Quyền năng tha tội
(Suy niệm của Lm Bùi Quang Tuấn)
Trong một lần giáo huấn, Đức
Giêsu đã quả quyết với các Tông đồ: "Sự
gì các con cầm buộc dưới đất, trên trời
cũng cầm buộc. Sự gì các con cởi mở dưới
đất, trên trời cũng cởi mở" (Mt 18,18).
Và hôm nay, sau ngày phục sinh, trong một lần hiện ra với
họ, Chúa Giêsu đã phán: "Các con hãy nhận lấy Thánh
Thần, các con tha tội cho ai thì tội người ấy
được tha. Các con cầm tội ai thì tội người
ấy bị cầm lại". (Gn 19, 22-23). Khi nói lên lời
đó, Ngài chính thức thiết lập Bí tích Giải tội,
ủy thác cho Hội thánh quyền năng tha thứ và cầm
buộc. Quyền năng nầy không chỉ được
trao ban cho các Tông đồ nhưng còn thông chuyển đến
các đấng kế vị là các Giám mục và những linh
mục hiệp thông với các ngài.
Qua lời tuyên bố thiết lập Bí tích
Giao hòa Chúa Giêsu muốn nói với các vị thừa tác viên
đầu tiên và những người kế nghiệp rằng:
một khi dưới đất họ đọc lên lời
tha tội "Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần" thì lập
tức trên trời Ngài sẽ chuẩn y, và dù tội con
người có thẫm như máu đào cũng sẽ
được biến đổi tinh trắng như bông.
Trong Tông thư Reconciliation and Penance, Đức
Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã khẳng định: "Khơi
dậy lòng sám hối và thay đổi tâm hồn nhân thế
cùng trao ban cho con người tặng phẩm giao hòa chính là
sứ mạng đặc thù của Hội thánh khi tiếp
nối công trình cứu độ của Đấng Sáng Lập".
Có người đặt vấn đề:
Tại sao lại phải đi xưng tội với một
linh mục? Tới thẳng với Chúa không được
sao?
Lẽ dĩ nhiên Đức Giêsu có trăm
muôn ngàn cách tha thứ tội lỗi con người,
nhưng phương cách Ngài "làm người" để
cứu thế và "chọn con người" để
thi hành quyền năng tha tội là một ý định tỏ
tường. Tuy nhiên, bên cạnh ý định của Thiên
Chúa cũng có đó một số lý do khiến cho việc
xưng tội với một linh mục trở nên cần
thiết.
Catholicism and Life có chỉ ra những lý do
như sau:
Thứ nhất, vì "có những tội
được tha và có những tội bị cầm"
nên hối nhân phải xưng tội mình ra thì linh mục mới
có thể xác định được tội nào
được tha và tội nào bị cầm.
Thứ hai, việc xưng tội với một
linh mục sẽ giúp cho con người trở nên khiêm tốn.
Người ta dễ chừa tội hơn khi biết rằng
nếu mình phạm, mình sẽ phải xưng.
Thứ ba, chắc chắn hối nhân sẽ
đón nhận được ơn thánh hóa từ bí tích Hòa
giải. Nhưng trước đó, họ sẽ nhận
được những lời khuyên hữu ích từ vị
linh mục, giúp họ thăng tiến hơn trên đường
thiêng liêng.
Thêm vào đó, có không ít khuynh hướng nhiệm
nhặt hay buông thả khiến cho có người quá khắt
khe, thấy điều chi cũng tội, hay có người
qua lỏng lẻo đến nỗi bao tội tày trời
cũng cho là chẳng có gì ghê gớm. Thậm chí có khi còn biện
minh để lương tâm thấy tội nhẹ đi
hay không còn tội lỗi gì nữa. Vì vậy, nếu không
có sự trợ giúp của vị linh mục làm sao người
ta có thể quân bình với chính mình và chân thành với Thiên
Chúa được.
Cuối cùng, khi ban ơn tha tội, vị
linh mục thay mặt Chúa sẽ bảo đảm ơn
tha thứ cho hối nhân. Đối với người
đi "xưng thẳng" với Chúa, ai sẽ đoan
quyết cho điều đó? Chắc chắn không ai hết.
Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã cảnh
cáo những người cho mình không cần Bí tích Giải tội
như sau: "Thật là điên rồ và kiêu căng đối
với những ai tự ý coi thường phương thế
trao ban ơn sủng và cứu thoát mà chính Chúa Giêsu thiết
lập, nhất là đối với những kẻ cho rằng
không cần đến Bí tích Giải tội để
được tha tội".
Có nhiều người vì ý thức lệch lạc
nên coi thường xưng tội, nhưng cũng có không ít
người vì đánh mất cảm thức về tội
nên không còn thấy cần đi xưng tội nữa. Thậm
chí có người xấu hổ ngại ngùng khi phải thú
nhận tội mình với kẻ khác. G.K. Chesterton, một
nhà văn trở lại Công giáo đã viết: "Không việc
gì phải xấu hổ về những dại dột của
mình... Đã là con người không ai không có lỗi lầm,
nhưng lỗi lầm kinh khủng nhất của con
người là cho mình không có lỗi". Thánh Gioan Tông đồ
viết thẳng thừng hơn: "Nếu ta nói: ta không
có tội là ta tự lừa dối mình, và sự thật
không có trong ta" (1 Gn 1,8). Trái lại, "Nếu ta
xưng thú tội lỗi mình thì Người trung tín và công
chính đủ để tha thứ tội lỗi cho ta,và tẩy
ta khỏi mọi bất chính" (1 Gn 1,9).
Một điều luôn gắn liền với
Bí tích Giải tội là "ấn tòa" mà tất cả
mọi linh mục phải tuân giữ. Không một điều
gì nghe trong toà mà cha giải tội lại được
phép nói ra cho người thứ ba, dù tính mạng của
mình bị đe dọa hay an ninh quốc gia được
bảo toàn.
Lịch sử Giáo hội ghi nhận biết
bao hình ảnh hào hùng của những con người dám lấy
máu đào bảo vệ đức tin, trong đó cũng có
hình ảnh của những linh mục dám lấy mạng sống
bảo vệ "ấn tòa giải tội".
Cha Gioan Nepomucene là mẫu gương tiêu biểu
trong thế kỷ 14. Ngài là cha giải tội của Hoàng hậu
Jane, nước Bohemia.
Vua Wenceslaus là người đa nghi và ghen tuông. Vì muốn biết
Hoàng hậu đã làm điều chi thầm lén nên vua yêu cầu
cha Gioan thuật lại những gì nàng xưng ra với
Ngài.
Tưởng rằng quyền lực và uy thế
của mình có thể khui được ít nhiều bí mật
nơi miệng cha Gioan, nhưng vua đã lầm. Vị linh
mục của Chúa nhất quyết không hé lộ bất cứ
điều gì. Kết quả, ngài bị nhốt vào hầm
tối, và một đêm kia, bị nhận nước cho
đến chết.
Ba trăm năm sau, khi khai quật lăng mộ
cha Gioan, những người hữu trách ngỡ ngàng chứng
kiến thân thể ngài mục hoàn toàn, ngoại trừ chiếc
lưỡi vẫn nguyên vẹn như lúc còn sống. Ngày
nay, trên chỗ ngài bị giết người ta dựng lên
một tượng đài, phía dưới chân có khắc
dòng chữ: "Nơi đây vị chứng nhân của Ấn
toà Giải tội đã nằm xuống".
Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã
trao ban cho các Tông đồ món quà vô giá là Chúa Thánh Thần và
quyền năng tha tội. Sứ mạng của các ngài và
những người kế vị sẽ là việc làm nảy
sinh hoa trái cho toàn nhân loại. Biết khiêm tốn mở
lòng đón nhận ơn tha thứ, con người sẽ
tìm thấy bình an và sự sống đích thực, dù thần
chết có đang hăm he rình chờ. Biết tìm đến
cùng tòa cáo giải, tâm hồn sẽ được chữa
lành và ngập tràn hân hoan.
|