Lễ Chúa Thánh Thần
Hiện Xuống
(Suy
niệm của Lm. Giuse Nguyễn Văn Tuyên)
Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy ngự
đến!
Trong kho
tàng văn chương Ấn giáo có ghi lại câu chuyện
như sau: Có một đệ tử đến thưa với
vị linh đạo của mình: “Thưa thầy, con muốn
gặp Chúa”. Vị linh đạo chỉ
đáp trả bằng một cái mỉm cười thinh lặng.
Ngày hôm
sau, người môn sinh trở lại và bày tỏ cũng một
ước muốn. Vị linh đạo vẫn
mỉm cười tiếp tục giữ sự im lặng
cố hữu của ông.
Một
ngày đẹp trời nọ, ông đưa người
thanh niên đến một dòng sông. Thầy trò
cùng trầm mình xuống nước. Chờ cho người
đệ tử cảm thấy hoàn toàn thoải mái trong
dòng nước mát, bất thần, vị linh đạo
túm lấy anh và dìm xuống nước hồi lâu. Người thanh niên cố gắng vùng vẫy
đế trồi lên mặt nước. Lúc bấy giờ
vị linh đạo mới hỏi anh: “Khi bị dìm xuống
nước như thế, con cảm thấy cần điều
gì nhất?”. Không một chút suy nghĩ,
người đệ tử đáp: “Thưa thầy, con cần
có không khí để thở””.
Lúc bấy
giờ vị linh đạo mới dẫn giải: “Con cảm
thấy cần gặp Chúa như con cần khí thở không?
Nếu con cảm thấy cần như thế, con sẽ gặp
được Ngài tức khắc. Ngược lại, nếu
con không hề cảm thấy cần như thế thì cho dù
con có vận dụng tất cả tài trí và cố gắng, con cũng sẽ không bao giờ gặp
được Ngài”.
ÙÙÙ
Chúa Thánh Thần là Đấng nào ?
Cùng với toàn thể Hội Thánh, hôm
nay, chúng ta long trọng mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện
Xuống. Khi nói đến Chúa Thánh Thần, có
lẽ, chúng ta chỉ biết Ngài là Ngôi Ba Thiên Chúa mà thôi.
Đối với không ít người Công Giáo,
Chúa Thánh Thần như một Đấng xa lạ, thậm
chí, Ngài chẳng có ảnh hưởng gì mấy tới
đời sống của chúng ta. Nhưng
thực ra, Chúa Thánh Thần có vai trò vô cùng quan trọng không
chỉ trong đời sống của Giáo Hội, mà còn
trong cả đời sống của mỗi người
chúng ta nữa.
Vai trò của Chúa Thánh Thần trong hoạt
động của Hội Thánh
Ngay từ những trang đầu của
Thánh Kinh, chúng ta đã nhận thấy sự hiện diện
của Chúa Thánh Thần trong công cuộc tạo dựng qua
hình ảnh: “Thần Khí Chúa bay là là trên mặt nước”,
làm tác sinh muôn loài muôn vật. Thần Khí Chúa được
ban cho các ngôn sứ, các vua cũng như các vị thủ
lãnh, để các ngài thi hành và chu toàn bổn
phận của mình trước mặt Thiên Chúa.
Bước sang thời Tân Ước,
Chúa Thánh Thần không ngừng hướng dẫn các hoạt
động trong cuộc đời Chúa Giêsu, kể từ
lúc Ngài thành hình trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria (Vì
Chúa Giêsu thụ thai bởi phép Đức
Chúa Thánh Thần) cho tới tận đỉnh đồi Golgotha. Sau cùng, Thiên Chúa Cha đã dùng quyền
năng Chúa Thánh Thần làm cho Đức Giêsu sống lại
từ cõi chết.
Kể từ sau khi Đức
Giêsu về trời cho đến hôm nay, Chúa Thánh Thần hằng
hoạt động để hướng dẫn Hội
Thánh. Ngài làm cho Giáo Hội
được hiệp nhất bằng cách ban những
đặc sủng khác nhau cho nhiều người để
họ phục vụ lợi ích chung. Ngài hiện diện nơi các vị lãnh đạo
Giáo Hội, Ngài cũng có mặt nơi các nhóm giáo dân. Ngài hiện diện trong các Bí Tích, trong mỗi thánh
lễ. Ngài thánh hóa bánh rượu để
trở nên Mình và Máu Đức Kitô. Thế nên, có thể
nói rằng: Chúa Thánh Thần là linh hồn của Giáo Hội;
không có Ngài, Giáo Hội chỉ là một cơ cấu giống
như bất cứ một cơ cấu tổ chức xã
hội nào khác.
Vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời
sống chúng ta
Kể từ khi lãnh Bí tích
Rửa tội, Chúa Thánh Thần hằng hướng dẫn
cuộc đời mỗi người chúng ta. Đặc biệt, qua Bí Tích Thêm Sức,
chúng ta nhận được một cách dồi dào bảy
ơn Chúa Thánh Thần, giúp chúng ta trở nên “chiến sĩ
Chúa Kitô”, can đảm làm chứng cho Chúa giữa cuộc
đời. Chúa Thánh Thần còn có mặt khi ta
rung động trước một đoạn Lời
Chúa. Ngài có mặt khi ta muốn tiến một bước
mới trong đời sống cầu nguyện, trong đời
sống thiêng liêng…
Không những thế, Chúa
Thánh Thần là nguyên lý của sự hiệp nhất các Kitô
hữu. Câu chuyện tháp
Baben xưa, loài người vì kiêu ngạo, muốn bằng
Thiên Chúa nên đã bị chia rẽ và phân tán, thì nay, nhờ sức
mạnh của Chúa Thánh Thần, các tông đồ có thể
nói mà nhiều người thuộc các ngôn ngữ khác nhau
đều hiểu được; mọi người ở
các quốc gia khác nhau cùng tuyên xưng một niềm tin vào
Chúa.
ÙÙÙ
Trong khi hiện ra với các môn đệ,
cùng với việc thở hơi để trao ban Thần
Khí, Chúa Giêsu còn ban bình an cho các môn đệ, đang khi các
ông lo lắng, phiền muộn. Như vậy, Chúa Thánh Thần
còn là nguồn bình an mà Chúa Giêsu trao tặng
cho mỗi người chúng ta. Khi lãnh nhận món quà đó,
chúng ta cũng được mời gọi trở nên bình an cho những người chúng ta gặp gỡ,
nhất là những người đang sống trong cảnh
khốn cùng; để chớ gì, bất cứ nơi
đâu có dấu chân của chúng ta bước tới,
nơi đó có sự bình an.
Mừng lễ Chúa Thánh Thần
hiện xuống là một cơ hội nhắc nhở mọi
người chúng ta suy nghĩ lại về vai trò của
Chúa Thánh Thần trong đời sống chúng ta. Chúa Thánh Thần, dù được
cầu khấn mỗi khi chúng ta bắt đầu một
công việc, nhưng dường như sự kêu cầu
này đã trở nên máy móc, và chúng ta không còn ý thức đến
sự hiện diện của Ngài trong đời sống của
người Kitô hữu chúng ta. Chúng ta chưa lắng
nghe và vâng theo sự chỉ dạy và
hướng dẫn của Ngài. Làm sao để
Chúa Thánh Thần có một chỗ đứng quan trọng
trong cuộc đời chúng ta?
Thánh Phaolô tông đồ nói: “Có nhiều
đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần
Khí” (1Cr 12,4). Như vậy, mỗi thành
phần trong Giáo hội đều có những vai trò khác
nhau, nhưng cùng một mục tiêu chung
là xây dựng thân thể Hội Thánh. Mỗi
người chúng ta hãy duyệt xét lại bản thân mình
xem, tôi đã sử dụng những ơn huệ Chúa ban
như thế nào? Tôi đã dùng để
phục vụ và xây dựng Hội Thánh Chúa, hay sử dụng
vào mục đích khác?
Chúa Thánh Thần đã,
đang và vẫn còn hoạt động trong Hội Thánh, thế
nhưng, đôi lúc, chúng ta chưa nhận ra Ngài là vì như
câu chuyện kể trên, chúng ta chưa khao khát Ngài cho đủ,
chưa mong muốn Ngài thực sự. Dâng thánh lễ hôm nay, chúng
ta hãy cầu xin Đức Mẹ hướng dẫn chúng
ta, như xưa, Mẹ đã hướng dẫn các môn
đệ trong nhà Tiệc Ly, để chúng ta có thể mở
lòng ra, đón nhận một cách dồi dào những nguồn
ơn phúc vô biên của Chúa Thánh Thần. Amen.
|