp tục dạy cho các môn đệ của Người trong bài
Phúc Âm hôm nay (5:13-16) đã
cho thấy rõ ý hướng của Người, như câu mở đầu của bài Phúc Âm hôm qua, tỏ lộ, ở
chỗ Người dạy riêng cho các môn đệ nhưng nhắm đến lợi ích chung dân chúng và
riêng đoàn chiên của các vị sau này: "Khi
ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ đông đảo, Người đi lên núi, và lúc Người ngồi xuống,
các môn đệ đến gần Người. Bấy giờ Người mở miệng dạy họ rằng...".
Đó là lý do Người đã khẳng định với các môn đệ của
Người rằng: "Các con là muối đất. Nếu muối đã
lạt, người ta biết lấy gì mà ướp cho mặn lại? Muối đó không còn xử dụng vào việc
chi nữa, chỉ còn ném ra ngoài cho người ta chà đạp lên nó. Các con là sự sáng
thế gian. Một thành phố xây dựng trên núi, không thể che giấu được. Và người ta
cũng không thắp đèn rồi để dưới đáy thùng, nhưng đặt nó trên giá đèn, hầu soi
sáng cho mọi người trong nhà. Sự sáng của các con cũng phải chiếu giãi ra trước
mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các
con trên trời".
Chúa Giêsu đã ví các môn đệ của Người như "muối đất"
và như "ánh sáng thế gian".
Tại sao Người không đề cập đến "ánh sáng thế gian" trước mà là "muối đất" trước.
Phải chăng Người có ý nói đến 2 phương diện tối yếu bất khả thiếu và bất khả
phân ly của thành phần môn đệ được Người tuyển chọn, đó là phương diện nội tâm
(cần phải có trước) và phương diện làm chứng (thành quả tất yếu đến sau)?
Đúng vậy, nếu một người tông đồ mà không có đời sống
nội tâm sâu xa mặn mà như "muối đất", trái lại, nội tâm của họ hết sức nông cạn,
hời hợt, sống theo tình cảm, đầy ắp kiến thức suông, mang tâm tình tự phụ tự
mãn v.v., chẳng kết hợp với Chúa Kitô và theo tác động thần linh của Chúa Thánh
Thần, thì làm sao họ có thể có cùng một tâm tưởng của Chúa Kitô, có những lời
nói sưởi ấm lòng người như Chúa Kitô, có những tác hành và phản ứng nhân ái yêu
thương với Chúa Kitô, và vì thế họ không thể nào làm chứng cho Người theo đúng
như ơn gọi và sứ vụ chuyên biệt trổi vượt cao cả của họ như "một
thành phố xây dựng trên núi, không thể che giấu được nữa".
Chính vì ý thức được thâm sâu những gì Chúa Giêsu
truyền dạy như thế mà Giáo Hội, qua Công Đồng Chung Vaticanô II (11/10/1962 -
8/12/1965), đã khẳng định về căn tính và sứ vụ chính yếu bất khả thiếu của mình
là "Ánh Sáng Chư Dân - Lumen Gentium",
nhan đề của Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, một căn tính và sứ vụ chiếu soi muôn
dân, sứ vụ làm chứng cho Chúa Kitô: "Tự bản
chất, Giáo Hội lữ hành là truyền giáo"
(Công Đồng Chung Vaticanô II - Sắc Lệnh 'Ad
Gentes - Cho Chư Dân' về Việc Truyền Giáo của
Giáo Hội - đoạn 2).
Trong Bài Đọc 1 hôm nay, Thánh Phaolô, qua bức Thư 2
Corintô (1:18-22), đã làm chứng cho một Đấng chân thật "là
Đức Giêsu Kitô, Đấng mà tôi, Silvanô và Timôthêu đã rao giảng nơi anh em, Người
không phải vừa 'Có' lại vừa 'Không'; trái lại, nơi Người chỉ là 'Có' mà thôi". Bằng
chính tư cách
tông đồ đích thực của ngài, hoàn toàn phản ảnh Chúa Kitô. Ở chỗ nếu Chúa Kitô
chỉ 'có' thì ngài cũng 'có': "Xin Thiên Chúa là
Đấng trung tín, chứng giám cho rằng lời nói của chúng tôi đối với anh em không
phải là vừa 'Có' lại vừa 'Không'".
