Chúa
Thánh Thần hiện xuống --- Suy niệm của ĐHY
Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng
Hôm nay chúng ta mừng lễ Chúa Thánh Thần
hiện xuống, có thể nói đây là ngày khai nguyên Giáo Hội,
ngày mà cộng đồng các tín hữu đầu tiên
được thành lập và ra mắt thế giới. Trong bài này, tôi sẽ nói về vai trò của Chúa
Thánh Thần trong cộng đồng các tín hữu Chúa Ki-tô.
Trong đời sống cộng đồng
các tín hữu, Chúa Thánh Thần có một vai trò rất quan trọng
và cần thiết, tương tự như vai trò của
linh hồn đối với các phần mình trong thân xác con
người. Thân xác chúng ta có nhiều bộ phận, nhiều
thành phần khác nhau: có đầu, mình, chân tay,
mắt mũi, miệng. Các thành phần đó
hòa hợp, thông cảm với nhau là nhờ có linh hồn
bên trong. Khi linh hồn ra khỏi xác thì
các phần thân xác tuy vẫn còn, nhưng không thông cảm với
nhau nữa. Khi còn linh hồn bên trong nếu chân ta giẵm
phải cái gai thì cả thân thể đều thông cảm
và hiệp lực để giúp đỡ: mắt nhìn xem
gai ở đâu, mình cúi xuống, tay rút
gai ra, rửa vết thương và rịt lại cho cầm
màu. Khi linh hồn lìa xác nếu ta có chặt cái chân đi thì
cái tay cũng bất động và thân thể
cũng không cảm thấy đau. Thế rồi,
trong ít lâu, các tế bào tan rữa, thit xương trở
nên tro bụi, tại sao thế? – Tại vì thiếu hồn
sống bên trong, có hồn sống bên trong thì các phần thân
thể mới hợp nhất và thông cảm với nhau. Không có hồn sống thì các phần thân thể sẽ
bị phân hủy và tách lìa nhau. Vai trò của
Chúa Thánh Thần trong cộng đồng các tín hữu
cũng tương tự như vậy. Nghĩa là
Chúa Thánh Thần là linh hồn sống bên trong làm cho các tín hữu
thông cảm và hợp nhất với nhau thành Thân
thể Mầu nhiệm của Chúa Ki-tô.
Theo sách Tông Đồ Công Vụ thuật
lại thì ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần hiện
xuống, có rất đông người thuộc nhiều
dân tộc khác nhau, nhưng đều hiểu tiếng nói của
Các Tông đồ như tiếng mẹ đẻ của
mình. Thánh Phê-rô thay mặt các Tông đồ giảng
về Đức Giê-su chính là Đấng Cứu thế
đã chết và sống lại. Khi ấy họ hết
sức cảm động, hỏi ông Phê-rô rằng: “Chúng
tôi phải làm gì?” – Ông Phê-rô đáp: “Anh chị em hãy thồng
hối và chịu phép Rửa tội nhân danh Chúa Ki-tô cho
được khỏi tội sau đó anh chị em sẽ
được lĩnh ơn Chúa Thánh Thần…”.
Những người tin lời ông Phê-rô đã xin chịu
phép Rửa tội, ngày đó có độ 3000 người
xin theo Đạo. Các
người này chăm chỉ nghe các Tông đồ giảng
dạy, siêng năng cùng nhau dự lễ bẻ bánh và cầu
nguyện. Các tín hữu sống hiệp nhất và
để mọi của cải làm của chung.
Họ bán ruộng đất, gia sản lấy tiền
phân chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu (Tđcv 2,37-44).
Đấy, vai trò của
Chúa Thánh Thần trong cộng đồng các tín hữu cần
thiết và quan trọng như vậy. Nếu không có Chúa Thánh Thần
thì chúng ta không thể hiểu nhau, không thể tin nhau và không
thể đoàn kết với nhau thực sự và lâu bền
được, tại sao thế? – Tại vì mỗi
người đều mang trong mình tính ích kỷ và lòng tự
ái. Tính ích kỷ là chứng bệnh di truyền,
nằm trong mình con người từ lúc sinh ra và nó còn lớn
lên với tuổi đời. Một em bé con chưa
làm ích gì cho ai đã biết ích kỷ rồi: khi cha mẹ
chia quà cho các con, đứa nào cũng tranh phần hơn,
khi cha mẹ chia công việc, đứa nào cũng muốn
chọn việc nhẹ, đấy là ích kỷ. Lòng tự
ái cũng là con sâu mọt đục khoét sự hợp nhất.
Kinh nghiệm cho thấy có những người rất nhiệt
tình trước công việc chung, nhưng chỉ nhiệt
tình khi nào ý kiến của họ được nghe theo, bản
thân họ cũng được đề cao, còn khi
người khác phê bình hay bác bỏ ý kiến của họ
thì họ bất mãn, phá ngang và bỏ dở công việc, tại
đâu? – Thưa: Tại lòng tự ái. Ích kỷ
là chứng bệnh di truyền, tự ái là con mọt phá hoại
sự cảm thông và tình đoàn kết. Cũng
một câu nói, một từ ngữ mà người hiểu
thế này, người hiểu thế khác, như vậy
thì đoàn kết thế nào được? Sống chung với nhau mà hiểu lầm nhau, chia rẽ
nhau, thật là bất lợi và nguy hiểm. Không nói gì những
đoàn thể lớn như quốc gia quốc tế, ngay
một đoàn thể nhỏ như gia đình, vợ chồng
mỗi người một ý kiến, mỗi người một
tính tình, đời sống chung rất khó chiu, nói ra thì cãi
nhau, không nói thì nặng nề, ai cũng thấy khổ
nhưng không làm cách nào giải quyết. Nhưng
nếu có Chúa Thánh Thần thì người ta sẽ tránh
được bao nhiêu chuyện phức tạp gây chia rẽ
và người ta sẽ cảm thông đoàn kết với
nhau một cách dễ dàng.
