Lột xác
Nhận xét về quyển sách Tông Vụ Tông
đồ, Jerome Crowe đã nói: “Quyển sách thứ 2 của
thánh Luca được coi là một loạt những lễ
Hiện xuống” (His second volume can be regarded as a series of
Pentecosts). Chúa Thánh Thần hiện xuống với các tông
đồ (Cv 2, 1-4), hiện xuống với nhóm môn đệ
(Cv 4,31), hiện xuống với
lương dân (Cv 10, 44), hiện xuống với nhóm môn
đệ của Gioan Tẩy giả khi Phaolô đặt tay
trên họ (Cv 19,6).
Quả thật, khi đọc
sách Công vụ tông đồ, chúng ta không khỏi ngạc
nhiên trước công trình của Chúa Thánh Thần thực hiện
cho Giáo hội thời sơ khai. Với biến cố
Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các tông đồ trong
ngày Lễ Ngũ Tuần, Giáo hội của Chúa Kitô chính thức
được khai sinh, và cũng từ đấy, Giáo hội
không ngừng lớn mạnh và lan tràn khắp nơi. Với
tác động, hướng dẫn và soi sáng của Chúa
Thánh Thần, các tông đồ được biến đổi
cách lạ lùng. Có thể nói, các ngài đã đi từ thái cực
này đến thái cực kia: từ nhát
đảm, sợ hãi đến dũng cảm, hiên ngang; từ
quê mùa, dốt nát trở thành trí thức, khôn ngoan và hùng biện
tài tình. Đây là một cuộc lột xác của
các tông đồ trong Chúa Thánh Thần.
Như vậy, có nhiều người thắc
mắc rằng: ngày nay, Chúa Thánh Thần có còn hiện xuống
với Giáo hội nữa hay không? Đâu là những
tác động và biến đổi của Ngài trên cuộc
đời chúng ta?
Là những tín hữu đích thực, chắc
chắn chúng ta đã được nghe nói, được
giảng dạy về Chúa Thánh Thần, được lãnh
nhận Chúa Thánh Thần qua Bí tích Thêm sức,
nhưng rất có thể Ngài vẫn còn là Đấng quá xa
lạ đối với chúng ta. Rất có thể, Bí tích Thêm sức chỉ còn là một kỷ niệm
đẹp trong nhiều biến cố xảy ra trong đời
sống hằng ngày của chúng ta mà thôi. Bí tích Thêm sức không làm cho chúng ta ý thức về
sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong chúng ta
và sai chúng ta đi làm chứng nhân cho Đức Giêsu Kitô.
Đâu rồi những tác động
của Chúa Thánh Thần trên cuộc đời của chúng
ta? Có lẽ, chúng ta đang chờ đợi Chúa Thánh
Thần đến làm những chuyện “kinh thiên động
địa” nơi chúng ta hay sai chúng ta đi một cách trực
tiếp để làm những chuyện “dời non lấp
bể”!
Chúa Thánh Thần không ở xa mỗi
người chúng ta đâu. Ngài luôn có mặt
khi chúng ta chân thành mở sách thánh để đọc Lời
Chúa, rung động trước một đoạn Lời
Chúa và muốn sống Lời Chúa trong đời thường.
Ngài có mặt khi chúng ta âu ếm gọi tên Chúa Giêsu trên môi miệng
chúng ta (1Cr 12,3) hay gọi Thiên Chúa là Cha
đầy lòng từ ái (Rm 8,15). Ngài có mặt khi chúng ta quyết
tâm hoán cải sau một lỗi lầm hay khi ta muốn tiến
lên một bước mới trong đời sống cầu
nguyện và đời sống thiêng liêng.
Chúa Thánh Thần là tình yêu trọn
hảo của Chúa Cha và Chúa Con. Ai biết sống yêu
thương tha thứ, cho đi và hi sinh thì sẽ
được tháp nhập vào tình yêu trọn hảo ấy
để sống trong sự sống của Thiên Chúa.
Chúa Thánh Thần chẳng ở
xa Giáo hội hôm nay. Ngài luôn hiện diện
và thổi những luồng sinh khí mới cho Giáo hội.
Ngài làm cho Giáo hội được hiệp nhất và bình
an bằng cách ban những đặc sủng khác nhau cho nhiều
người để họ phục vụ lợi ích chung. Ngài hiện diện nơi các vị lãnh
đạo Giáo hội, nhưng Ngài cũng có mặt nơi
những nhóm giáo dân, như xưa kia, Ngài
đã hiện xuống trên các tông đồ, trên nhóm môn
đệ và trên cả lương dân vậy. Ngài đang hiện diện trong các Bí tích, trong mỗi
Thánh lễ. Ngài thánh hoá bánh rượu
để trở nên Mình và Máu Đức Giêsu Kitô. Chúa Thánh Thần là linh hồn của Giáo hội;
không có Ngài, Giáo hội chỉ là cơ cấu đáng nghi ngờ.
Chúng ta hãy để Chúa Thánh Thần tự do
hoạt động trong chúng ta. Hãy mở tung
các cánh cửa nơi tâm hồn chúng ta để Chúa Thánh Thần
thổi những luồng sinh khí mới vào lòng chúng ta. Chúng ta sẽ thấy những biến đổi
kỳ diệu khi chúng ta trở nên mềm mại hơn
để cho Ngài dẫn dắt; khi chúng ta bớt cứng cỏi
để cho Ngài canh tân; khi chúng ta không dập tắt tiếng
nói của Ngài nơi cõi lòng của chúng ta.
Chúa Thánh Thần vẫn đang
hiện xuống trong mỗi khoảnh khắc của cuộc
đời chúng ta.
|