Nếu Chúa Kitô cũng là "ánh sáng thế gian"
(Gioan 8:12), mà các môn đệ của Chúa Kitô cũng "là ánh
sáng thế gian" (Mathêu 5:14), thì có nghĩa là
tự mình các môn đệ của Người không phải "là ánh
sáng thế gian", nên các vị được trở thành "ánh
sáng thế gian" và chiếu tỏa ra "ánh sáng thế
gian" là vì Chúa Kitô "ánh sáng thế gian"
chiếu tỏa ra qua họ, nhờ đó, họ chỉ là phản chiếu "ánh sáng thế gian" là
Chúa Kitô thôi, nhờ đời sống nội tâm như "muối đất" của họ. "Muối đất" ở đây
còn ám chỉ cả thành phần nữ đan sĩ tu kín hay nam đan sĩ khổ tu ở trong nhà dòng
sống đời nội tâm cầu nguyện. "Muối đất" ở đây cũng có thể hiểu về các tâm
hồn đang âm thầm đau khổ nhưng hy sinh chấp nhận mọi sự theo Thánh ý Chúa cho
phần rỗi nhân loại.
Vì "các con là muối đất", "là ánh sáng thế
gian", phản chiếu Chúa Kitô "là ánh sáng thế gian" như thế mà Bài Đáp Ca từ
Thánh Vịnh 118 (129,130,131,132,133,135) đã đề cập tới hai chiều kích
liên quan đến chính Thiên Chúa, nhất là ở câu Đáp Ca thứ 6: "Xin
tỏ cho tôi tớ Ngài thấy long nhan hiền hậu (liên
quan đến 'ánh sáng' tự bản chất là 'tỏ' ra), và
dạy bảo con những thánh chỉ của Ngài (liên
quan đến 'muối đất' sống công chính nội tâm nhờ 'các thánh chỉ Chúa')".
Thứ Tư
Luật Thánh bất
diệt
Bài Phúc Âm hôm nay, Thứ Tư
trong Tuần X Thường Niên, vẫn tiếp tục và theo sát bài
Phúc Âm hôm qua và hôm kia cả
về đoạn 5 lẫn 3 câu
tiếp ngay sau 2 bài Phúc Âm Thứ Hai và Thứ Ba đầu tuần.
Trong bài Phúc Âm này, Chúa Giêsu khẳng định 3 điều rất
quan trọng, thứ tự như sau:
1- Lề
luật cần được Người kiện
toàn hơn là hủy hoại: "Các
con đừng tưởng Thầy đến để huỷ bỏ lề luật hay các tiên tri: Thầy không đến để
huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn". Trong Đoạn 5
và 6 về Bài Giảng Phúc Đức Trọn Lành Trên Núi này đã làm sáng tỏ lời khẳng định
này của Chúa Giêsu, khi Người thường dùng công thức: lề luật thì dạy cho chung
Dân Do Thái một cách căn bản như thế này... còn Thày thì dạy cho các con
sống trọn lành theo tinh thần của lề luật
2- Lề luật là những gì bất biến
và vĩnh viễn: "Thầy bảo thật các con:
Cho dù trời đất có qua đi, thì một chấm, một phẩy trong bộ luật cũng không bỏ
sót, cho đến khi mọi sự hoàn thành". Bởi
vì, lề luật từ Thiên Chúa mà có, nên không bao giờ sai lầm, được Ngài ban bố cho
dân Do Thái qua Moisen, để giúp cho dân của ngài sống xứng đáng với Ngài, sống vượt
lên trên các dân tộc ngoại bang không nhận biết Chúa nên họ thờ tà thần và sống
lăng loàn theo tự nhiên.
