Hơi thở của Thiên Chúa
(Trích trong ‘Niềm
Vui Chia Sẻ’)
Trong kho tàng văn chương Ấn
giáo có ghi lại câu chuyện như sau: Có một đệ
tử đến thưa với vị linh đạo của
mình: “Thưa thầy, con muốn gặp Chúa”. Vị linh
đạo chỉ đáp trả bằng một cái mỉm
cười thinh lặng.
Ngày hôm sau, người môn sinh trở
lại và bày tỏ cũng một ước muốn. Vị
linh đạo vẫn mỉm cười tiếp tục giữ
sự im lặng cố hữu của ông. Một ngày đẹp
trời nọ, ông đưa người thanh niên đến
một dòng sông. Thầy trò cùng trầm mình xuống nước.
Chờ cho người đệ tử cảm thấy hoàn
toàn thoải mái trong dòng nước mát, bất thần vị
linh đạo túm lấy anh và dìm xuống nước hồi
lâu. Người thanh niên cố gắng vùng vẫy đế
trồi lên mặt nước. Lúc bấy giờ vị linh
đạo mới hỏi anh: “Khi bị dìm xuống nước
như thế, con cảm thấy cần điều gì nhất?”.
Không một chút suy nghĩ, người đệ tử
đáp: “Thưa thầy, con cần có không khí để thở””.
Lúc bấy giờ vị linh đạo
mới dẫn giải: “Con cảm thấy cần gặp
Chúa như con cần khí thở không? Nếu con cảm thấy
cần như thế, con sẽ gặp được Ngài
tức khắc. Ngược lại, nếu con không hề
cảm thấy cần như thế thì cho dù con có vận dụng
tất cả tài trí và cố gắng, con cũng sẽ không
bao giờ gặp được Ngài”.
Anh chị em
thân mến,
Sự sống
của chúng ta là do Thiên Chúa ban tặng. Chính nhờ tham dự
vào sự sống của Ngài mà chúng ta được sống.
Bao lâu còn hơi thở là còn sống. Tắt thở là chết.
Trong buổi đầu công trình tạo dựng. Thiên Chúa
đã thổi hơi vào Ađam, con người đầu
tiên, để Ađam có sự sống, để Ađam
trở nên bạn hữu của Thiên Chúa. Chúa Giêsu Phục
Sinh cũng đã lặp lại hành động ấy khi
Ngài xuất hiện giữa các môn đệ và thổi
hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”
(Ga 20,22). Nhận lấy Thánh Thần là nhận lấy sự
sống của Thiên Chúa, là nhận lấy tinh thần của
Thiên Chúa. vì Thánh Thần là Thần Khí, là Hơi Thở của
Thiên Chúa.
Ađam đã nhận
được hơi thở của Thiên Chúa để sống
vai trò nguyên tổ của loài người. Các môn đệ
cộng đoàn Phục Sinh đã nhận được
hơi thở của Thiên Chúa để làm chứng về
Chúa Giêsu Kitô. Mỗi người chúng ta, cũng đã nhận
được hơi thở của Thiên Chúa khi chúng ta
được dìm trong Nước Thánh Tẩy và được
xức dầu trong bí tích Thêm Sức. Hơi thở, sức
sống, tinh thần của Thiên Chúa được “hà
hơi” vào trong ta. Vấn đề là chúng ta có biết sống
bằng hơi thở Thần Linh ấy không. Thánh Phaolô khi
nói về các ơn sủng Thiên Chúa ban cho mọi chi thể
thuộc thân thể Đức Kitô đã đề cao Đức
Ái như một đặc ân của Thánh Thần.
“Đức Ái
thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương,
không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất
chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận
thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy
điều chân thật. Đức Ái tha thứ tất cả,
tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả”
(1Cr 13,4-7).
Sống đức
Ái, sống yêu thương là sống bằng hơi thở
của Thiên Chúa, là kết hợp với Thiên Chúa Tình Yêu, là
sống trong Thánh Thần. Chỉ có yêu thương mới
làm cho con người sống và phát triển thực sự.
Chỉ có yêu thương mới làm cho con người thay
đổi, canh tân, hoán cải. Ai yêu thương nhiều
là người ấy thay đổi nhiều, vì tình yêu sẽ
dẫn đưa chúng ta đến chốn vô cùng, vô tận
của cuộc sống. Ai yêu thương nhiều và yêu
thương thực tình sẽ không còn là mình nữa, mà là dụng
cụ của Tình Yêu Thiên Chúa, sẽ nên giống như Thiên
Chúa.
Thưa anh chị
em,
Một cộng
đoàn thiếu yêu thương thì không bao giờ có hợp
nhất, không bao giờ có sức thuyết phục
được những người chung quanh. Vì chỉ có
yêu thương mới san bằng được những
khoảng cách, mới lấp đầy những cách biệt,
mới giúp bổ túc cho nhau giữa những cái chênh lệch,
khác biệt nhau. Các tín hữu tiên khởi đã bán hết của
cải ruộng đất để làm của chung, để
sống giới răn yêu thương của Thầy.
Đó phải là hình ảnh gợi ý cho những sáng kiến
yêu thương của chúng ta. Chỉ khi nào mỗi thành viên
của Hội Thánh đem hết tài năng, đặc sủng
của mình đã nhận lãnh làm thành của chung của cộng
đoàn, thì lúc ấy mới có sự hợp nhất thực
sự của một thân thể nhiều chi thể là Hội
Thánh Chúa Kitô.
Nhưng chúng ta
chỉ biết sống yêu thương nếu như chúng
ta biết đặt mình dưới sức tác động
của Thánh Thần: Chẳng những Ngài là Đấng An Ủi,
soi sáng mà Ngài còn là Đấng Thanh Tẩy chốn nhơ bẩn,
tưới gội chỗ khô khan, chữa lành thương
tích, uốn nắn điều cứng cỏi, sưởi
ấm chỗ lạnh lùng… (Ca tiếp liên). Chỉ có Thánh Thần
mới làm cho các tổ chức của con người có sức
sống, có tinh thần Tin Mừng… Đổi mới tư
duy, đổi mới đời sống, đổi mới
cơ chế xã hội đều cần đến sức
mạnh và ân sủng của Thánh Thần Thiên Chúa, vì Ngài là
hơi thở của Thiên Chúa, hơi thở không ngừng
làm sống mọi tạo vật.
Anh chị em
thân mến,
Hãy mở rộng
tâm hồn đón nhận những luồng gió mới mà
Thánh Thần Chúa đang thổi trong lòng các dân tộc, trong
lòng con người trước ngưỡng cửa Thiên
Niên Kỷ Thứ Ba. Chớ gì Thánh Thần Thiên Chúa cũng
thổi vào lòng chúng ta, vào cộng đoàn chúng ta một luồng
gió đổi mới cũng mạnh liệt như thời
các Tông đồ, để Hội Thánh luôn tươi trẻ
và tràn đầy sức sống.
Xin hãy đến, lạy Chúa Thánh
Thần và xin canh tân bộ mặt trái đất của
chúng con.
|