Sau đây, ta rút ra mấy bài học thực
hành:
1.
Ta
hãy năng cầu xin Chúa Thánh Thần đem lửa tình
thương từ trời xuống, làm bùng cháy lên trong nhân
loại, để phá tan những căm thù chia rẽ
đang làm xáo trộn khắp nơi trên thế giới.
2.
Khi
có sự bất bình chia rẽ xẩy ra trong gia đình ta hoặc
trong mối quan hệ giữa ta với người khác, ta
đừng kêu ca phàn nàn, cũng đừng đổ lỗi
cho ai, như vậy chẳng giải quyết được
gì, mà càng đào sâu hố ngăn cách. Tốt hơn hết
là ta hãy ngửa mặt cầu xin Chúa Thánh Thần, là Thần
Hợp Nhất, ngự xuống trong tâm hồn mỗi
người để phá tan sự hiểu lầm, hàn gắn
mọi chia rẽ đang đe dọa đời sống cộng
đồng của chúng ta.
Như vậy sẽ kết
quả hơn bất cứ một giải pháp nào. Bởi vì nếu Chúa không
xây nhà thì thợ xây cũng vô ích, nếu Chúa không canh thành thì
lính canh cũng luống công. Kinh Thánh dạy
như vậy.
Để
kết luận, tôi kể lại đây câu chuyện biến
ngôn của một nhà văn Thụy Điển đại
ý như sau: Một hôm, vào một buổi sáng mùa hè, trời
quang mây tạnh, các sinh vật, thực vật trong một
khu rừng tranh luận với nhau về ý nghĩa đời
sống. Một con họa mi mở đầu, lên tiếng
nói: Đối với tôi, cuộc sống chỉ là ca hát,
có thế thôi. Nói rồi nó ngẩng cao cổ, tung lên bầu
trời một giọng hát trong trẻo tuyệt diệu.
Nghe thế,
con chuột chũi liền lẩm bẩm: Cuộc sống
không phải là ca hát, không, hoàn toàn không, nhưng cuộc sống
là liên tục đấu tranh trong hầm tối.
Một chị
bướm ngắt lời: Như vậy thì thật vô lý. Nhưng cuộc sống phải là thỏa thích vui
chơi bay lượn.
Đến
lượt con ong lên tiếng: Chị bướm ơi, chị
lầm rồi. Đời sống không phải là vui
chơi bay lượn, nhưng là chăm chỉ làm việc.
Một
chú kiến vênh râu, tỏ ý tán thành quan điểm của
con ong.
Bỗng một
con phượng hoàng từ trời nói vọng xuống: Tất
cả các chú không ai nói đúng cả. Theo ý tôi thì cuộc sống
có ý nghĩa nhất là tự do bay bổng trên mây xanh.
Tới
đây, các cây trong rừng cũng nhao nhao lên lên tiếng tham gia vào cuộc tranh
luận: Một cây thông cao vút, cành lá reo vui trong gió, dưới
ánh bình minh , lên tiếng khen ý kiến của con phượng
hoàng là đúng: Đời sống là vươn mình lên không
trung, coi thường những cái nhỏ nhen sà sà mặt
đất. Cây bìm leo liền phản
đối và đồng tình với chị kiến, chú ong:
Đời sống là cần lao phấn đấu.
Cây hồng
thắm và cây huệ trắng thì về phe với cô bướm,
đồng thanh nói: Đời sống chỉ là vui chơi
bay lượn.
Lúc ấy, một đám
mây bay qua, buông rơi mấy hạt mưa xuống đám
sinh vật, thực vật, đồng thời phát biểu:
Đời sống chỉ là giọt lệ cay đắng
và nước mắt.
Một
dòng suối chảy ngang qua đó cũng xen vào một câu:
Đời sống chỉ là mau qua biến chuyển không ngừng.
Trong lúc mà
cuộc tranh luận về ý nghĩa đời sống giữa các sinh vật, thực vật
và cả mây trời suối nước lên tới cao điểm,
nhưng không đi tới kết thúc, thì chuông nhà thờ lên
tiếng ngân vang báo hiệu mừng lễ Hiện Xuống
làm cho cuộc tranmh luận đang sôi nổi bỗng im bặt.
Tất cả đều nhất trí rằng câu trả lời
đúng nhất về ý nghĩa đời sống là sự
bình an, vui mừng, sức mạnh và hòa hợp trong Chúa Thánh
Thần.
Thưa anh chị em thân mến,
Trên đây chỉ là một câu chuyện
biến ngôn, không có thực, nhưng nói lên sự thực
này là Chúa Thánh Thần có một
vai trò rất quan trọng, vai trò chính yếu trong việc
điều hòa vũ trụ vạn vật nói chung và loài
người nói riêng. Không có Chúa Thánh Thần
thì mọi sự sẽ hỗn độn, mọi loài sẽ
bất đồng, loài người sẽ chia rẽ nhau.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy
đến tác tạo mọi sự và làm cho mặt đất
này được đổi mới. Amen
|