3- Lề
luật là những gì cần phải tuân giữ và giảng dạy một cách chính xác: "Bởi
vậy, ai hủy bỏ một trong những điều luật nhỏ mọn nhất, và dạy người khác làm như
vậy, sẽ kể là người nhỏ nhất trong Nước Trời; trái lại, ai giữ và dạy người ta
giữ những điều đó, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời". Chúa
Giêsu đến là để làm lề luật của Cha Người ban bố cho dân Do Thái được nên trọn
hảo hơn, để nhờ đó phản ảnh "Cha trên trời
là Đấng trọn lành" (5:48), và cũng nhờ đó ai
càng tỉ mỉ tuân theo lời Người khuyên dạy càng nên giống Cha, tức càng "cao
cả trong Nước Trời".
Thánh Phaolô, trong Thư 2 Corintô hôm nay (3:4-11),
cũng đã bày tỏ nhận định và niềm xác tín liên quan đến "văn
tự" của lề luật cựu ước cũng như đến tinh
thần của lề luật hay đến thần trí của tân ước,
hoàn toàn phản ảnh câu Chúa Giêsu nói "Thầy
không đến để hủy bỏ, nhưng để kiện toàn": "Không phải chúng tôi có thể nghĩ
tưởng điều gì như là bởi chính chúng tôi, nhưng điều đó là do Thiên Chúa: chính
Người là Đấng đã làm cho chúng tôi trở nên thừa tác viên của Tân Ước, không phải
của văn tự, mà là của Thần trí, vì văn tự chỉ giết chết, còn Thần trí mới tác
sinh".
Thánh Phaolô đã từng là một người Pharisiêu nhiệt
thành với lề luật của Do Thái giáo của ngài, đến độ đã xin cho mình quyền hành
bách hại Kitô hữu vào thuở Giáo Hội sơ khai, nhưng từ khi "bị' Chúa quật ngã
trên đường ngài phóng ngựa đi Damasco, đôi mắt của ngài bấy giờ vẫn mở mà
lại chẳng thấy gì hết, một hiện tượng như ám chỉ ngài thông luật một cách mù
quáng theo "văn tự" hơn là theo tinh thần của lề luật, bởi thế, sau đó,
vì ngài đã được tuyển chọn "làm dụng cụ để mang
danh Ta cho Dân Ngoại, cho vua chúa của họ cũng như cho dân Do Thái"
(Tông Vụ 9:15) mà ngài đã được chữa lành, nhờ đó ngài đã thấy được "tất
cả sự thật" (Gioan 16:13) và rao giảng sự thật
về Chúa Kitô, Đấng đã "không đến để hủy bỏ,
nhưng để kiện toàn" bằng Thần Linh của
Người.
Câu Đáp Ca "Thiên
Chúa, Chúa chúng ta, là Đấng Thánh" trong Thánh
Vịnh 98 (5,6,7,8,9) là niềm xác tín và tuyên xưng của Cựu Ước về vị Thiên Chúa
chân thật duy nhất của mình, một Vị Thiên Chúa đã ban cho dân tuyển chọn của
Ngài lề luật thánh và truyền dạy họ phải "nên
thánh vì ta là Đấng Thánh" (Levi 19:2, 20:26).
Và Chúa Kitô "là phản ảnh vinh quang Cha"
(Do Thái 1:3) đã đến để "tỏ Cha ra" (Gioan 1:18), nên đã dạy cho chung con người
và riêng thành phần môn đệ của Người, đặc biệt là qua Bài Giảng Trên Núi về
Phúc Đức Trọn Lành, những gì cần phải thuục hành để có thể "nên
trọn lành như Cha của các con trên trời là Đấng trọn lành"
(Mathêu 5:48).
|